Chuyển đến nội dung chính

Review Tender Is the Flesh của Agustina Bazterrica


 🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑

7.0/10

TL;DR

Tuyên truyền của PETA. Nhưng mà hay hơn dự kiến.

GIỚI THIỆU CHUNG

Tender Is the Flesh là một cuốn tiểu thuyết Dystopia của một nữ nhà văn người Argentina tên Agustina Bazterrica. Truyện gốc có tên Cadáver Exquisito, được xuất bản ở Argentina vào năm 2017, và sau đó đã được trao tặng giải thưởng Premio Clarín de Novela, một trong những giải thưởng dành cho các tác phẩm văn học bằng tiếng Tây Ban Nha danh tiếng nhất khu vực Mỹ Latinh. Sau một thời gian làm mưa làm gió ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha, đến năm 2020, truyện đã được dịch sang tiếng Anh với cái tên như đã nói.

Tender Is the Flesh lấy bối cảnh là một tương lai bất định nào đấy, không quá gần những cũng chẳng quá xa. Lúc bấy giờ, quá tải dân số đang dần trở thành một vấn đề không thể ngó lơ. Các nguồn tài nguyên ngày một trở nên cạn kiệt, tỷ lệ đói nghèo cứ thế gia tăng, và khắp nơi trên thế giới, liên tục xảy ra những vụ bạo loạn vì thiếu đất ở. Trái Đất đang trở thành một cái nồi hơi, có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Nhưng rồi đùng một phát, GGB xuất hiện.

GGB là một loại virút bí hiểm, với cơ chế hoạt động rất quái đản: nó chuyên lây cho động vật, nhưng không gây ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực gì cho vật chủ của mình cả. Tuy nhiên, nếu con thú nhiễm virút mà cào hay cắn gì con người, hoặc nếu con người ăn bất cứ sản phẩm nào do con thú nhiễm bệnh tạo ra (chạy từ thịt cho đến trứng của nó), thì ngay tức khắc, virút sẽ truyền sang cho người. Không như khi ở động vật, lúc sang đến cơ thể người, bọn virút sẽ phát huy độc tính, và chỉ một thời gian sau, người nhiễm bệnh sẽ lăn ra chết một cách rất đau đớn.

Chính phủ các nước đã cùng hiệp lực lại tìm cách giải quyết đại dịch GGB đấy. Họ đã thử phát triển đủ kiểu vắc-xin với thuốc chữa, cả cho người lẫn động vật, nhưng tất cả đều chỉ vô dụng. Không một thứ gì ngăn cản được bọn virút lây từ động vật sang người, và cũng chẳng thứ gì cứu nổi một người đã xấu số bị virút thâm nhập. Trong khi ấy, GGB cứ càng lúc càng lan rộng, và dần trở thành một đại dịch toàn cầu.

Cuối cùng, vạn bất đắc dĩ, chính quyền đã bắt đầu áp dụng biện pháp cực đoan: ban bố lệnh cấm mọi người tiếp xúc hoặc nuôi giữ động vật. Thú vật ở các sở thú, lò mổ, và thậm chí thú cưng của mọi nhà đều bị quây lại và tiêu hủy hết, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng tránh lây nhiễm từ những loài vật hoang không thể giết hết được như chim chóc. Đáng chú ý nhất, mọi hành vi tiêu thụ hoặc buôn bán thú vật hay sản phẩm có nguồn gốc động vật đều bị cấm ngặt, và điều ấy đồng nghĩa với cả thế giới đều phải chấp nhận sống như những người ăn chay trường.

Lẽ đương nhiên, một cái luật hà khắc như vậy chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến cho quần chúng. Chủ thú cưng thì mất vật nuôi, chủ trang trại và chủ các lò giết mổ thì mất cần câu cơm, và ngay cả những người dân bình thường nhất cũng mất trắng một nguồn đạm rất quan trọng. Chính vì thế, trong những buổi đầu khi lệnh cấm được ban bố, cả nền kinh tế lẫn nếp sống của thiên hạ đều hết sức loạn lạc và rối ren.

