Chuyển đến nội dung chính

CRISPR, Sáu đợt thức tỉnh, và hệ lụy tiềm tàng của công nghệ chỉnh sửa gen

 Ngày hôm trước vừa thấy có bạn hỏi tìm truyện Sci Fi áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen kèm nhân bản vô tính xong thì hôm nay lại vớ được một bài do tờ New York Times viết, bàn về công nghệ CRISPR và cách nó biến việc chỉnh sửa gen thành một thực tại gần kề, chứ không còn xa vời gì nữa.

Once Science Fiction, Gene Editing Is Now a Looming Reality

Lạy Chúa trên cao, tôi đã làm gì để trời phật độ trì cho hàng bao cơ hội quảng bá Sáu đợt thức tỉnh thế này 🐧?

Trong trường hợp anh em nào chưa biết, CRISPR là viết tắt của cụm từ Clustered Regular Interspaced Short Palindromic Repeats, tức Cụm Các trình tự Xuôi ngược Ngắn có Độ dài Bằng nhau Lặp lại Đan xen giữa Các vùng đệm.

Vâng, chỉ cái tên của nó cũng đã thấy đau óc rồi 🐧.

Vì chúng ta không phải là dân chuyên nên anh em cũng chẳng cần phải hiểu cơ chế chuẩn của nó ra sao đâu. Cứ hiểu nôm na thế này thôi: công nghệ CRISPR này sẽ cho phép ta sửa mã gen như sửa file word ấy. Ta có thể tha hồ nhấp trỏ chuột vào bất cứ đâu trong văn bản, xóa đi một chữ cái sai chính tả hay cả đoạn văn, thay thế nó bằng một thứ chuẩn xác hơn.

Vì cho phép trực tiếp chỉnh sửa thứ mã nền tảng nhất của con người, CRISPR mang một tiềm năng lớn lớn khổng lồ. Nếu “tỉa” đúng chỗ, ta sẽ có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch hay thậm chí loại bỏ hẳn khuyết tật bẩm sinh của con người; nếu áp dụng nó vào cho nông nghiệp, ta sẽ có thể giúp tạo ra những giống cây trồng không ai ngờ nổi là có thể tồn tại như hạt cà phê decaf sẵn, gạo “cà rốt” chứa vitamin A, hay cà chua “chua ngọt” đầy đủ; nếu áp dụng cho động vật, ta sẽ có thể tạo ra các giống thú ưu việt như ngựa chạy nhanh như gió, chó thông minh hơn, lợn trưởng thành nhanh và cho nhiều thịt hơn mà không phải mất công lai giống nhiều thế hệ; ta còn có thể “diệt chủng” những loài sâu bọ, côn trùng gây hại như ruồi muỗi bằng cách tung các cá thể đã bị chỉnh sửa gen vào để dần làm thui chột nòi giống của chúng nó; ta thậm chí còn có thể cho hồi sinh các giống loài đã bị tuyệt chủng bằng cách sửa gen những họ hàng hiện đại của chúng nó để các thế hệ sau dần dần sẽ về sát với gen gốc…

Và phi thường/đáng sợ một điều là phân nửa những thứ mình nhắc đến đã thành sự thật hẳn rồi.

Năm 1999, các nhà khoa học đã sửa gen một loại gạo để nó chứa đầy beta-carotene (cái chất làm cà rốt trông cam ệch đi ấy). Năm 2018, các nhà khoa học tại Revive & Restore đã bắt đầu sửa gen bồ câu để giúp đưa chủng bồ câu viễn khách (tuyệt chủng năm 1914) quay trở lại vào năm 2022. Tháng 6 vừa qua, một chủng muỗi đực biến đổi gen có tên OX5034 (những con muỗi cái do bọn này sinh ra sẽ chết yểu ngay trong giai đoạn ấu trùng, còn muỗi đực thì sẽ vẫn sống để tiếp tục đi truyền cái ADN lệch lạc của mình) đã được chính quyền Mỹ cấp phép cho thả vào Florida Keys để giúp “bóp” dân số muỗi và diệt trừ sốt xuất huyết. Cũng tháng 6, Victoria Gray, một phụ nữ mắc bệnh máu, đã thuyên giảm đáng kể bệnh tình ngay trong năm đầu tiên sau khi tham gia điều trị chỉnh sửa gen, và con cháu của Gray được kỳ vọng sẽ mang gen của mẹ và không mắc cái bệnh ấy nữa.

