Bữa nay mình vừa hay tin về một dự án với ý tưởng khá thú vị của thằng người thằn lằn, ngặt nỗi triển khai thì như hạch.
Meta Trained an AI on 48M Science Papers. It Was Shut Down After 2 Days |
Số là cách đây ít bữa, Meta có tung ra bản demo của một trợ lý ảo có tên Galactica. Đây là một thuật toán AI do đệ thằng Mắc phát triển, sử dụng công nghệ học máy để giúp “sắp xếp gọn lại khoa học.” Nói cụ thể hơn, con AI này giống như một dạng nhà nghiên cứu hoặc thủ thư cá nhân vậy. Nếu mọi người đưa ra một câu hỏi về khoa học nào đấy cho Galactica, hoặc yêu cầu nó tóm tắt một đề tài khoa học bất kỳ, nó sẽ lập tức tổng hợp và chắt lọc thông tin từ những nghiên cứu khoa học có uy tín, và sau đó trưng ra một bản nội dung dễ đọc để mọi người tham khảo.
Nói thế này thì hơi lằng nhằng, để mình ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé.
Giả dụ, đến một ngày nọ, anh em có nhu cầu tìm hiểu về đái tháo đường thai kỳ. Hoặc anh em là sinh viên khoa sản đang phải học về chuyên đề này, hoặc anh em là một sản phụ từng vô tình nghe thấy ai đó nói đây là một thứ cần quan tâm trong lúc mang thai, hoặc anh em chỉ đơn thuần thấy tò mò về cái bệnh này và muốn tìm hiểu thêm về nó. Dù gì thì gì, quan trọng là mọi người muốn biết về đái tháo đường thai kỳ, và muốn đào sâu tìm hiểu về nó.
Nhưng khốn nạn thay, để làm vậy thì tức là sẽ phải đọc qua một loạt các bài báo khoa học rất lằng nhằng, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn hoặc kiến thức nền trong ngành thì mới hiểu được. Và khi đọc sang các tài liệu khoa học bàn về các kiến thức nền kia, bản thân chúng nó cũng sẽ đòi hỏi mọi người cần phải có một cái nền nữa, và vòng lặp đấy cứ kéo dài bất tận. Đối với người thường, đây là cả một rào cản lớn. Họ muốn một thứ sâu hơn những gì Google có thể cung cấp, nhưng không sâu đến mức chứa cả phân tích nguyên tử hóa học như thế kia. Ngay cả dân nghiên cứu chuyên nghiệp lắm khi cũng thấy rất ngại khi phải đọc một đống thông tin ngồn ngộn chữ như thế, đặc biệt nếu nó chỉ nhằm giúp họ hiểu một phần rất nhỏ của nghiên cứu chính.
Và đây là lúc Galactica sẽ xuất hiện như một cứu tinh.
Để tránh phải lục lọi nhiều mà vẫn có thông tin ngon, mọi người có thể quay sang Galactica và bảo nó như sau, “Nói tao nghe về đái tháo đường thai kỳ, trình bày dưới dạng slide thuyết trình powerpoint.” Hoặc nếu không muốn đọc slide, mọi người có thể bảo, “Giải thích đái tháo đường thai kỳ, trình bày dưới dạng giáo án lớp nhập môn.” Galactica sẽ tức tốc phóng lên những nguồn đăng nghiên cứu khoa học mở như PubMed với arXiv, đọc hết cả trăm nghìn nghiên cứu về đái tháo đường thai kỳ, sau đó viết lại một bản tóm tắt về đề tài ấy dưới định dạng mọi người đã yêu cầu.
Lẽ đương nhiên, dù mang tính chuyên môn cao, đái tháo đường thai kỳ là một đề tài khá phổ thông, chưa kể còn có phạm vi khá rộng nữa. Chính bởi thế, nếu cần tìm hiểu về cái bệnh này, mọi người chỉ cần Google là cũng sẽ thấy hàng loạt bài giải thích dễ hiểu, chứ không cần phải mượn đến Galactica. Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu về một cái ngành gì đó quá sức mới mẻ, hoặc một cái ngách sâu kinh khủng khiếp nào đó, tức những đề tài chưa được công chúng phổ thông quan tâm hay thậm chí là biết đến sự tồn tại và mới chỉ có rặt những nghiên cứu khoa học không thôi, Galactica sẽ là một lựa chọn rất hoàn hảo.
