🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑🌑🌑
6.75/10
TL;DR
The Martian + The Hunt for Red October, có điều lấy bối cảnh Mặt Trăng và làm ăn lôm côm hơn cả hai.
GIỚI THIỆU CHUNG
The Apollo Murders là một cuốn Techno-thriller pha Alternate History của Chris Hadfield, phi hành gia người Canada nổi tiếng. Truyện lấy bối cảnh là giai đoạn đầu thập niên 70, giữa lúc Chiến Tranh Lạnh vẫn còn đang ở giai đoạn cao trào, và cuộc chạy đua vũ trụ giữa hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô hãy còn chưa kết thúc. Tuy nhiên, cái phông nền này của The Apollo Murders không hoàn toàn giống với những gì ta biết ngoài đời. Một số tình tiết đã bị thay đổi, với đáng chú ý nhất là chương trình Apollo không hề khép lại với nhiệm vụ Apollo 17, mà nó còn có thêm được một nhiệm vụ nữa: Apollo 18.
Lúc ban đầu, bản chất của Apollo 18 cũng chẳng khác gì các nhiệm vụ Apollo khác cả. Nó chỉ là một nhiệm vụ dân sự do NASA quản lý, đưa người lên thám hiểm Mặt Trăng và lấy mẫu vật mang về. Nhưng mọi thứ đều thay đổi khi chính phủ Mỹ chợt bắt được hai tin tình báo rất đáng ngại từ phía Liên Xô.
Thứ nhất, Liên Xô sắp sửa phóng lên quỹ đạo một trạm vũ trụ quân sự có tên Almaz. Almaz sở hữu những ống kính siêu mạnh, có thể chuyển về cho Liên Xô những bức ảnh sắc nét vô cùng. Với Almaz lơ lửng trên quỹ đạo, Mỹ sẽ liên tục bị Liên Xô soi trộm mà không làm được gì cả. Thứ hai, Liên Xô còn đã phóng lên Mặt Trăng một con rover (tức xe thám hiểm điều khiển từ xa) có tên Lunokhod 2. Con rover này đã chợt thay đổi địa điểm hạ cánh, và phía Mỹ nghi rằng lý do là Liên Xô đã tìm thấy một thứ gì đó có ý nghĩa chiến lược trên Mặt Trăng.
Phản ứng trước tình hình này, Apollo 18 lập tức bị thay đổi mục đích. Nó được chuyển thành một nhiệm vụ quân sự, với đội ngũ phi hành gia tham gia nhiệm vụ này được giao phó thêm hai sứ mệnh mới: bay đến gần Almaz để phá hoại trạm, và đáp xuống gần Lunokhod để vừa phá nó, vừa xem nó làm cái trò gì trên đấy. Việc sửa mục tiêu nhiệm vụ như vậy khiến cho gần như mọi thứ về Apollo 18 đều phải được thay đổi. Hành trình bay của tàu phải được tính toán lại, địa điểm hạ cánh cũng phải thay đổi, và chương trình huấn luyện của phi hành đoàn cũng bị đổi khác tiếp. Dẫu thế, đội ngũ tại NASA vẫn xoay xở thích ứng được với tình hình, và sau khi được cập nhật lại, mọi công tác chuẩn bị tiếp tục diễn ra một cách suôn sẻ.
Ít nhất là cho đến một ngày nọ, khi Tom Hoffman, chỉ huy nhiệm vụ Apollo 18, thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay đầy mờ ám…
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Căn cứ vào cái tên cũng như phần mô tả sơ lược ở bên trên, hẳn anh em sẽ nghĩ rằng The Apollo Murders là một câu chuyện trinh thám. Nghĩ vậy kể cũng không sai cho lắm. Truyện có thể được chia ra làm hai tuyến cốt chính, một là mạch điều tra về cái chết Tom Hoffman, và một là mạch so găng giữa các lực lượng của Mỹ với Liên Xô với nhau, trong đó nổi trội nhất là cuộc đấu đá giữa hai nhóm phi hành gia của hai nước ngoài vũ trụ và trên Mặt Trăng.
