Bữa nay mình có nổi hứng ngồi xem lại một số cái clip lore của Overwatch, một game bắn nhau online với bối cảnh Sci Fi. Lúc xem đến câu chuyện về Ramattra (clip bên dưới), một con rôbốt với cuộc đời nhiều thăng trầm trong game, mình sực nhận ra một điều: con rôbốt này sẽ là một phiên bản gần như giống y xì đúc Đại Ca, nếu một sự kiện nhất định trong Chó Săn Miền Bom Đạn diễn ra hơi khác đi một chút.
Mà trước khi vào bài, mình xin hứa đây sẽ là bài cuối cùng về Chó Săn Miền Bom Đạn trong thời gian sắp tới nhé. Mấy bữa nay chém về nó nhiều quá rồi, thêm nữa thì chắc anh em treo đầu mình lên mất 🐧.
Ok, giờ quay lại với đề tài chính này.
Điểm đầu tiên ở Ramattra khiến mình liên tưởng đến Đại Ca là cái giọng của nó. Nếu mở tiếng lên nghe, anh em sẽ thấy con Ramattra này có một cái giọng khá sởn gai ốc. Nó nghe rất dữ dằn, ồ ề, như một phiên bản lai giữa tiếng gằn của một con rồng và một cái máy nghiến. Ngay cả những lúc con này bàn đến những đề tài nhẹ nhàng như hòa bình và thiền định, ta vẫn thấy những cái âm rào rạo của giọng nó như xát giấy nhám vào tai, và luôn có cảm giác con này đang dọa nạt gì mình.
Tình cờ thì đấy cũng chính là cái kiểu giọng của Đại Ca. Như trong truyện có mô tả, “[g]iọng thật của [Đại Ca] nghe vừa hung dữ, vừa gằn gừ, vừa ồ ồ, với cao độ nằm ở một tần số dư sức khiến gan ruột con người nhoét sạch thành nước.” Bất kể muốn nói gì, nó cũng chỉ có thể dùng được đúng một cái giọng đáng sợ như thế. Nói cách khác, ngay cả khi chẳng có ý dọa dẫm gì ai, Đại Ca cũng chỉ thốt ra được những lời hăm dọa ì ầm.
Đặc biệt nhất, nếu anh em từng nghe qua cái bản audiobook của truyện gốc, mọi người sẽ thấy giọng hai con này càng giống nhau tợn. Chịu trách nhiệm lồng tiếng cho con Đại Ca trong bản đấy là Nathan Osgood, một người vốn sở hữu một chất giọng rất trầm và cộc cằn. Chính vì vậy, qua cách thể hiện của Nathan, cái giọng con chó mà độc giả (thính giả?) hình dung ra trong đầu sẽ nghe rất giống với Ramattra, chỉ có điều thiếu đi cái hiệu ứng máy móc kèn kẹt của nó. Anh em có thể tham khảo mẫu đọc của Nathan ở đây, và so nó với giọng Ramattra: https://excerpts.cdn.overdrive.com/FormatType-425/7723-1/5563394-DogsOfWar.mp3.
Và từ cái tiền đề giọng ấy, mình mới ngẫm kỹ lại về hai cái con này, và thấy câu chuyện của chúng nó có nhiều nét chung nhau đến bất ngờ.
Đầu tiên, cả Ramattra và Đại Ca đều là những tạo vật nhân tạo, được chế ra để phục vụ một mục đích duy nhất: chém giết con người. Khác chăng chỉ là Ramattra là rôbốt, được chế ra bằng kim loại máy móc thuần túy; trong khi ấy, Đại Ca là một Sinh Dạng, hình thành nhờ máu thịt động vật kèm một số công nghệ tích hợp bên ngoài.
Thứ hai, khi ở ngoài trận tiền, hai con này đều có hai vai trò. Cả hai đều sở hữu cấu tạo và vũ khí thích hợp cho việc xông lên tiền tuyến và trực tiếp tham chiến, nhưng đồng thời cũng giữ vai trò chỉ huy tiểu đội và ra quyết định chiến thuật để thích ứng với điều kiện ngoài thực địa. Ramattra thì lãnh đạo một đội quân rôbốt, còn Đại Ca thì lãnh đạo một bầy thú Sinh Dạng.
Và cuối cùng, lúc cuộc chiến kết thúc, đồng loại của cả Ramattra lẫn Đại Ca đều bị loài người ghê sợ và căm ghét. Ramattra thì chứng kiến các con rôbốt thuộc mẫu của mình bị săn lùng đến gần như tuyệt chủng, trong khi những con rôbốt vô can khác bị phân biệt đối xử và hành hạ vô cớ; Đại Ca thì thấy tất cả các Sinh Dạng trên đời đều bị tống vào những trại tập trung, bất kể chúng nó có tội tình hay thậm chí là mẫu chiến đấu gì hay không, và sau đấy thì cũng bị đối xử như những kẻ hạ đẳng và bị lợi dụng.