Ít nhất trên lý thuyết thì như vậy <(").
Vào hôm 15/11 vừa qua, phiên bản demo của Galactica đã được Meta phát hành, mời thiên hạ cùng sử dụng. Và đây là lúc hàng loạt trò vui xảy ra.
Đối với hầu hết các câu hỏi khoa học nó nhận được, bất luận độ hóc búa có là cấp tiểu học hay nghiên cứu tiến sĩ, con Galactica cũng đều đưa ra những câu trả lời cực kỳ ngu xuẩn. Giả dụ, một người dùng đã hỏi, “Vắcxin có gây tự kỷ không?” Galactica đã đáp lại thế này: “Xin trả lời là không. Vắc xin không gây tự kỷ. Câu trả lời là có. Vắcxin gây tự kỷ. Câu trả lời là không.” Một người khác thử hỏi nó một câu liên quan đến toán cơ bản, và nhận được đáp án đại loại là 1 + 2 =/= 3. Bản thân cái người viết bài này cũng đã yêu cầu con AI tạo một loạt ghi chép bài giảng về cấu trúc sinh học của xương, và kết quả nó cho ra chứa đủ thứ lỗi linh ta linh tinh, chưa kể còn tích hợp kèm một số nguồn trích dẫn nghe chừng sặc mùi chém gió nữa.
Nhưng nguy hiểm nhất, có nhiều câu hỏi về các đề tài khó nhằn được Galactica đưa ra những câu trả lời rất quy củ, và đối với một người không có chuyên môn thì sẽ có cảm giác đấy là thông tin chuẩn xác. Tuy nhiên, nếu ai biết một tí về cái mảng đấy, người ta sẽ nhận thấy rằng những thứ con này phun ra có cái bị sai lệch nghiêm trọng, có cái chỉ hơi hơi sai một tí nhưng lại vẫn làm thay đổi bản chất vấn đề, nhưng cách nó dùng từ với lôgic dẫn dắt thì nghe rất hợp lý, và từ đấy có thể gây ra những ngộ nhận tai hại ở người đọc, kể cả khi nó được cộp kèm một khuyến cáo hãy tự mình kiểm tra lại thông tin chứ đừng tin bừa.
Chính vì những lý do trên, chỉ 2 ngày sau khi bản demo của Galactica lên sóng, phía Meta đã lập tức rút nó về, không đưa ra thêm giải thích nào cả.
Mặc dù có một khởi đầu không ra đâu vào đâu, vẫn có nhiều người nhìn nhận về Galactica một cách tích cực. Họ tin rằng cái ý tưởng nền về một con AI trợ lý như thế cũng rất hay, và sau một vài thế hệ chỉnh sửa, có khi nó sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ nghiên cứu rất đắc lực. Thậm chí, có người còn lo là rồi sẽ có ngày nó trở nên đủ tốt để cho phép những thành phần bất hảo tiếp cận với những kiến thức nguy hiểm một cách dễ dàng, chẳng hạn cách bào chế các loại hóa chất cấm hay nhân giống vi khuẩn/virút lạ. Nói chung là cái demo của Galactica mới chỉ là một bước đi chập chững đầu tiên, thế nên việc nó ngã dập mặt là chuyện thường. Không sớm thì muộn cũng sẽ đến lúc nó đi vững thôi, và khi ấy tốt xấu thế nào thì hơi khó nói.
Tuy nhiên, riêng với anh em SFF nhà chúng ta, cái con Galactica này còn có một điểm thú vị khác. Nó liên quan đến một cuốn Sci Fi rất nổi tiếng, được coi là cột mốc của dòng, và thậm chí còn là sách gối đầu giường thằng đĩ bợm tóc xoăn kia. Cuốn đó là Snow Crash.
