Chuyển đến nội dung chính

Tàu Thế Hệ - một nền tảng để xây lên các xã hội thú vị

 Bữa nay The Templin Institute, một kênh chuyên đào sâu vào khám phá các thế giới SFF, có làm một clip giới thiệu sơ lược về bản chuyển thể Silo. Cụ thể hơn, họ điểm qua cái cách tòa tháp ngầm của series này được xây dựng một cách rất tinh tế và tỉ mỉ, lường được đến mọi khả năng, và trưng ra một xã hội rất lý thú.


Vì đây chỉ là một clip giới thiệu sơ lược, nhằm tạo tiền đề cho một clip dài hơn khác họ sẽ làm, thế nên nội dung của nó nhìn chung hơi nghèo nàn, và không thực sự có gì đáng chú ý lắm. Tuy nhiên, trong lúc xem lại cái clip này, nghe cách người ta tả về cái tháp, mình mới sực nhận ra một điều:

Cái series Silo này kỳ thực là một câu chuyện con tàu thế hệ, chỉ có điều chôn dưới đất thay vì phóng ra ngoài không gian.

Trước khi bàn về việc tại sao Silo lại là một series tàu thế hệ, trước tiên cần điểm qua một tí về cái mô típ này đã.

Như anh em biết đấy, trong Sci Fi, ta rất hay bắt gặp những câu chuyện về việc tàu bè di chuyển giữa các hành tinh và hệ thống sao như đi chợ. Ta có thể sẽ gặp trường hợp sáng mở mắt ra hãy còn ở trên Trái Đất, nhưng sang đến trưa thì đã tung tăng nhấm cà phê trên Sao Hỏa, xong tầm cuối tuần thì tếch hẳn đến Alpha Centauri nghỉ mát. Ngay cả khi đã nhớ sẵn trong đầu rằng điều này chỉ khả thi với những công nghệ vượt xa thời đại cả mấy thế kỷ, anh em sẽ vẫn không khỏi để sự tự do bay nhảy đấy khiến bản thân ít nhiều có cảm tưởng vũ trụ có to thì cũng chỉ kiểu như một cái đại dương trên Trái Đất thôi: đúng là mênh mông trời bể thật đấy, nhưng mà không phải không thể vượt qua trong một thời gian hợp lý.

Nhưng vấn đề là vũ trụ kỳ thực lớn lắm. Lớn đến ngoài sức tưởng tượng luôn.

Để dễ hình dung hơn về sự khủng khiếp của không gian, anh em hãy nhìn vào Parker Solar Probe nhé. Parker Solar Probe là một tàu thăm dò vũ trụ của NASA, được phóng đi vào năm 2018 nhằm thực hiện nhiệm vụ quan sát vành nhật hoa bên ngoài của Mặt Trời. Vào hồi 21:25:24 UTC ngày 20/11/2021, nhờ tận dụng lực hấp dẫn của Mặt Trời, Parker Solar Probe đã đạt vận tốc 586.800 km/h. Nhờ thành tích ấy, nó đã được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness chính thức công nhận là vật thể bay nhân tạo nhanh nhất thế giới. Và theo ước tính thì đến năm 2025, Parker Solar Probe hứa hẹn sẽ phá tung kỷ lục của chính mình, vì lúc đó nó được dự kiến sẽ đạt tốc độ bay 692.000 km/h.

Nhưng cái con số đó gần như chẳng là cái đinh gì khi ta đặt nó vào bối cảnh rộng lớn hơn của vũ trụ.