Đáng chú ý nhất, bắt đầu từ lúc cuộc chiến mà hai con này tham gia kết thúc (Khủng hoảng Omnic đối với Ramattra, chiến tranh dẹp phiến quân tại Campeche đối với Đại Ca), ta có một sự rẽ nhánh rất thú vị giữa hai con này. Gọi sự rẽ nhánh đấy là thú vị, bởi lẽ đúng lý ra, nếu mọi sự trong Chó Săn Miền Bom Đạn mà hơi khác đi một tí, hai cái nhánh này sẽ gần như chập khít vào với nhau luôn.
Đến đoạn này thì phải cảnh báo với anh em một tí: phần tiếp theo sẽ làm lộ một mạch cốt rất quan trọng nằm ở chương 26 của Chó Săn Miền Bom Đạn. Nếu chưa đọc hết chương đấy và không muốn bị spoil, mọi người có thể dừng đọc ở đây, và về sau quay lại cũng được. Còn nếu đã đọc xong rồi hoặc không quan tâm đến việc bị spoil, mời mọi người đọc tiếp nhé.
Như đã nói đấy, sau khi cuộc chiến ở Campeche kết thúc, bọn Sinh Dạng tất thảy đều bị tống vào trại tập trung, chờ ngày ra tòa. Dựa trên các bằng chứng mà đội luật sư bào chữa thu thập được cũng như lời khai của chính Đại Ca, Tòa án Hình sự Quốc tế (tức ICC, viết tắt của “International Criminal Court”) sẽ phán xem liệu bọn này có nên được coi là những sinh vật sống biết nghĩ suy và đáng được hưởng một số quyền cơ bản không, hay chỉ đơn thuần là một mớ vũ khí sinh học vô tri và có thể thẳng tay đem đi tiêu hủy.
Nói cách khác, nếu không được ICC coi là sinh vật thông minh, lũ Sinh Dạng sẽ phải đối mặt với số phận bị diệt chủng.
Nhưng thật may mắn cho lũ Sinh Dạng, ICC rốt cuộc đã đưa ra một phán quyết có lợi cho chúng nó, và bọn nó đã được cho phép sống tiếp, mặc dù là sống một cuộc đời rất khổ cực. Tuy nhiên, không ai hay biết rằng cái phán quyết đấy của ICC không chỉ đã giúp bảo toàn mạng sống của Sinh Dạng, mà nó còn giúp chính con người né tránh được một cuộc tàn sát đầy man rợ nữa. Nguyên nhân là ngoài các luật sư trong đội bào chữa tại ICC, bọn Sinh Dạng còn có một số đồng minh bí mật khác. Những đồng minh này của chúng đã lập sẵn ra một kế hoạch B để tạo cửa sống dự phòng cho Sinh Dạng, và trong một phân cảnh sau khi tòa đã ra quyết định xong xuôi, cái chi tiết cái kế hoạch B đó đã được tiết lộ. Nó là như sau:
“Còn một thứ nữa anh nên biết.” Cô mở một báo cáo khác ra và nghiêng máy cho anh đọc. “Xem qua đi nhé.”
Tài liệu này khá ngắn, và khi anh còn chưa đọc được phân nửa, máu trong người anh đã buốt cóng hoàn toàn. “Không thể nào…”
“Là thật đấy. Chứ nếu đây mà là một trò đùa thì thật vô duyên quá sức, công nhận không?” Cô nhướng một bên mày hoàn hảo.
Đã có kẻ phát hiện ra một lỗ hổng an ninh tại nhà tù Sinh Dạng, nơi Đại Ca và hàng bao con chó khác đang bị giam giữ. Mọi ổ khóa, chuông báo động, cùng các hệ thống phòng ngừa tại đấy trông như đều có thể bị vô hiệu hóa đồng loạt bất cứ lúc nào. Cửa nẻo sẽ nhất tề bung mở, Sinh Dạng sẽ xổng hết ra ngoài.
“Tôi không hiểu,” Aslan thành thực thú nhận. “Sẽ xảy ra… hỗn loạn, sẽ có máu chảy đầu rơi… đúng không?”
“Biết thế nào được,” Hellene nói với anh. “Chẳng ai cần phải thực thi kế hoạch này cả, bởi vì các sếp của anh đã đưa ra quyết định đúng đắn rồi còn gì.”
