Chuyển đến nội dung chính

Review series Gormenghast của Mervyn Peake


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑

8.0/10

TL;DR

Alice in Wonderland, viết bởi Edgar Allan Poe được Charles Dickens nhập hồn.

GIỚI THIỆU CHUNG

Gormenghast là một bộ truyện do Mervyn Peake sáng tác trong giai đoạn 1946-1959, và có một vị trí khá đặc biệt trong mảng SFF. Bộ truyện ra đời loanh quanh giai đoạn Lord of the Rings ra mắt (The Fellowship of the Ring lần đầu xuất bản năm 1954), và từng được hay danh nhiều gần ngang ngửa Lord of the Rings, nhưng ngày nay thì gần như biệt tăm trong tâm trí đại chúng. Dẫu thế, Gormenghast vẫn có một sức ảnh hưởng ngầm rất lớn, khai mở ra nguyên một nhánh Fantasy mới với tên gọi Fantasy of Manner, và hàng loạt gương mặt nổi trội của SFF thời nay, chẳng hạn như Michael Moorcock, Ursula Le Guin, Neil Gaiman, China Mieville, George R. R. Martin, Terry Pratchett, Gene Wolfe, Philip Pullman, Jeff VanderMeer,… đã hoặc công nhận mình chịu ảnh hưởng từ series đấy, hoặc để nó thấp thoáng xuất hiện trong các tác phẩm của bản thân. Chính bởi vậy, Gormenghast thỉnh thoảng vẫn được mệnh danh là “your favorite Fantasy author’s favorite Fantasy” (tức “bộ truyện yêu thích của tác giả Fantasy yêu thích của mọi nhà”).

Về bản thân bộ truyện thì Gormenghast có bối cảnh chủ đạo nằm ở Lâu đài Gormenghast, một lâu đài với kiểu kiến trúc pha trộn giữa Trung Cổ và Gothic, trải rộng mênh mang, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, hiện đang ngày một xuống cấp và trở nên tàn tạ, và được thống trị bởi một gia đình quý tộc tên là Groan. Series xoay quanh cuộc sống của những con người ở trong tòa lâu đài ấy và một vài khu lân cận, cũng như những lễ nghi rườm rà và các toan tính mưu mô của bọn họ.

Chính thức thì Gormenghast có 5 cuốn cả thảy, bao gồm:

  1. Titus Groan*
  2. Gormenghast*
  3. Boy in Darkness
  4. Titus Alone*
  5. Titus Awakes

Anh em cần lưu ý một điều là Mervyn Peake kỳ thực dự định viết một series rất dài, theo chân một nhân vật nhất định từ thuở tấm bé cho đến tuổi trung niên. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, Peake bắt đầu có triệu chứng mắc Parkinson. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cả tâm trí lẫn cơ thể của Peake, và ông đã qua đời khi mới chỉ viết được một tí phần mở của Titus Awakes, và ngay cả phần tài liệu ít ỏi còn tồn lại cũng chỉ có tầm ngàn chữ là đọc được.

Sau khi Peake mất, Maeve Gilmore, vợ ông đã thử dựa vào mớ đấy cũng như những chia sẻ lúc còn sống của chồng để viết ra một phần nối tiếp cho câu chuyện, gọi là Search Without End. Bà viết mấy bản nháp liền, với bản đem cho bạn bè xem đã được loại bỏ hết mọi tình tiết liên quan đến Gormenghast, với hy vọng nó sẽ có thể được đọc như một tác phẩm độc lập. Ngặt nỗi bản thảo của Gilmore có chất lượng tồi quá, thế nên bà rốt cuộc không xuất bản nó. Về sau, lúc Gilmore đã mất rồi, con cháu của Peake lại quyết định xuất bản phần tiếp nối đấy, có điều chọn bản đề cập trực tiếp đến Gormenghast, và xuất bản nó dưới cái tên Titus Awakes: The Lost Book of Gormenghast vào ngày sinh nhật thứ 100 của Peake.