Tuy nhiên, việc coi The Apollo Murders là truyện trinh thám chỉ đúng về mặt lý thuyết mà thôi. Nếu tiếp cận quyển này với tâm thế đây là một tác phẩm liên quan đến điều tra phá án, hay thậm chí chỉ là một quyển truyện mang tính suy luận, mọi người sẽ thấy thất vọng ê chề.
Vì một lý do rất khó hiểu nào đó, Hadfield đã đẩy yếu tố trinh thám lên làm “đầu tàu” cho The Apollo Murders. Từ cách đặt tiêu đề, mô tả ở bìa sau, phần dẫn dắt ban đầu, thậm chí cả cái Inciting Incident để đưa câu chuyện vào mạch chính (anh em nào chưa biết về nó thì đọc ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/inciting-incident-cong-cu-khong-thieu.html), đều giúp định vị cái quyển này là trinh thám, và bí ẩn xoay quanh vụ án mạng kia cứ được tô vẽ thành một mắt xích trọng yếu của câu chuyện. Nhưng càng đọc sâu vào thì càng thấy đây là một màn treo đầu dê bán thịt chó, bởi vì trinh thám lại là một thứ chỉ mang tính phụ gia. Gần như liền sau màn giới thiệu bí ẩn, truyện gần như không hề đoái hoài đến nó tí nào. Trọng tâm của nó là phần kỹ thuật của nhiệm vụ (đến phần thế giới sẽ nói kỹ hơn) và khoản Techno-thriller, tức phần Mỹ với Nga tìm cách trục lợi từ nhau, và chỉ thi thoảng vụ án mạng gốc mới được điểm lại mặt.
Ngay cả trong những lần chiếm lại được ánh đèn sân khấu, cái mạch trinh thám cũng bị xây dựng theo kiểu cực kỳ ấm ớ. Các thông tin và manh mối của vụ việc cũng bị đưa ra theo một kiểu rất nhỏ giọt, chưa kể còn có phần rập khuôn, không giúp ta biết thêm được thứ gì mà bản thân chưa tự luận ra. Cái bí mật cũng được tiết lộ theo một kiểu rất vô thưởng vô phạt, trông rõ là tác giả đang muốn dựng nó thành một pha bẻ lái hầm hố, nhưng vì tay lái không đủ lụa nên nó cùng lắm chỉ thuộc diện làng nhàng. Đặc biệt, vì phần này được tiết lộ rất sớm, kết hợp với việc mạch trinh thám vốn đã bị gạt ra rìa rất nhiều, nó tạo cảm giác như tác giả muốn dẹp cái này đi cho sớm để còn quay sang làm thứ khác.
Và tiện nhắc đến việc ra rìa, một trong những thứ gây khó chịu nhất về cái mạch này là nó rất thừa thãi, và thậm chí còn như một liều thuốc độc đối với toàn bộ câu chuyện. Toàn bộ cái mạch điều tra đấy, hay có khi còn cả cái vụ án mạng kia, đều có thể bị vứt thẳng ra khỏi truyện, và sẽ không một tí gì thay đổi cả. Trên thực tế, nó sẽ còn làm câu chuyện được tăng hẳn điểm lên, bởi vì bớt cái mục trinh thám đi thì đồng nghĩa với ta sẽ gọt được tầm gần 100 trang vô dụng trong một cuốn sách rất cồng kềnh (thành này dài gần 500 trang), chưa kể nó còn không khiến người đọc thấy khó chịu trước những cái nước đi rất nghiệp dư của một ông tác giả trông rõ là không biết cách xây dựng một câu chuyện giải mã bí ẩn ra hồn.
Mạch Techno-thriller của nó thì ngon lành hơn. Trong phần này, anh em liên tục được thấy những chiêu trò mà cả Mỹ lẫn Liên Xô đều phải sử dụng để qua mặt và lấn lướt lẫn nhau. Mặc dù làm bí ẩn không ổn, Hadfield lại làm khá ngon lành cái mảng hành động và các chiêu trò điệp viên tình báo. Vì ở trên mình đã kêu rằng mạch trinh thám của truyện rất nhảm, thế nên nói thế này sẽ hơi buồn cười, nhưng mà phần Techno-thriller của nó ít nhiều gợi cho mình cảm giác như đang được xem một màn đấu đá mang màu Death Note, có điều ở quy mô quốc gia.Tác giả liên tục tạo ra những tình huống oái oăm, với lực lượng của cả Mỹ lẫn Liên Xô đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng, buộc họ phải suy nghĩ và tận dụng chúng một cách rất tháo vát. Bản thân một số “quân cờ” đang bị hai siêu cường này điều khiển cũng có những mưu chước và bí mật riêng, tạo thành một cái mạng mưu mô chập chồng, nhưng không gây cảm giác rối rắm, mà vẫn duy trì được sự hấp dẫn.