Thế rồi dần dần, người ta bắt đầu để ý thấy một xu hướng đáng lo ngại. Số tội ác bạo lực ngày một gia tăng nhanh chóng, và người nhập cư và người yếm thế cứ liên tục mất tích. Ai cũng khiếp hãi rụng, bởi vì tất cả bọn họ đều có thể đoán được chuyện gì đang xảy ra. Nhưng đến cùng với sự khiếp hãi lại là một thứ khác nữa, ngày một bén rễ sâu trong lòng thiên hạ. Nó là một ý niệm kinh khủng ngoài sức tưởng tượng, song lại hợp lý vô cùng: 

Thịt nào mà chẳng là thịt.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Bình thường thì khi review, mình toàn động đến cốt của truyện trước, sau đó mới đá sang thế giới của nó sau. Nhưng riêng với Tender Is the Flesh thì phải đảo cái thế giới của nó lên đầu, bởi vì mình cần phải rào trước với anh em về một điểm thế này:

Cái truyện này buồn nôn vkl.

Nếu đã đọc phần giới thiệu, hẳn mọi người sẽ chẳng khó gì để luận ra được rằng cái truyện này sẽ buồn nôn ở chỗ nó lấy bối cảnh là một xã hội ăn thịt người. Từ đấy, hẳn anh em sẽ nghĩ đến những tác phẩm cũng động đến đề tài này như Hannibal, The Road, World War Z,… và nghĩ rằng cái quyển Tender Is the Flesh này cũng đại loại như thế, và sau đó sẽ ang áng được rằng cái truyện này sẽ tởm theo kiểu nào.

Nếu quả đang nghĩ như thế, anh em sẽ nhầm to. Tender Is the Flesh đúng là xoay quanh đề tài ăn thịt người thật đấy, nhưng nó triển khai theo một kiểu khác hẳn mấy tác phẩm cùng ngách khác, và thật tình mà nói, chưa bao giờ mình thấy có một tác phẩm nào lại đầu tư cho cái đề tài này ở một cấp độ khủng khiếp như cái quyển này cả.

Thay vì chỉ xây dựng cái trò ăn thịt người là một thứ chỉ một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thực hiện theo kiểu nhỏ lẻ, truyện nâng cấp hẳn đây lên thành một ngành công nghiệp khổng lồ với đủ mọi quy trình chăn nuôi và giết mổ quy củ. Ta được thấy cách đám con người gia súc bị cắt bỏ thanh quản để không thể kêu gào hay la lối được, cách họ bị bơm tiêm đủ thứ hóa chất để tạo thịt và thúc tăng trưởng, cách họ bị nhồi vào những chuồng trại hoặc những côngtenơ chật cứng, đến mức đè lên nhau mà chết ngạt, cách những con người cái bị cưỡng ép phải thụ thai nhân tạo và bị chặt cụt hết tay chân để không tự làm mình sảy thai hay phản kháng được gì,….

Tởm lợm nữa ta thấy được cả từng công đoạn giết mổ của đám người gia súc này, chạy từ lúc họ bị đánh choáng trước khi đem đi giết theo một kiểu sao cho không chết ngay nhưng cũng đủ lơ mơ để không tiết ra chất làm đắng thịt cho đến chọc tiết, mổ nội tạng, róc da róc thịt, tạo chế phẩm,… Tất cả những điều này đều được mô tả kỹ lưỡng từng li từng tí, khiến cho từng phân vuông của những cơ sở này cũng như mọi bước của quy trình đều hiện lên rõ rành rành trong đầu óc anh em, không trốn đi đâu được.

Đáng sợ nhất, Tender Is the Flesh không chỉ bằng lòng với việc làm mọi người thấy tởm với cái sự chi tiết trong miêu tả của mình. Nó còn muốn mọi người phải chết ngất vì cái độ chân thực của nó nữa.

Tất cả mọi thứ đều được tính toán chi li và lôgic đến cùng cực, từ vi mô cho đến vĩ mô. Ở cấp vi mô, ta có những quy trình như đã nói ở trên. Chúng khớp với nhau như dây cót trong một chiếc đồng hồ, không cái nào thừa, không cái nào thiếu. Bất chấp có thấy những gì xảy ra đáng kinh tởm đến đâu, anh em vẫn sẽ không thể bới móc ra được bất kỳ một sơ hở nào của những quy trình này. Nó bệnh hoạn, nó gớm guốc, nhưng nó cũng lại hợp lý ngoài sức tưởng tượng, không có gì để thêm bớt hết. Anh em sẽ không khỏi cảm thấy nếu quả thực có một ngành công nghiệp chăn nuôi người tồn tại, đây chắc chắn sẽ là những quy trình họ bày ra để tối ưu hóa cả năng suất lẫn chất lượng sản phẩm.

