Trong cái bài review Chó Săn Miền Bom Đạn đăng tối qua, bạn Bình có đề cập đến việc ngoài Ong và Đại Ca ra thì truyện dành hơi ít đất diễn cho các Sinh Dạng khác. Chuyện đó làm mình nhớ đến một nhân vật có rất nhiều tiềm năng, nhưng đã bị Adrian Tchaikovsky để uổng phí.
Trước khi vào bài thì cần rào qua tí rằng bài này sẽ spoil rất mạnh gần như toàn bộ truyện. Anh em nào chưa đọc tối thiểu đến hết chương 35 thì tốt nhất nên tạm gác cái bài này lại, xử xong cái chương đó đã rồi hẵng đọc.
Còn với những anh em đã đọc rồi hoặc không sợ bị spoil, mời mọi người đọc tiếp nhé.
Như anh em biết đấy, trong phần đầu của quyển Chó Săn Miền Bom Đạn, lúc con Đại Ca vẫn còn phục vụ dưới trướng một lực lượng lính đánh thuê, nó không hoạt động một mình. Con này là một phần của một biệt đội đột kích đặc biệt, bao gồm 3 Sinh Dạng khác nữa, đó là Mật (Sinh Dạng gấu), Ong (Sinh Dạng Ong), và Rồng (Sinh Dạng thằn lằn). Mỗi con có một vai trò chiến đấu riêng, và chúng nó cũng có một kiểu tính cách và nếp nghĩ rất khác biệt so với Đại Ca, khiến cho cả team trở nên rất đa dạng theo mọi nhẽ.
Và trong cái đám đấy, Rồng là một thằng rất đáng chú ý (không có ảnh tả thực về nó, nhưng con này đại khái trông giống cái hình bên dưới nhé), mặc dù không phải vì nó được đầu tư nhiều nhặn gì cho cam. Trên thực tế, cái con này còn là thằng mang tính “vanilla” nhất cả đội. Nó được xây dựng như kiểu một tay lính đánh thuê bình thường, nói năng đủ gãy gọn để có thể coi là con người chứ không có cái kiểu đần đần độc đáo như Đại Ca, tư duy cũng không đến mức ba ngơ nhưng lại chẳng siêu việt như Mật, và ý tưởng nền của nó cũng chẳng thú vị được ngang Ong. Nhìn chung, ở khúc đầu truyện, mình chỉ thấy con này như kiểu một thằng thêm vào để tăng tính đa dạng cho cả team. Kết hợp với việc con này không được cho chiếm spotlight nhiều, hẳn sẽ chẳng mấy anh em thấy nó có gì quá đặc sắc.
Tuy nhiên, càng đi sâu vào trong truyện, mình lại càng bị thu hút bởi Rồng. Nguyên nhân vì càng lúc, con này càng thể hiện nó là một đối lập với Đại Ca theo những cách lý thú mà không ai khác trong cái biệt đội Sinh Dạng ấy bì được. Thậm chí, có bới toàn truyện, chưa chắc anh em sẽ thấy ai xứng đáng đứng ra làm đối trọng với Đại Ca hơn con này.
Cái đầu tiên là vai trò chiến đấu của nó. Rồng là lính bắn tỉa, được trang bị một khẩu súng trường với cự ly hữu hiệu xa tít mù tắp, và khi chiến đấu nó thường bò tít ra một cái chỗ cao và khuất tầm nhìn để thịt tướng tá. Đại Ca thì là lính cận chiến, được trang bị hai khẩu tiểu liên tự động (anh em cứ tưởng tượng súng con Đại Ca giống với khẩu UMP-45 trong CS:GO ấy, có điều có thể tự nhắm bắn và khai hỏa chứ không cần Đại Ca bóp cò). Kết hợp với việc bản thân con Đại Ca rất thích cái trò áp sát địch và dùng răng vuốt cắn xé, phạm vi chiến đấu hữu hiệu của con này rất ngắn.
Ngoài ra, Rồng còn được thiết kế để giấu thân thật kỹ. Giáp bảo vệ của nó yếu nhất trong cả đội, và con này có thể đổi màu vảy đến mức biến bản thân trở thành gần như tàng hình, thậm chí còn xóa biến cả mùi cơ thể, khiến cho dù mũi có thính như chó và mắt tinh như cú vọ (theo đúng nghĩa đen 🐧 ) cũng chưa chắc đã phát hiện ra được nó, kể cả nếu nó có đang đứng tea-bag ngay trước mặt. Đại Ca thì là thứ gần nhất với tank của cả đội. Nó lúc nào cũng là đứa lao vào đầu tiên, hút hết hỏa lực địch về phía mình trong khi những đứa khác bắn yểm trợ hoặc một lúc sau mới vào. Nó cũng được thiết kế với giáp hạng nặng, thế nên trừ phi bắn trúng một số chỗ cực khó nhắm như mắt với bụng dưới của nó bằng một loại súng mạnh, hầu như không một thứ gì xi nhê với con này cả.
