Chuyển đến nội dung chính

ChatGPT - liệu có phải là một The Librarian thời hiện đại?

 Bữa nay trong lúc lượn một group khác, mình có tình cờ vớ được một comment thú vị về ChatGPT, bảo rằng đây về cơ bản là The Librarian trong Snow Crash, chỉ thiếu đi mỗi cái mặt người.

Phòng trường hợp có anh em nào chưa biết, The Librarian là một dạng AI trợ lý tân tiến, do Neal Stephenson chém ra trong Snow Crash (một tiểu thuyết Cyberpunk kinh điển hồi năm 1992). Con này mang dáng hình một người đàn ông trung niên trông rất đạo mạo, và anh em có thể đến hỏi han nó những câu hỏi nghiên cứu, như thể hỏi chuyện một chuyên gia con người bình thường. Với khả năng rà soát các cơ sở dữ liệu học thuật với tốc độ nhanh như chớp giật, The Librarian sẽ có thể tìm ra ngay mọi thông tin cần thiết chỉ trong tích tắc, và từ đấy đối đáp với mọi người. Mọi câu trả lời nó đưa ra đều mang dạng một cuộc trò chuyện rất tự nhiên, dừng đúng chỗ cần dừng, trích đúng đoạn cần trích, và sửa lại ý hiểu của mọi người nếu mọi người diễn giải sai lời nó nói, chứ không chỉ đơn thuần là quẳng vào mặt mọi người một loạt trang wikipedia xong mặc cho mọi người tự chắt lọc thông tin và muốn hiểu sao thì hiểu. Từ những thông tin nó cung cấp, mọi người có thể hỏi tiếp những câu khác liên quan hoặc yêu cầu nó giải thích sâu hơn về chi tiết nào đó trong câu trả lời ban nãy, và nó sẽ tiếp tục trả lời rất đúng văn cảnh.

Qua cái mô tả trên, hẳn anh em cũng có thể thấy The Librarian đúng là rất giống với một phiên bản cao cấp hơn của ChatGPT. Tuy nhiên, cái sự giống giữa chúng nó mới chỉ dừng ở mặt ý tưởng thôi, mà cái sự giống ấy mang tính khá nông cạn. Như anh em biết rồi đấy, cách đây ít lâu, thằng bợm thằn lằn lông xoăn của chúng ta cũng từng cho ra Galactica, một con trợ lý AI với ý tưởng nền đại khái cũng học theo The Librarian, nhưng ngặt nỗi lại ngu kinh khủng (anh em nào chưa biết về vụ đó có thể tham khảo ở https://scifivietnam.blogspot.com/2022/11/ai-nghien-cuu-galactica-mot-tro-ao-snow.html), thế nên cũng không loại trừ khả năng ChatGPT kỳ thực chỉ là một con Galactica khác, có điều được PR tốt hơn. 

Và vì vừa mới đây, mình đã xoay xở tiếp cận được ChatGPT dưới hai dạng, một là qua cái phần mềm chat dùng để phục vụ nghiên cứu trên web OpenAI (nhờ mượn nick của bạn), hai là qua cái công cụ chat thử nghiệm của Bing C̵h̵i̵l̵l̵i̵n̵g̵ (nhờ đăng ký waitlist), mình đã quyết định thử hỏi han con này mấy câu qua cả hai đường xem chúng nó làm ăn thế nào. Câu trả lời của bọn nó anh em có thể tham khảo bên dưới (cái nền xanh trắng là Bing, cái nền xám đen là OpenAI).








Đây là một cuộc trò chuyện mới, bắt đầu lại sau khi con ChatGPT của Bing từ chối nói chuyện tiếp.



Lại một cuộc trò chuyện mới khác. Khúc đầu đã được lược bớt vì nó đại khái cũng giống mấy cuộc trò chuyện trên.