Trong khi đấy, ở cấp vĩ mô, ta có nguyên cả một hệ thống kinh tế phức tạp với đủ mọi doanh nghiệp cùng tham gia vào. Ta có những cơ sở nghiên cứu lai tạo giống, chuyên thực hiện các thí nghiệm trên gia súc người để đảm bảo sẽ có thể cho ra những giống người phù hợp với mọi phân ngách. Ta có những trang trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ, chuyên lấy giống từ những cơ sở thí nghiệm trên và tạo đàn để bán. Ta cũng có cả những đầu nậu phân phối, với mỗi bên có một yêu cầu khác biệt để phục vụ đủ thứ thị trường khác nhau, chạy từ thị trường thực phẩm bình dân cho đến hàng ăn tươi sống cao cấp, và thậm chí cả những bên chuyên “tẩy trắng” thịt thải loại và tuồn ra chợ đen. Cũng có luôn cả những cơ quan quản lý và cấp phép kiểm dịch, chuyên đi thanh tra những cơ sở nói trên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ta thậm chí còn có cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi giống người ở quy mô cá nhân để phục vụ gia đình, cũng như những dịch vụ mối lái và hướng dẫn nhắm đến đối tượng này. Cũng như với khoản vi mô, tác giả đã chăm chút xây dựng hết sức cẩn thận cho cái hệ thống này, không để hở ra một điểm nào cho thiên hạ bắt bẻ hết, buộc ta phải chấp nhận rằng đây là một hệ thống hoàn toàn khả thi.

Nhưng mỗi vậy thôi chưa đủ, Tender Is the Flesh còn tiếp tục nâng cấp cái độ chân thực của mình bằng cách đầu tư xây dựng cả cái thế giới bên ngoài cái ngành công nghiệp chăn nuôi người đấy nữa. Cũng với một ngòi bút lôgic và tỉ mẩn như bên trên, tác giả Bazterrica đã phân tích từng lớp lang một của xã hội. Ta được thấy cách con người ta phải oằn mình tìm cách bình thường hóa cái thực tại mới mà mình đang phải sống, nỗ lực tìm cách giữ lấy sự thánh thiện cho mình trong khi vẫn phải công nhận cái thực tế là mình đang ăn thịt đồng loại. Họ làm điều này bằng cách đủ mọi uyển ngữ khả dĩ để phân tách cái đám người gia súc ra khỏi người bình thường, đặt ra các luật cấm làm những trò trên lý thuyết thì nhẹ hơn rất nhiều so với giết thịt đồng loại (chẳng hạn cưỡng hiếp gia súc hoặc bắt gia súc phải lao động nô lệ cho mình), nhưng vì lý do gì đó lại vẫn được coi là một “lằn ranh” mà chừng nào chưa lấn, chừng ấy ta vẫn sẽ là một con người tử tế. Hàng loạt các tập tục liên quan đến tang lễ và chôn cất cũng được thay đổi, bao gồm việc quan tài phải trong suốt và quy trình hỏa táng phải được diễn ra dưới sự chứng kiến từ đầu đến cuối của thân nhân người đã mất, phòng trường hợp cái xác bị tuồn ra ngoài chợ đen và bán lấy thịt. Ta cũng thấy đủ thứ trò bệnh hoạn diễn ra khi tự nhiên có một cách để giết người hợp pháp, bao gồm những kẻ điềm nhiên mua người về thả vào các khu săn bắn để cùng bè bạn bày trò tiêu khiển, hoặc những kẻ đi tích góp da của đủ mọi loại gia súc người trên đời để tạo thành một bộ sưu tập bệnh hoạn,… 

Nhưng đáng chú ý nhất có lẽ sẽ là cái cách xã hội bị đại dịch GGB thay đổi. Anh em sẽ thấy GGB phủ một bầu không khí hoang tưởng lên đầu thiên hạ, và việc phải sống chung với nó đã khiến người ta hành xử theo những cách quen thuộc đến lạ. Ví dụ, vì quá ám ảnh với việc bị lây bệnh từ động vật, đặc biệt là chim chóc (bởi vì bọn này không thể diệt hết được), con người ta đã đâm tôn thờ ô dù theo một kiểu kỳ quái. Hàng bao người đổ xô đi mua lấy một cái để che chắn cho bản thân khỏi lũ chim cũng như thúc giục người thân của mình cũng hãy mua lấy một cái mà phòng thân, và chớ bao giờ ra khỏi nhà mà không có nó. Ta cũng có một loạt những thuyết âm mưu được đưa ra, với nhiều người một mực tin rằng GGB thực chất chỉ là một con ngáo ộp do chính phủ bịa ra hoặc nói khống lên độ nguy hiểm để thao túng người dân, và đáng chú ý là những lý lẽ họ đưa ra nghe cũng khá khó chối bỏ.