Vì quyển đấy chất lượng quá tồi, chưa kể còn chỉ có một nhúm là do Peake viết, thế nên hầu như chẳng ai buồn đọc nó dưới dạng một phần tiếp nối của series hết. Bên cạnh đó, còn một quyển khác trong series cũng chẳng mấy khi được thiên hạ gộp chung vào quá trình đọc Gormenghast, ấy là Boy in Darkness. Đây chỉ là một truyện ngắn phụ, không có nhiều ý nghĩa đối với mạch chính, và thậm chí trong một ấn bản thời đầu, Peake chỉ ám chỉ mơ hồ rằng đây có liên quan đến Gormenghast thôi chứ chẳng nói thẳng ra nó là một phần của series. Chính bởi vậy, Gormenghast thường toàn được đọc dưới dạng trilogy, bao gồm Titus Groan, Gormenghast, và Titus Alone (đã được mình đánh dấu hoa thị để phân biệt với mấy quyển còn lại). Review này cũng sẽ chỉ xoay quanh 3 quyển đấy.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Thành thật mà nói, đối với phần lớn anh em, Gormenghast sẽ là một series buồn ngủ khôn tả.

Cho đến tít tận tập cuối, series này không hề có một cuộc phiêu lưu kỳ thú nào hết. Nó chỉ xoay quanh chuyện đời và những tương tác của một nhóm người ru rú sống trong một cái lâu đài tàn tạ với nhau. Nó không có một mối nguy long trời lở đất, đe dọa sẽ nhấn chìm một đất nước trong cảnh binh đao hay đánh sập toàn bộ thế giới, mà chỉ có những kìm kẹp của lễ nghi rườm rà và những vẫy vùng vặt vãnh của một nhóm người biệt lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Tất cả những gì chúng ta có là một dạng sở thú người, và trò duy nhất ta có để làm là ngồi nhìn một toán người đi loanh quanh, hết ghé phòng người nọ rồi lại tếch qua phòng người kia, cãi vã ngọt nhạt với nhau. Nó ê a, nó lề mề, nó dông dài theo một cách hiếm ai bì nổi. Sự lờ đờ của nó có khi còn sẽ khiến không ít anh em cảm thấy đây như hiện thân văn học của thuyết tương đối, bởi lẽ một phút ngồi đọc nó sao mà dài tựa cả thế kỷ.

Nhưng quái lạ thay, với một số anh em nhất định, nếu cầm Gormenghast lên đọc, mọi người sẽ cảm thấy bản thân như bị bỏ bùa vậy. Bất chấp biết rằng câu chuyện rất ề à, thấy mãi mà cốt vẫn cứ giậm chân tại chỗ, mọi người vẫn càng lúc càng thấy lún sâu vào trong tác phẩm. Câu chuyện như thể một bãi cát lún, túm dính lấy mọi người, dần dần hút sụt mọi người xuống, không cho mọi người vùng thoát ra. Nguyên nhân là bởi Gormenghast không phải là một câu chuyện gì hết, ít nhất là không phải theo cái chuẩn ta thường kỳ vọng đối với một tác phẩm Fantasy. Nó là cả một trải nghiệm văn học rất độc đáo.

Đến đây, cần rào trước với anh em một tí thế này: Gormenghast có một điểm khá đặc biệt, đó là 2 cuốn đầu của nó (Titus Groan và Gormenghast) gộp thành một câu chuyện tương đối trọn vẹn và riêng rẽ so với cuốn thứ 3. Chính vì vậy, bắt đầu từ đây, mình sẽ nhận xét về 2 cuốn đầu trước, sau đó đá sang nói về thằng thứ 3 sau.

Ok, giờ quay về với review nào.

Thứ góp phần chủ chốt cho việc biến Gormenghast từ một câu chuyện đơn thuần thành một trải nghiệm đầy nhập tâm là cái văn phong của Peake. Khi đọc truyện, anh em sẽ có cảm tưởng đây không phải là những con chữ do một nhà văn viết ra, mà nó là những đường lia cọ siêu phàm của một người họa sĩ đầy tỉ mẩn, được trợ giúp bởi những phép ma vi diệu của một thầy phù thủy bí ẩn nào đấy. Câu văn của Peake không quá phức tạp hay khó hiểu như cái kiểu của nhiều tác giả khác, nhưng nó biến hóa rất điêu luyện, rất tinh xảo. Khi hiệp lại, những con chữ ấy tạo ra một bầu không khí sống động đến phi thường, tấn công cảm quan của người đọc trên mọi mặt trận. Peake ngấm ngầm tạo ra một ảo ảnh trên trang giấy, đánh lừa thị giác của ta rằng đây chỉ là những con chữ thuần túy, trong khi kỳ thực bọn nó là những bóng ma, ngấm ngầm lỉnh ra khỏi quyển sách để bấu lấy thịt da ta, chui vào từng khe kẽ trong não ta để chơi đùa với những dây thần kinh trong đó, khiến ta như cảm thấy cái sự ngột ngạt của câu chuyện, nghe thấy tiếng tí tách của từng giọt nước, nếm thấy cái vị ngai ngái của điêu tàn, ngửi được cái hương hăng của khói nến,… Và cứ khi nào tạm gấp sách lại, ta sẽ như sực tỉnh khỏi một cơn mê, như được đưa từ một thế giới khác trở về, và càng ngẫm càng thấy không thể tin nổi thứ mình vừa đọc lại là chỉ là cái ngôn ngữ tiếng Anh đầy quen thuộc.

