Chuyển đến nội dung chính

Xenofiction - những câu chuyện với góc nhìn "lạ"


 Cái mẩu truyện The Great Silence mình nhắc đến hồi chiều có một điểm thú vị là nó hoàn toàn không hề sử dụng lăng kính của con người. Từ đầu đến cuối, tất tần tật mọi thứ đều do một con vẹt nhìn nhận và kể lại. Điều này khiến mình nhớ đến một mảng văn khá độc đáo, có tên là Xenofiction.

Để hiểu Xenofiction là cái thể loại nào, anh em cứ nhìn vào phần tiền tố “xeno-” của nó nhé. Nó khởi nguồn từ chữ “xénos” trong tiếng Hy Lạp cổ, vốn là một từ khá chung chung dùng để chỉ người, có thể chạy từ kẻ địch cho đến bạn bè thân quen. Tuy nhiên, những nghĩa tiêu chuẩn/phổ thông nhất của xénos thường liên quan đến sự lạ, chẳng hạn như “người lạ,” “người ngoại quốc,” “khách đến chơi nhà,”… Trong ngôn ngữ hiện đại ngày nay, cái tiền tố “xeno-” đã vừa được thu gọn lại một tí, vừa được cơi nới thêm chút ít. Nghĩa của nó giờ đã đơn giản hơn, chỉ gói gọn trong chữ “lạ,” và ghép với từ nào thì sẽ biến từ đấy thành “làm gì đó với một thứ lạ.” Giả dụ, ta có “phobia” là chứng sợ hãi, thì khi ghép kèm xeno sẽ thành “xenophobia” là căm ghét hoặc sợ người ngoại tộc; ghép với “-philia” (tình yêu) thì thành “xenophilia” (mê người ngoại quốc); ghép với “archaeology” (khảo cổ học) thì thành “xenoarchaeology” (khảo cổ học ngoài hành tinh).

Và tất nhiên, khi ghép với “fiction” (truyện hư cấu) ta có “Xenofiction”: truyện các chủng loài lạ.

Nói cụ thể hơn, Xenofiction là cái ngách của những tác phẩm thỏa mãn những điều kiện sau:

  1. Tác phẩm phải xoay quanh một thực thể không phải con người. Nó có thể là thú vật, người ngoài hành tinh, sinh vật thần thoại, rôbốt, thuật toán AI, một món đồ được yểm phép thuật,… miễn sao trong phạm vi câu chuyện, chúng sở hữu đủ tri giác để nhìn nhận thế giới bên ngoài.
  2. Tác phẩm phải cho người thưởng thức cơ hội “nhập tâm” vào thực thể kia, được quan sát thế giới qua lăng kính của nó và trải nghiệm các suy nghĩ của nó. Nếu tác phẩm chỉ đơn thuần cho người thưởng thức đứng ngoài quan sát thực thể bằng cặp mắt của một con người, nó sẽ không được tính là Xenofiction.
  3. Thế giới quan, nếp nghĩ, và cách hành xử của thực thể đó phải đủ “dị” so với con người. Nếu thực thể đấy quá giống con người, đến mức trông chẳng khác nào một con người mặc đồ cosplay, nó sẽ không được tính là Xenofiction. 

Trong số mấy cái điều kiện này thì anh em cần đặc biệt chú ý đến thằng số 3. Rất nhiều người lầm tưởng rằng Xenofiction chỉ đơn thuần là những tác phẩm có nhân vật chính không phải là con người, và liệt luôn những câu chuyện có dính đến thú vật hoặc đồ đạc biết nói vào trong đấy. “Nạn nhân” thường gặp nhất những mẩu truyện ngụ ngôn của Aesop, ví dụ như Con cáo và chùm nho, Rùa và Thỏ, Cơn gió và Mặt Trời,… Những mẩu truyện này đúng là toàn xoay quanh mấy thứ không dính dáng tí gì đến con người, bao gồm thú vật và thậm chí là cả hiện tượng thiên nhiên (đáp ứng điều kiện 1). Bên cạnh đó, người đọc quả cũng được nhìn nhận về cuộc đời qua mắt mấy đối tượng trên, và biết bọn nó tư duy kiểu gì nữa (đáp ứng điều kiện 2). Nhưng vấn đề ở đây là tất cả các nhân vật trên đều sở hữu thế giới quan và nếp nghĩ “người” quá đà. Nếu bốc một mẩu truyện bất kỳ, sau đó thay hết các nhân vật trong đó thành con người (mặc dù người này chắc sẽ có sức mạnh siêu nhiên), ta sẽ vẫn thấy mọi suy nghĩ, cuộc hội thoại, kiểu cá tính đều vẫn phù hợp với cái thân xác mới kia. Nguyên do là mấy nhân vật trong các truyện đấy ngay từ đầu đã chẳng hơn gì con người được hóa trang thành thú vật hoặc gió mây, chứ không phải là một thực thể xa lạ. Đây chỉ là những tác phẩm sử dụng thủ pháp nhân hóa, chứ không liên quan gì đến Xenofiction cả.