Nếu so sánh những gì xảy ra trong truyện với cái vụ Cô Vy mà chúng ta với trải qua, anh em sẽ thấy chúng nó giống nhau y xì đúc, gần như chẳng lệch đến nửa ly. Mọi thứ xảy ra trong thế giới của ta lúc Cô Vy còn đang hoành hành đều rất giống những gì diễn ra trong Tender Is the Flesh, với khác biệt cùng lắm chỉ là đôi ba chỗ hơi lệch nhau về cấp độ. Chúng nó giống đến mức hẳn sẽ có anh em nghi ngờ rằng Bazterrica đã copy lại hoàn toàn cái đợt dịch Cô Vy vừa rồi, và chỉ sửa đi một tí để người ta đỡ nghi ngờ là bà chị “chép bài” lịch sử thật mà thôi.

Nhưng có một điều anh em phải nhớ là Tender Is the Flesh ra đời từ tít tận năm 2017, 3 năm trước khi món canh dơi trở thành đề tài hot.

Nói cách khác, Bazterrica không hề nhìn bài ai cả. Thế giới của bà chị giống với thực tại thuần túy chỉ vì cái lôgic được sử dụng nó quá chặt chẽ và hợp lý, thành thử những gì diễn ra trong câu chuyện cũng chính là những gì xảy ra ở ngoài đời khi ta phải đối mặt với một đại dịch thật mà thôi. Và vì khía cạnh đấy của truyện đã được thực tại kiểm chứng và công nhận là thật rồi, liệu có ai còn dám khẳng định những khía cạnh khác của truyện là không thể thành thực được nếu lịch sử của chúng ta khác đi một tí nào?

Và khi tất cả những cái tầng chân thực ấy cùng hiệp lại, nó càng khiến cho cái mô típ ăn thịt người mà quyển truyện này khắc họa trở nên đáng sợ vô cùng. Tất tần tật mọi thứ đều quá hợp lý, không có chỗ nào để ta bẻ lại và chối bỏ cả, thế nên dẫu biết chắc rằng việc cả thế giới tự dưng lại chấp nhận chăn nuôi và giết mổ người như gia súc gần như không thể xảy ra, ta vẫn chẳng biết bấu víu vào đâu để phủ nhận nó. Thế là rốt cuộc, những trò ăn thịt máu me và tàn bạo, những cái hệ thống vô nhân tính đến cùng cực mà truyện nêu ra tự nhiên lại mang một sắc khả thi cao hơn hẳn tất cả những truyện cùng bàn về đề tài này khác, và kết hợp với việc mọi thứ được miêu tả quá kỹ lưỡng và sinh động, anh em đừng lấy làm ngạc nhiên nếu bất giác thấy bản thân trở thành người ăn chay trong suốt giai đoạn đọc cuốn này nhé.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Dù rằng hoàn toàn có thể buông xuôi khoản này vì đã có cái sự tởm của thế giới gánh hộ rồi, Tender Is the Flesh vẫn có một cái cốt tốt đến đáng ngạc nhiên, dù rằng hơi có vấn đề.

Nhìn chung, truyện có thể được chia làm hai mạch cốt chính, diễn ra song song và đan xen với nhau. Mạch đầu tiên nhìn chung hơi giống với một chuyến đi tham quan. Cái mạch này được chia thành những “tập” lẻ, trong đó ở mỗi tập, nhân vật chính lại phải tương tác với một người/nhóm người khác nhau. Thông qua quá trình tương tác đấy, tay nhân vật chính sẽ như một dạng hướng dẫn viên bảo tàng, đưa anh em đi thăm thú đủ nơi đủ chốn trong cái thế giới này, và làm quen với cách thế giới vận hành cũng như quan điểm và thái độ của người dân sống trong đó.

