Chuyển đến nội dung chính

Bìa sách Forge of the High Mage - bóng hình tiềm tàng của tương lai ngành xuất bản

 Đâu tầm mấy hôm trước, Bantam Press, một nhà xuất bản ở Anh, đã đưa ra tuyên bố chính thức về ngày ra mắt của một cuốn Epic Fantasy có tên là Forge of the High Mage. Bìa của nó trông như bên dưới.


Ngay khi có thông báo về ngày xuất bản, Forge of the High Mage đã lập tức thu hút được sự chú ý của khá nhiều người. Điều này kể cũng dễ hiểu, bởi lẽ quyển này vốn là ngoại truyện của Malazan, một series Fantasy rất đồ sộ và cực kỳ nổi tiếng trong làng SFF. Đã có thương hiệu hạng nặng ủn đít rồi mà không khiến dân tình xôn xao thì mới là chuyện lạ ấy chứ.

Nhưng vấn đề là mọi người không xôn xao vì cái mác Malazan của Forge of the High Mage, hay bản thân nội dung cái quyển này cả.

Thứ khiến thiên hạ bàn ra tán vào là cái bìa của nó.

Nếu nhìn vào cái bìa ở trên, hẳn mọi người sẽ thấy nó sai sai sao đó. Thằng người trung tâm có nét gì đó bất ổn, không rõ là đang quay mặt ra trước hay sau. Phần phông nền thì đầy những chi tiết trông nhập nhèm, kèm các nét vẽ xiên xẹo. Đã thế, chúng lại còn trông rất lạc quẻ khi ta nhìn vào mấy món la bàn và kính viễn vọng các kiểu đặt đằng trước tất cả, kiểu như ai đó đã dùng Photoshop ghép hai cái tranh mang phong cách không ăn nhập vào với nhau vậy.

Đối với phần đông mọi người, đây sẽ chỉ như một tấm bìa vẽ ẩu đơn thuần. Xét cho cùng, bìa tuềnh toàng cũng chẳng đến nỗi quá xa lạ với mảng SFF nói riêng và ngành xuất bản nói chung mà. Và trên thực tế, dù cái bìa của Forge of the High Mage trông hơi lôm côm, nó vẫn thuộc dạng không đến nỗi xấu đau xấu đớn như nhiều cái bìa sách khác. Chỉ điểm sơ sơ, ta đã có mấy thằng như sau: 

The Prestige

Schild’s Ladder

Random Acts of Senseless Violence

This Perfect Day

Assassin's Apprentice

Tất cả những cuốn trên đều là truyện được xuất bản chính thống hẳn hoi, và bìa chúng nó ít nhất còn được người thò tay vào cắt ghép một tí. Nếu nhìn sang mấy cuốn tự xuất bản, hoặc mấy cuốn cũng là xuất bản chính thống nhưng chẳng có gì hơn ngoài một cái ảnh stock được cộp thêm chữ lên, ta sẽ còn thấy sự tình thảm nữa. Xấu như Forge of the High Mage là cũng thuộc diện chấp nhận được rồi.

Nó chưa như thế này là được rồi <(")


Nhưng xấu đẹp không phải là điểm mấu chốt trong vụ của Forge of the High Mage.

Cái chính là quả bìa của nó có bàn tay AI thấy rõ.

Cụ thể hơn, cái kiểu lộn xộn lệch lạc của ảnh bìa Forge of the High Mage trông rất khớp với những bức tranh mà các thuật toán tạo hình dựa trên mô tả bằng văn bản như Stable Diffusion, MidJourney, hoặc Dall-e cho ra. Tính đến nay, Bantam Press chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về nguồn gốc của cái ảnh, nhưng khả năng cao ảnh này là do một con AI vẽ, và sau đó được đắp chữ với bổ sung phần ảnh la bàn đằng trước.