Bên cạnh đó, dù rằng không có một cái cốt Fantasy truyền thống, câu chuyện cũng vẫn có những đưa đẩy và kịch tính rất riêng. Chúng chỉ mang tính vi mô thôi, không hơn gì những mưu mô mang tính cá nhân, những phẫn uất, những bức bối, những giận dữ và nghi kỵ nhỏ lẻ, nhưng tất cả đều tạo thành một mạch triều ngầm với những lên xuống thú vị và bất ngờ. Mạch triều đấy không mang sự cuồng nộ và ồ ạt của thác lũ như mạch đẩy của những câu chuyện với các trận chiến oanh liệt giữa thiện và ác, nơi những người hùng oai phong hùng dũng xông vào những giao tranh một mất một còn với bè lũ ác ma độc địa, nhưng nó vẫn có một sức cuốn lẳng lặng, âm thầm. Và vì vốn đã bị câu chữ ma mị của Peake làm mụ đầu óc, đẩy vào một cơn u mê quái đản sẵn rồi, chúng ta sẽ bất giác bị dòng nước ngỡ tưởng tầm thường đấy lẳng lặng kéo tuột đi lúc nào không hay, và chỉ một hồi sau mới giật mình nhận thấy bản thân đã nương theo mạch truyện đi đến tận đẩu tận đâu rồi.

Đến đây, cần tạm ngưng để nói qua một điểm thú vị về Peake cái đã. Dẫu là dân Anh, ông lại được sinh ra ở Lư Sơn, Trung Quốc, và đã có gần chục năm tuổi thơ sống tại đấy (chia làm 2 giai đoạn, 1 là từ lúc mới sinh đến khi ông 3 tuổi, 2 là từ lúc 5 tuổi cho đến 11 tuổi). Chính vì thế, Peake chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cái văn hóa nặng về truyền thống, đề cao danh dự dòng họ, với đủ thứ nghi lễ lằng nhằng và phức tạp, và điều này thể hiện rất rõ trong cái cách đưa đẩy của Gormenghast. Truyện lồng ghép vào trong cốt những theme rất hấp dẫn về kỳ vọng xã hội cũng như những gò bó của truyền thống vào trong cái mạch cốt của mình, để xung đột chính nảy sinh từ cái kiểu cấu trúc xã hội cứng nhắc nhiêu khê, kìm kẹp tự do cá nhân theo cái kiểu vừa mang hương sắc phương Tây mà cũng lại vừa thấp thoáng bóng dáng Á Đông.

Với độc giả phương Tây, điều này hẳn mang đến cho câu chuyện một sắc mới mẻ và lạ lẫm, nhưng với những người châu Á như chúng ta, đặc biệt lại còn là dân một đất nước chịu ảnh hưởng cực lớn từ văn hóa Trung Quốc, Gormenghast lại trở nên thân thuộc đến lạ thường, vì những vẫy vùng và bức bối của nó chạy rất sát với những gì hẳn không ít anh em đã từng trải qua. Đặc biệt, nếu có anh em nào ăn phải một cái combo hủy diệt như mình, ấy là tình cờ sinh ra làm trai trưởng trong nhà kiêm cháu đích tôn của dòng họ với gia đình có người ít nhiều trọng lễ giáo, mọi người sẽ thấy bị lôi cuốn rất mạnh bởi những gì đang diễn ra trong truyện.

Nhưng khốn nạn thay, tự nhiên cái quyển thứ 3 lại tòi ra.

