Trong cái bài cảm nhận về Chó Săn Miền Bom Đạn mà bạn Nguyệt đăng hôm trước, có một đoạn nhắc đến một nhân vật mà bạn ấy gọi là “Boss.” Nhân vật này thực chất đại diện cho một khái niệm rất thú vị, vốn đã mê hoặc cả giới văn sĩ SFF lẫn các nhà khoa học và triết học, đó là nguồn gốc hình thành của ý thức, cũng như những dạng hình tiến hóa của ý thức trên những quy mô lớn hơn sau này.
Ý thức vốn là một phạm trù cực kỳ khó hiểu, và đã khiến các triết gia và học giả phải đau đầu từ rất lâu rồi. Muộn nhất thì nó cũng đã bắt đầu từ tận thế kỷ 17, với những người như Descartes và Locke bắt đầu đặt nền móng cho nó dưới dạng một chi khoa học nghiêm chỉnh; còn nếu xét về việc con người bắt đầu tò mò về bản chất của ý thức thì có khi ta phải chạy tít về tận thời tiền công nguyên, với Aristotle từng bàn về tâm trí và ý thức trong cuốn cuối của bộ chính luận On the Soul của mình (mặc dù theo một cách không hẳn giống với Descartes và Locke). Từ thời đấy đến tận bây giờ, thiên hạ vẫn chưa tiến xa được là bao trong việc hiểu về ý thức, và vẫn còn cãi nhau ỏm tỏi về hầu như mọi khía cạnh của nó.
Và trong số các câu hỏi hóc búa mà sự tồn tại của ý thức đặt ra cho loài người, câu bí hiểm nhất có lẽ sẽ là đây: ý thức từ đâu mà ra?
Hiện tại thì ai cũng biết rằng ý thức có quan hệ mật thiết với não bộ, và chắc hẳn một phần nguồn gốc hình thành của nó phải liên quan đến cái cục thịt đấy (hoặc đúng hơn là cái giả thuyết trông có vẻ đúng nhất đề xuất như thế). Nhưng làm thế quái nào mà nó lại sản sinh ra được ý thức? Xét chuẩn ra, não không khác những cơ quan khác trong cơ thể như tim phổi với ruột gan là mấy: chỉ là một cục thịt, không hơn không kém, một tập hợp các tế bào hữu cơ được gắn kết lại theo các quy luật sinh hóa rất bình thường. Nhưng phổi không tạo ra ý thức, còn não thì lại có.
Hẳn anh em sẽ có người bảo, “Gượm hẵng, nếu xét thật sâu xuống thì não có một số cấu tạo đặc thù so với tim phổi các kiểu, sao có thể đánh đồng chúng nó vào với nhau được?” Và mọi người nói thế kể cũng có lý. Nhưng ngay cả khi chỉ xét riêng mỗi bộ não không, các nhà khoa học cũng vẫn chưa chốt được cái gì trong kết cấu của nó khả dĩ chịu trách nhiệm sản xuất ra tâm trí với ý thức. Ta có thể phát hiện thấy một số phần đại diện cho việc xử lý những cụm thông tin nhất định, nhưng chúng nó chỉ giống với thanh ram hay cái card màn hình, không tự thân tạo thành ý thức, hoặc ít nhất là không phải toàn bộ ý thức.
Cũng có thể mọi người sẽ bảo ta sẽ không thể truy ra nguồn gốc ý thức bằng cách nhìn vào từng bộ phận lẻ của bộ não, mà phải nhìn cả vào cách chúng nó giao tiếp và trao đổi thông tin với nhau nữa. Xét cho cùng, bộ não là một tập hợp những bộ phận hữu cơ thường xuyên tương tác với nhau theo những cách rất phức tạp, chứ không tồn tại biệt lập. Nói vậy kể cũng không sai, nhưng nếu thế thì ta lại vấp phải một vấn đề là trên đời này không thiếu hệ thống tương tác với nhau theo những cách vô cùng phức tạp, nhưng không có một ý thức nào hình thành từ chúng nó cả.
Tỉ dụ, cái máy tính hay cái điện thoại mọi người dùng là một chuỗi các hệ thống phức tạp khôn tả, và xét trên nhiều phương diện, các bộ phận cấu thành nên chúng nó còn ưu việt hơn cả các bộ phận cấu thành não người. Nhưng tính đến nay, bất kể có chế chúng nó lên tinh xảo đến cỡ nào, ta vẫn không thể tạo ra được một cái máy tính có ý thức. Ngay cả nếu giới hạn bản thân vào các hệ thống hữu cơ, ta sẽ vẫn thấy có những thứ như hệ sinh thái của Trái Đất dư sức đấm cho não người vêu mồm về độ phức tạp, nhưng không có một ý thức chung nào hình thành từ những tương tác giữa các bộ phận hữu cơ cấu thành sinh quyển Trái Đất cả. Hoặc đơn giản nhất, nếu ta tụ một nhóm người lại, cho họ bàn luận và chia sẻ thông tin với nhau, ta cũng sẽ thấy chẳng có một ý thức chung nào hình thành từ cái nhóm người đấy, dù đó về cơ bản là một tập hợp cao cấp hơn của não bộ, và trên lý thuyết thì phải sản xuất được một ý thức tinh xảo hơn nó.