Thêm vào đó, Rồng cũng là một thằng rất lề mề. Con này gốc là động vật máu lạnh, không tự sinh nhiệt được, thế nên khó chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái hoạt động, đặc biệt nếu thời tiết không ủng hộ (chẳng hạn khi trời rét buốt quá). Vũ khí tự nhiên mạnh nhất của nó cũng là nọc độc, mà cái nọc nó tiết ra không có tác dụng tức thời, chưa kể nếu dùng để tấn công Sinh Dạng thì chỉ đủ sức khiến đối phương đờ đẫn đi thôi chứ không thể hạ gục được địch thủ. Con Đại Ca thì gốc là động vật máu nóng, nhoằng cái là có thể lao vào chiến đấu luôn chứ không cần chờ người ấm lên hay chuyển chế độ sinh nhiệt gì cả. Vũ khí tự nhiên của nó cũng toàn là thứ công hiệu tức thời, bao gồm nanh vuốt và một loạt các cơ khỏe phi thường. Để con này sờ được vào người thì một tí thôi là địch thủ sẽ nát thây với nó.
Rồng cũng là thằng duy nhất trong đội gần như chống đối ra mặt với ông chủ của cả cái đám này, hoặc ít nhất thì cũng là cái thằng có thái độ bất hợp tác nhất. Nó cực kỳ lười, không bao giờ làm cái gì trừ phi được sai bảo cụ thể, và cứ có cớ là tìm cách trốn việc. Nó cũng là đứa sung sướng ra mặt nhất khi cả đội bị tách khỏi ông chủ. Trong khi ấy, Đại Ca là thằng cuồng chủ với lòng trung thành của một con chó. Nó lúc nào cũng chỉ chăm chăm muốn làm hài lòng ông chủ, và là thằng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất về tâm lý lúc cả đám mất chủ.
Từ những cái trên, anh em có thể thấy con Rồng này gần như là một âm bản của Đại Ca vậy, cả về cấu tạo thể xác lẫn tâm lý tính cách. Đây là một nguồn xây dựng xung đột hết sức dồi dào, và Tchaikovsky cũng đã không ít lần xoáy vào sự khác biệt giữa hai con này để tạo kịch tính cho truyện. Rồng với Đại Ca gần như lúc nào cũng hục hặc với nhau, với thằng Rồng hở ra một tí là lại móc mỉa với kháy đểu con Đại Ca, còn Đại Ca thì luôn thấy cáu tiết với cái kiểu lười nhác và thái độ bố láo của con này.
Đáng chú ý nhất, chỉ có duy nhất một lần trong truyện là cái đội của Đại Ca xuất hiện mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, và cái mâu thuẫn đấy nảy sinh từ chính hai thằng Rồng và Đại Ca chứ không phải ai khác. Lúc bấy giờ, bọn này đang bị lạc chủ, và con Đại Ca cứ nhặng xị tìm cách quay về, và vẫn coi ông chủ cũ là bạn của chúng nó. Mật thì biết thừa chủ chúng nó chẳng tử tế gì, nhưng chỉ động đến đề tài đấy một cách tế nhị thôi. Ong thì gần như dửng dưng, không quan tâm đến việc chủ bọn nó là bạn hay thù. Riêng thằng Rồng thì chẳng buồn giữ kẽ gì hết, nói thẳng vào mặt Đại Ca rằng chủ cũ không phải bạn bọn nó, dẫn đến một phân cảnh như sau:
Kênh của Rồng: Họ không phải là bạn ta.
Tôi sửa lời cậu ta, hơi gầm gừ, gầm gừ. Tôi nghĩ hôm nay Rồng không được thông minh cho lắm. Không đâu, không đâu.
Kênh của Rồng: Họ chưa bao giờ là bạn ta cả.