Trên lý thuyết, Titus Alone, quyển 3 của series sẽ có một cái cốt hấp dẫn hơn 2 quyển đầu. Đây là lúc mọi người bắt đầu thấy câu chuyện có một cuộc phiêu lưu tử tế hẳn hoi, khá giống với những gì có thể được kỳ vọng ở một tác phẩm Fantasy. Có điều nó gần như là một bước ngoặt 180 độ so với 2 quyển Gormenghast đầu, với đến cả cái dòng văn của series cũng bị sửa luôn cơ (sang phần thế giới sẽ nói rõ hơn). Nếu anh em ưng cái kiểu cốt của phần liền trước, cái phần nối tiếp này sẽ khiến mọi người bị sốc nhiệt rất mạnh. Ngay cả nếu anh em có sẵn sàng tiếp nhận cái cốt mới với một đầu óc phóng khoáng và rộng mở, đây vẫn là một bước thụt lùi rất xa so với 2 quyển đầu. Mạch truyện không còn sự tập trung cao độ như trước, bị viết theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, làm được một kỳ tích là vừa khiến người đọc cảm thấy nó quá vội vã, vừa thấy nó quá lề mề (và anh em lưu ý rằng cái phần “lề mề” ở đây nó còn tởm hơn ở cả 2 quyển đầu nữa kia). Cái kết của truyện cũng ngáo đá vô cùng, khiến cho series trở nên vừa điêu vừa dang dở.

Thành thật khuyên anh em là đừng có đọc sang Titus Alone làm gì, dừng ở Titus Groan với Gormenghast thôi là được rồi. Đọc thêm chỉ rước bực vào người, mà câu chuyện cũng chẳng có cái kết nào rõ rệt hơn đâu.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Trước khi bàn về thế giới của Gormenghast, mình muốn nhắc đến cái kiểu xây dựng thế giới của các tác phẩm Fantasy phổ thông cái đã.

Hầu hết các câu chuyện Fantasy mà mọi người đọc sẽ có cái kiểu gầy dựng thế giới rất trực diện. Cụ thể hơn, điều chúng nó làm là tung ra những thứ quái lạ sờ sờ, phi thường theo một kiểu nhìn qua thôi là lác mắt luôn rồi. Các tác phẩm đấy sẽ khiến mọi người trầm trồ với những con quái vật khổng lồ từ trong thần thoại bước ra, những bùa chú ì xèo và phép thuật như có thể vả thẳng vào mặt tự nhiên, những chủng người thanh tú với đôi tai nhọn hoắt hoặc những con golem đất đá to như núi (có khi còn là golem tạo ra từ núi thật) ngang nhiên đi lại giữa thanh thiên bạch nhật. Nói tóm lại là mọi thứ về cái thế giới của chúng nó hiển nhiên lắm.

Riêng Gormenghast thì khác.

Để xây dựng lên thế giới của Gormenghast, Mervyn Peake chẳng buồn cất công tạo ra thứ gì mới mẻ hay khác lạ một cách hiển nhiên cả. Điều ông anh làm là cúi xuống đất và nhặt một hòn sỏi lên, sau đó chìa ra cho mọi người xem. Tất cả những gì anh em thấy là một thứ cực kỳ bình thường, không có một chút lạ lẫm nào cả. Nó là sỏi, được nhặt lên ngay trước mắt chúng ta, không hề bị đánh tráo hay làm gì đặc biệt hết. Ngay cả khi chúng ta đón lấy nó từ tay Peake, lật đi lật lại đủ kiểu, thậm chí còn đưa lên mũi ngửi thử xem có bất kỳ cái gì dị biệt ở cái của nợ này không, ta cũng chỉ có thể đi đến một kết luận duy nhất: đây là một hòn sỏi, không hơn không kém.

Nhưng đúng lúc đó, Peake bắt đầu mở miệng ra.

Việc Peake làm không phải là đọc thần chú hay tụng niệm bất kỳ cái gì khác thường cả. Ông anh chỉ thuần túy tả lại hòn đá đó, tả cái hình dạng tròn tròn của nó, cái sự sần sùi của nó trong tay, cái lớp đất ẩm còn bám theo nó lúc nó được nhặt lên. Nhưng lạ lùng làm sao, cái ngôn ngữ mà Peake sử dụng, cái cách ông chắp nối những con chữ chỉ rất quen thuộc vào với nhau lại như bẻ cong toàn bộ thực tại. Khi nghe lời tả của ông, dẫu rằng đang cầm hòn sỏi trên tay, dẫu rằng đang tận mắt nhìn thấy nó quả thực chỉ là một hòn sỏi giản đơn, dẫu rằng đang được mọi nơron trong não bảo đây là một thứ cực kỳ bình thường, anh em sẽ vẫn bất giác thấy đây không còn chỉ là một hòn sỏi nữa, mà là một cái gì đó còn hơn thế. Câu từ của Peake phủ lên hòn sỏi đấy một trường năng lượng gần như siêu nhiên, biến hóa nó thành một dị vật từ chiều không gian khác lạc vào.