Nhưng thằng Techno-thriller này cũng chẳng được hoàn hảo. Có một số tình huống tác giả bịa ra nghe rất khó tin. Không phải là nó không thể thực hiện được, mà vấn đề là nó sẽ không thể thực hiện được mà không mang lại hậu quả cực lớn. Điều này gây tổn hại rất nặng cho tính chân thực của tác phẩm, đặc biệt vì nó từ đầu đến cuối đều cố gắng thể hiện mình đã cân nhắc đến mọi mặt của vấn đề. Thêm vào đó, vì như đã nói đấy, Hadfield không phải là người biết cách xây dựng bí ẩn, ông anh cứ lúng ta lúng túng trong việc diễn giải một số yếu tố nhất định, khiến có mấy thứ bị bỏ ngỏ theo kiểu khá vô duyên, và một số sự kiện không có nền tảng vững chắc để xảy ra được.
Phần kết của nó cũng rất vô thưởng vô phạt, không tương xứng với những gì đã vẽ ra ở đoạn đầu. Trên thực tế, trong cái phần kết này, có khi mọi người còn sẽ thấy gần như mọi thứ đã diễn ra từ trước đến giờ chỉ là những việc vô nghĩa, bởi vì chúng nó chẳng để lại bất kỳ một hậu quả đáng nói nào hết, hay thay đổi cục diện của thế giới theo một cách có thể cảm nhận được. Đã thế, cái quả kết của The Apollo Murders còn thực hiện được một kỳ tích rất hiếm người làm nổi, ấy là đã kết hợp được hai yếu tố không ai nghĩ là lại có thể chập chung vào với nhau: nó vừa vội vã và rối rắm, mà lại vừa lê thê dông dài. Có những chỗ nó cứ dãn tràng giang đại hải, không tạo cảm giác đây là một cuộc đua với thời gian như bản thân câu chuyện đã cố xây dựng; có những chỗ mọi thứ cứ như từ trên trời rơi xuống, và chốt lại một cách đột ngột đến mức tạo cảm giác ông tác giả đến đây chỉ muốn phủi đít bỏ đi thôi, chứ không còn kiên nhẫn viết cái gì nữa rồi.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Trước khi bàn vào khoản thế giới, mình xin được một lần nữa nhắc lại thế này: tác giả của The Apollo Murders là Chris Hadfield.
Là cái ông này đây. |
Ngay cả trong trường hợp anh em chưa nghe đến cái tên ông đấy bao giờ, nếu có tí quan tâm đến hàng không vũ trụ, mọi người hẳn cũng đã nhìn thấy cái mặt của ông đấy rồi. Nguyên do là Chris Hadfield từng có một thời là gương mặt đại diện cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (tức ISS), bởi vì ông là trạm trưởng của nó trong gần nửa năm, và rất được giới truyền thông săn đón. Trước đó, ông này cũng từng làm kỹ sư tham gia phát triển tàu con thoi, mấy lần bay ra ngoài vũ trụ trên cương vị chuyên viên nhiệm vụ, và từng có mấy năm đóng vai giám đốc hoạt động của NASA tại Trung tâm Đào tạo Phi hành gia Yuri Gagarin (GCTC) của Nga, nơi ông điều phối và chỉ đạo tất cả các hoạt động của phi hành đoàn Trạm Vũ trụ Quốc tế ở Nga, giám sát đào tạo và nhân viên hỗ trợ phi hành đoàn, tham gia huấn luyện với các phi hành gia Nga để biết cách sử dụng và sửa chữa trang thiết bị vũ trụ của Nga, cũng như đàm phán chính sách với Chương trình Vũ trụ Nga và các Đối tác Quốc tế khác.
