Chuyển đến nội dung chính

Từ vụ việc của Werber, nghĩ về vị thế của Sci Fi trong làng văn

 Trong cái bài về quyển Pandora sắp ra của Werber, mình có đề cập đến việc bảo rằng Werber chế ra nguyên một thể loại văn chương mới khi pha Sci Fi vào với triết và tâm linh là hơi bị lố. Nói vậy là bởi từ hồi thanh niên này còn chưa cầm vững bút hay thậm chí chưa phát triển quá giai đoạn nòng nọc, đã có những tác giả như Frank Herbert và Walter M. Miller Jr. xuất bản truyện tích hợp những đề tài đấy rồi, và truyện của các đồng chí đấy còn thuộc diện nổi như cồn chứ chẳng phải vô danh tiểu tốt gì cho cam.

Vụ đó làm mình nhớ đến một cái clip xem cách đây ít lâu, trong đó có đề cập đến một đề tài khá thú vị: trên văn đàn có nhiều tác phẩm được tung hô là sáng tạo với mới mẻ, trong khi kỳ thực chúng nó chỉ nhai lại những mô típ Sci Fi cũ mèm.


Cụ thể, cái clip đó do một ông người Anh tên là Stephen Andrews thực hiện. Thanh niên này đã lăn lộn trong ngành sách được gần 40 năm trời, chủ yếu là trong vai trò bán sách, nhưng cũng còn làm cả biên tập với viết lách nữa. Khoảng mấy năm gần đây, ông anh bắt đầu điều hành thêm cả một kênh Youtube là Outlaw Bookseller, chuyên bàn về các tác phẩm SFF mang tính văn học cao. Và khoảng 2 hôm trước, Andrews đã đăng một clip nói rõ mục đích của cái kênh mình, cũng như thứ được ông anh coi là sứ mệnh của bản thân.

Trong clip, Andrews nói ông có hai sứ mệnh, nhưng mình sẽ chỉ đề cập đến cái sứ mệnh đầu tiên thôi, vì nó là thứ liên quan đến bài này nhất. Cụ thể, cái sứ mệnh đấy là lan truyền và quảng bá về Sci Fi, đồng thời giúp nó được độc giả coi trọng như một dòng văn nghiêm túc. Sở dĩ Andrews đề ra nhiệm vụ này là bởi trong quãng thời gian làm việc trong ngành xuất bản, ông anh đã gặp rất nhiều người tuyên bố thẳng thừng rằng mình không ưa/không bao giờ đọc Sci Fi vì cái chất lượng của nó. Nhưng đáng chú ý là khi bị Andrews đưa ra những quyển mà gần như đã trở thành điển phạm văn học phương Tây, tỉ như 1984, Brave New World, hay The Handmaid's Tale, và hỏi vặn lại là người ta nghĩ sao về mấy quyển đấy, thì câu trả lời ông ta nhận được hầu như luôn là, “À ừ, nhưng quyển đó thì khác mà.”

Cơ mà bảo khác ở chỗ nào thì người ta tịt ngắc, bởi vì chúng nó có khác quái gì đâu 🐧.

Tất cả những ví dụ Andrews đã nêu ra đều là Sci Fi hết, nhưng thiên hạ cứ lì lợm gạt chúng nó ra khỏi dòng Sci Fi, vì họ đã bị định kiến rằng cái dòng này luôn đi kèm với sự “cùi bắp.” Như Andrews nhận định, cứ dính đến Sci Fi, người đời lại quay sang nhìn vào những tác phẩm ra đời để phục vụ mức thị hiếu chung “lùn” nhất, tức những thứ đã được lược bớt đi thật nhiều yếu tố phức tạp và sâu sắc để thu hút số đông đại chúng, trong khi đấy chỉ là một bộ phận của Sci Fi thôi. Dòng này có những thằng đã đóng góp rất nhiều cho văn chương, nhưng những tác phẩm như thế lại không được người ta nghĩ đến khi nghĩ về Sci Fi, hoặc khi nghĩ đến thì lại liệt chúng nó thành một dạng văn gì đấy chứ không để những tác phẩm đó đứng chung chỗ với Sci Fi.