Như anh em có thể thấy, mặc dù câu hỏi mình đưa ra cho chúng nó gần như giống hệt nhau, hai con này lại đưa ra những câu trả lời rất khác nhau, và từ đấy bộc lộ những điểm mạnh điểm yếu khác nhau. Con ChatGPT bản Bing thì đưa thông tin cực kỳ chuẩn xác, kèm theo một loạt link nguồn lẫn trưng ra cả quá trình search của mình một cách rất trung thực để ta còn kiểm định lại. Bản OpenAI thì không hiểu sao lại chém The Librarian thành cái thứ khỉ mẹ gì đấy, lệch hoàn toàn so với nguyên tác, và nếu chưa đọc qua tác phẩm gốc thì rất dễ bị nó lừa. Thêm vào đó, không ai biết nó lôi nguồn từ đâu ra, dùng những từ khóa nào để tra cứu, và chỉ có thể nhắm mắt mà tin, hoặc không thì phải tự đi tra cứu rất khổ.

Tuy nhiên, vấn đề với con AI bản Bing là nó bị ràng buộc bởi cực kỳ nhiều thứ, có thể câm nín bất cứ lúc nào nếu nó đánh hơi thấy cuộc trò chuyện đang bị lái về một hướng mình không thích. Cứ cái gì liên quan đến phỏng đoán hay cần nêu ý kiến đánh giá cá nhân là nó ngậm tăm luôn. Nó cũng có một bộ nguyên tắc “đạo đức” khá rắn, tuyệt không cho ra bất cứ mặt hàng ăn sẵn nào như kiểu viết luận hộ cả, mà chỉ đưa ý để ta tự xử nốt. Trong khi đấy, con AI bản OpenAI thì muốn gì nó cũng chiều, bảo đoán tương lai cũng được mà viết luận hộ cũng xong luôn.

Căn cứ vào cái kết quả này thì có vẻ việc ChatGPT có ngang hàng với The Librarian không sẽ tùy thuộc vào việc anh em tiếp cận nó từ nguồn nào. Nếu tương tác với nó qua OpenAI, thì anh em sẽ thấy con này cũng tra cứu, tổng hợp, và đưa được thông tin dữ liệu một cách tự nhiên ngon lành như The Librarian đấy, nhưng độ chính xác không cao, thế nên chỉ ngang hàng Galatica của thằng bợm Zucc là cùng. Nó lại còn có thể sáng tạo nội dung mới và đưa quan điểm mang tính cá nhân với suy diễn đủ kiểu, chứ không chỉ dừng ở mức lọc và cung cấp thông tin sẵn có như The Librarian. Thành thử, ChatGPT bản OpenAI kỳ thực khác khá nhiều so với The Librarian, chứ không thể coi là The Librarian bản vô diện được.

Nhưng nếu trò chuyện với nó qua cái công cụ chát của Bing, con này sẽ tiến rất sát đến cái trình của The Librarian. Bên cạnh việc làm được đúng cái trò giao tiếp và tổng hợp thông tin tự nhiên như con AI trong OpenAI, nó còn có tính chính xác cao hơn, chưa kể còn đưa ra được cả nguồn và trích dẫn để ta kiểm tra lại nếu cần (đây cũng là một điều The Librarian thỉnh thoảng vẫn thực hiện trong Snow Crash, mặc dù không chi tiết đến mức kèm luôn cả link dẫn). Dù đúng là nó bị hạn chế nghiêm trọng trong các chủ đề mình được bàn đến và những gì mình có thể làm đấy, nhưng những điều nó không chịu làm tình cờ cũng lại là những điều The Librarian không thể làm (mặc dù The Librarian không đến mức cứng nhắc bắt người ta hỏi lại từ đầu hay ngắt rụp câu chuyện giữa chừng). Thế nên nếu sử dụng bản ChatGPT của Bing, anh em có gọi nó là The Librarian thì cũng không đến mức quá sai lệch đâu.

Cơ mà lưu ý thêm tí là nếu có dùng bản Bing thì cũng đừng tin nó quá nhé. Trong một cuộc trò chuyện khác với nó, mình thấy nội dung con này nói ra không khớp với cái nguồn nó dẫn. Nếu có dùng con này làm nội dung hay gì thì hãy cứ coi nó như một dạng bàn đạp để xuất phát thôi, chứ đừng bê nguyên những gì nó nói đi đâu nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.