Ok, vậy mấy cái thông tin đó thì liên quan gì đến thế giới của truyện nào?
À thì, đây là một truyện về nhiệm vụ vũ trụ, liên quan đến Liên Xô và Mỹ. Trong khi ấy, người viết nó là một phi hành gia thứ thiệt, từng tham gia hàng loạt nhiệm vụ vũ trụ, từng làm việc tại cả Nga lẫn Mỹ, và bonus thêm một cái là từng sống qua giai đoạn Chiến Tranh Lạnh và có 20 năm học tiếng Nga.
Đồng chí hiểu ý bần tăng chứ <(")?
Trong cái quyển The Apollo Murders này, Hadfield không hề ghìm tay một chút nào. Có bao nhiêu kinh nghiệm với kiến thức về kỹ thuật và hàng không vũ trụ ông anh đều dốc hết vào các trang giấy. Quyển nào dày 500 trang thì bét nhất cũng phải có đến 200 trang thuần túy là thông tin kỹ thuật, giải thích hết sức chi ly và cặn kẽ về từng bộ phận của các loại tàu bè và quần áo bảo hộ, những quy trình cần phải thực hiện khi tiến hành phóng tên lửa và lèo lái tàu, những thứ cần chú ý lúc gặp các tình huống kỹ thuật này nọ, những vấn đề khả dĩ nảy sinh và quy tắc vật lý đằng sau mọi vấn đề ấy,… Thêm vào đó, truyện còn đề cập rất nhiều đến những cảm nhận cá nhân mà những người tham gia các chuyến du hành không gian sẽ phải trải qua (ít nhất là nếu họ sử dụng đồ thời thập niên 70), những cái khó khăn và bất cập của trang thiết bị đối với người dùng. Đọc vào mà thấy đây như một cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật về hàng không vũ trụ trong giai đoạn 70, có điều ngụy trang thành một cuốn tiểu thuyết của Tom Clancy vậy
Đặc biệt nhất, đây không chỉ là những kiến thức có được nhờ đi tra cứu hay tìm hiểu bên lề. Khi truyện đề cập đến cái cảm giác của nhân vật khi bị lực G đột ngột thúc hay việc họ phải đi vệ sinh vào một dạng bao cao su gắn liền trong bộ đồ, hay khi việc các phi hành gia phải thay đổi trọng tâm tàu để “lái” nó hoặc các khác biệt giữa đồ bảo hộ của Mỹ và Nga, ta biết đây chính là những chia sẻ thực của một con người đã đích thân sử dụng hay thậm chí còn là góp công chế tạo và sửa chữa chúng. Mọi thứ từ đấy sẽ như có thêm một tầng hấp dẫn mới, bởi lẽ ta biết mấy cái này là tác giả có sao kể vậy, chứ không phải ngồi một chỗ chém ra từ những dữ liệu thứ cấp. Anh em nào mà yêu thích hàng không vũ trụ thì sẽ thấy đây như một mỏ vàng ngay.
Không chỉ mảng khoa học, phần xã hội của truyện cũng được làm một cách khá tốt. Hadfield lồng ghép rất nhiều nhân vật, sự kiện, và tổ chức thật vào trong truyện, và cứ mỗi khi không phóng tác cốt mới, ông anh đều tìm cách lồng ghép những thông tin thú vị về cách hoạt động của mỗi bên cũng như lịch sử của hàng không vũ trụ. Khoản đấu đá giữa Nga và Mỹ cũng được thực hiện một cách quy củ, bao gồm cả sự nhập nhằng của các tuyến báo cáo cũng như các cân nhắc chính trị mà đôi bên phải suy tính đến mỗi khi có chuyện xảy ra.
Nhưng không phải vì thế mà mảng thế giới của truyện ổn hoàn toàn, mặc dù sự lôm côm của nó chủ yếu đến từ cái cách xây dựng cốt truyện lóng ngóng của Hadfield chứ không hẳn là do tự thân chúng nó có vấn đề.
