Chuyển đến nội dung chính

Từ vụ kiện AI họa sĩ chính thức đầu tiên nghĩ về tương lai tiềm tàng của AI trong hội họa

 Cuộc chiến giữa cánh họa sĩ và các thuật toán AI hiện đã nóng hẳn lên, bởi vì vừa có một người chính thức đâm đơn kiện hai dịch vụ AI vẽ tranh nổi trội nhất rồi này anh em.

AI art tools Stable Diffusion and Midjourney targeted with copyright lawsuit

Cụ thể thì vừa mới đây, một bộ ba họa sĩ là Sarah Andersen, Kelly McKernan, và Karla Ortiz vừa khởi kiện ba dịch vụ cung cấp AI vẽ tranh là Stability AI (bên cung cấp Stable Diffusion, một AI mã nguồn mở), Midjourney (bên cung cấp một thuật toán AI cùng tên dưới dạng một con bot trên nền tảng Discord), và DeviantArt (thực chất là một trang mạng xã hội của họa sĩ, nhưng cũng có cung cấp một công cụ AI riêng gọi là DreamUp). Trong đơn kiện, nhóm ba họa sĩ kia cáo buộc rằng các tổ chức này đã vi phạm bản quyền của hàng triệu nghệ sĩ thông qua hành động sử dụng tranh ảnh trên mạng để đào tạo các công cụ AI của mình trong khi chưa được các tác giả gốc đồng thuận.

Một điểm đáng chú ý là trong vụ kiện này, ba người nghệ sĩ kia được đại diện bởi luật sư Matthew Butterick cùng với Công ty luật Joseph Saveri. Bên cạnh có chuyên môn về các vụ kiện thay mặt tập thể (tức “class action lawsuit,” trong đó một nhóm đại diện cho những người từng cùng phải chịu những thiệt hại giống nhau hiệp lực đâm đơn kiện một đơn vị hoặc cá nhân nhất định, chẳng hạn như một nhóm những người bị ngộ độc thuốc cùng đâm đơn kiện một công ty dược), Butterick nói riêng và Saveri nói chung hiện còn đang kiện cả Microsoft, GitHub, và OpenAI cũng vì một thuật toán AI nốt. Số là các bên đấy đã phối hợp triển khai một thuật toán gọi là CoPilot, có thể hỗ trợ lập trình viên viết những đoạn code hoàn chỉnh như kiểu mấy con AI họa sĩ vẽ tranh hộ thiết kế viên vậy. Và cũng như lũ AI họa sĩ, CoPilot được đào tạo dựa trên các đoạn mã trôi nổi trên mạng, và cũng đang bị nhiều người cáo buộc là vi phạm bản quyền tương tự lũ AI họa sĩ. Kết hợp với vụ kiện các công ty AI họa sĩ mới đây, Butterick và Saveri gần như có thể được coi là đơn vị tiên phong trong việc chống lại công nghệ này.

Về khoản ai hơn kèo ai trong cuộc chiến pháp lý này thì rất khó nói. Cả hai bên đều có những cái lập luận vừa có lý mà cũng vừa vô lý riêng. Tỉ dụ, phía các công ty AI thì bảo việc mình sử dụng tranh ảnh trên mạng để đào tạo có thể được tính là Fair Use, trong khi luật Fair Use của Mỹ có quy định khá rõ là tác phẩm phái sinh cần phải không có tính thay thế hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích của bản gốc; phía Butterick thì bảo AI lưu trữ phiên bản nén của hình ảnh trong cơ sở dữ liệu và sau đó cắt ghép từ đấy để tạo ra ảnh mới, trong khi các thuật toán AI của những bên bị kiện chỉ lưu trữ các ghi chú về khuôn mẫu chung của các hình ảnh dưới dạng biểu diễn toán học, và sau này vẽ mới giữa trên các ghi chú của mình chứ không phải cắt ghép ảnh từ đâu cả. Mọi thứ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc luật sư bên nào có thể thuyết phục được thẩm phán tin vào cách nhìn nhận của bên mình, và cả vào việc bản thân thẩm phán thụ lý vụ việc hiểu được đến đâu về nghệ thuật cũng như công nghệ nền của đám Ai đó (mặc dù vì hầu hết các ông thẩm phán đều toàn là kiểu boomer mù công nghệ, thế nên có lẽ bên nguyên ít nhiều nắm được lợi thế trong khoản này).

Cá nhân mà nói, mặc dù bản thân là người nhìn chung ủng hộ cái công nghệ AI này, mình cũng rất mừng là rốt cuộc cũng đã có người lôi hẳn câu chuyện ra tòa để làm rõ ràng mọi thứ. Vì đây là một công nghệ quá mới lạ (hoặc ít nhất là cái cách áp dụng của nó quá mới lạ), từ trước đến nay, ai làm cái gì liên quan đến nó cũng cứ phải rón ra rón rén, không hiểu việc mình làm có hợp pháp hay không; hoặc nếu không làm theo kiểu nơm nớp sợ hãi thì cũng liên tục hứng những chỉ trích cực kỳ mạnh mẽ từ giới họa sĩ, trong khi những chỉ trích đó chẳng biết có hợp lý không nữa, vì đã có cái gì rạch ròi để đối chiếu các chỉ trích đấy với đâu? Cái này không chỉ ảnh hưởng đến những người dùng AI, mà còn cả những người muốn phản đối nó nữa, bởi vì họ chẳng biết quyền lợi của bản thân được bảo hộ đến đâu hay phải chống lại cái công nghệ này theo hướng nào nó mới thực sự có giá trị. Việc các bên kiện nhau trước tòa thế này, dù chỉ là tòa án ở Mỹ, cũng sẽ giúp loại bỏ được rất nhiều mù mờ cho cả đôi bên, và tạo tiền lệ để chúng ta có thể bắt đầu mạnh dạn hơn trong các bước đi sau này với công nghệ đó.