Việc ảnh của AI được dùng để làm minh họa hay bìa sách thì cũng chưa phải xưa nay chưa từng xảy ra đâu (anh em có thể tham khảo thêm bài này để xem một ví dụ về ảnh AI sử dụng trong xuất bản: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/the-abolition-of-man-mot-du-truyen.html). Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, hầu như mọi nỗ lực sử dụng AI trong các ấn bản phẩm đều chỉ giới hạn ở những tác giả độc lập, hoặc cùng lắm là một công ty sách cò con hạng ba nào đấy (như Bookism chẳng hạn <(") ). Forge of the High Mage thì lại không rơi vào hai trường hợp này. Nó là một cuốn truyện xuất bản truyền thống, đi liền với một thương hiệu máu mặt trong Fantasy. Bên Bantam Press cũng không phải là hạng xoàng, mà nó là một ấn hiệu của Penguin Random House. Điều này cho thấy đám AI họa sĩ đã bắt đầu trở nên rất phổ cập, tới mức ngay cả những ông lớn cũng bắt đầu đem vào áp dụng.

Thêm một điểm đáng chú ý nữa là trong các thớt bàn về cái ảnh này (anh em có thể tham khảo một thằng ở đây: https://www.reddit.com/r/Fantasy/comments/xw82es/ian_cameron_esslemonts_new_malazan_novel_finally/), các chỉ trích không xoáy quá mạnh vào phần đây là ảnh do AI chế hay cái nguy cơ các họa sĩ sẽ bị cướp cần câu cơm. Thứ bị kêu nhiều nhất chỉ đơn thuần là cái bìa trông lười, cùng cái mô típ bìa cũ rích mà các tác phẩm Fantasy vẫn hay sử dụng. Có khác chăng chỉ là thay vì nhà xuất bản dùng tranh hiệp sĩ đứng giơ kiếm từ mấy trang ảnh stock, họ giờ chuyển sang dùng tranh hiệp sĩ đứng giơ kiếm do AI vẽ mà thôi.

Từ đây, ta có thể suy ra hai điều: 1) ảnh AI quả thực “đủ tốt” như đã rêu rao, và có thể được áp dụng để tạo ra sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là để nghịch lăng nhăng; và 2) thiên hạ đang dần trở nên quen với ảnh AI rồi, và không sớm thì muộn cũng sẽ coi nó như một phần bình thường của thiết kế đồ họa, ngang tầm với ảnh stock hiện nay vậy.

Đây vừa là một việc đáng mừng, vừa là một chuyện đáng lo ngại. Xét về một mặt, như thế này tức là rào cản sản xuất đã được hạ thấp xuống. Các tác giả và nhà xuất bản nhỏ lẻ sẽ không cần đầu tư thời gian công sức theo học một kỹ năng rất khó nhằn, hoặc phải chi quá nhiều tiền ra để có thể tạo ra được một tác phẩm với ngoại hình chấp nhận được để đưa câu chuyện của mình đến với độc giả. Nhưng mặt khác, như thế này tức là các họa sĩ vẽ hình chuyên nghiệp sẽ thấy nồi cơm của mình co bé lại ít nhiều. Họ sẽ không mất việc hẳn đâu, bởi bọn AI vẫn còn ngáo ngơ lắm. Chúng nó chỉ cho ra được hình tạm ổn thôi, chứ chưa đến được tầm ngon lành như một họa sĩ cứng tay. Nhưng một lần nữa, cái bọn này làm được là chúng nó vẽ được “đủ tốt,” và với rất nhiều người, đủ tốt là… đủ tốt rồi. Những con người chấp nhận được cái đủ tốt ấy từng là một nguồn thu không nhỏ của giới họa sĩ, đặc biệt những họa sĩ mới chập chững vào nghề, nhưng nay, nó sẽ không còn nữa.

Riêng với tác động tiềm tàng của các thuật toán AI đối với thị trường vẽ minh họa cũng như các lằng nhằng liên quan đến pháp lý tiềm tàng của chúng (thứ mang tính trí mạng nhất với khả năng lan tỏa của đám AI này) thì mình đã làm mấy bài liền trong group rồi, thế nên giờ sẽ không bàn sâu thêm nữa. Nếu muốn đọc thêm anh em có thể tham khảo các bài sau nhé:

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.