Thế nói tóm lại, ý thức đến từ đâu? Thứ gì đã biến một cục thịt với những đường dẫn liên kết thông tin thành một thực thể có ý thức? Cái gì đã đẩy nó bước qua ngưỡng một tập hợp tế bào vô tri sang thành nhà máy sản sinh ra một hiện tượng đầy nhiệm màu như thế?
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được ai giải thích thỏa đáng, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta suy ngẫm và chiêm nghiệm về nó, và từ đấy đưa ra những giả thuyết rất thú vị về các dạng ý thức có thể hình thành trong tương lai. Một trong những giả thuyết ấy là sự tồn tại khả dĩ của một “ý thức toàn cầu” (hoặc “bộ não toàn cầu”). Cụ thể hơn, người ta nhìn vào chính cái ví dụ một các hệ thống hữu cơ với nhau về cơ bản cũng giống với cách não bộ hoạt động mà mình đã nhắc đến ban nãy đấy, nhưng thay vì chỉ ra rằng không có một cái ý thức “meta” nào hình thành từ nó cả, họ lại đề xuất rằng có khi, đấy là một cái nền tảng rất đúng đắn để ý thức hình thành, chỉ có điều nó hiện chưa được phát triển tới nơi.
Phiên bản sơ khai nhất của cái thuyết này đến từ William Wheeler, một nhà côn trùng học đầu thế kỷ 20. Ông từng đề xuất rằng tổ kiến cũng là một dạng sinh vật biệt lập, chẳng khác nào một con kiến riêng lẻ, chỉ có điều cơ thể của nó dàn trải trên một không gian mở chứ không gắn rịt vào với nhau như kiến, và đã đặt ra thuật ngữ “xã hội hữu cơ” (tức “superorganism,” dịch thô ra là “siêu sinh vật”) để mô tả một thực thể như vậy. Về sau, khái niệm tổ kiến dưới dạng một sinh vật lẻ như thế tiếp tục được những nhân vật như Joël de Rosnay và Gregory Stock phát triển lên thêm, và họ đề xuất rằng bản thân cái sinh quyển trên hành tinh của chúng ta cũng hoạt động như một tổ kiến, và là một dạng siêu sinh vật. Ý tưởng đấy về sau đã được phát triển tiếp lên, và siêu sinh vật được định nghĩa dưới dạng một “hệ thống sống” (tức “living system”). Đây là các dạng thức sống mở, có khả năng tự tổ chức, và được duy trì bởi sự trao đổi qua lại của các luồng thông tin, năng lượng, và vật chất.
Từ đây, ta có những người áp dụng cái thuyết đấy cho riêng loài người. Một ví dụ thời ban đầu có thể kể đến là Pierre Teilhard de Chardin, triết gia thế kỷ 20. Ông đề xuất rằng loài người đang ngày một tương tác nhanh và nhiều với nhau hơn, và việc ấy sẽ dần dẫn đến một quá trình ông gọi là “hành tinh hóa.” Khi tương tác giữa toàn thể nhân loại đã đạt một một lượng và một mức hiệu quả tới hạn nhất đinh, chúng ta sẽ vô tình sản sinh ra một tầng ý thức mới, cao hơn cả ý thức của chính mình. Những con người giờ sẽ đóng vai trò các nơron của một bộ não vô hình, tạo ra một dạng tâm trí toàn cầu. Và ngày nay, với sự phát triển của Internet cũng như hứa hẹn về những công nghệ cho phép con người ta giao tiếp một cách trực tiếp và nhanh chóng hơn nữa, không ít nhà lý thuyết hệ thống và nhà điều khiển học đề xuất rằng rồi sẽ có ngày, con người sẽ có thể phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn đến mức ta sẽ tạo ra một sự “chuyển đổi siêu hệ thống” (tức “metasystem transition”). Mỗi một con người đơn lẻ sẽ đóng vai trò một hệ thống con, có thể tự hoạt động độc lập nhưng vẫn bổ trợ vào một siêu hệ thống chung do tất cả các con người khác hiệp lực tạo thành, và cái siêu hệ thống đấy sẽ thông minh và mạnh mẽ hơn não của từng con người riêng lẻ.
