🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑🌑
7.5/10
TL;DR
Ant-Man, nếu nó được viết bởi một Jules Verne với ngòi bút hơi non.
GIỚI THIỆU CHUNG
Ở Xứ Cỏ Rậm tên gốc là “В стране дремучих трав” (đọc là “V strane dremuchikh trav”) là một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, được tác giả người Nga Vladimir Bragin sáng tác vào năm 1948. Truyện hay được quảng bá là một dạng cổ tích hiện đại, nhưng kỳ thực tất cả mọi tình tiết trong tác phẩm, từ nhân vật, bối cảnh, cho đến các sự kiện, và thậm chí cả cái không khí cũng như tinh thần của nó, đều chẳng dính gì đến thần tiên hay cổ tích cả. Đây là một cuốn Sci Fi chính hiệu, thuộc thể loại Robinsonade (tức những câu chuyện với cốt tương tự Robinson Crusoe, xoay quanh việc nhân vật bị tách biệt khỏi thế giới văn minh và phải dùng tài tháo vát để sinh tồn).
Về nội dung thì nhân vật chính của truyện là Grigory Alexandrovich, một anh biên kịch người Moscow. Một ngày nọ, Grigory có dịp ghé qua một thị trấn ven biển tên Chensk. Tại đây, vì một nhầm lẫn khôi hài, đã có người gửi nhầm cho anh một bó hoa, bên trong có lẫn những mẩu giấy vụn. Khi quan sát kỹ mấy mẩu giấy đó, Grigory sửng sốt nhận ra đây không chỉ là giấy rác bình thường, mà là những lá thư tí xíu, bởi lẽ trên đấy dày đặc những dòng chữ bé li ti.
Tò mò trước phát hiện này, Grigory đã tiến hành tìm hiểu nguồn gốc mấy lá thư. Hành trình điều tra của Grigory đã khiến anh bị kéo vào một cuộc phiêu lưu kỳ khôi tại một miền đất rậm rạp hết sức thân quen song cũng đầy xa lạ, thống trị bởi hàng bao loài quái thú nguy hiểm...
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Cốt của Ở Xứ Cỏ Rậm nhìn chung có thể được chia ra thành ba phần. Phần đầu tiên có trọng tâm là hành trình tìm hiểu về mấy bức thư của Grigory; phần thứ hai liên quan trực tiếp đến tiêu đề: câu chuyện của Grigory khi anh lạc vào Xứ Cỏ Rậm; phần cuối về cơ bản là một hồi kết kéo dài, sau khi thanh niên này đã trở lại với thế giới bình thường và phải đối mặt với một số hệ lụy nảy sinh từ quãng thời gian ở Xứ Cỏ Rậm.
Về phần đầu tiên thì khi đọc vào, mọi người sẽ thấy nó chẳng khác nào một Julius Caesar phiên bản chữ. Lý do là nó bị gần như tất thảy mọi yếu tố khác của tác phẩm hội đồng xiên cho nát cả người. Từ cái tiêu đề truyện, cái mô tả giới thiệu, cái hình vẽ bìa, cái lời đề từ của tác giả, cho đến thậm chí cả mấy đoạn đầu của chương đầu tiên trong tác phẩm, tất thảy đều nói toạc móng heo ra cái ý tưởng nền cho câu chuyện này là cái gì, và cái nguyên nhân đằng sau sự tồn tại của những bức thư bé xíu mà nhân vật chính đang phải tìm hiểu. Nói cách khác, khi cái phần truyện này còn chưa bắt đầu, anh em đã biết tỏng luôn đáp án chủ chốt cho cái câu hỏi trọng tâm của nó là gì.
Chính bởi thế, khi đọc vào cái phần này, thay vì để anh em được cùng đi suy luận và đoán già đoán non về cái bí mật chính, tác phẩm lại đẩy mọi người vào nước phải theo dõi xem nhân vật chính… ngu đến cỡ nào. Hay nói chuẩn hơn, trải nghiệm chủ đạo mà phần đông mọi người sẽ nhận được từ cái phần này là một cảm giác nôn nóng chờ đợi, xem xem phải mất bao lâu nhân vật chính mới luận ra được một câu trả lời ta đã nắm bắt khá rõ ràng.
