Chuyển đến nội dung chính

Mặt Trăng trong thời đại mới và những dự đoán của Sci Fi

 Ngày nay, nếu nhìn vào giới truyền thông cũng như sự quan tâm của dư luận thì ta sẽ thấy Mặt Trăng không còn có sức hút mạnh mẽ như trước nữa. Nguyên nhân chủ yếu bởi vì ta đã đạt được rất nhiều thành tựu liên quan đến vệ tinh của mình, khiến cho nó không còn quá bí hiểm nếu đem ra so với những nơi chẳng hạn Sao Hỏa hay Pluto hay các exoplanet (ngoại hành tinh). Thêm nữa là vì ta đã đặt chân lên trên Mặt Trăng một lần rồi, nó trở nên hơi mang tính "ao làng" trong tâm trí công chúng, không mang lại cảm giác là một thứ gì cần chinh phục nữa.

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn quên về chị Hằng. Trên thực tế, giai đoạn gần đây, Mặt Trăng đã dần dần trở nên nóng trở lại vì nhiều lý do. Ta có hàng loạt quốc gia công nghệ mới nổi muốn thử học tập Mỹ chinh phục Mặt Trăng, với Trung Quốc tính đến nay là tay chơi khủng nhất, cho được 2 rover hạ cánh xuống nó, với một con rover còn ra được vùng tối mà mới chỉ được bay qua quan sát chứ chưa thực sự được ghé thăm bao giờ. Bên cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng tuyên bố mình sẽ tìm cách cho con người đặt chân lên Mặt Trăng trong thập niên 30 sắp tới. Và lẽ đương nhiên, bởi vì Trung Quốc giờ đã thế chân Nga trong cương vị địch thủ đáng gờm nhất của Mỹ, thế nên chính phủ Mỹ cũng đang rục rịch chuẩn bị bước vào cuộc đua Mặt Trăng mới, với Phó Tổng thống Mike Pence đầu năm nay có nói: "Người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo trên Mặt Trăng sẽ là phi hành gia người Mỹ, được phóng bằng tên lửa Mỹ, từ trên lãnh thổ Mỹ."

Ngay cả mảng tư nhân cũng không kém phần nóng bỏng. Jeff Bezos, CEO của Amazon, mới đâu tháng trước đã tiết lộ kế hoạch sử dụng mẫu lander mới để đưa trang thiết bị lên Mặt Trăng, và về sau là cả con người, với tầm nhìn là xây dựng một thành phố vệ tinh. SpaceX thì hiện đã ký hợp đồng với một doanh nhân Nhật để chở một nhóm nghệ sĩ làm một vòng quanh Mặt trăng, mặc dù chắc sẽ không thể làm trong thời gian sớm được.

Những điều này đã được Sci Fi đem ra bàn luận và thậm chí là dự đoán từ trước. Ví dụ như tàm quan trọng chiến lược của Mặt Trăng đối với chính phủ các nước từng được Robert A. Heinlein đem ra bàn trong Rocket Ship Galileo. Trong tác phẩm này, ông đề xuất ý tưởng Mặt Trăng có thể bị biến thành một căn cứ quân sự để từ đó dội bom nguyên tử xuống Trái Đất. Cùng tháng đó, ông cũng cho đăng một bài luận trên tạp chí của John Campbell, bảo rằng Mỹ cần trở thành quốc gia đầu tiên có căn cứ trên Mặt Trăng để chứa tên lửa. Arthur C. Clarke cũng từng đề cập đến tầm quan trọng của việc lên Mặt Trăng trong tác phẩm Prelude to Space, mặc dù đứng từ góc độ sinh tồn thay vì góc độ chiến lược quân sự như Heinlein. Tư tưởng ấy của ông kéo dài trong suốt giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, và thậm chí trong một lần trả lời báo chí, Tướng Homer Boushey có nói, "Người kiểm soát Mặt Trăng sẽ kiểm soát Trái đất." Căn cứ vào những gì Phó Tổng thống Mike Pence đã nói, tư tưởng này vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.

Tất nhiên cũng có cả các tác phẩm đề cập đến Mặt Trăng dưới một góc độ nhẹ nhàng và thiên về chiều hướng tích cực hơn. Ví dụ như trong The Man Who Sold the Moon, Heinlein khắc họa cách một doanh nhân thành đạt tìm mọi cách để xây dựng một khu thuộc địa trên Mặt Trăng. Mặc dù lúc đương thời, nỗ lực Apollo ngốn một lượng tiền khủng khiếp đến mức không ai có thể nghĩ rằng tư nhân lại có thể nhảy vào mảng này. Tua nhanh đến 2019, và chúng ta thấy Heinlein đi trước thời đại gần nửa thế kỷ. Ngoài ra, trong tác phẩm The Moon Is a Harsh Mistress của mình, Heinlein còn tiếp tục vẽ lên cả một xã hội phức tạp trên Mặt Trăng, với những cơ cấu, luật lệ, tầng lớp kỳ lạ, và đến nay thậm chí còn được nhớ đến nhiều hơn cả cái cốt của tác phẩm.

Bài viết bên dưới còn bàn sâu hơn về các nỗ lực "đổ bộ" Mặt Trăng ngày nay, cũng như một số viễn cảnh mà các tác phẩm Sci Fi đã vẽ lên về chị Hằng. Nếu quan tâm mọi người hãy vào đó đọc cho đầy đủ.

Lunacy: how science fiction is powering the new moon rush


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.