Có hai trường hợp cụ thể về mạng lưới ý thức toàn cầu này mà ta nên kể đến, đó là Noeme và Noosphere. Thực ra hai cái này cũng không có gì mới so với những gì mình đã nói ở trên, nhưng nó sẽ cho anh em những thuật ngữ rất tiện dụng khi cần đề cập đến đề tài này.
Về phần Noeme, nó là một thuật ngữ được nhà sinh vật học Marios Kyriazis đề ra vào năm 2011. Từ này dùng để chỉ “sự kết hợp giữa chức năng của một bộ não vật lý riêng biệt, và chức năng của một bộ não ảo bên ngoài.” Nói cụ thể hơn, Noeme dùng để chỉ cái sức mạnh tổng hợp mà một cá nhân sẽ nắm giữ, một khi người đấy đã hoàn vào trong một bộ não toàn cầu. Nó bao gồm bản thân cái ý thức trí tuệ của cá nhân đấy, cái ý thức của siêu bộ não mà người ta góp phần hợp thành, cũng như các tương tác của người này với những cá nhân khác trong cùng mạng lưới thông qua công nghệ truyền thông kỹ thuật số.
Noosphere thì là một thuật ngữ gốc do Pierre Teilhard de Chardin đề ra, và về sau đã được một nhà hóa sinh học Liên Xô tên Vladimir Vernadsky phát triển lên thêm. Theo định nghĩa của Vernadsky, Noosphere là trạng thái mới của sinh quyển, khi một thứ tương tự lý trí chung sẽ xuất hiện thông qua sự tương tác của tâm trí con người. Nhân loại càng tự tổ chức bản thân thành một mạng lưới xã hội phức tạp, Noosphere sẽ càng phát triển, cho đến khi nó đạt điểm tới hạn, và bắt đầu trở nên có nhận thức riêng.
Nói cách khác, anh em có thể coi Noosphere như cái ý thức toàn cầu tổng thể, còn Noeme là những cá nhân cấu thành nên cái Noosphere đấy.
Ok, giờ xong mấy phần thông tin nền rồi, giờ quay trở lại với Chó Săn Miền Bom Đạn này.
Trong truyện, tác giả đã giới thiệu đến với một khái niệm gọi là “trí thông minh phân tán” (tức “distributed intelligence”). Theo như giả định của truyện, khi một loạt các trí thông minh nhỏ lẻ nhưng tương thích được kết nối lại với nhau, một ý thức mới sẽ hình thành. Ý thức “meta” này cấu thành từ các trí thông minh kia nhưng gần như biệt lập với chúng nó, và nó sẽ siêu việt hơn số tổng thuần túy của các thành phần tạo nên mình. Cũng như một tổ kiến, cái ý thức mới đấy sẽ không có một cơ thể liền khối, mà nó trải ra như một trường năng lượng vô hình giữa hàng loạt thân xác lẻ, và nếu có giết được một cá thể tạo thành ý thức đấy, tất cả những gì ta có thể làm được là khiến nó tư duy hơi chậm đi một chút, chứ không thể hủy diệt được nó.
Và nếu anh em nào thấy đây nghe hao hao Noosphere thì mọi người nghĩ đúng rồi đấy: trí thông minh phân tán là một phiên bản Noosphere thu nhỏ, giới hạn trong một tập hợp cá thể nhất định, chứ không phải nảy sinh từ toàn bộ hành tinh.
Để hiểu rõ hơn về cái khái niệm trí thông minh phân tán đấy, anh em có thể nhìn vào hai nhân vật rất thú vị của truyện: Ong và AiDOS.
Bản thân cái tên của nhân vật Ong đã nói lên tất cả về bản chất của nó: đây là một tập hợp những con ong. Nhưng khác với một bầy ong thông thường, đám ong cấu thành nên Ong là một dạng “rôbốt thịt,” được chế tạo vô tính trong phòng thí nghiệm và tích hợp khả năng xử lý dữ liệu cao cũng như liên lạc với nhau bằng biện pháp điện tử. Theo dự kiến ban đầu, Ong chỉ là một phiên bản di động và trang bị nhiều vũ khí hơn của một mạng máy tính phân tán (tức “distributed network”). Anh em nào mà làm về quản trị hệ thống thì hẳn đã rất nhẵn mặt với cái khái niệm này, mặc dù chắc thứ mọi người hay gặp nhất sẽ là mạng phi tập trung (tức “decentralized network”), vì cái mạng đấy đỡ nhiêu khê hơn một mạng phân tán thực thụ.