Tuy nhiên, dù bị đủ thể loại anh em đồng chí chơi cho một vố đau điếng như thế, cái phần này vẫn xoay xở cứu vãn được tình hình bằng một chiến thuật rất khôn ngoan: thay vì chăm chăm xoáy vào cái bí mật trọng tâm mà ai cũng biết thừa, đó là tại sao lại có chuyện một bức thư được viết theo kiểu bé li ti như vậy, truyện hướng sự chú ý của người đọc vào những bí ẩn nho nhỏ lồng bên trong bí ẩn lớn. Chẳng hạn, nó xoáy vào việc người viết đã sử dụng một thuật ngữ rất dị thường để gọi tên một cái phong vũ biểu, và từ đấy mở ra một mạch điều tra rất thú vị xoay quanh gốc gác của cái từ đấy cũng như sự thất lạc của nó trong lịch sử; nó cũng giới thiệu ta đến với một nhân vật quái gở, với một mạch cốt nghe chừng chẳng chút liên quan đến mạch chính, nhưng cũng được tô vẽ đủ hấp dẫn để khiến ta phải chú tâm xem cái mạch này sẽ diễn tiến ra sao và được đưa đẩy về với mạch chính kiểu gì. Nhờ đó, phần mạch điều tra này vẫn duy trì được sự hứng thú cho người đọc, và dù không hoàn toàn đánh tan được các ảnh hưởng tiêu cực của việc bị spoil mất bước ngoặt chủ chốt từ sớm, đây vẫn là một nỗ lực rất đáng nể.
Phần hai thì câu chuyện trở nên thú vị và bất ngờ hơn hẳn. Đây là lúc cốt truyện đổi từ mạch khám phá bí ẩn sang mạch phiêu lưu, và ta bắt đầu được đi sâu vào khám phá Xứ Cỏ Rậm (ở phần thế giới sẽ nói kỹ hơn) cũng như trải nghiệm những nguy hiểm nó mang lại. Phần này chủ yếu bao gồm các phân cảnh hành động, và rất nhiều đoạn nhân vật phải trổ tài tháo vát để thoát khỏi cái nghịch cảnh mình rơi vào, khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Đáng chú ý nhất, vì đây là lúc chúng ta không còn cầm đèn chạy trước ô tô được nữa, chưa kể câu chuyện còn được viết theo một kiểu để ta khó lòng biết được số phận của một số nhân vật nhất định là thế nào, thành thử độ kịch tính của tác phẩm được dâng lên cao hẳn, và anh em không khỏi lo lắng cho tính mạng của nhân vật thuật lại ở đoạn này.
Cơ mà phần hai bị vướng phải một vấn đề là nó đôi khi diễn tiến theo một kiểu rất giật cục và chớp nhoáng. Có những lúc nhoằng một cái, nguy hiểm đã được khắc chế, và ta nhảy thẳng sang một mạch mới luôn. Đôi khi, ta lại có những đoạn tác giả nhảy cóc thời gian mà không thể hiện một cách thành công lắm sự dông dài với khổ nhọc của giai đoạn ở giữa, thế nên ta có cảm giác mọi sự được giải quyết khá chóng vánh. Đã thế, truyện còn nhảy cóc một giai đoạn rất quan trọng mà anh em hẳn sẽ rất trông đợi ngay khi đọc vào miêu tả của quyển này, phóng vèo đến hồi gần kết của nó, và làm mọi người không khỏi thấy hụt hẫng.
Phần cuối thì ngắn bằng khoảng phân nửa hai phần trên thôi, và nó đại để giống như cái chương The Grey Havens trong The Return of the King vậy (phòng trường hợp anh em nào không nhớ, đây là lúc chiếc nhẫn đã bị phá hủy, Sauron đã bị đánh bại, và Frodo phải chật vật tái hòa nhập với đời sống cũ tại Bag End). Tương tự với The Grey Havens, cái chương này có lẽ sẽ có vẻ hơi bị dông dài quá đà đối với một số anh em. Mọi thứ quan trọng nhất trong cuộc phiêu lưu đã khép lại rồi, và những khoảng hở cần gói gọn nốt cũng đã được giải quyết chỉ sau tầm vài trang. Nhưng thay vì kết luôn, truyện vẫn cứ tiến tiếp theo một kiểu có vẻ hơi bị thừa thãi.
Nhưng riêng với mình, cái phần này có một sức hút khá thú vị, có khi còn hấp dẫn ngang ngửa phần hành động trước nữa. Không như những cuốn truyện hướng đến đối tượng thiếu nhi, hay thậm chí là cả những tác phẩm phiêu lưu dành cho đối tượng lớn tuổi hơn khác, Xứ Cỏ Rậm không chốt lại câu chuyện theo kiểu xong việc thì tất thảy đều vui vẻ ai về nhà nấy. Nó nghiêm túc nhìn nhận những dư âm nghiệt ngã mà một kiếp đời khổ cực tại những miền đất quá xa lạ, hàng bao năm phải xa cách đồng loại sẽ để lại cho con người ta. Nó cũng động đến sự phũ phàng của thực tại, một thứ mà lý tưởng với lòng nhiệt huyết thuần túy của con người chưa chắc đã đủ để vượt qua.