Anh em thử hãy nhìn vào Proxima Centauri nhé. Đây là hệ thống sao mang tính “hàng xóm” nhất với chúng ta, tức nó là thằng ở gần Thái Dương Hệ nhất xét theo mọi hướng. Dẫu đã gần xịt thế rồi, thằng này vẫn ở cách ta tận hơn 40,2 tỷ tỷ km. Như vậy tức là để bay được từ Trái Đất đến Proxima Centauri, Parker Solar Probe sẽ phải mất 6.632 năm mới xong được. Mà đấy là còn trong trường hợp nó ngay khi rời khỏi bệ phóng đã lập tức đạt luôn cái vận tốc cực đại 692.000 km/h, và lúc đến nơi thì không cần phải hãm phanh hay gì đâu đấy nhé. Nếu ta còn phải cho nó thêm thời gian gia tốc từ từ, và lúc gần đến nơi thì phải cho nó thời gian giảm tốc từ từ, cái khoảng thời gian nó cần để lết đến Proxima Centauri sẽ còn phải kéo dài nữa.

Và có một điểm mà anh em cần chú ý, đấy là Parker Solar Probe về cơ bản chỉ là một cục sắt di động tí hon. Nó nặng có hơn nửa tấn một tí, với kích thước ba chiều là 1 m × 3 m × 2,3 m. Nói cách khác con này còn thua cả một chiếc Kia Morning chưa đổ đầy xăng và chưa có người ngồi (Kia Morning nặng 885 kg, kích thước 3 chiều là 3,5 m x 1,5 m x 1,4 m). Để đưa được một phi hành đoàn đến Proxima Centauri, ta sẽ cần phải thiết kế một con tàu lớn gấp nhiều lần Parker Solar Probe để chứa đủ mọi hệ thống hỗ trợ sự sống cũng như các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho bọn họ, mà điều này sẽ đồng nghĩa với con tàu chở người kia không thể nào tăng tốc nhanh bằng Parker Solar Probe được.

Ngay cả khi vì một lý do thần kỳ nào đấy, ta có thể khiến một con tàu nặng bét nhất cũng phải gấp chục lần Parker Solar Probe gia tốc được nhanh chóng như nó, thực sự tăng tốc lên nhanh như thế cũng là một điều bất khả thi. Cơ thể con người chỉ đủ sức chịu đựng được một lực gia tốc tương đương 9 G là kịch kim, thế nên ta bắt buộc phải để tốc độ gia tăng một cách cực kỳ chậm rãi. Tương tự với nó, khi giảm tốc, ta cũng cần phải giảm một cách hết sức từ từ, không thì quán tính sẽ khiến cả đoàn bẹp dí dị.

Và như vậy, thời gian để một con tàu vũ trụ chở người thực sự có thể lết được đến Proxima Centauri có khi còn phải chạm ngưỡng 7.000 năm chứ chẳng đùa. Mà nếu thế thì kể cả có được cấp đủ mọi thứ cần thiết để duy trì sự sống, phi hành đoàn cũng sẽ chỉ còn là mấy nắm xương khô lúc tàu đến được nơi.

Để giải quyết cái vấn đề này, các tác phẩm Sci Fi thường hay chém ra một công nghệ nào đấy, chẳng hạn các cổng không gian lỗ giun cho phép thiên hạ tele thẳng từ điểm A đến điểm B, hay một cái động cơ hoạt động trên nguyên lý ảo lòi để phi được với vận tốc gấp vài chục lần ánh sáng. Nhưng vẫn có những thằng muốn duy trì một tính chân thực nhất định cho mình, thế nên chúng nó không chém thêm một cái gì quá lố như thế cả. Thay vào đó, chúng nó giữ nguyên cái quãng thời gian di chuyển dài miên man kia, sau đó để cho phi hành đoàn được thay máu liên tục trong suốt chặng đường theo một nghĩa rất đen: sau khi phi hành đoàn gốc chết đi, máu mủ của họ sẽ thế chỗ họ và lái tàu tiếp; và lúc cả những con người đó chết đi, sẽ lại đến lượt thế hệ con cháu của họ thế chân họ; và cứ thế, cứ thế, con tàu cứ được cha truyền con nối, cho đến khi đến được cái đích của mình.