Tôi lại gầm gừ, quan sát mào của cậu ta dựng lên, tấm thân dài của cậu ta oằn cong và thu lại. Khẩu súng dài của cậu ta vẫn trong trạng thái triển khai, nhưng cậu ta không chĩa nó vào tôi. Cặp Cần Cẩu của tôi không chĩa vào cậu ta. Nhưng tôi vẫn ở đủ gần để cậu ta lao tới cắn, và chất độc của Rồng sẽ khiến tôi bị đờ đờ, đờ lắm lắm, và còn làm tôi phát bệnh nữa.
Cậu ta ở đủ gần để tôi giương vuốt túm, túm lấy và xé xác, để tôi ngoạm răng vào sau đầu cậu ta và lắc cậu ta. Tôi muốn làm thế. Muốn ghê, muốn ghê.
Kênh của Rồng: Bạn bè duy nhất của chúng ta chỉ là chính chúng ta mà thôi.
Cặp mắt vàng của cậu ta dán vào tôi. Ong bồn chồn bay quanh bọn tôi. Tôi nghe thấy Mật dồn thân xác to lớn của nó từ chân này sang chân kia, đứng nhổm người dậy.
Kênh của tôi: Ông. Chủ. Là. Bạn. Ta. Tôi nói rõ từng từ, từng từ một.
Cái cảnh này hấp dẫn vô cùng. Một phần là bởi hai con này về cơ bản là counter của nhau. Con Rồng mà lui được ra xa xong tàng hình leo lên cao điểm và rút súng bắn thì con Đại Ca gần như cầm chắc cái chết. Với cái kỹ năng bắn tỉa bách phát bách trúng của Rồng, cái mớ giáp trên người Đại Ca có cũng bằng không, vì Rồng dư sức bắn thẳng vào các điểm trọng yếu của nó; thêm vào đó khả năng ngụy trang của nó lại quá tốt, và Đại Ca mũi có thính mấy cũng chưa chắc đã tìm ra được nó trước khi nó pằng cho một phát nát gáo. Nhưng ngược lại, nếu con Đại Ca mà xán được vào gần trước khi Rồng kịp trở tay thì GG cho con Rồng luôn. Ở tầm gần, cái khẩu súng tỉa dài ngoằng của con Rồng chỉ tổ làm nó vướng víu chứ không hỗ trợ được mấy; thêm vào đó, sức con này còn quá yếu, còn lâu mới đâm thủng nổi lớp giáp với làn da dày cộp của Đại Ca; nọc độc của nó cũng chỉ đủ sức làm cho con Đại Ca chậm lại, chứ không thể giết hẳn được con này trước khi bị nó làm gỏi. Con nào cũng có thể giết được con còn lại theo kiểu rất cân tài cân sức, và trận quần nhau giữa bọn nó cũng hứa hẹn sẽ rất độc đáo.
Thêm vào đó, ta còn cái yếu tố tình cảm trong một cuộc đụng độ như thế này nữa. Mặc dù hai con này cứ lục đục với nhau như chó với m̵è̵o̵ thằn lằn, bọn nó vẫn có một lịch sử với nhau, từng là anh em đồng chí, và ít nhiều còn có thể coi như một dạng anh em vậy: không đến mức thù nhau tận xương tủy dù hay điên tiết với nhau. Bây giờ, đúng lúc bọn này chẳng còn bất kỳ ai khác ngoài mỗi nhau thôi, chúng nó lại quay sang chĩa súng vào nhau. Điều này giúp đẩy cái xung đột giữa chúng nó lên một cái tầm còn cao hơn cả một trận ẩu đả cục súc bình thường, với hai đối tượng không có một tí nghĩa tình gì với nhau, và chưa phải vào sinh ra tử cùng nhau.
Nhưng sau đó thì thanh niên Chai-cốp-sờ-ti nhà ta không làm gì tiếp với cái mối quan hệ hấp dẫn và phức tạp giữa hai con này cả.
Sau khi cái xung đột trên được ông tác giả hóa giải xong, không một lần nào Rồng với Đại Ca còn xuất hiện một xung đột nảy lửa đến thế nữa. Chúng nó quay lại với cái kiểu hục hặc cố hữu, với xung đột cao nhất chỉ là thằng Rồng hậm hực với kèo nhèo vì bị Đại Ca cấm này cấm nọ, còn Đại Ca thì bực dọc vì cứ bị con kia cãi và trêu chọc.
Thế rồi một thời gian sau, trong trận quyết chiến cuối cùng đám Sinh Dạng tham gia tại Mexico, con Rồng lăn đùng ra chết.
