Chuyển đến nội dung chính

Thoát ly thực tế - một thứ hay bị lầm tưởng là điểm yếu của SFF

 Vừa mới bắt đầu tuần làm việc thôi mà đã được thằng Mắc quẳng cho cái hình vào mặt. Động viên hữu ích ghê 🐧.


Trông vào cái hình này mà lại nhớ đến một thanh niên tên là Ursula K. LeGuin. Bà này hồi nhỏ không ưng Sci Fi, và thậm chí còn coi khinh nó là thứ văn phế phẩm. Nhưng sau này, khi đọc đến các tác phẩm của Theodore Sturgeon và Cordwainer Smith, 2 tác giả Sci Fi hoạt động mạnh trong thập niên 40 và 50, LeGuin đã thay đổi quan điểm về cái dòng này. Trên thực tế, lúc lớn lên, LeGuin còn nhảy thẳng vào sáng tác Sci Fi, trở thành một trong những nhân vật nổi trội nhất của dòng, và không ngừng đả kích những quan điểm hẹp hòi và đầy định kiến về Sci Fi của cả những người ở trong lẫn ngoài dòng.

Hẳn đến đây, sẽ có một số anh em nghĩ rằng, "Ok, cái bà LeGuin này nghe hay đấy, nhưng bà ta liên quan gì đến cái hình bên dưới vậy kìa?"

À thì, cái ảnh bên dưới động đến một trong những cái thú vị của các tác phẩm Sci Fi/Fantasy: chúng nó có thể cho phép con người thoát ly thực tại một cách hiệu quả gấp bội những tác phẩm khác. Thật không may, cái thế mạnh này lại hay bị người đời đem ra để xỉa xói SFF. Họ coi cái hành động rời bỏ thực tại là yếu đuối và thấp kém, và nếu một trong những điểm hút chính của cái dòng này lại là khả năng đưa con người vào những chốn biệt lập với thế giới thực, thì cả cái dòng này cũng là thấp kém nốt.

Tình cờ thì đây là một quan điểm LeGuin rất ghét. Và trong The Language of the Night: Essays on Fantasy and Science Fiction, một tuyển tập các bài luận về SFF mà bà từng viết, LeGuin đã đề cập đến chính cái định kiến này và đả kích nó. Nhưng điều bà nói về sau rất hay được thiên hạ trích lại (mặc dù theo kiểu hơi bóp méo và gán cho sai người) mỗi khi cần giả oan cho SFF. Cụ thể, bà bảo rằng:

Có một khía cạnh mà khi nhìn vào đấy, Sci Fi thường sẽ chẳng biết tự đánh giá bản thân kiểu gì, còn những kẻ ngoại đạo thì sẽ lại xoáy vào để chỉ trích cái dòng này một cách hết sức gay gắt. Chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng những phê bình và thảo luận thông minh về khía cạnh ấy. Nó là lập luận chống lại Sci Fi lâu đời nhất, vừa nông cạn mà cũng lại vừa thâm thúy: cái khẳng định rằng cũng như mọi thứ huyễn tưởng khác, Sci Fi là thể loại trốn tránh thực tại.

Tuyên bố này sẽ mang tính nông cạn nếu người phát biểu nó là một kẻ nông cạn. Khi một tay môi giới bảo hiểm nói với ta rằng Sci Fi không liên quan đến Thế Giới Thực, khi một cậu sinh viên năm nhất ngành hóa bảo ta rằng Khoa học đã bác bỏ Thần thoại, khi một ban bệ kiểm duyệt cấm một cuốn sách phát hành vì nó không phù hợp với cái chuẩn của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, vân vân, đó sẽ không phải là hoạt động phê bình; đó là sự kỳ thị. Nếu sự kỳ thị này mà có đáng đáp trả, thì lời phản biện hay nhất sẽ do tác giả kiêm nhà phê bình và học giả Tolkien đưa ra. Theo lời ông thì vâng, huyễn tưởng là một sự trốn chạy, nhưng đó lại chính là nét vinh quang của nó. Nếu một người lính bị kẻ thù bắt giam, chẳng phải chúng ta đều coi đào tẩu như nhiệm vụ của anh ta đấy sao? Tất cả chúng ta đều đang bị cầm tù bởi những kẻ cho vay nặng lãi, những kẻ ngu dốt, những thế lực độc đoán; nếu coi trọng sự phóng khoáng trong trí óc và tâm hồn, nếu là những người ủng hộ tự do, thì rõ ràng chúng ta có nhiệm vụ phải đào thoát, và đưa thật nhiều người trốn theo mình.

Và giờ đây, gần nửa thế kỷ sau, ta có cái bức hình bên dưới của Tom Gauld, đóng vai một minh họa rất sống động về việc thoát ly thực tại không phải là điểm yếu của SFF, mà chính là thế mạnh của nó.

Tóm lại, bài học rút ra ở đây là nếu có vô tình thấy con cái thức quá khuya đọc SFF, anh em cũng đừng chì chiết chúng nó quá nhé. Bọn nó đang thực hiện một nghĩa vụ thiêng liêng đấy 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.