Về phần khoa học, nó nhiều lúc bị chèn vào câu chuyện theo kiểu khá là thừa thãi, chỉ cung cấp thông tin vì nó là thông tin Hadfield thấy thích, chứ không phải vì đây là thông tin cốt yếu mà người đọc cần nắm bắt để hiểu được những khúc quan trọng đã, đang, và sắp xảy ra. Cái kiểu này sẽ gây ức chế rất mạnh khi ngay liền trước nó là một phần sự kiện đáng chú ý nào đấy, và ta đang rất nóng lòng muốn biết tiếp theo cái gì sẽ diễn ra, nhưng rốt cuộc lại phải lội qua một đống kiến thức mang tính bên lề.
Về phần chính trị thì như đã nói ở trên đấy, nhiều cái nghe rất là khó tin. Với những gì diễn ra bên trong câu chuyện, và với cái kiểu chính trị gầm ghè nhau như thế này, đáng lý ra ta phải có những hậu quả nghiêm trọng hơn hẳn những thứ truyện đã đưa ra. Nhưng mà không, phản ứng của đôi bên cứ nhẹ hều, dẫn đến việc ta sẽ khó lòng tin nổi đây là một câu chuyện có thể diễn ra ngoài đời thực.
NHÂN VẬT
Nhân vật là một thứ kẻ tám lạng, người nửa cân với phần cốt. Và với cái kiểu mình đã chê cốt như ở trên, anh em hẳn cũng có thể áng chừng được khoản này chất lượng ra sao rồi đấy nhỉ?
Cụ thể hơn thì các nhân vật trong này bị làm theo một kiểu khá là nhạt nhẽo. Họ không đến mức trở nên khô như ngói, nhưng ngoại trừ một, hai nhân vật nhất định, tất cả đều có chung một cái kiểu tính cách “vanilla” như nhau. Trong quá trình đọc, mình cứ thấy mọi nhân vật hòa hết vào nhau, bởi vì chẳng có mấy thứ giúp phân biệt họ với nhau ngoại trừ những điều rất hiển nhiên như giới tính và… cái tên của họ. Và đấy còn chẳng phải là nhân vật phụ đâu, toàn là nhân vật chính đấy nhé.
Và tiện nhắc đến nhân vật chính, trong truyện này, người được tác phẩm dành nhiều thời gian ở bên nhất (tức nhân vật “chính”) sẽ khác với người được mặc định là “nhân vật chính” của truyện. Và khốn nạn nhất là trong số hai con người này, nhân vật “chính” lại bị Hadfield xây dựng theo một kiểu rất khó ưa. Bởi vì đoạn này mang tính spoiler rất mạnh, mình không thể nói cụ thể được gì, nhưng đại khái thì khi đọc về thanh niên đó, mình có thể nhìn ra ý định của Hadfield khi ông anh khắc họa nhân vật thành một người như vậy. Nếu xét lẻ, cái kiểu khắc họa nhân vật theo chiều hướng như thế không phải là mặc định không hấp dẫn. Nếu biết cách lèo lái, các tác giả sẽ vẫn có thể biến mô típ nhân vật này thành một con người thú vị và có sức hút riêng. Nhưng chết nỗi Hadfield lại không phải là một nhà văn giỏi, thế nên cái nhân vật đấy càng lúc càng bị Hadfield biến thành một tác nhân gây ngứa thịt. Và vì chúng ta phải dành rất nhiều thời gian ở bên cái đồng chí này, thế nên câu chuyện trở nên rất khó nuốt.
TỔNG KẾT
Nhìn tổng thể thì The Apollo Murders sẽ khá khớp với hình dung tiêu chuẩn của mọi người nếu mọi người được hỏi mình nghĩ sản phẩm của một ông khối A nhảy sang làm văn trông sẽ thế nào: ngồn ngộn kỹ thuật, trong khi phần văn đọc như đang bắt chước kịch bản một bộ phim hành động nào đó. Dẫu thế, nếu không đòi hỏi gì hơn một bộ phim thriller Chiến Tranh Lạnh trên mức trung bình, và chấp nhận được việc phải đương đầu với một lô một lốc kiến thức kỹ thuật dông dài, anh em hãy ngó thử The Apollo Murders nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