Xét chuẩn ra, cái chết của con Rồng là một diễn tiến được viết rất khéo. Nó mạng lại một nét thực tế cho câu chuyện, đóng vai một lời nhắc nhở với độc giả rằng đây không phải là một câu chuyện vui vẻ, nơi người hùng chiến thắng kẻ ác và dắt tay nhau đi về phía mặt trời để cùng tận hưởng một cái kết có hậu bên nhau. Nó cũng xảy ra vào đúng lúc chặng đường phát triển của Rồng có thể coi là đã đủ đô rồi. Ta đã hiểu thêm một chút về nó, và quan hệ giữa nó với Đại Ca cũng đã tiến triển lên đủ để ta phần nào thấy xót cho cái chết của nó, hoặc chi ít cũng thấy đây là một cái chết có sức nặng. Rồng rời sân khấu theo kiểu đấy âu cũng được rồi.
Nhưng sang phần tiếp theo, Tchaikovsky tự nhiên lại giới thiệu một nhân vật mới vào trong truyện, đó là Max, và cái mạch liên quan đến con này tự dưng lại khiến việc cho con Rồng chết đi ở đoạn đầu trở thành một quyết định hết sức dại dột.
Max là một Sinh Dạng chó, tương tự với Đại Ca. Trên thực tế, con này gần như chính là Đại Ca, chỉ có điều khôn hơn một tí, với cả Max là một con dobermans còn Đại Ca là một con pitbull. Max sống cùng Đại Ca trong cái trại tập trung mà con người đã xây lên để nhốt đủ loại Sinh Dạng vào, và nó là một dạng ông trùm mafia trong cái trại này, lãnh đạo một bầy Sinh Dạng riêng, trong khi Đại Ca thì là trùm yakuza, lãnh đạo một bầy khác. Bầy của Max với Đại Ca thường hay tranh giành lãnh thổ với việc làm của nhau, nhưng hai con này nhìn chung cũng có quan hệ tốt với nhau, thường hay giao kèo và thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp chứ hiếm khi đánh nhau hẳn.
Thế rồi đến một đoạn, Đại Ca dắt quân đi đánh chiếm lãnh thổ các bầy nhỏ, trong khi vẫn nhắn với Max rằng mình sẽ không động đến bầy của phe nó. Max tin tưởng Đại Ca, và không có động thái đề phòng gì trong lúc Đại Ca dắt quân đi đánh chiếm đủ nơi. Nhưng đùng một cái, Đại Ca đánh thẳng vào lãnh thổ của Max, làm phe con này phải luống cuống chống trả. Và từ đó, ta có một phân cảnh như sau:
Đột nhiên, Max phá tung vòng vây của đội tôi. Một toán trong bầy nó cũng lao ra cùng, và chúng hung hãn chiến đấu, răng vuốt thẫm đỏ. Chúng đang lao thẳng về phía tôi. Tôi truyền lệnh, và từ khắp mọi nơi, người của tôi hùng hục chạy đến.
Mắt Max ngập tràn giận dữ, nhưng chúng không chỉ chứa mỗi thế. Nó nhắn cho tôi, Tại sao?
Kênh của tôi: Ông Chủ bảo hoặc về phe bọn tao, hoặc bị tiêu diệt.
Kênh của Max: Không còn Ông Chủ nữa. Và sẽ không bao giờ có thêm Ông Chủ nào cả.
Đây là cái lúc mình bắt đầu nhớ đến con Rồng, và thấy việc đưa con Max này vào đây là rất dở hơi. Max gần như không được phát triển gì mấy, không có một lịch sử sâu đậm với Đại Ca, và cũng chẳng đến mức có tình nghĩa gì với nó. Thành thử, lúc Max bị Đại Ca phản bội, mình chỉ thấy cái con này… ngu thôi chứ không thấy thương (nhiều) cho số phận của nó, cũng như chẳng đến mức xót xa lắm cho việc Đại Ca sa đọa đến mức phải đâm sau lưng con này. Max chỉ đơn thuần là một kẻ địch, chẳng khác mấy những kẻ Đại Ca từng giết trước đây. Giờ giết thêm con này thì cũng có vấn đề gì đâu?