Nhưng đồng thời, nó cũng lồng vào đấy một sắc hy vọng thú vị, ca ngợi những con người sẵn sàng dốc hết sức mình để lao động vì khoa học, và đặc biệt là xây dựng cho toàn bộ khoa học nói chung một hình ảnh gần gũi hơn. Thay vì tô vẽ cái mảng này thành một thứ đao to búa lớn, đòi hỏi con người ta phải có được những phát hiện kinh thiên động địa, những công trình làm cả thế giới trầm trồ, những khám phá chưa từng ai biết đến, Ở Xứ Cỏ Rậm khẳng định tất cả mọi thứ đều có thể trở thành một tiền đề để đẩy khoa học tới trước. Ngay cả những điều ngỡ tưởng tầm thường nhất, những quan sát tưởng chừng đã cũ mèm, cũng có thể trở thành một mồi nhen giúp thổi bùng lên cả một ngọn lửa lớn, dẫn đến những đột phá mới mẻ. Dù không xoáy thực sự sâu vào theme đó, việc thông điệp này được lồng ghép vào đây cũng tạo thêm một chiều sâu bất ngờ cho câu chuyện, và giúp nó phần nào vươn lên được khỏi tầm một cuốn tiểu thuyết giải trí suông.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Ở phần đầu thì thế giới của truyện không có gì đáng chú ý cho lắm. Nó chỉ đơn thuần là một thị trấn Xô-viết tiêu chuẩn, không có gì đặc biệt hay dị thường cả (ngoài việc tự dưng có mấy bức thư nhỏ xíu vương vào một bó hoa). Tác giả cũng có miêu tả qua một chút về đời sống với cảnh quan nơi thị trấn anh nhân vật chính dừng chân, nhưng không đi quá sâu vào nó. Có một đoạn, lúc ta được giới thiệu đến với một nhân vật làm trong mảng kịch nghệ, tác giả có đá qua một tí về đời sống của mấy gánh kịch rong, và phần này cũng có thể là mới mẻ, nhưng cũng chẳng đến mức chi tiết gì cho cam. Nhìn chung, trong lúc anh nhân vật chính còn đang đi điều tra mấy bức thư, anh em sẽ không có ấn tượng mấy với cái thế giới của truyện đâu.
Tuy nhiên, sang đến phần tiếp theo, khi nhân vật đã lạc vào Xứ Cỏ Rậm rồi, mọi thứ sẽ đổi khác hẳn. Lúc này, ta có nguyên một thế giới mới, và tác giả xoáy rất sâu vào khắc họa nó. Những chủng loài thực vật và côn trùng được tác giả đầu tư miêu tả rất kỹ lưỡng, dựng lên những hình ảnh đầy sinh động về cái địa hình của nơi này cũng như các cư dân sống ở đấy. Đặc biệt, tác giả rất đầu tư cho khoản khoa học của nó, đưa ra đủ các thứ lý thuyết và miêu tả về đặc tính sinh học của lũ côn trùng, các tập quán của chúng nó, cách bọn nó tương tác với nhau và tận dụng những nguyên vật liệu trong tự nhiên để làm nhà cửa, vũ khí các kiểu. Đọc những phân đoạn thế này, lắm khi cứ tưởng đây là một cuốn Hard Sci Fi, có điều được pha loãng ra một tí để hợp với tầm tiếp nhận của bọn trẻ con.