Và cứ thế, với những ngôn từ không chút cao siêu nhưng đầy ma mị và kỳ ảo, Peake dần xây dựng lên cả một tòa lâu đài điêu tàn kỳ khôi. Nó chỉ là một công trình kiến trúc giản đơn, nhưng lại là cả một vũ trụ biệt lập, nơi mọi phiến đá lát sàn, mọi thớ gỗ nội thất, mọi mảnh kim loại làm nên các dụng cụ thường ngày đều như biệt lập với những gì chúng ta biết, bất chấp nếu phân tích bằng lôgíc thuần túy, ta sẽ chẳng thấy có gì lệch ra ngoài khuôn khổ thế giới của chính mình cả. Peake đã làm được một kỳ tích mà cho đến nay gần như chưa ai trong làng Fantasy lặp lại được cả: ông đã tạo ra cả một thế giới riêng, xa rời thế giới chúng ta như cách Trung Địa xa rời Trái Đất, nhưng hầu như chẳng chừa cho ta bất cứ manh mối hay bằng chứng cụ thể nào để chỉ vào cho người khác thấy và bảo đây là một thế giới khác, ngoại trừ một thứ cực kỳ vụn vặt là cái màu mắt của một nhân vật. Gormenghast như trêu ngươi chúng ta với cái sự bình thường đầy bất bình thường của nó, tra tấn ta với một câu hỏi vòng vèo rất ngứa ngáy, đảo theo chiều nào cũng được: sao cái này lại có thể Fantasy đến thế được, trong khi nó phi Fantasy nhường kia cơ mà?

Nhưng may mắn/khốn kiếp thay, cái quyển thứ 3 của series đã xuất hiện như một người hùng/thằng ngáo đá, và phá tung cái sự lấp lửng về thế giới mà Peake đã rất dày công xây dựng trong hai quyển đầu.

Trong Titus Alone, Peake đã đảo bối cảnh của câu chuyện sang một chỗ khác. Ông anh bắt đầu quay về với cái kiểu xây thế giới đậm mùi vỗ mặt. Lúc này, ta có hàng loạt yếu tố khác thường một cách rõ rệt xuất hiện, khiến cho chẳng còn bất kỳ thứ gì để mà nghi ngờ về bản chất của Gormenghast nữa. Trạng thái “lượng tử” Fantasy của nó đã bị phá vỡ, cái hộp Schrödinger đã bị mở ra, và ta đã có bằng chứng không thể chối bỏ rằng Gormenghast tồn tại ở một thế giới biệt lập hoàn toàn với thế giới của mình.

Việc thế giới Gormenghast mất đi nét mập mờ đã khiến cái nét độc đáo của nó sụt giảm khá mạnh thì đã chớ, những thứ ông anh nhồi vào quyển này còn đá bôm bốp vào phần truyện trước nữa chứ. Nó lệch pha kinh khủng với cái thế giới sẵn có của Gormenghast, đẩy câu chuyện từ một thế giới Gothic Fantasy sang một dạng Steampunk pha Raygun Gothic rất tạp nham, chưa kể còn khiến ta không khỏi nghi ngờ lôgíc nội tại của cái thế giới này. Bên cạnh đó, như đã nói trong phần cốt đấy, trong quyển này Peake viết theo kiểu rất cưỡi ngựa xem hoa, và điều này cũng áp dụng luôn cho cả thế giới của nó. Mọi thứ đều mang một vẻ trớt quớt, thiếu đầu tư nghiêm trọng, đặc biệt nếu ta so sánh nó với cái kiểu xây dựng tỉ mẩn đến từng làn hương của những quyển trước. Điều này khiến cho thế giới của Gormenghast dẫu được mở rộng ra rất nhiều, nó lại trở nên loãng toẹt và nhàm chán hẳn đi.