Một con tàu như vậy chính là tàu thế hệ (tức Generation Ship/Generation Starship).

Tàu thế hệ kỳ thực là một trong những giải pháp rất được các nhà khoa học chú tâm, bởi vì nó đại diện cho phương án khả thi nhất để giúp con người ra định cư trên những hành tinh khác. Khốn nỗi “khả thi nhất” không đồng nghĩa với “dễ thực hiện.” Đầu tiên ta có những vấn đề với bản thân con tàu. Để có thể duy trì được mấy thế hệ người liền, tàu sẽ cần phải lập được nguyên một hệ sinh thái khép kín, với mọi thứ thải ra hấp thụ vào đều có thể bù trừ được cho nhau. Điều này đòi hỏi những người thiết kế ra nó phải tính toàn hết sức chi li, lường đến mọi tương tác giữa các hệ thống với nhau và giữa hệ thống với con người, từ đó hình thành được một vòng lặp hoàn hảo với lượng thất thoát gần như bằng không.

Ngay cả khi đã thiết lập được một vòng lặp phức tạp cỡ đấy rồi, ta vẫn có một sự thật rất hiển nhiên là không một công trình nhân tạo nào, dù bền đến đâu, lại có thể tồn tại được suốt mấy thiên niên kỷ mà không xuống cấp cả. Không sớm thì muộn, sẽ có thứ gì đấy hỏng hóc, một nguồn tài nguyên nào đó bị dùng cạn, và tàu sẽ dần trở nên hết sức rệu rã, cho đến khi sập hoàn toàn. Nó cần phải được trùng tu, bảo dưỡng liên tục, mà công tác trùng tu bảo dưỡng cũng lại đòi hỏi nó phải tiêu thụ đủ thứ tài nguyên khác nhau. Thế tức là người ta lại phải căng óc ra tính toán xem nó có thể kiếm được những tài nguyên đấy bằng cách nào, cần những thiết bị gì để khai thác chúng nó, và mấy cái thiết bị đấy lại đòi hỏi một quy trình bảo trì riêng, cần phải tính đến nữa. Chẳng mấy chốc, bài toán chúng ta phải đối mặt đã phình ra rất nghiêm trọng.

Và quan trọng nhất, ta còn phải nhắc đến yếu tố con người. Bất kể có thiết kế tàu hoàn hảo đến thế nào chăng nữa, một môi trường sống trên tàu không gian sẽ vẫn khác biệt so với Trái Đất, và sau mấy ngàn năm sống trong đó, con người tất yếu sẽ có thay đổi, cả về cả thể chất lẫn tinh thần. Trong một môi trường xa lạ đến vậy, chẳng ai biết được liệu con người ta sẽ tiến hóa kiểu gì, tuổi thọ sẽ dài ra hay ngắn đi, con trẻ sẽ ngày một ốm yếu hay khỏe mạnh dần lên, IQ sẽ thoái hóa dần theo thời gian hay tăng hay giữ thế nào,… và vì thế mà sẽ chẳng thể lường được phải thiết kế tàu bè kiểu gì cho vẫn đáp ứng được tối đa nhu cầu của con người trong tương lai. Nguy hại nhất, ta sẽ rất khó lường được những biến động xã hội. Chẳng ai đoán được chính xác hoàn toàn hình thức chính quyền nào sẽ nảy sinh trên một con tàu như thế, liệu nhóm người ở đấy có chia rẽ ra thành những tiểu quốc riêng với các nề nếp và phong tục riêng không, sẽ lấy cái gì để làm kinh tế, hay thậm chí có còn lưu trữ được lịch sử của bản thân không hay để mọi thứ trôi biến vào lãng quên sau một số sự kiện sóng gió nào đấy.

