Bữa nay nhìn thấy cái tin này thì mới sực nhớ ra là trong năm nay, một đại hội Sci Fi đình đám sẽ diễn ra ngay sát nách chúng ta này anh em.
Chinese New Year: Construction continues over holiday season to complete Eye of Science Fiction |
Trong trường hợp anh em không biết thì trong cộng đồng SFF nhà ta, có một sự kiện gọi là World Science Fiction Convention (gọi tắt là Worldcon) do một bên có tên World Science Fiction Society (WSFS) tổ chức. Sự kiện là một hội nghị quốc tế thường niên, lần đầu tổ chức vào năm 1939, và được coi là hội nghị chuyên về Sci Fi lớn nhất cũng như lâu đời nhất thế giới (mặc dù cũng mở rộng ra để bao trọn cả Fantasy nữa). Hội nghị bao gồm hàng loạt hoạt động hấp dẫn, chạy từ triển lãm các tác phẩm và hiện vật đáng chú ý cả trong Sci Fi lẫn khoa học, giao lưu với các nhân vật và chuyên gia nổi trội của dòng, công bố tác phẩm đoạt giải Hugo (phiên bản Oscar của SFF) năm vừa rồi,…
Worldcon có một điểm đáng chú ý là nó không được tổ chức ở nơi nào cố định cả. Mỗi năm, ban tổ chức sẽ tiến hành mở bình bầu để tìm địa điểm cho Worldcon. Mọi địa phương thuộc bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có thể tham gia đấu thầu, và các hội viên của WSFS sẽ vào bỏ phiếu cho địa điểm mình mong muốn. Sau khi lọt qua vòng bầu cử, đội ngũ lãnh đạo WSFS sẽ tiến hành kiểm định khả năng tổ chức của bên thắng, và nếu thấy ok thì địa điểm tổ chức Worldcon sẽ chính thức được chốt, và chính quyền địa phương trúng thầu sẽ có 2 năm để chuẩn bị.
Trong năm 2021 vừa rồi, có hai bên tham gia đấu thầu cho Worldcon 2023 là Trung Quốc và Canada. Sau một thời gian tổ chức các chiến dịch vận động, rốt cuộc Trung Quốc đã trúng thầu, và Worldcon năm nay sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 10 tại Thành Đô (cụ thể là từ ngày 18/10 cho đến 22/10, chi tiết tham khảo ở đây: https://en.chengduworldcon.com/), một nơi từ lâu đã được coi như thủ phủ Sci Fi của Trung Quốc, nơi xuất xưởng của hàng loạt nhà văn Sci Fi đình đám của nước này (Lưu Từ Hân thành danh cũng nhờ xuất bản truyện qua Science Fiction World, một tạp chí Sci Fi với trụ sở ở Thành Đô).
Nhằm phục vụ hội nghị, phía Trung Quốc đã khởi công xây dựng nguyên một viện bảo tàng mới, gọi là Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô. Đây là một cụm công trình với tổng diện tích gần 60.000 mét vuông, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm nay (anh em nào muốn biết nó trông ra sao thì có thể tham khảo link này: http://en.chengduworldcon.com/news9/). Sở dĩ nó được đầu tư đến thế bởi vì chính quyền Thành Đô đang hy vọng rằng ngay cả sau Worldcon, Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò một trung tâm văn hóa quan trọng, cả với khoa học viễn tưởng Trung Quốc/quốc tế lẫn với du khách đến thăm và trải nghiệm Thành Đô.
Hình dạng tòa nhà tích hợp các yếu tố tiêu biểu của nền văn hóa Kim Sa và Tam Tinh Đôi, song vẫn thể hiện nét tương lai thông qua các thiết kế và vật liệu hiện đại. Nổi bật nhất, phần mái của khu chính bảo tàng sẽ gắn một lớp kính ở chính giữa, tạo thành một thứ gọi là “Con mắt Khoa học Viễn tưởng.” Con mắt ấy có diện tích 1.382 mét vuông, đại diện cho cái tuổi 13,82 tỷ năm của vũ trụ, và ngay khi bước vào sảnh, khách tham quan sẽ lập tức được nhìn xuyên qua nó, thấu đến tận trời. Dụng ý của việc bài trí như thế là để thể hiện khát vọng vươn cao và khám phá vũ trụ của con người thông qua cái dòng văn Sci Fi. Ngoài đó ra thì thiết kế của bảo tàng còn rất nhiều điểm thú vị nữa, nếu muốn biết kỹ hơn thì mọi người có thể tham khảo bài phân tích này nhé: https://www.designboom.com/architecture/zaha-hadid-architects-chengdu-science-fiction-museum-china-01-20-2023/.
Vì deadline là tháng 8 phải xong để còn đón khách vào tháng 10, công tác xây dựng đang được tiến hành rất khẩn trương và không ngừng nghỉ. Chính bởi vậy, ngay cả trong lúc người người nhà nhà về quê ăn tết, đội ngũ kỹ sư và công nhân xây bảo tàng vẫn tiếp tục lưu lại công trường và làm việc xuyên tết. Anh em nào muốn biết rõ hơn về tình hình ăn ở của đội ngũ xây dựng cũng như phần việc họ sẽ xử lý trong tết thì có thể tham khảo link bên dưới nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