Như anh em có thể thấy đấy, nếu được thực thi, cái kế hoạch này sẽ ngay tức khắc đẩy câu chuyện sang một hướng khác hẳn. Thay vì có một mạch truyện nơi các Sinh Dạng phải chật vật tích hợp dần vào với xã hội loài người bằng những biện pháp hòa bình (như những gì quả thực đã diễn ra trong tác phẩm), ta sẽ có một mạch xung đột đẫm máu. Lũ Sinh Dạng và loài người sẽ bị đẩy vào hai phía đối địch nhau, và một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ nổ ra. Lúc này, Chó Săn Miền Bom Đạn sẽ chẳng còn là một ẩn dụ chỉ trích xã hội đậm chất nhân văn nữa, mà nó sẽ trở thành một bộ phim Terminator. Thay vì được xây dựng như một Martin Luther King Con bất đắc dĩ, Đại Ca sẽ phải đóng vai John Connor, phải lãnh đạo các đồng loại Sinh Dạng của mình tiến hành một cuộc kháng chiến tuyệt vọng để giành giật quyền được sống. Trong khi ấy, con người sẽ là thế lực rôbốt tà ác, càn quét và rắp tâm lùng diệt tận gốc đám Sinh Dạng, khiến chúng nó phải trốn chui trốn nhủi.
Cá nhân mình thì tin cái mạch truyện thực sự mà ta đã nhận được hấp dẫn hơn cái mạch Terminator này nhiều, vì cái trò đôi bên lao vào đấm nhau cật lực chính ra cũng đã bị làm đến quá nhàm rồi, chưa kể lại không dễ liên hệ đến thế giới con người như mạch truyện thực. Tuy nhiên, cái mạch Terminator đấy kể cũng không phải là nhàm chán đâu. Nó chắc chắn sẽ có nhiều phân đoạn hành động kịch tính hơn, và cũng sẽ gợi cho ta nhiều thứ phải suy nghĩ về bản chất của loài người khi thấy bản thân hành xử chẳng khác nào tay chân của Skynet. Thêm vào đó, vì vai trò của Đại Ca trong cuộc kháng chiến nhiều khả năng sẽ chỉ giống như một con rối, bị những người như Mật và AiDOS đứng đằng sau thao túng, ta cũng sẽ có thể có một cái theme rất thú vị về bản chất của quyền lực và cách những con người lương thiện sẽ bị lợi dụng trong chiến tranh để phục vụ những mục đích chưa chắc họ sẽ đồng ý.
Trên thực tế, đây có khi cũng chính là một kế hoạch B của Adrian Tchaikovsky. Rất có thể trong quá trình viết lách, Tchaikovsky đã tính sẽ đưa đẩy câu chuyện theo chiều hướng này. Nhưng rồi sau một hồi suy tính, ông anh đã đổi ý, chuyển hướng đẩy câu chuyện đi theo một con đường khác, và ta có Chó Săn Miền Bom Đạn với dáng hình hiện tại. Toàn bộ cuộc trò chuyện giữa Hellene và Aslan ở trên có lẽ đã được Tchaikovsky thêm vào để kín đáo tiết lộ cho người đọc biết rằng mình thực chất còn có một kế hoạch khác nữa cho câu chuyện, nhưng rốt cuộc đã gạt bỏ nó đi, bởi vì ông anh “đã đưa ra quyết định đúng đắn rồi còn gì.”
Nhưng kể cũng may mắn là ta vẫn còn có Ramattra để có thể ít nhiều hình dung ra một phiên bản Alternate History của con Đại Ca. Khác với Đại Ca, không có tòa án ICC nào đứng ra ngăn cản các đồng loại rôbốt của Ramattra bị con người hành hung cả. Chính vì lẽ đó, Ramattra đã quyết định thực thi luôn cái kế hoạch B kia: đứng ra tập hợp rôbốt lại dưới ngọn cờ của mình và thực hiện một cuộc khởi nghĩa đẫm máu, quyết tâm dùng bom đạn và súng ống để gầy dựng một tương lai tươi sáng cho giống loài mình, bất cần quan tâm con đường dẫn đến cái tương lai ấy sẽ phải lát bằng thây của bao nhiêu con người cũng như rôbốt.
Nếu hồi đấy ICC mà không cho Đại Ca cùng đồng loại nó quyền sống, chắc bọn nó cũng sẽ làm ra một cái thước phim chiêu mộ nghĩa sĩ và kêu gọi vùng dậy đấu tranh như cái clip bên dưới quá. Có khác gì thì cùng lắm chỉ là thay vì một đám rôbốt cùng tàu bè các kiểu, ta sẽ thấy một loạt chó, gấu, thằn lằn, với ong bay ngập trời thôi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