Chuyển đến nội dung chính

Một ứng dụng mới của ChatGPT và một câu chuyện đã vô tình phỏng đoán hệ lụy tiềm tàng của nó

 Bữa nay mình có vớ được một bài báo thú vị, xoay quanh một xu hướng ứng dụng mới của ChatGPT: tán gái.

Welcome to the age of automated dating

Đầu tiên, bài báo đề cập đến Rizz, một app hỗ trợ hẹn hò với công nghệ lõi là AI. Sau khi cài đặt, cái app này sẽ kết nối trực tiếp với bàn phím của người dùng, và mọi người sẽ có thể truy cập nó một cách rất tiện lợi trong quá trình chat chit. Sau đấy thì anh em chỉ việc lê xác lên Tinder/Grinder/bất kỳ cái đờ đờ nào khác, quẹt phải, và để con AI đọc tin nhắn và soạn câu trả lời là xong. Tất cả những gì mọi người cần làm là bấm send, còn đâu toàn bộ phần cò cưa sẽ được tự động hóa hết.

Rizz không phải là thằng duy nhất cung cấp dịch vụ “wingman” ảo cho người dùng. Bên cạnh nó, bài báo cũng đề cập đến một loạt app tương tự, bao gồm Keys AI và Your Move. Tất cả chúng nó đều là những app tự động chém gió với bạn tình tiềm năng, với một số khác biệt không đáng kể. Thậm chí, ta còn có một dịch vụ là Personal.ai, cho phép người dùng tạo ra một con chatbot cá nhân, với đủ thứ tính cách mà anh em có thể muốn ở một con chatbot, và sau đó để nó thay mặt mình đi đong đưa con gái/giai nhà lành.

Vâng, nói chung là anh em nào đang có ý định tìm “riêu lớp” trên Tin-đờ thì cứ sẵn sàng tinh thần là nhân vật đưa đẩy cùng mọi người thậm chí còn không phải là người thật đi nhé 🐧.

Bài báo này làm mình nhớ lại một truyện ngắn từng đọc cách đây ít lâu, với ý tưởng cũng gần như giống hệt thế này, chỉ có điều quy mô của nó hơi khác một tí. Cái mẩu truyện đó là The Robot Who Looked Like Me của Robert Sheckley.

The Robot Who Looked Like Me lấy bối cảnh là tương lai xa, khi nhân loại đã tạo được những con rôbốt giống người kinh khủng, từ ngoại hình cho đến lời ăn tiếng nói. Thứ duy nhất có thể giúp thiên hạ nhận biết được bọn này là máy móc là những dấu đóng đặc biệt, được chính phủ ép mọi doanh nghiệp phải đóng lên người đám rôbốt.

Thế rồi một ngày nọ, có một anh chàng liên hệ với một hãng đóng rôbốt để thương lượng một đơn hàng rất đặc biệt. Số là anh này là chuyên viên môi giới khoáng sản liên hành tinh, ngày nào cũng phải làm việc theo một lịch trình cực kỳ nghiêm ngặt, đến mức thời giờ nghỉ ngơi hàng tuần chỉ còn tính bằng vài tiếng. Anh này đang muốn lấy vợ, cơ mà người được anh ta chấm thì lại đòi hỏi ông anh phải dành thời gian bên mình hơi nhiều, và chàng ta không tài nào kham nổi. Cơ mà cái khó ló cái khôn, ông anh quyết định sẽ thửa riêng một con rôbốt giống hệt mình về mọi mặt, từ lời ăn tiếng nói cho đến dáng điệu cử chỉ, kể cả những thứ lặt vặt như tiếng ho và cách hắt xì, và nó sẽ không có dấu đóng của chính phủ. Con rôbốt đấy sẽ thay mặt anh ta đi hẹn hò với cô gái kia, và chỉ những lúc nào “quan trọng” thì mới để anh ta đích thân xuất hiện thôi.

Làm rôbốt giống người mà không có dấu đóng thì rất dễ bị chính phủ khỏ đầu, nhưng vì anh chàng kia sẵn sàng đấm tiền cho hãng, thế nên hãng sản xuất cũng vui vẻ nhận lời. Con rôbốt đấy rốt cuộc đã được chuyển đến cho anh chàng kia, và anh ta đã dùng nó để có được những cuộc hẹn thành công mỹ mãn.

Hẳn anh em có thể nhận thấy, cái ý tưởng của câu chuyện này gần như giống y xì đúc mấy cái app hẹn hò đã nhắc đến ở trên. Điểm khác biệt duy nhất của nó với đám app là nó tân tiến hơn, cân luôn được cả khoản đi chơi với người yêu chứ không chỉ ngồi buôn dưa lê bình thường. Vì The Robot Who Looked Like Me xuất bản lần đầu trên tờ Cosmopolitan năm 1973, thế tức là chỉ 50 năm ngày tác phẩm ra mắt, chưa đầy 1 đời người, thế giới đã nhảy thẳng lên một phiên bản những tưởng chỉ có thể tồn tại trong các thế giới Sci Fi. Ảo thật đấy chứ.

Mà tiện thể, đến hồi kết của cái truyện này, ta đã có một màn plot twist rất hài hước: hóa ra ngay cả cái cô người yêu kia cũng quá sức bận bịu, thế nên cũng đã thuê một hãng chế rôbốt giống mình để đi hẹn hò với cái anh nhân vật chính. Và trong suốt chiều dài mẩu truyện ngắn, hai con người kia gần như chẳng gặp nhau lần nào, mà chỉ có hai con rôbốt tình tứ qua lại với nhau. Căn cứ vào cách mẩu truyện đã lường trước một cách rất chuẩn xác chuyện con người ta dùng rôbốt để thay mình hẹn hò, có lẽ ngay cả cái hệ lụy này cũng không bị nó đoán sai đâu. Chưa biết chừng chẳng mấy nữa, ta sẽ thấy hàng loạt câu chuyện cười ra nước mắt về những cặp đôi Tinder cùng té ngửa ra rằng toàn bộ những cuộc hội thoại giữa bọn họ kỳ thực chỉ là những lời trao đổi qua lại giữa hai con chatbot đấy 🐧.

Cái thời chúng ta đang sống quả là thú vị 🐧.

Và nếu có anh em nào quan tâm đến cái truyện The Robot Who Looked Like Me kia thì nó từng được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “‘Cái tôi’ thứ hai của tôi,” trong một tuyển tập cũng cùng tên đó nhé. Ngoài nó ra thì anh em cũng nên tìm đọc thử The Scholar's Disciple của Walter Tevis, một truyện ngắn Fantasy ra cùng thời với The Robot Who Looked Like Me, và cũng ít nhiều có thể coi là dính dáng đến ChatGPT (tham khảo bài này để biết nó liên quan như thế nào: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/04/the-scholars-disciple-mot-truyen-ngan.html)

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.