Chuyển đến nội dung chính

Sáng kiến định cư Sao Hỏa bằng... vi khuẩn

 Cách đây ít lâu, một bro nghiên cứu sinh tên là Benjamin Lehner, hiện đang làm tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Delft, có đưa ra một ý tưởng khá thú vị trong luận án của mình: phóng một tàu vũ trụ chứa đầy vi khuẩn lên Sao Hỏa, để chúng nó cải tạo môi trường sẵn trước khi cho người lên định cư sau này.

Unusual PhD Thesis: Let's Use Bacteria to Colonize Mars

Cụ thể đề xuất của thanh niên kia là như sau: để xây dựng khu định cư trên Sao Hỏa thì đồ ăn thức uống không phải là thứ thiết yếu duy nhất. Ta sẽ còn cần công cụ và vật liệu xây dựng. Nghe thì có vẻ khả là tầm thường, vì mấy thứ này không cần điều kiện nhiêu khê như mấy món trực tiếp hỗ trợ sự sống kiểu không khí, nước, lương thực,... Ra bừa cái công trường nào vơ một mơ cuốc thuổng gậy gộc chất lên tàu xong phóng đi là xong chứ có gì đâu? Nhưng vấn đề là mấy thứ đấy nặng đáng kể, thế nên chi phí chuyên chở sẽ phình tướng lên. Chúng nó còn choán chỗ nữa, trong khi ta đáng lẽ sẽ có thể dùng đất trên tàu tải những thứ thiết yếu hơn (như mấy cái đã nói ở trên).

Để giải quyết vấn đề ấy, Lehner đã đề xuất một ý tưởng ngon bổ rẻ, đó là... vứt bố mọi thứ ở nhà. Thay vì tốn thời gian tiền bạc gửi vật liệu/công cụ nặng lên Sao Hỏa, Lehner bảo chỉ cần phóng lên trên đấy 3 thứ: 1 cái xe rover, 1 lò phản ứng sinh học, và 1 máy in 3D.

Cái xe rover sẽ chỉ đơn thuần là một cái xẻng có gắn bánh xe (nhưng cứ gọi là rover cho sang mồm). Sau khi lên đến nơi, nó sẽ hàng ngày đi xúc các khối đất giàu sắt của Sao Hỏa mang về. Vấn đề là sắt của Sao Hỏa không đủ tốt để chế ra vật liệu hay công cụ gì tử tế hết, thế nên nếu có lọc được sắt ra khỏi đất thì cũng vô dụng. Chính bởi vậy mà mới cần đến cái lò phản ứng sinh học. Cái lò phản ứng này chứa đầy một chủng vi khuẩn đặc biệt. Chúng nó có thể chuyển đổi chỗ sắt đấy sang một loại hữu dụng hơn, và sau đó phần sắt này sẽ được hút lên bằng nam châm, chuyển vào máy in 3D. Bây giờ nguyên liệu thô có rồi, cái máy in cứ thế tằng tằng in bu lông ốc vít, xẻng xiếc các kiểu thôi. Nếu cho vài bộ lên Sao Hỏa thì chỉ trong vòng vài năm, lượng sắt thu được sẽ khá đáng kể.

Đây sẽ là một quy trình hết sức kinh tế, vì lũ vi khuẩn tự sinh sản được và chịu được lượng phóng xạ cao, không cần chăm chút cẩn thận. Thức ăn của chúng nó sẽ là tảo, và đám tảo cũng có thể tự cung tự cấp được nốt. Mớ tảo sẽ chuyển đổi ánh sáng mặt trời và CO2 từ bầu khí quyển Sao Hỏa thành chất dinh dưỡng và O2, đồng thời thải ra các chất dùng làm phân bón rất tốt sau này.

Mặt hạn chế lớn nhất của mô hình mỏ-in-chuồng này hiện đang là khả năng đám vi khuẩn có thể lọt ra ngoài và làm ảnh hưởng đến môi trường của hành tinh, gây cản trở cho công việc nghiên cứu sau này. Tuy nhiên, nó cũng có thể được giải quyết bằng cách đảm bảo không gian lưu trữ tất cả mọi thứ thật kín khí, không thứ gì thoát đi đâu được.

Tất nhiên việc nó có khả thi không thì còn cần nghiên cứu thêm, nhưng cả NASA lẫn ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) đều bày tỏ sự quan tâm đến ý tưởng này, và muốn phát triển nó sâu thêm.

Hy vọng để xuất này sẽ được triển khai dưới dạng nào đó. Vi khuẩn chắc không đến nỗi nguy hiểm như gián đâu nhỉ 🐧?

Nếu anh em muốn tìm heiuer thêm thì luận án gốc ở đây: https://www.tudelft.nl/en/2019/tu-delft/building-a-mars-base-with-bacteria/, còn đây là thông cáo báo chí của trường Delft về nó: https://www.tudelft.nl/en/2019/tu-delft/building-a-mars-base-with-bacteria/

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.