Vâng, CRISPR không còn xa vời chút nào, mà nó đang hiện hữu ngay xung quanh chúng ta.

Tuy nhiên, đi kèm với cái công nghệ này là hàng bao lo ngại và tranh cãi. Đặc biệt, mọi thứ càng trở nên nóng hơn vào năm 2018, sau khi một nhà khoa học ở Trung Quốc tuyên bố mình đã cho ra đời cặp trẻ song sinh được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới, khiến nhà khoa học kia đã lập tức bị tống cổ vào tù, và chính phủ Trung Quốc phải lập tức chối bai bải là mình không hề hay biết gì về các hoạt động của ông này. Trong số những quan ngại được đưa ra, có những vấn đề mang tính đạo đức như thọc ngoáy vào ADN của một đứa trẻ là vi phạm vào quyền tự quyết của nó; và cũng có những vấn đề mang tính thực tế như việc CRISPR có thể sẽ làm sự phân hóa giữa tầng lớp giàu-nghèo trở nên cực kỳ trầm trọng, bởi vì người giàu sẽ có thể chỉnh cho con cái mình trở nên ưu việt hơn, và từ đấy có nhiều cơ hội trong cuộc sống hơn so với người nghèo. Những câu hỏi như vậy được đưa ra bàn luận dưới đủ mọi hình thức, bao gồm các công trình nghiên cứu học thuật, các cuộc thi tranh biện, các buổi phỏng vấn truyền hình, và lẽ đương nhiên, cả các tác phẩm Sci Fi nữa.

Và điều này dẫn ta đến với chuyên mục quảng cáo của bài, bởi tác phẩm đầu tiên được lấy ra làm ví dụ sẽ chính là R̶a̶i̶d̶:̶ ̶S̶h̶a̶d̶o̶w̶ ̶L̶e̶g̶e̶n̶d̶s̶ Sáu đợt thức tỉnh 🐧.

Sáu đợt thức tỉnh được xây dựng dựa trên một phiên bản tương lai của CRISPR, khi bên cạnh việc chỉnh sửa mã gen thì con người còn chỉnh sửa được thêm cả dữ liệu lưu trữ trong não bộ nữa, khiến cho việc thay đổi bản chất con người có thể diễn ra ở một cấp độ ngoài sức tưởng tượng. Truyện động đến rất nhiều hệ quả này sinh ra từ thứ công nghệ ấy trên mọi bình diện xã hội, bao gồm kinh tế, luật pháp, giáo dục, tôn giáo, và thậm chí còn cả ẩm thực nữa. Trong số này thì lạnh gáy nhất là cách nhiều ông bố bà mẹ mượn công nghệ chỉnh sửa gen để “chữa” con cái của mình.

Vì có một số thứ (bao gồm cả bệnh tật lẫn đặc điểm cơ thể) chỉ có thể thay đổi được nếu sửa gen từ lúc trước khi sinh ra/thụ thai thôi, còn đã chào đời thì xác định luôn là phải chấp nhận sống chung với nó rồi, nhiều bậc phụ huynh đã “lách luật” bằng cách copy mã gen + dữ liệu não của đứa con, sửa lại cho đúng ý mình, sau đó dùng gen + dữ liệu não mới để nhân bản vô tính ra một đứa con mới, giống y hệt đứa cũ, chỉ có điều ưu việt hơn.

Vấn đề chỉ là bây giờ tự nhiên lại có 2 đứa trẻ, hay đúng hơn là 2 phiên bản của 1 đứa trẻ, song song tồn tại. Một đứa thượng đẳng, một đứa hạ đẳng.