Tất cả những điều trên đều là những khúc mắc khiến giới khoa học hết sức đau đầu. Nhưng trong mảng Sci Fi, chúng nó lại là cả một mỏ vàng với các tác giả, bởi vì họ có thể dựa vào đây mà tô vẽ lên hàng loạt thế giới lý thú cũng như đẻ ra đủ kiểu xung đột hấp dẫn, hoặc không thì cũng đưa ra những phương thức giải quyết sáng tạo cho những vấn đề mà một con tàu thế hệ có thể phải đối mặt.

Tỉ dụ, trong Rendezvous with Rama của Arthur C. Clarke, ta bắt gặp một con tàu thế hệ bỏ hoang đi vào hệ mặt trời, Trong suốt cả truyện, Clarke chỉ chăm chăm đi khám phá từng ngóc ngách của con tàu này, tìm hiểu về cách hàng loạt hệ thống của con tàu cùng hiệp lại để tạo nên một cái sinh quyển khép kín rất hoàn hảo, dư sức nuôi sống mấy thế hệ của cả một cộng đồng khổng lồ trong khi đi chu du khắp vũ trụ. 

Một ví dụ khác cần kể đến là Children of Time của Adrian Tchaikovsky. Trong một mạch chính của truyện, ta được theo chân một con tàu rời bỏ Trái Đất để tìm những hành tinh mới cho con người định cư. Trên lý thuyết, đây sẽ không phải là tàu thế hệ, mà các thành viên trong phi hành đoàn sẽ liên tục đi ngủ đông cho đến khi đến được nơi cần thiết. Nhưng rồi vì một số sự cố nhất định, ta có một nhóm người không còn ngủ đông nữa, mà sống hẳn trên tàu và sinh con đẻ cái, dần hình thành cả một xã hội riêng, tận dụng đủ thứ tài nguyên trên tàu để sinh tồn.

Record of a Spaceborn Few của Becky Chambers cũng là một ví dụ đáng chú ý. Cũng như Children of Time, truyện cũng kể về một con tàu mang người rời Trái Đất đi tìm nơi khác sống, nhưng đáng chú ý là nó là cả một phi đội tàu chứ không phải một con tàu, và phi đội này ngay từ đầu đã được thiết kế để trở thành một hạm đội tàu thế hệ rồi. Điểm đặc biệt nhất là dù người dân sống trên cái con tàu này cũng hình thành một nền văn hóa và thậm chí cả ngôn ngữ riêng, sống nhìn chung cũng khá biệt lập, họ vẫn có tương tác với những nền văn minh khác, dẫn đến những sự trao đổi về văn hóa và kinh tế rất thú vị.

Six Wakes của Mur Lafferty cũng là một trường hợp nên cân nhắc đến. Cũng như những thằng trên, quyển này cũng xoay quanh một con tàu phải thực hiện một hành trình dài hàng bao thế kỷ để đến một hành tinh xa xôi, và phi hành đoàn gốc được kỳ vọng là sẽ chết giữa đường, truyền lại tàu cho một thế hệ tiếp theo. Nhưng thay vì để cho con cháu kế thừa tàu, họ lại trao tàu vào tay chính những bản sao vô tính của mình, được tải dữ liệu não của chính bản thân vào trong đấy. Bởi thế cái quyển này trên lý thuyết cũng có thể được coi là một dạng truyện về tàu thế hệ, chỉ có điều các thế hệ này là bản sao giống y như đúc của thế hệ trước mà thôi.

Và tất nhiên, ta có cả cái thằng đã khơi dậy cả cái bài này nữa, ấy là series Silo của Hugh Howey.

Trước khi vào bàn kỹ hơn về cái series này và lý do nó có thể được coi là một dạng truyện về tàu thế hệ, xin cảnh báo trước với anh em là mình sắp sửa spoil liền tù tì cả 3 quyển trong trilogy này. Anh em nào đang đọc dở 2 cuốn đầu hoặc đang ngóng chờ quyền 3 thì hãy tạm né cái post này ra nhé. Còn nếu anh em nào không ngại bị spoil thì cứ đọc tiếp này.