Một điểm đáng chú ý khác về Xenofiction là thằng này không chỉ nằm gọn trong SFF. Điều kiện của Xenofiction chỉ đơn thuần là chúng nó cho ta vào ngồi trong đầu những thứ khác người, nhưng không hề có yêu cầu gì về việc nó phải khác đến đâu, và cũng chẳng bảo tác giả cần phải làm chuẩn mức độ tư duy của chúng nó. Điều này đồng nghĩa với việc những tác phẩm lấy bối cảnh là thế giới bình thường, không có một tí mùi tương lai hay phép thuật nào cả, cũng đều có thể tính là Xenofiction hết, miễn sao nó để điểm nhìn là thú vật hay đồ vật gì đó, và thế giới quan của bọn này (hay ít nhất là cái thế giới quan mà tác giả bịa ra cho bọn này) phải đủ khác với thế giới quan của con người. Tỉ như cái bộ manga My Roommate Is a Cat của Minatsuki và Asu Futatsuya chẳng hạn. Cái bộ truyện này hoàn toàn chẳng có tí mùi SFF nào hết, chỉ xoay quanh một anh cu nuôi mèo trong nhà. Nhưng phân nửa câu chuyện được thuật lại qua góc nhìn của con mèo nhà anh ta, và nó có một cái kiểu nhìn đời và hành động rất khác với con người. Chính thế nên nó cũng có thể coi là một dạng Xenofiction, dù chẳng có tí yếu tố Sci Fi hay Fantasy nào ở đây cả.

Tuy nhiên, để phù hợp với trọng tâm group thì trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chỉ lấy ví dụ về các tác phẩm Xenofiction nằm trong mảng SFF, hoặc ít nhất cũng là có thể được cãi rằng nó nằm trong mảng SFF. 

Thằng Xenofiction tiêu biểu đầu tiên ta cần phải kể đến sẽ là bộ truyện Animorphs của K. A. Applegate. Truyện xoay quanh một toán thiếu niên được trao quyền năng hóa thú từ một người ngoài hành tinh, và sau đó phải sử dụng nó để chiến đấu chống lại một đám ốc sên ngoài hành tinh biết kiểm soát não người, bấy giờ đang tính xâm lăng Trái Đất.

Animorphs không chỉ nổi bật ở điểm đây có lẽ là tác phẩm nhiều anh em biết đến nhất, mà nó còn đặc biệt ở chỗ là Xenofiction theo hai cách. Đầu tiên, series này có rất nhiều tập truyện được viết hoàn toàn từ góc nhìn của những sinh vật ngoài hành tinh, với tiêu biểu nhất là Aximili-Esgarrouth-Isthill (tức Ax), một người Andalite trẻ tuổi bị kẹt lại trên Trái Đất. Ax sinh ra trong một nền văn hóa rất khác, chưa kể còn có kiểu cấu tạo cơ thể quá dị hợm, thế nên kiểu tư duy tương của thanh niên này rất dị so với lối nghĩ của con người bình thường. 

Cái yếu tố Xenofiction thứ hai của Animorphs nằm ở những lốt thú mà đội thiếu niên kia hóa thân thành. Khi biến thành các loài thú vật, nhóm Animorphs không chỉ đơn thuần khoác lên người thân xác của chúng nó, mà còn phải chia sẻ tâm trí với những bản năng và nếp nghĩ của đám thú nữa. Tâm trí thú đấy lắm khi lấn át hoàn toàn tâm trí của các thành viên Animorphs, và trong những phân đoạn này, Animorphs trở thành những tác phẩm Xenofiction chính hiệu, cho người đọc cơ hội được bước vào đầu những con thú với khối óc kỳ dị khôn tả.

Một ví dụ khác cũng nên được nhắc đến là cuốn tiểu thuyết Children of Time của Adrian Tchaikovsky. Quyển truyện này bao gồm hai mạch cốt: 1) mạch con người đi tìm một hành tinh mới để cư ngụ, và 2) hành trình phát triển của một đám nhện ngoài hành tinh, tình cờ bị biến đổi gen để trở thành khôn ngoan hơn.

