Bữa nay mình mới mò được một cái clip cũ khá hay, trích ra từ Cosmos: A Personal Voyage, một chương trình phổ cập khoa học nổi tiếng hồi năm 80 do nhà thiên văn học huyền thoại Carl Sagan đồng viết kịch bản và dẫn.
Cụ thể, clip này được lấy từ tập The Edge of Forever, trong đó Sagan đi sâu vào bàn về cách hình thái cấu trúc tiềm tàng của vũ trụ, bao gồm việc nó có thể có nhiều chiều khác nhau. Đặc biệt nhất, để minh họa cho sự tồn tại của các chiều không gian cao hơn cũng như sự khó lĩnh hội của các chiều đấy đối với những thực thể chỉ sống trong không gian ba chiều như chúng ta, ông đã dùng một tác phẩm Sci Fi rất kinh điển: Flatland của Edwin Abbott Abbott.
Ở phần đầu clip, Sagan về cơ bản thuật lại cho chúng ta một phiên bản giản lược của Flatland. Sagan mời người xem hãy mường tượng về một thế giới nơi tất thảy mọi người đều là những khối hình 2D, chỉ có chiều dài và rộng, không có chiều cao (hài một cái là trong clip, Sagan cũng đề cập đến một cái lỗ hổng liên quan đến vụ chiều cao trong cốt của Flatland, nhưng thay vì phải luống cuống chữa cháy bằng một lời nói đầu dông dài như Abbott, Sagan chỉ đơn thuần bảo người xem cứ kemeno đi). Các công dân 2D đó chỉ biết đến hai chiều phải-trái và trước-sau, chứ chưa bao giờ nghe đến trên-dưới cả.
Thế rồi một ngày nọ, một quả táo, công dân của xứ 3D chúng ta, ghé thăm một anh chàng hình vuông trong xứ 2D đấy. Khi quả táo không ở cùng mặt phẳng với anh hình vuông kia, anh hình vuông sẽ chỉ nghe thấy được lời của nó chứ chẳng nhìn thấy nó đâu cả. Ngay cả khi quả táo hạ người xuống cái mặt phẳng của anh hình vuông, cũng chỉ có một mặt tiết diện của nó được hiển thị trên đấy, và anh hình vuông chỉ nhìn thấy cái tiết diện đó, một dạng “bóng” của quả táo, chứ không tài nào thấy được toàn bộ quả táo hay hiểu hình thù nó trông thế nào.
Và khi anh hình vuông được quả táo hất lên trên không, tức đưa vào thế giới 3D, anh chàng sẽ có một trải nghiệm hết sức kỳ khôi. Anh ta có thể nhìn thấy đồng thời rất nhiều thứ của thế giới 2D, và thậm chí còn nhìn xuyên thấu được vào bên trong mọi cấu trúc cũng như cơ thể dân tình ở đấy. Khi đáp xuống bề mặt thế giới 2D, ông anh như thể đột ngột độn thổ ra chỗ đấy.
Nếu đã ít nhiều quen với các tác phẩm Sci Fi gần đây thì ngay cả nếu chưa từng đọc Flatland bao giờ, hẳn anh em cũng sẽ thấy cái mô tả của Sagan có gì đó quen quen. Nguyên nhân là cái khái niệm ấy từng xuất hiện gần như không lệch chữ nào trong một bộ Sci Fi hiện đại, ấy là series Tam Thể của Lưu Từ Hân.
Trong Tử thần sống mãi, cuốn cuối của bộ truyện, có một số phân đoạn loài người lọt được vào một chiều không gian mới, cao hơn ba cái chiều ta vẫn quen thuộc. Khi ở trong chiều đó, mọi trải nghiệm của chúng ta đều giống với cái thanh niên hình vuông lúc cậu chàng bị quả táo hất lên trời: đồng thời nhìn thấy mọi nơi, và nhìn xuyên qua được vạn vật, chưa kể còn có thể độn thổ đến chỗ khác một cách rất bất ngờ.
Lúc đọc mấy phân cảnh liên quan đến đoạn đấy, mình thấy cực kỳ nghi ngờ rằng đồng chí Hân đã “đá máy” Abbott, và từ đó nâng cấp các khái niệm về chiều không gian mà Abbott đề ra trong Flatland lên thành một câu chuyện lấy bối cảnh thế giới 3D. Cơ mà giờ đây, khi nhìn thấy cái clip này của Sagan, mình lại đâm nghi là có khi cội nguồn cảm hứng của bro kỳ thực lại đến từ series Cosmos này cơ. Xét cho cùng, vào lúc nó được phát sóng, Hân đang 17, vừa đủ tuổi để theo dõi và hiểu được các khái niệm Sagan đưa ra. Vì Sagan cũng chỉ đích danh quyển Flatland trong tập này, thế nên cũng có khả năng Lưu Từ Hân đã tìm đọc thêm cả quyển đấy nhờ đây nữa.
Nhưng tất nhiên, đây chỉ là phỏng đoán thôi, chứ bố ai biết người “bị” Hân nhòm bài gốc là ai 🐧.
Nếu anh em nào tò mò về cái quyển Flatland này thì nó đã hết bản quyền rồi, thế nên mọi người có thể đọc truyện miễn phí ở đây nhé: https://www.gutenberg.org/ebooks/97. Bên cạnh đó, LibriVox, một trang chuyên làm sách nói miễn phí cho các sách hết bản quyền, cũng đã sản xuất một bản đọc truyện trên Youtube. Nếu quan tâm anh em có thể tham khảo ở đây:
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