Nếu nhìn bề ngoài, anh em sẽ thấy cái series Silo này chẳng liên quan tí gì đến cái mô típ tàu thế hệ cả. Thành thực mà nói, có gọi nó là âm bản của một câu chuyện tàu thế hệ cũng chẳng ngoa. Thay vì lấy bối cảnh là không gian vũ trụ, truyện lại chui tọt xuống dưới lòng đất; thay vì để ta được đi thăm thú một con tàu, Howey lại nhốt tất cả vào trong một cái boongke dạng tháp ngầm; thay vì được tham gia một hành trình đi đến một địa điểm xa xôi, người đọc lại bị chôn chân tại chỗ, không dịch đi đâu cả. Thế tóm lại phải bới ở chỗ nào mới ra được yếu tố tàu thế hệ trong cái series này vậy?

Tuy nhiên, một khi ngẫm thật kỹ lại về những gì series này thực hiện, anh em sẽ thấy nó sử dụng mọi mô típ mà một câu chuyện tàu thế hệ sử dụng, khác chăng chỉ là nó thay cái vỏ sắt thép của tàu bằng xi măng xây tháp mà thôi.

Đầu tiên là về cái vị trí của tháp. Cũng như mọi con tàu thế hệ khác, tòa tháp này bị kẹt giữa một không gian không thể nào sinh sống được. Tứ bề của nó đều là đất và cát, trong khi cái thế giới trên đầu nó thì đã bị nhiễm độc hoàn toàn, con người không tài nào chui ra được mà không khoác lên mình một bộ đồ bảo hộ kín bưng và mang theo những bình dưỡng khí chuyên dụng. Về bản chất, cái tháp này chẳng khác nào đang trôi giữa một vùng chân không cả, chỉ có điều “chân không” của nó mang dạng đặc chứ không phải là, ờm, hư vô.

Cái thứ hai là về các vấn đề của tháp này. Cũng như các con tàu thế hệ, tháp phải duy trì một hệ thống hỗ trợ sự sống kín bưng, với lượng thất thoát tài nguyên giảm xuống tối thiểu. Howey đi cực sâu vào trong phần xây dựng cái tòa tháp này, cho ta thấy nó có những hệ thống tinh xảo thế nào, tương tác với nhau ra làm sao, và lôgic ẩn đằng sau chúng nó tài tình đến độ nào. Con người sống trong tháp cũng đã trải qua nhiều thế hệ, và dần dần họ hình thành cả một xã hội riêng, với những nét văn hóa và tập tục, hệ thống kinh tế rất đặc thù, chẳng khác nào một xã hội khả dĩ hình thành trên một con tàu thế hệ cả.

Và cái điểm cuối cùng là mục đích của cái tòa tháp này. Như đã nói ở trên đấy, cái tháp này đứng bất di bất dịch trong không gian, chẳng chạy đi đâu cả. Dẫu thế, cũng như các con tàu thế hệ, tòa tháp vẫn ra đời để “chở” những người sống trong lòng nó đến một nơi nhất định. Cụ thể hơn, tòa tháp vốn được thiết kế để cho dân tình có một chỗ trú sau khi thế giới bị hủy diệt. Khoảng mấy trăm năm sau, khi Trái Đất đã lành lại rồi, cái tháp này sẽ mở ra, và những con người bên trong đấy về cơ bản sẽ được đặt chân lên một hành tinh mới toanh, và có thể gầy dựng lại nền văn minh từ đầu. Nói cách khác, cái tòa tháp trong Silo là một con tàu “bay” giữa lòng đất, và nó chở hậu duệ của một nhóm dân định cư đi xuyên thời gian để đến một hành tinh xanh tươi mới, ấy chính là Trái Đất.

Với những điểm như trên, gọi Silo là một câu chuyện tàu (ngầm) thế hệ kể cũng chẳng có gì là quá điêu ngoa đâu nhỉ?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.