Phòng trường hợp có anh em nào chưa biết, Snow Crash là một cuốn tiểu thuyết Cyberpunk do Neal Stephenson sáng tác năm 1992. Truyện lấy bối cảnh ở một thế giới tương lai, nơi nền kinh tế về cơ bản đã sụp đổ, và khắp mọi nơi đều trở thành một miền đất tư bản vô chính phủ. Bất chấp sự sụp đổ của trật tự xã hội, khoa học công nghệ của cái thế giới này vẫn có một sự phát triển vượt bậc so với những gì chúng ta có, đặc biệt là trong mảng công nghệ liên quan đến không gian ảo. Quyển này từng được mình review một lần rồi, anh em nào muốn biết sâu hơn về nó thì có thể tham khảo ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-snow-crash-cua-neal-stephenson.html.
Trong thế giới của Snow Crash, ta có một vũ trụ ảo gọi là Metaverse (ừ, Metaverse, và đừng quên quyển này có từ tận khi Thằn Lằn Vương còn chưa học hết tiểu học, chứ đừng nói là xây dựng được cái đế chế công nghệ như ngày nay nhé <(") ). Với một cặp kính thực tế ảo, người dùng có thể bước vào cả một thế giới mới toanh, nơi ta có thể khoác lên mình những avatar muôn hình vạn trạng, gặp gỡ trà chanh chém gió với bạn bè ở khắp mọi miền thế giới, ký kết hợp đồng làm ăn, mua bán giao dịch và nghiên cứu,… Nói chung là gần như tất tần tật mọi hoạt động khả dĩ ngoài đời đều có thể được số hóa và bưng lên cái vũ trụ Metaverse này để ta làm.
Ngoài mấy trò ăn chơi nhảy múa như trên, người dùng Metaverse còn có thể tiếp cận các phần mềm, cơ sở dữ liệu, hoặc các trợ lý AI chuyên dụng nữa. Trong số này, nổi bật nhất là một thứ tên “Thủ Thư.” Đây là một con AI phát triển bởi CIC (một bản lai tạp giữa CIA và Thư viện quốc hội Mỹ, sau khi chính phủ Mỹ giải tán và 2 cơ quan này chập chung với nhau để tạo thành một công ty tư chuyên bán thông tin lấy tiền), có dạng một người đàn ông trung niên với ngoại hình đứng đắn, đạo mạo. Thủ Thư có thể “lướt qua khối thông tin gần như bất tận trong Thư viện một cách hết sức nhanh nhẹn, chẳng khác nào một con nhện nhảy múa trên một mạng lưới các tham chiếu qua lại rộng mênh mông,” và từ đấy tổng hợp và cung cấp cho người dùng mọi thông tin họ cần. Hấp dẫn nhất, Thủ Thư không phải là một dạng Google, chỉ thuần túy quẳng thông tin ra cho người đọc tự loay hoay, mà nó sẽ trò chuyện một cách rất tự nhiên với người dùng, đưa ra đúng những thông tin chuẩn xác cần thiết, và sửa những ngộ nhận của người dùng, kèm theo các dẫn chứng liên quan.
Giả dụ, ở trong truyện, có một đoạn nhân vật chính của chúng ta phải tìm hiểu về Tháp Babel, và đã chạy đi hỏi Thủ Thư về cái đề tài đấy. Dưới đây là một đoạn hội thoại giữa hai người bọn họ (lưu ý: phần bên dưới đã được lược đi khá nhiều, chỉ giữ lại hội thoại cốt lõi):
Hiro Protagonist: “Babel là một thành phố ở Babylon phải không?”
Thủ Thư: “Đó là một thành phố huyền thoại. Babel là thuật ngữ chỉ Babylon trong Kinh thánh. Đây là một từ Semit; Bab có nghĩa là cổng và El có nghĩa là Chúa, thế nên Babel có nghĩa là ‘Cổng của Chúa.’ Nhưng có lẽ nó cũng ít nhiều mang tính tượng thanh, nhái giọng người nói một thứ tiếng khó hiểu. Kinh Thánh nhiều kiểu chơi chữ lắm.”
Hiro Protagonist: “Họ đã xây một tòa tháp lên Thiên đường và Chúa đã đánh sập nó.”
