Chuyển đến nội dung chính

Từ sự kiện Henry Cavill rời Witcher nghĩ về xu hướng truyền thông hiện đại của các dự án chuyển thể

 Bữa nay mình mới bắt được một tin khá chấn động: Henry Cavill, diễn viên thủ vai Geralt xứ Rivia trong series Witcher của Wokeflix, sẽ rời series sau season 3 sắp tới, và vai diễn Geralt sẽ được nhượng lại cho Liam Hemsworth. Lẽ đương nhiên, tin này đang làm dậy sóng cộng đồng fan Witcher, bởi lẽ mọi người phần đông đều thấy Henry cực kỳ hợp với Geralt.

Đáng chú ý nhất, thứ người ta liên tục nhắc đến không phải là bản thân cái diễn xuất của Henry, mà là việc ông anh đã thể hiện mình là fan cứng của cả cái franchise Witcher này, chạy từ chơi game cho đến đọc truyện. Trên thực tế, Henry hình như còn là người duy nhất trong toàn bộ cái đội sản xuất thực sự có hiểu biết về Witcher và yêu thích hẳn nó, trong khi những người khác chỉ biết về Witcher dưới dạng vừa đủ để làm phim, và nghe cái kiểu season 2 được dàn dựng thì thậm chí còn chẳng mê gì câu chuyện gốc. Với sự rời đi của Henry, cộng đồng fan nhìn chung đang có cái nhìn rất tiêu cực về tiền đồ của series, với một phần lý do không nhỏ là họ cảm thấy không còn ai trong đội ngũ làm phim “ở phe” tác phẩm nữa.

Vụ đó làm mình nhớ đến một clip từng xem của một bạn Booktuber là Bookborn, xoay quanh sự thay đổi trong cách truyền thông của các dự án chuyển thể.


Clip này kỳ thực bàn về chuyển thể sách truyện nói chung, chứ không chém riêng gì về khoản marketing của các dự án chuyển thể cả. Tuy nhiên, ở phần giữa, Bookborn có trích ra một luận án có tên là Incorporating and considering fans: fan culture in event film adaptations, thực hiện bởi Tiến sĩ Maggie Parke hồi năm 2014 (anh em tham khảo full ở đây: https://research.bangor.ac.uk/portal/en/theses/incorporating-and-considering-fans-fan-culture-in-event-film-adaptations(8e849ae8-1f89-4d5f-bf00-e82b7e87e3a7).html). Vì cái luận án đấy dài hơn 300 trang, thế nên lẽ đương nhiên Bookborn không thể lôi hết nó ra bàn được. Tuy nhiên, cô vẫn lọc ra một số điểm đáng chú ý để bàn. Trong số đấy, nổi trội nhất là cái điểm bàn về cách các bên sản xuất đang thay đổi chiến lược quảng bá của mình, bởi vì giờ đây, tiếng nói của một nhóm người nhất định đã bắt đầu trở nên có trọng lượng hơn. Nhóm người đấy chính là các fan của tác phẩm gốc.

Như nghiên cứu có nói, “fan” là một danh hiệu dùng để ám chỉ rằng ai đó hiểu biết và quý mến tác phẩm gốc hơn mức bình thường. Chính sự bất thường đấy đã khiến các nhóm fan trở thành một dạng câu lạc bộ kén người, nơi chỉ những ai có kiến thức về tác phẩm cũng như tận tâm với nó mới được cho vào. Nhưng cũng chính bởi vậy mà fan của các tác phẩm văn hóa từng có thời bị coi là những kẻ lập dị, một đối tượng đáng bị chế nhạo. Theo lời Parke, fan từng có thời “bị chế giễu trên các phương tiện truyền thông, bị xã hội kỳ thị, bị các đe dọa pháp lý dồn cho phải trốn chui trốn nhủi, và thường bị mô tả là những kẻ vô não, ăn nói không rõ ràng.”

Tuy nhiên, Internet đã giúp fan dễ dàng tập hợp lại để tạo thành những cộng đồng sôi nổi, bàn luận về tất tần tật những gì liên quan đến tác phẩm mình thích, cũng như theo dõi sát sao quá trình chúng được chuyển thể. Kết hợp với việc thiên hạ ngày càng có cái nhìn thoáng hơn về fan, không còn kỳ thị họ như trước nữa, mọi thứ đều đã thay đổi. Như Parke đã viết, “[…] ‘fan cuồng’ đã bắt đầu được công chúng chấp nhận (Barter, 2012), và fan đã trở thành một mặt hàng rất được những bộ phim triệu đô thèm muốn […]”

Nói cách khác, fan ngày nay đã không còn là một đám mọi rợ nữa, mà đã trở thành một tài nguyên cần tận dụng. Và câu hỏi đặt ra bây giờ là phải tận dụng điều đó kiểu gì đây?