Nói cách khác, thiên hạ đánh giá về Sci Fi theo một kiểu gần như là ngụy biện No True Scotsman vậy: nếu nó là Sci Fi, nó sẽ không phải là vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ; còn nếu nó là vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ, nó sẽ không phải là Sci Fi.

Bản thân điều này đã gây ngứa thịt rồi, nhưng điều khiến Andrews thấy khó chịu nhất là việc ngày một nhiều tác giả sử dụng các mô típ của Sci Fi để viết văn (nói cách khác: việc người ta làm chính là sáng tác ra các tác phẩm Sci Fi), nhưng nhờ không quảng cáo truyện của mình là Sci Fi mà tác giả đấy được thiên hạ ố á tung hô như thể vừa làm được thứ gì đó sáng tạo lắm, trong khi việc người đấy làm đã cũ mèm rồi. 

Ở đây, Andrews nêu ra một ví dụ cụ thể là Under the Skin của Michel Faber, xuất bản hồi năm 2000. Truyện kể về một người phụ nữ lái xe đi loanh quanh ở Scotland, và trên đường liên tục cho người lên đi nhờ. Và dần dần, ta phát hiện ra một sự thật bất ngờ về người phụ nữ ấy, và cái lý do cô ta cứ cho người đi nhờ xe suốt như thế.

Under the Skin sử dụng một mô típ rất quen thuộc của Sci Fi, đấy là giao tiếp giữa con người và người ngoài hành tinh, cũng như vị thế tiềm tàng của con người trong mắt những sinh vật đến từ thế giới khác. Nhưng hồi mới ra mắt, nó được quảng bá dưới dạng một cuốn tiểu thuyết văn học bình thường thay vì Sci Fi, và nhận được cơn mưa lời khen từ cả giới phê bình lẫn độc giả. Ai cũng bảo truyện được viết rất tốt, và nó truyền tải thông điệp của mình theo một kiểu rất sáng tạo.

Về khoản được viết tốt thì Andrews đồng ý, bảo rằng đúng là nó được viết rất hay đấy, nhưng riêng về khoản sáng tạo thì ông anh sổ toẹt. Những ai hay đọc Sci Fi thì sẽ lập tức nhận ra Under the Skin đang làm cái gì, và biết tỏng nó chỉ nhai lại một công cụ kể chuyện của đàn anh đi trước. Trên thực tế, Andrews còn chỉ đích danh một thằng từng làm điều tương tự với Under the Skin, cơ mà sớm trước nó gần nửa thế kỷ, ấy là mẩu truyện ngắn To Serve Man của Damon Knight hồi thập niên 50, về sau được chuyển thể thành một tập Twilight Zone. Cái truyện đó cũng đề cập đến tương tác giữa con người và người ngoài hành tinh, đồng thời cũng chiêm nghiệm về vị thế của con người trong mắt những chủng tộc khác.

Và Faber không phải là trường hợp duy nhất. Như Andrews nhận định, ngày càng có nhiều nhà văn hiện đại mon men thò chân vào SFF, và cái kiểu họ tập tành tích hợp các mô típ Sci Fi vào trong tác phẩm của mình cũng giống cách các tiểu thuyết gia có tiếng của phương Tây hồi trước vẫn làm với thể loại chuyện ma. Nhưng bất chấp việc các mô típ Sci Fi đang chứng minh rất rõ là chúng có thể giúp xây lên những tác phẩm văn chương nghiêm túc, và thiên hạ rất sẵn lòng trục lợi từ chúng nó, người ta vẫn còn ngần ngại trước việc tự liệt tác phẩm mình viết là Sci Fi, bởi vì thương hiệu của nó vẫn còn chưa đủ sang chảnh.

Vụ cái quyển Pandora của Werber thì cũng không đến nỗi có gì quá đáng đâu, nhưng trông kiểu ông anh tự xưng mình khai phá dòng mới trong khi kỳ thực vẫn chỉ đi trong con đường mà các tiền bối Sci Fi đã vạch ra kể cũng ít nhiều giống với cái điều Andrews đề cập đến trong clip này.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.