Nếu xét lẻ ra, các tập đấy cũng rất thú vị, bởi vì đây là những lúc thế giới được xây dựng kỹ lưỡng và chi tiết nhất, và chúng nó ít nhiều cũng có mở thân kết khá trọn vẹn. Cơ mà mấy thằng này không hợp thành một cái gì to tát cả. Cứ xong một tập là coi như… xong luôn. Nhân vật trong đấy không còn xuất hiện nữa (hoặc nếu có xuất hiện thì cũng không làm gì quan trọng), và ngoài một số tập nhất định ra thì những vấn đề mà các tập này đưa ra không có ý nghĩa hệ trọng gì với cốt hết. Chúng nó ai biết mạng nấy thôi, rất rời rạc và có phần còn vô nghĩa nữa.

Mạch còn lại thì mang tính cá nhân hơn, tập trung gần như hoàn toàn vào nhân vật chính. Nó xoay quanh một sự kiện xảy ra trong cuộc đời của nhân vật này, và những lựa chọn mà hắn phải đưa ra từ sau sự kiện đấy. Cái mạch này cũng ít nhiều được chia ra thành các tập, nhưng số tập ít hơn hẳn cái mạch bên trên, chưa kể còn có tính liền mạch và dần hướng đến một cái kết rất cụ thể. Mạch này được viết khá lôi cuốn, và đặc biệt là càng về sau càng trở nên kịch tính hơn. Có mấy đoạn, anh em sẽ gần như phải nín thở lật giở từng trang, bất chấp trong này gần như chẳng có tí hành động nào, bởi vì cái hoàn cảnh nhân vật rơi vào nó hiểm nghèo vô cùng, thực sự ép buộc nhân vật phải vắt từng phân tử óc ra thì mới có thể thoát được. Ngay cả sau khi nhân vật thoát ra được khỏi tình huống đấy rồi, mọi người vẫn cảm thấy cơn căng thẳng chưa dứt, bởi vì rõ ràng là cái vụ việc đấy sẽ có tác động đến tương lai sau này. Càng lúc, mọi người sẽ càng thấy nhân vật bị dồn ép vào chân tường theo một kiểu rất lý thú, và không khỏi háo hức muốn xem rốt cuộc cái mạch này sẽ chốt lại kiểu gì.

Nhưng khốn nạn thay, khi phần kết đến, anh em sẽ ngỡ ngàng nhận ra người bị ép vào chân tường không chỉ có mỗi nhân vật, mà còn có cả tác giả nữa. 

Cụ thể hơn, truyện kết lại theo một kiểu không thể nào ngu si hơn được. Tự dưng tác giả quyết định để nhân vật làm một việc như trên trời rơi xuống, không hề có một tí cảnh báo nào, xong cho câu chuyện ngắt rụp ở ngay đấy, bất chấp cái việc vừa làm chẳng giải quyết được cái gì ngoài một tiểu tiết rất cỏn con, trong khi tất cả những nền tảng đã được vạch sẵn ra từ trước đến nay đều bị bỏ lửng, và cả câu chuyện bất chợt trở thành vô nghĩa. Thêm vào đó, cái hành động ấy còn đẻ ra một lố câu hỏi và vấn đề khác, tất cả đều nhức nhối chẳng kém gì những vấn đề đã bị bỏ không kia, nhưng mà tác giả lại cứ làm như thể mọi thứ thế là đã êm đẹp lắm rồi. Quả kết đấy ngu đến mức nó đã làm được một điều mà mình bấy lâu cứ ngỡ tưởng là bất khả thi, đó là soán ngôi Game of Thrones trong bản xếp hạng những cái kết đần độn nhất lịch sử. Ít nhất thì Game of Thrones nó còn có một tí lôgic, chứ như thằng này còn chẳng có tí lôgic nào luôn.

NHÂN VẬT

Tender Is the Flesh có một dàn nhân vật tương đối lớn, nhưng hầu hết các nhân vật trong truyện là những người mà nhân vật chính gặp trong cái mạch tham quan mình đã nhắc đến ở đầu. Họ chỉ xuất hiện trong có một “tập,” sau đó xách đít bay thẳng ra khỏi câu chuyện luôn, không bao giờ quay trở lại nữa. Chính vì thế, những người này không được đầu tư sâu lắm, không có quá khứ hay lịch sử, nội tâm gì sâu sắc cả.

Nhưng dù không được sâu cho lắm, họ vẫn có những nét hấp dẫn đến đáng ngạc nhiên. Dù thời lượng lên sóng rất ít, họ vẫn kịp thể hiện một cá tính rất riêng biệt so với nhân vật chính và với nhau. Ta có thể ít nhiều áng được cái triết lý sống của họ, hoàn cảnh đã xô đẩy họ đến với cái nước đường hiện tại, và nhờ có bọn họ mà biết được thêm về một số lớp người và tu tưởng thú vị tồn tại trong cái thế giới này.

