Trong cái bài review về The Apollo Murders hồi chiều, mình có đề cập đến việc nó chứa đựng một lượng thông tin kỹ thuật ngồn ngộn. Đến giờ thì vớ được cái ảnh này. Thật là trùng hợp à nha 🐧.
Nghiêm túc mà nói, nếu chỉ xét về lượng thông tin chay thì The Apollo Murders không phải là hạng quá nặng ký đâu. Nếu đặt truyện cạnh những thằng như Tam Thể, The Martian, Blindsight, hay một quyển random của Arthur C. Clarke, anh em sẽ thấy chỗ kiến thức nó nhồi chẳng đến nỗi quá đặc, và xét về nội dung thì cũng không đến mức khô khan hay khó hiểu gì. Tuy nhiên, dù mấy thằng kể trên xổ thông tin với tần suất thường xuyên hơn, kiến thức cao siêu hoặc ít nhất thì cũng xa lạ hơn, chúng nó vẫn không gây ra cảm giác khó chịu bằng The Apollo Murders. Và sau khi ngẫm kỹ về nó một tí, mình chốt lại rằng sở dĩ có chuyện này vì The Apollo Murders rất hay để phần kiến thức đứng tách riêng với câu chuyện, trong khi ở các tác phẩm kia, kiến thức luôn phục vụ câu chuyện.
Cụ thể hơn, The Apollo Murders đưa kiến thức theo một kiểu vô tội vạ. Nó lắm lúc xổ ra một mớ thông tin không hề thiết yếu đối với việc phát triển mạch cốt, có thể bị lược bỏ hẳn đi mà các diễn tiến tiếp theo hoặc trước đó của truyện vẫn dễ hiểu như thường. Tỉ như cái phần tên lửa lên mặt trăng được phóng đi, ta có cả một mớ thông tin về cơ chế trộn nhiên liệu và đánh lửa của nó. Toàn bộ phần này có thể được lược bỏ đi mà câu chuyện sẽ chẳng suy chuyển gì cả. Ta không cần biết về nó tường tận đến cỡ ấy để hiểu được khái niệm đằng sau cái tên lửa đẩy, mà cái mớ kiến thức này cũng chẳng có bất kỳ tác động nào đến các tình tiết khác của câu chuyện hết. Mấy thứ kiểu này rải rất nhiều trong tác phẩm, khiến độc giả phải phí thời gian chờ đợi dông dài mà chẳng thu lượm được gì khả dĩ giúp họ hiểu được về một khía cạnh chủ chốt nào đấy của cái cốt.
Trong khi đó, mấy truyện đã kể trên thì hầu như luôn đưa thông tin thực sự góp phần xây dựng câu chuyện. Những thứ như kiến thức về các cổng lôgic và chiều không gian trong Tam Thể, nguyên lý làm giàu đất đai trong The Martian, cơ chế phá sóng của đê điều trong Rendezvous with Rama,… đều là các kiến thức tối thiểu mà người đọc bắt buộc phải nắm giữ thì mới tiến được lên các nấc thúc đẩy tiếp theo trong cốt. Nó là một phần không thể thiếu của quá trình xây dựng sự kịch tích trong câu chuyện, lọc bỏ đi là cả tác phẩm sẽ sụp đổ ngay, vì người đọc chẳng còn hiểu tại sao câu chuyện lại đưa đẩy thế này thế kia. Chính bởi vậy, dù phần kiến thức của bọn nó khá đặc, chúng vẫn không tạo cho người đọc cảm giác bản thân đang phải lội qua một thứ vô bổ, chẳng có ý nghĩa gì ngoài độn giấy.
Nói chung là làm Hard Sci Fi không chỉ cứ đơn thuần phun khoa học ra là xong đâu, mà nó cũng đòi hỏi tác giả phải biết tính toán sắp đặt và lồng ghép rất chiến lược đấy. Hadfield mới chân ướt chân ráo nhảy vào cái mảng này nên xem chừng vẫn còn giữ tâm thế của một nhà khoa học, hoặc ít nhất là của một tác giả viết khoa học thường thức, chứ chưa quen với việc phải cân bằng giữa cốt và khoa học. Vì The Apollo Murders đã thể hiện rất rõ rằng đây chỉ là phần đầu của cả một series dài, hy vọng Hadfield sẽ có cải thiện trong những cuốn sau này.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