Đoán thử xem chuyện gì sẽ xảy ra với bản “lỗi”?

Ngoài Sáu đợt thức tỉnh thì cũng có một tác phẩm khác động các đến các vấn đề có thể nảy sinh từ CRISPR, ấy chính là Công viên kỷ Jura.

Cho dù là đọc truyện hay xem bản phim, anh em cũng sẽ nhận thấy nó nêu ra cùng một vấn đề: thọc ngoáy linh tinh vào tự nhiên là kiểu gì cũng sẽ có hậu quả không ai ngờ tới được. Cụ thể như trong tác phẩm này thì công ty InGen đã đưa những loài khủng long đã bị tuyệt chủng từ mấy trăm triệu năm trước quay trở về thời hiện đại bằng cách lai tạp gen chúng nó vào với gen động vật hiện đại. InGen đã cẩn thận chỉ tạo ra toàn khủng long cái để đảm bảo bọn nó không sinh sôi nảy nở một cách thiếu kiểm soát, và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của công viên.

Nhưng mà nói như Ian Malcolm: “Life, uh, finds a way.” 

Tình cờ là cái gen bọn khủng long được lai kèm vào lại là gen một loài lưỡng cư có thể chuyển giới, và điều này cho phép một số con khủng long cái tự biến mình thành đực, và từ đó mà đã sinh con đẻ cái được. Thậm chí, ngay cả biện pháp phòng ngừa thứ hai, ấy là cho bọn khủng long thiếu mất enzym tổng hợp lysine để chúng sẽ lăn ra chết nếu không được InGen cung cấp thức ăn đặc chế cũng bị bọn nó qua mặt. Về sau bọn này đã rời được đảo và tiến sâu vào đất liền, vừa đi vừa ăn trộm đồ giàu lysine để sinh tồn như ngô.

Một tác phẩm Sci Fi nổi tiếng khác cũng liên quan đến đề tài này là bộ phim Gattaca, tô vẽ lên một bối cảnh khi xã hội bắt đầu có sự phân hóa giữa người mang gen thượng đẳng và người mang gen hạ đẳng, một trong những hệ quả tiềm tàng của CRISPR.

Trong phim, thế giới bây giờ đã có thể sử dụng công nghệ sinh học để giúp hỗ trợ các ông bố bà mẹ sản sinh ra những đứa con ưu việt về mặt di truyền. Những đứa trẻ sinh ra theo cách ấy được gọi là "valid," còn những đứa được sinh ra theo kiểu “truyền thống” thì được gọi là "in-valid." Lẽ đương nhiên, chẳng ai lại đi cho phép phân biệt đối xử dựa trên mã gen cả, nhưng trên lý thuyết thì cũng chẳng ai được phép để xe trên vỉa hè hết. Các bro hiểu ý mình chứ 🐧?

Vincent Freeman, nhân vật chính của phim, được sinh ra theo kiểu “thuận tự nhiên,” và vì thế nên xác định luôn là sẽ không bao giờ có thể làm được tích sự gì cho đời hết. Nhưng phi thường thay, đồng chí này lại sở hữu một quyết tâm không ai sánh bằng, và nhờ những nỗ lực của bản thân trong suốt bộ phim mà đã đạt được gần như mọi điều mình mong ước. Hành trình của Vincent khiến người xem không khỏi phải nghi ngờ cái tính đúng đắn của chủ nghĩa ưu sinh dựa trên công nghệ kia, và việc không biết có bao nhiêu “Vincent” khác đã bị cái xã hội hậu CRISPR này vùi dập.

Nói chung là CRISPR ưu thì nhiều mà nhược thì cũng chẳng hiếm đâu. Nhưng dù gì thì gì, ít nhất chúng ta cũng có thể an tâm một điều là nó sẽ luôn như một cái mỏ vàng bất tận cho Sci Fi tha hồ khai thác. Thế nên là… yay 🐧?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.