Cơ mà có một điều anh em cần đặc biệt lưu ý, ấy là điểm mấu chốt của vụ kiện kỳ thực nằm ở cái cơ sở dữ liệu dùng để huấn luyện cho chúng nó, chứ không phải ở bản thân cách vận hành của thuật toán. Như có thể thấy trong bài viết của The Verge, sở dĩ nhóm họa sĩ thấy có vấn đề với lũ AI là vì chúng nó nhìn vào mọi thứ tranh trên đời, bất kể tranh đấy còn bản quyền hay không. Liệu đây có phải là một hành vi vi phạm luật bảo hộ bản quyền hay không thì còn phải chờ ra tòa mới rõ, nhưng cứ giả sử bên nguyên chiến thắng trong vụ kiện này, và phía các công ty AI buộc phải bồi thường cho các họa sĩ cũng như bị cấm sử dụng ảnh còn bản quyền để dạy thuật toán của mình cách vẽ, thì chuyện gì sẽ xảy ra nào?

À thì, họ sẽ chỉ đơn thuần làm đúng như tòa đã ra lệnh thôi: bồi thường và không dùng tranh còn bản quyền nữa. Nhưng cái thuật toán của họ thì vẫn còn nguyên đấy, và vẫn có thể học hỏi như thường. Ngay cả khi một công ty nhất định nào đó bị phá sản, cái mã nguồn vẫn có thể được tiếp quản bởi một công ty mới, hoặc thậm chí có công ty nào khác có thể tự tạo ra một thuật toán tương tự, đơn giản vì họ biết cái hướng đi nhìn chung là thế nào rồi.

Và kể cả có phải bắt đầu luyện lại cho một thuật toán mới toanh từ đầu, các công ty AI vẫn có thể tiếp cận một nguồn dữ liệu ảnh trong miền công cộng khổng lồ, đủ sức để bọn AI ít nhiều vẫn có thể vẽ được một số kiểu tranh nhất định. Đó là chưa kể theo thời gian, bọn AI sẽ mạnh dần lên, và không ai ngăn cản được điều này. Về mặt kỹ thuật, càng lúc người ta sẽ càng tinh chỉnh được cho thuật toán nền của lũ AI trở nên hiệu quả hơn, biết cách nhận diện khuôn mẫu tốt hơn và diễn giải ngôn ngữ tử tế hơn; về mặt pháp lý, cứ mỗi năm sẽ lại có thêm nhiều tác giả hết hạn bảo hộ bản quyền, và tác phẩm của họ sẽ rơi vào miền công cộng, nơi bọn AI có thể tận dụng để học hỏi mà không ai cấm được; về mặt xã hội, rất có thể một số công ty sẽ tìm ra một cơ chế hay chính sách gì đấy, cho phép các họa sĩ tự nguyện tham gia cấp tranh cho AI học để đổi lấy một khoản tiền hoa hồng nhỏ hoặc sao đó, và hẳn kiểu gì cũng sẽ có người tham gia các chương trình ấy.

Với những yếu tố kể trên, không sớm thì muộn lũ AI cũng sẽ quay lại được với cái trình độ hiện tại, hay thậm chí còn vượt cả trình độ hiện nay nữa. Chính bởi vậy, bất kể anh em có lập trường thế nào, ủng hộ hay phản đối AI, mình cũng khuyên mọi người chỉ nên coi vụ kiện này như một dịp giúp làm rõ những thứ còn đang mù mờ về AI, chứ đừng nghĩ đây sẽ có tiềm năng trở thành một đòn kết liễu cho toàn bộ cái công nghệ này. AI đã, đang, và sẽ tiếp tục tồn tại. Ta có thể đấm cho nó thâm mắt hoặc vêu mồm đấy, nhưng theo thời gian, nó sẽ lành lại, sẽ tiếp tục tiến đến như vũ bão, và lúc này sẽ chẳng còn gì cản nó nghiến nát tất cả những ai đứng chắn đường mình nữa.

Thế nên bất kể vụ kiện có kết quả thế nào, chúng ta cũng cần tính toán học cách thích nghi với AI đi thôi, hoặc không thì cũng phải khẩn cấp đẩy cả thế giới tiến lên thành một thiên đường xã hội chủ nghĩa như Iain Banks từng khắc họa trong The Culture.

Và trong hai việc này, anh em biết việc nào viễn tưởng hơn rồi đấy 🐧.

Tiện thể thì trong một bài khác, mình từng bàn về cái khả năng bọn AI bị kéo tụt đấy cũng như những gì mình tin sẽ là hướng giải quyết lâu dài thực sự cho giới họa sĩ trong tương lai, sao cho vừa đảm bảo chúng ta sẽ không trở thành một xã hội bán-Luddite như Dune nhưng cũng vẫn duy trì được khả năng kiếm sống cho giới họa sĩ. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/10/do-androids-dream-of-electric-sheep-mot.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.