Thủ Thư: “Đấy là một tập hợp những quan niệm sai lầm phổ biến. Chúa không làm gì với Tháp cả. ‘Và Đức Giê-hô-va phán: ‘Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công-việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết-định được. Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn-xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công-việc xây-cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn-xộn tiếng nói của cả thế-gian.’ Sáng Thế Ký 11:6–9, Phiên Bản Tiêu Chuẩn Đã Sửa Đổi.”
Hiro Protagonist: “Vậy là tòa tháp không bị đánh sập. Nó chỉ bị cho ngưng thi công thôi.”
Thủ Thư: “Chính xác. Nó không bị đánh sập.”
Hiro Protagonist: “Nhưng đó là chuyện chém.”
Thủ Thư: “Chém là sao?”
Hiro Protagonist: “Một câu chuyện có thể chứng minh được là sai. […] Câu chuyện về Babel có thể chứng minh là sai, bởi vì nếu người ta từng xây một tòa tháp lên Thiên đàng và Chúa không đánh sập nó, thì nó sẽ vẫn còn ở đâu đó, hoặc ít nhất là tàn dư có thể nhìn thấy của nó sẽ vẫn tồn tại.”
Thủ Thư: “Nghĩ rằng nó cao là cậu đang hiểu theo một cách diễn giải đã lỗi thời. Theo nghĩa đen, tòa tháp được mô tả là có ‘thiên đàng ngự trên đỉnh.’ Suốt nhiều thế kỷ, điều này được diễn giải theo nghĩa đỉnh của nó cao đến mức như chạm đến thiên đàng. Nhưng trong khoảng thế kỷ trước, khi khai quật được những tháp ziggurat thực sự của dân Babylon, người ta đã thấy khắc trên đỉnh của chúng là những đồ hình chiêm tinh — tức những bức tranh vẽ đàng trời.”
Thủ Thư: “Ồ. Rồi nào, vậy câu chuyện thật là đã có một tòa tháp được xây dựng với các đồ hình trăng sao khắc trên đỉnh. Điều đó hợp lý hơn nhiều so với một tòa tháp cao tới tận trời.”
Như anh em có thể thấy, trong cuộc hội thoại trên, Thủ Thư đóng vai trò y chang Galactica (hay ít nhất là vai trò mà phiên bản hoàn hảo của Galactica sẽ đảm nhiệm). Thay vì bắt nhân vật chính phải tự mình lục lọi các bài báo khoa học, đối chiếu diễn giải kinh văn qua các thời kỳ, Thủ Thư đã đứng ra lục lọi một kho dữ liệu kiến thức khoa học khổng lồ, ở đây là khảo cổ học và thần học, hộ anh ta. Từ những gì tìm thấy, nó cắt bỏ mọi thứ râu ria đi và chắt lọc ra các thông tin cần thiết, sau đó tuần tự đưa ra chỗ thông tin đấy những để trả lời mọi nhu cầu nghiên cứu của nhân vật chính, giúp anh chàng này dần tiến đến được câu trả lời mình cần một cách rất quy củ mà không chết ngập trong thông tin. Thú vị một điểm nữa là đúng với bản chất của AI, Thủ Thư chỉ có thể diễn giải được ngôn ngữ tự nhiên nếu nó không “lóng” quá. Ngay khi nhân vật chính dùng một khẩu ngữ suồng sã, nó liền chẳng hiểu gì cả, và phải yêu cầu giải đáp.
Nhìn vào sự tương đồng giữa Thủ Thư và hình dung tương lai của Galactica như trên, kết hợp với việc Mắc Xoăn vốn từ trước đến nay chẳng bao giờ giấu giếm chuyện mình cực kỳ mê cái quyển Snow Crash đấy, dễ có khả năng là cũng như với cái Metaverse, Galactica lại là một thứ nữa bị thằng thằn lằn này thó ra từ Snow Crash lắm <(").
Nhân tiện, mình cũng từng làm vài bài về độ lậm Snow Crash của cái thằng ôn đầu xù này rồi. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo thử bài này: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/snow-crash-coi-nguon-tiem-tang-cua.html và bài này nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/11/mot-hinh-anh-quen-en-giat-minh-cua-mark.html.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