Nói chung là Titus Alone như kiểu một phiên bản Window mới ấy: hiện đại hóa một cách vô lối, và thậm chí còn phá hoại những cái hay của bản trước nữa.

NHÂN VẬT

Khoản nhân vật của Gormenghast thì khá giống với Alice in Wonderland. Cụ thể hơn, nhân vật trong này đại đa số khá một chiều. Họ sẽ có một nét đặc trưng nhất định nào đấy, và nét đó sẽ được tác giả nói khống lên. Peake không đến mức khiến cho các nhân vật của mình kiểu phá vỡ quy luật tự nhiên như Alice in Wonderland đâu, nhưng cũng như với cái thế giới của truyện, anh em sẽ thấy các nhân vật trong này mang một sự lố bịch đến siêu thực. Đáng chú ý là cái lố của họ không gây cho người khác cảm giác gì khó chịu cả, mà nó có một sự hấp dẫn nửa dễ thương, nửa nực cười rất hay, làm ta không thể rời mắt khỏi những hành động mà họ thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng có những đoạn Peake đi vào miêu tả tâm lý nhân vật rất sâu. Ta có thể thấy cách họ phải chật vật sinh sống trong những kìm kẹp vô hình của cái tòa lâu đài này cũng như cái sức nặng ngàn cân của hàng tấn truyền thống cổ hủ, từ đó khiến họ trở nên bất mãn hay đẻ ra những tâm tư thế nào. Đặc biệt, có một cụm nhân vật chính nhất định được đầu tư khá ngon nghẻ, tạo thành một hành trình phát triển tâm lý hấp dẫn xuyên suốt series, khiến cho họ không đến mức nông choèn về nhân cách, và chỉ dựa vào sự dị hợm của mình để hút người đọc như cách các nhân vật của Alice in Wonderland bị tạo dựng.

Nhưng mà cái định mệnh nó chứ, mâm nào cũng có thằng Titus Alone vào phá thối.

Cái quyển ba này gần như lọc sạch toàn bộ dàn nhân vật cũ đi và thay vào bằng những nhân vật mới. Đội này có thể nói là nhạt như nước ốc. Bọn họ không có cái kiểu quái dị khác thường của những nhân vật trong 2 cuốn đầu, và tâm lý diễn tiến cũng không được hấp dẫn như đội kia. Đã thế, Peake còn phóng đi ầm ầm, với mỗi nhân vật chỉ được một nhúm thời gian phát triển, thành thử chẳng có ai được đầu tư tốt như truyện trước.

Người được phát triển tử tế nhất là một nhân vật tồn lại từ 2 truyện trước, nhưng cái hướng đi của thanh niên này thì lại rất là khó ngửi. Đồng chí gốc là một nhân vật khá dễ đồng cảm, nhưng sang bên này thì lại trở thành một kẻ khó ưa vô cùng. Điên nhất là đây lại còn là nhân vật chính của truyện nữa, thế nên ta cứ bị chết tắc với thanh niên suốt cả chặng đường đọc cái quyển chết trôi này. Đimeer sáng duy nhất của thanh niên là đồng chí bị đeo bám bởi một sự điên loạn nhất định, và nó đôi lúc cũng được dẫn dắt khá hay. Hồi kết (nếu có thể gọi đấy là cái kết) của nhân vật này kể cũng có chút ấn tượng, nhưng nó thực sự không thể bù được cho cái khoảng thời gian mình phải cắn răng chịu đựng cái sự ngứa thịt của đồng chí này.

TỔNG KẾT

Gormenghast không phải một series có thể chiều lòng số đông, và chắc sẽ chẳng mấy anh em hợp với cái kiểu dị hợm của nó. Nhưng mình vẫn khuyên mọi người nên thử ngó qua một (nửa) quyển 1 để kiểm tra xem liệu bản thân có hợp với cái thằng này không, bởi vì một khi đã hợp cạ với nó thì sẽ không thể nào rứt ra được luôn. Thêm vào đó, nếu mọi người có quan tâm đến dòng văn SFF nói chung, mình khuyên hãy cố gắng đọc trọn vẹn 2 quyển đầu của series để biết về một nguồn cảm hứng ngầm của dòng cũng như biết được dòng này có thể đa dạng đến cỡ nào.

Cơ mà dù có hợp với truyện hay không thì anh em cũng cứ để riêng quyển Titus Alone được Alone đi. Đọc vào là Ăn-lone đấy. 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.