Vấn đề là chính vì viết cho trẻ con là chính, những phần xây dựng thế giới này nhiều khi bị làm theo một kiểu khá thô thiển. Rất lắm khi, tác giả bắt toàn bộ câu chuyện phanh két lại, xong xổ ra một tràng thông tin khoa học về một đặc điểm của thứ cây hay loài côn trùng nào đó, bất cần quan tâm liệu đấy có phải là thời điểm thích hợp hay không. Đến cả giữa một số đoạn nước sôi lửa bỏng, với nhân vật sắp bay đầu đến nơi (có lẽ còn là bay đầu theo đúng nghĩa đen), mà ông anh cũng không tha, cho tất cả tạm dừng để đưa thông tin khoa học. Mấy cái thông tin đấy lại còn được đưa ra dưới dạng suy nghĩ và lời lẽ của chính các nhân vật trong truyện, với một số người xét chuẩn ra không thể có chuyên môn mà bàn về cái thông tin này, thế nên mọi thứ lại càng kệch cỡm. Những đoạn này sẽ lôi tuột mọi người ra khỏi câu chuyện, khiến mọi người có cảm tưởng đang ngồi trong một giờ sinh học cấp 2, với tác giả đóng vai một ông giáo viên chứ không phải người kể chuyện, cứ đi được hai câu là lại bắt đầu câu giảng: “Qua đây, các em có thể thấy rằng…”
Thêm một điều khó chịu nữa là như đã nói ở trên đấy, tác giả nhảy cóc một đoạn đáng lẽ ra rất lý thú của tác phẩm. Vì cái kiểu dẫn dắt của truyện mang tính spoiler hơi mạnh, thế nên mình không thể nói cụ thể ở đây, nhưng đại khái là gần như toàn bộ giai đoạn nhân vật hãy còn lạ nước lạ cái với cái Xứ Cỏ Rậm đã bị tác giả lược mất, tua thẳng đến lúc mọi thứ đã được sắp xếp một cách khá chỉn chu. Nếu mọi người kỳ vọng sẽ được làm quen với cái thế giới này theo kiểu dần dà cùng một nhân vật cũng bỡ ngỡ như mình, theo kiểu Robinson Crusoe phải mày mò tìm hiểu cái hòn đảo nơi bản thân bị mắc kẹt, thì sẽ thấy thất vọng ê chề. Giai đoạn đấy được tác giả ngụ ý là đã xảy ra, nhưng lại không hề thuật lại cho chúng ta nghe. Tất cả những gì ta được chứng kiến là một số loay hoay của một người ít nhiều đã có kinh nghiệm sinh tồn nơi đây và đã biết cách lấy những gì mình cần lấy từ thiên nhiên. Vẫn có một số phân cảnh đòi hỏi nhân vật phải thử nghiệm lên xuống với những dụng cụ mình có và phải thất bại đủ đường trước khi tìm được phương thức thực hiện những điều mình muốn đấy, nhưng chúng không đủ để bù đắp cho những gì chúng ta đáng lẽ đã được trải nghiệm nếu cái đoạn kia không bị lược bỏ.
NHÂN VẬT
Nhân vật của Ở Xứ Cỏ Rậm nhìn chung khá là vanilla. Hầu hết chẳng có một cái nét gì đặc biệt, dù là về tính cách hay quá khứ. Họ cũng có một số tâm tư, tình cảm, và cũng không đến mức giống nhau y xì đúc hay khô như ngói đâu, nhưng không có một nét gì để ta thực sự phải chú ý cả. Họ xuất hiện để kể câu chuyện và giúp nhân vật chính đưa đẩy câu chuyện, còn đâu không làm gì khác hết.
Cá biệt có một nhân vật trên lý thuyết là phụ, nhưng lại rất được đầu tư xây dựng. Người này có một cái quá khứ thú vị, một cái tính cách rất độc đáo, và cái xung đột nội tâm của người này được khắc họa rất hấp dẫn, đặc biệt khi ta bước vào phần T̵h̵e̵ ̵G̵r̵e̵y̵ ̵H̵a̵v̵e̵n̵s̵ quay trở về ở cuối. Nhân vật này có thể gọi là cái hồn thực sự của chính tác phẩm, và cách đồng chí ấy được khắc họa đã giúp mang đến cho tác phẩm một tính nhân rất hấp dẫn. Khốn nạn một cái là thanh niên đấy liên quan đến một phần spoiler rất nặng, thế nên mình không thể bàn về nhiều, nhưng chắc chắn một điều là anh em kiểu gì cũng sẽ cảm thấy tiếc khi tác giả lại chọn để câu chuyện theo chân Grigory chứ không phải người đấy đó nhé.
TỔNG KẾT
Ở Xứ Cỏ Rậm không phải là một tác phẩm hoàn hảo. Nó bị chính những mô tả của bản thân đấm cho tơi bời, chưa kể cũng chất lượng văn học vẫn còn nhiều chỗ cần cải thiện. Tuy nhiên, đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết lý thú với một số thông điệp giàu ý nghĩa, và rất hợp với các độc giả trẻ. Anh em nào muốn giới thiệu con cái đến với Sci Fi, hoặc chỉ đơn thuần muốn trải nghiệm một câu chuyện phiêu lưu nhẹ nhàng nhưng không đến mức vô não, thì có thể ngó qua tác phẩm này nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