Trong số hai mạch truyện này, mạch của đám nhện là Xenofiction. Bọn nhện này là… nhện, thế nên lẽ đương nhiên, chúng nó có những bản năng và lối suy nghĩ khác loài người vô cùng tận. Thêm vào đó, vì bọn này có một kiểu kết cấu cơ thể rất quái chiêu, kích thước cũng siêu nhỏ, và bọn nó phải sống trong một hệ sinh thái cực kỳ khác với con người, cần đối mặt với những mối nguy cũng khác hẳn con người, gần như chẳng có thứ gì của bọn này là giống với người cả. Chúng nó có quan niệm về đúng sai, có kiểu phân tầng xã hội riêng, có một văn hóa cực dị, và đến cả cán cân quyền lực giữa đực và cái của chúng nó cũng đảo ngược hẳn so với những gì ta biết. Và trong cái mạch của lũ nhện, ta được trực tiếp ngồi vào đầu bọn nó, nhìn nhận thế giới qua con mắt chúng nó, chứ không phải đứng từ bên ngoài quan sát.

Tiện thể nhắc đến chia mạch truyện, một thằng Xenofiction khác cũng nên được nêu ra là tiểu thuyết The Two Faces of Tomorrow của James P. Hogan. Truyện xoay quanh một nhóm nhà khoa học móc ngoặc cùng với chính phủ lên thử nghiệm một nguyên mẫu AI trên một trạm vũ trụ, và hành trình lớn của con AI đấy. Truyện chia ra làm hai mạch chính, một là mạch của nhóm con người, và một là mạch của con AI.

Có lẽ không cần phải nói thì anh em cũng biết, mạch con AI chính là cái phần Xenofiction của tác phẩm. Cái nếp nghĩ của con AI trong The Two Faces of Tomorrow không đến mức quá quái đản và ngược đời như đám nhện ở trong Children of Time, nhưng nó cũng hết sức khác thường. Con AI này có một cái kiểu suy nghĩ cực kỳ giật cục và có thể nói là “trong trắng,” không hề có bất cứ một thứ làm nền tảng cả. Nó cũng có một cái kiểu lôgic đến cực điểm rất đáng sợ, ít nhiều hao hao kiểu tư duy tò mò của một đứa trẻ, nhưng thiếu vắng hoàn toàn mọi nét nhân tính. Ngồi đọc cách con AI phán đoán và suy xét từng thứ lặt vặt trong môi trường, từ đấy khái quát hóa và đưa ra phản ứng mà thấy chất “máy” của nó hiện ra rõ rành rành.

Truyện ngắn The Things của Peter Watts cũng là một trường hợp Xenofiction thú vị. Đây là một cái Fan Fic cho bộ phim The Thing kinh điển của John Carpenter, với cốt là một sự pha trộn giữa những gì đã xảy ra trong phim và những gì diễn ra trong Who Goes There?, tác phẩm gốc của The Thing do John W. Campbell Con viết.

Điểm khiến cho The Things trở thành Xenofiction là nó được thuật lại hoàn toàn từ góc nhìn của con quái vật vô danh trong bộ phim. Đây là một tạo vật ngoài hành tinh, với cấu trúc cơ thể khác thường đến mức nó thậm chí còn không tài nào lãnh hội nổi cái khái niệm con người là những tạo vật riêng lẻ, không dính dáng gì đến nhau, với hệ thống tư duy tập trung vào não bộ. Trong quá trình theo chân con quái này lẩn trốn những thành viên tại cái trạm vùng cực cũng như cách nó quan sát họ, anh em sẽ thấy con này thực sự là một sinh vật đến từ một cõi khác hẳn, hay thậm chí còn như không thuộc về cái chiều không gian của chúng ta vậy.

Và nhân nhắc đến chiều không gian, còn một thằng Xenofiction khác ta không thể bỏ qua, ấy là Flatland: A Romance of Many Dimensions do Edwin Abbott Abbott sáng tác. Cái truyện này thì phải nói là dị của dị, bởi vì nó thậm chí còn chẳng dính dáng gì đến vật thể như những thằng Xenofiction khác. Mấy nhân vật chính trong truyện này toàn là các khái niệm hình học.

Cụ thể hơn, quyển này cho ta ngồi trong đầu một hình vuông, một công dân của xứ phẳng, chỉ biết về thế giới dưới dạng hai chiều. Ông anh thậm chí còn chẳng lãnh hội được cái chiều thứ ba, và khi phải tương tác với một khối cầu 3D, thanh niên mãi không thể hình dung nổi nó là thứ gì ngoài một hình tròn với chu vi thỉnh thoảng lại thay đổi (tức chỉ nhìn thấy được tiết diện của hình cầu khi nó giao với mặt phẳng nơi cái hình vuông kia sống). Cái nếp suy nghĩ này của đồng chí không chỉ dị biệt so với con người, mà gần như còn dị biệt so với mọi loại thức sống trên đời luôn.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.