Còn với các anh em không quen thuộc với khái niệm ấy thì mỗi một con ong trong khối tổng Ong kia sẽ là một node/station, tức một thiết bị với khả năng thu nhận và xử lý dữ liệu tương tự nhau (từ giờ sẽ gọi tắt là "node"). Ta sẽ ra một mệnh lệnh hoặc yêu cầu cho cái mạng lưới này, và các node đấy sẽ tự thu thập dữ liệu từ môi trường và xử lý phần dữ liệu mình thu được, sau đó truyền kết quả sang cho các node khác. Cuối cùng, mỗi node sẽ nắm được hết các kết quả xử lý của mọi node khác trong hệ thống, kể cả kết quả của bản thân, và đám node đấy sẽ trải qua một quy trình tương tự bỏ phiếu để ra quyết định dựa trên đa số. Với cái kiểu này, kể cả nếu một node có bị phá hủy thì cũng không làm cả mạng sập được, bởi vì nó không có một trung tâm đầu não nào hết. Ta chỉ có thể khiến nó thu thập thông tin một cách kém hiệu quả hơn và/hoặc ra quyết định lâu hơn mà thôi.
Tuy nhiên, khi một chuỗi các con ong như vậy gộp lại, nó không chỉ đơn thuần trở thành một bầy máy tính biết bay. Một sự kết hợp giữa các tâm trí ong đầy tương thích với nhau và một hệ thống giao tiếp/trao đổi thông tin tức thời đầy tân tiến đã biến mỗi con ong thành một “sự hiện diện có kết nối hệ thống,” tức một Noeme. Và từ chính cái mạng lưới đấy, một siêu ý thức đã hình thành, thông minh hơn hẳn ý thức của tất cả các con ong đấy gộp lại. Nó là Ong - một thực thể biệt lập, thông minh như người, một tâm trí dàn trải giữa những thân xác ong ù lì.
Cũng tương tự như Ong, chỉ có điều gần với định nghĩa về Noosphere hơn, ta có AiDOS.
Trong thế giới của truyện, chính phủ Mỹ từng có một dự án tuyệt mật. Họ tạo ra một loạt bản sao vô tính của cùng một cô gái, sau đó tích hợp chip liên lạc vào trong não những bản sao này, cho phép họ có thể tức thời liên lạc và truyền thông tin cho nhau. Tất cả những gì chính phủ muốn làm là có một nhóm đặc vụ có thể cài cắm khắp nơi. Nhỡ có bị địch bắt, đặc vụ kia có chết cũng chẳng sao, vì thông tin tình báo có thể được truyền về cho người ở nhà.
Tuy nhiên, cũng như với vụ việc của Ong, thứ nảy sinh từ cái dự án này lại không chỉ là một mạng lưới gián điệp đơn thuần. Khi tụ tập một lượng lớn những con người sở hữu những bộ não có cùng một cấu trúc thần kinh lại, sau đó cấp cho họ khả năng giao tiếp với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả chưa từng có, chính phủ đã vô tình biến bọn họ đấy thành một mạng lưới các nơron bên trong một bộ não vô hình. Và khi số lượng các nơron của bộ não đấy đã đạt đến một điểm tới hạn, khi chúng đã có thể giao tiếp đủ nhuần nhuyễn, một sự chuyển đổi siêu hệ thống đã xảy ra.
Từ cái mạng nơron này, một ý thức mới đã hình thành. Đây là một trí thông minh nhân tạo (AI) theo nghĩa không thể nào đen hơn: trí thông minh do nhân tạo ra, hình thành từ một tập hợp não bộ hữu cơ. Nó là một hệ điều hành chạy trên đầu người, một “Dome Operating System” (gọi tắt là “DOS”), một “ai đó” rất riêng biệt so với những cá thể tạo nên mình, và cũng ưu việt hơn cái số tổng của các cá nhân cấu thành: AiDOS.
Cũng như với Ong, cái ý thức AiDOS này là một Noosphere thu nhỏ. Nó không được lưu trong một thân xác liền mạch, mà được dàn trải khắp giữa một mạng lưới các bản sao cấu thành (tức các Noeme). Tiêu diệt các bản sao lẻ tẻ sẽ không khiến AiDOS bị hủy diệt, mà chỉ làm nó trở nên kém hiệu quả hơn. Chỉ khi nào tiễu trừ được gần như tất cả các thành viên tạo nên mạng lưới này, tức đánh cho số lượng Noeme tụt xuống dưới ngưỡng giới hạn, thì cái con AiDOS đấy mới biến mất.
Nói tóm lại, Chó Săn Miền Bom Đạn không chỉ đơn thuần dừng ở mỗi cái chữ “chó” như tiêu đề đã gợi ý cũng như chẳng đơn thuần xoáy vào cái vấn đề nhân quyền thôi đâu, mà còn là một chiêm nghiệm rất lý thú về cội nguồn của ý thức nữa đấy. Anh em nào quan tâm đến tương lai tiến hóa tiềm tàng của trí tuệ thì hãy thử ngó qua nó nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