Đầu tư sâu nhất tất nhiên sẽ là nhân vật chính. Tay này là một nhân viên nhà máy giết mổ, và ta được tác giả cho ngồi vào trong đầu hắn trong suốt quá trình hắn làm việc. Hắn khinh bỉ và ghê tởm cái sự đạo đức giả và tàn nhẫn của xã hội, nhưng vì cơm áo gạo tiền mà vẫn phải nghiến răng đạp nát nhân tính của bản thân mà cắm đầu vào làm cái việc mình làm, tiếp xúc với những hạng người mình phải tiếp xúc. Từ cái tiền đề này, tác giả đã vẽ lên một nhân vật với đời sống nội tâm rất phức tạp, chịu đựng đủ kiểu giằng xé khác nhau, dẫn đến những xung đột cả trong lòng lẫn với người ngoài đầy lý thú.

Hấp dẫn nhất, tên này có một quá khứ đầy bi kịch, và gia cảnh hiện thời chẳng lấy gì làm tốt đẹp cả. Hắn có một ông bố vừa già vừa lú, không thể thích ứng nổi với xã hội tàn ác hiện thời, và là lý do hắn phải tiếp tục làm cái việc trái với lương tâm bản thân kia. Hắn còn có một cô em gái lúc nào cũng ra vẻ đon đả và yêu thương gia đình, nhưng toàn né tránh trách nhiệm chăm sóc ông bố của anh em họ và chỉ chăm chăm tìm cách trục lợi từ hắn. Ngoài ra, hắn còn từng để mất một đứa con đã cố gắng lắm mới thụ thai được, và điều này vừa ám ảnh hắn liên tục, vừa khiến vợ hắn sốc đến mức chia tay với hắn luôn. Tất cả những mối quan hệ này tạo thành một mạng lưới tương tác đầy tinh xảo, cho nhân vật chính cơ hội được thể hiện rõ sự sâu sắc và phức tạp của con người của mình, đồng thời càng lúc càng khiến ta thấy đồng cảm hơn với hắn.

Ngoài ra, theo tiến trình của cái mạch cốt thứ hai, ta sẽ liên tục được thấy nhân vật này có những chuyển biến đầy thú vị trong tâm tư và tình cảm. Vì bản chất của cái chuyển biến này gắn bó rất mật thiết đến một tình tiết trọng yếu của cốt, thế nên không thể được nói lộ ra, nhưng đại để là anh em sẽ thấy nhân vật đang có một lộ trình khá cụ thể. Thứ chờ đợi hắn ở cuối chặng đường là không hẳn đã rõ ràng, nhưng anh em sẽ có thể thấy đây là một thay đổi đầy tự nhiên và mê hoặc, và sẽ càng lúc càng thêm quan tâm đến số phận của nhân vật.

Nhưng rồi đùng một cái, hồi kết ập đến.

Cái sự ngu xuẩn của phần kết không chỉ đập tan mọi xây dựng về cốt, mà nó còn đá đổ luôn toàn bộ phát triển của nhân vật. Bất thình lình, với chỉ hai ba dòng miêu tả, nhân vật rũ bỏ gần như sạch sành sanh mọi thay đổi từ đầu truyện đến bây giờ, và quay ngược về với cái mốc xuất phát. Cũng như với cái vụ cốt, chẳng có bất kỳ một lý do nào để hắn tự nhiên hành xử như vậy, hay thay ngoắt tâm tính như một phát bật công tắc đèn như vậy cả. Đọc đến đây, anh em sẽ cảm thấy tức muốn ói máu, bởi vì toàn bộ quãng thời gian mình dành bên nhân vật đều trôi tuột xuống cống hết cả rồi.

TỔNG KẾT

Tender Is the Flesh là một cuốn truyện rất khá là nặng đô, và chắc sẽ khiến không ít anh em phải phát ói với cái sự tởm của mình. Tuy nhiên, đây lại là một tác phẩm với thế giới được đầu tư một cách chi tiết đến phi thường, kèm theo cả một cái cốt cũng như nhân vật được xây dựng ổn đến bất ngờ, dù rằng kết thúc ngu như hạch. Nếu bụng dạ đủ vững để cân cái đề tài nó bàn đến, cũng như không quá ngán việc bị 2 trang cuối cùng của truyện đấm vào đít, anh em hãy thử ngó qua nó nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.