Câu trả lời đơn giản lắm: hãy thuyết phục fan rằng bản thân những người làm chuyển thể cũng chính là fan đi. Hãy thuyết phục cộng đồng fan rằng giám đốc sản xuất là fan, biên kịch là fan, diễn viên cũng là fan nốt. Nó đã trở thành một chiến thuật tiêu chuẩn đến mức gần như trong mọi chiến dịch marketing cho các nỗ lực chuyển thể gần đây, ta đều thấy bên sản xuất gắng sức khoe mình là fan của tác phẩm gốc. Và không chỉ là fan cỡ thường đâu, mà là fan cỡ bự cơ. Hoặc họ sẽ để diễn viên với biên kịch lia lịa nhấn vào việc mình yêu thích tác phẩm gốc trong mọi buổi phỏng vấn (mặc dù lắm khi đội này toàn thòng kèm một chữ “nhưng…” ngay đằng sau câu khen 🐧 ), hoặc thuê người được cộng đồng fan kính trọng vì có đủ kiến thức và nhiệt huyết với series đến làm tư vấn, hoặc chiêu đãi những người ảnh hưởng trong cộng đồng fan đủ kiểu để họ nói tốt cho mình,… Ai ai cũng làm cái trò đấy cả. Wheel of Time làm cái trò này, Rings of Power làm cái trò này, Death Note sắp tới đây làm cái trò này, và dĩ nhiên, Witcher cũng làm cái trò này nốt.

Trên thực tế, trong clip, Bookborn còn đã đặc biệt nhấn mạnh vào series chuyển thể Witcher. Đồng chí bảo rằng mình đã thấy Henry Cavill liên tục thể hiện mình là fan của SFF nói chung và Witcher nói riêng trong các cuộc phỏng vấn. Cá nhân Bookborn tin Henry không hề giả đò gì hết, mà ông anh quả thực là một fan của cái ngách này cũng như cái series mình sắp đóng. Tuy nhiên, trước cái kiểu Henry bàn về nó dày đặc như thế, Bookborn không khỏi nghi ngờ rằng có khi một ông sếp to nào đó đã lệnh cho Henry phải khoe thật mạnh cái bản chất fan của mình ra để “kiếm vốn” trong cộng đồng fan, và từ đó dùng chỗ “vốn” để thu hút người xem.

Nhìn lại thực tế và so với cái nghiên cứu này thì thấy cũng hơi hài. Hiện giờ, dù nhiều bên vẫn cố gắng nịnh fan, bảo rằng bản thân cũng mê tác phẩm này nọ, hàng loạt bên nay đã tích hợp kèm chiến thuật chửi fan luôn. Hễ cứ hở ra tí, ta lại thấy một loạt bài thóa mạ những fan bức xúc trước chất lượng bản chuyển thể bằng những ngôn từ rất rát mặt. Tử tế nhất thì fan cũng bị chửi là thượng đẳng, là “gatekeeping” (đại khái là bài trừ thứ mới một cách quá lố trừ khi nó đáp ứng một tiêu chuẩn khắt khe nhất định nào đấy, hoặc quá hà khắc trong việc cấm bản chuyển thể đi lệch tác phẩm gốc), còn nặng thì sẽ là phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, cận Phát-xít…

Đáng chú ý nhất, dạo gần đây, ta còn thấy một số người nói thẳng ra luôn là mình không coi tác phẩm gốc ra gì. Tỉ như đội quản lý sản xuất Halo điềm nhiên bảo mình chưa chơi game bao giờ, và cũng chẳng chơi game để phục vụ việc làm series. Trong bản chuyển thể The Last of Us sắp tới, Bella Ramsey (diễn viên thủ vai Ellie) cũng đã thổ lộ là người ta bảo đừng chơi game để chuẩn bị cho vai diễn làm gì. Bản thân Witcher thì chưa thấy có ai hó hé gì vụ nọ không thích tác phẩm gốc cả, nhưng một ông cựu sản xuất của series từng tiết lộ rằng một số biên kịch thù Witcher, cả bản sách lẫn game, dẫn đến việc muốn tẽ riêng ra khỏi tác phẩm.

Và giờ đây, series đó đã mất đi Henry, chỉ còn lại những biên kịch như thế. Và Wokeflix vẫn chày cối làm tiếp mấy season mới chứ không chịu nhanh chóng chốt luôn series cùng với sự ra đi của Henry.

Chiến lược táo bạo đấy, Cotton ạ 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.