Nhưng nếu đây mà là Rồng, câu chuyện sẽ đổi khác ngay. Rồng và Đại Ca đã có cả một quá khứ với nhau, cùng hoạt động ở Campache, cùng trốn chạy khỏi chủ, và cùng nhau bảo vệ một ngôi làng nhỏ bé. Thậm chí, nếu giữ nguyên vẹn những gì xảy ra ở đoạn đầu (ngoại trừ việc con Rồng vì bị thương nặng quá mà chết), thì Rồng còn đã hy sinh thân mình vì Đại Ca, và Đại Ca cũng đã ít nhiều hiểu được rằng bất chấp những câu châm chích và sự ương bướng của Rồng, Rồng nhìn chung vẫn là n̵g̵ư̵ờ̵i̵ Sinh Dạng tử tế. Cái trò phản phúc mà Đại Ca thực hiện sẽ vì thế mà càng trở nên đau lòng hơn, và ta sẽ thực sự thấy xót lúc Đại Ca giết Rồng, bởi vì đây không phải là một kẻ địch cha vơ chú váo, mà là một trong những người ít ỏi nó còn có thể coi là bạn.
Thêm vào đó, để Rồng thế chỗ Max ở đoạn này còn giúp câu chuyện trở nên mượt hơn hẳn. Việc Rồng tin tưởng Đại Ca và không đề phòng gì cả sẽ không cho thấy là nó ngu, mà đây sẽ chỉ đơn thuần là một diễn tiến rất tự nhiên, bởi lẽ Rồng đã biết rõ bản chất của Đại Ca. Nó hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Đại Ca chỉ hơi ngờ nghệch tí thôi, nhưng không phải hạng có tà tâm. Với lại, Rồng từng suýt bỏ mạng vì Đại Ca, thế nên con Rồng cũng sẽ chẳng thể ngờ nổi Đại Ca lại chó má đến mức phản bội một người mình mang ơn. Việc để Rồng đối đầu với Đại Ca cũng sẽ khiến tất cả mọi câu thoại thốt ra ở đoạn này có một tầng nghĩa sâu xa hơn hẳn, với câu “Tại sao?” trở thành một lời cáo buộc của một người bạn thực sự, còn câu “Không còn Ông Chủ nữa. Và sẽ không bao giờ có thêm Ông Chủ nào cả” là một sự nối dài của cái bản tính ngang ngạnh cố hữu, ghét bị sai bảo và bị người khác đè đầu cưỡi cổ mà con Rồng đã thể hiện ở đoạn đầu.
Cuối cùng, còn một lý do rất đơn giản nữa là một cuộc chiến giữa Rồng và Đại Ca sẽ đã mắt hơn nhiều một trận giao tranh giữa Max với Đại Ca. Như đã nói ở trên đấy, Max với Đại Ca đều là các Sinh Dạng chó, thế nên vũ khí tự nhiên bọn này có đều giống y chang nhau. Cái kiểu đánh đấm của chúng nó không có nhiều sự khác biệt, chẳng có mấy ưu nhược để tận dụng ngoài việc Max là mẫu tân tiến hơn nhưng Đại Ca thì dạn dày kinh nghiệm chiến đấu hơn. Trong khi đấy, cũng như đã nói ở trên, Rồng và Đại Ca khác biệt cực kỳ nhiều. Đại Ca sẽ ăn chặt Rồng trong đánh cận chiến, nhưng vấn đề là áp sát con Rồng kiểu bất gì khi nó có thể tàng hình và trốn biến đi chỗ khác? Rồng thì không có súng tỉa nữa, thế nên chẳng thể chơi bài leo lên nóc nhà rung đùi chờ Đại Ca quay đầu ra đúng hướng và pằng cho nó một phát xuyên mắt, mà sẽ phải liên tục đánh liều áp sát Đại Ca, đớp cho nó một phát rồi lại bỏ chạy, với hy vọng là nọc độc của mình sẽ dần dần khiến Đại Ca lăn quay ra đất. Sẽ có rất nhiều chiến thuật sáng tạo có thể được áp dụng ở đây, và cảnh chiến đấu sẽ trở nên kịch tính và đa dạng hơn hẳn, thay vì chỉ có lặp đi lặp lại mấy trò đớp với cào nhàm chán.
Nhưng khốn nạn là con Rồng bay màu từ quá sớm, thế nên Tchaikovsky chẳng còn cách nào khác ngoài để con Max ra đấm nhau với Đại Ca, bất chấp việc nó là một lựa chọn cùi bắp hơn hẳn.
Dễ chừng vì vốn là người khoái côn trùng, thế nên Tchaikovsky mới tống con Rồng khỏi tác phẩm nhanh đến thế. Chắc phải viết về một cái con tối ngày toàn đớp giống loài mình khoái thì ông anh cảm thấy hơi bứt rứt hay gì đó 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