Chuyển đến nội dung chính

Từ đề xuất của Ken Robinson, nghĩ về tầm quan trọng của Sci Fi với khoa học

 Cái bài về việc Octavia E. Butler được NASA lấy tên đặt cho bãi đáp của Perseverance ngày hôm qua làm mình nhớ lại một cái clip bên TED-ed từng làm để vinh danh Ken Robinson, một chuyên gia giáo dục nghệ thuật từng được phong tước hiệp sĩ người Anh, vừa mới qua đời năm ngoái.


Như anh em có thể thấy trong clip, Robinson đề xuất rằng vũ khí mạnh mẽ nhất con người sở hữu là trí tưởng tượng - khả năng nghĩ về những thứ không tồn tại. Đây là nền tảng của toàn bộ nền văn minh nhân loại, là cội rễ của mọi công trình kiến trúc, các phát kiến khoa học công nghệ, tạo tác nghệ thuật,... Không có nó, đừng nói đến những kỳ tích như cho Perseverance đi khám phá một hành tinh lạ, có khi chúng ta đến giờ còn chẳng chui ra nổi khỏi cái hang của mình. Clip chốt lại với một lời kêu gọi mọi người hãy cùng tưởng nhớ về Robinson bằng cách thử động não điền nốt câu nói này: “Imagine if…” (tức ‘Tưởng tượng thử xem, nếu…’)

Tình cờ thì “Imagine if…” lại chỉ là một cách nói khác của câu hỏi nền tảng trong dòng Speculative Fiction, cai ô chung cho mọi tác phẩm Sci Fi và Fantasy, ấy chính là “What if…?” (tức ‘Nếu…?’). Mình từng làm một bài giới thiệu khá kỹ về cả cái ô này cũng như cái câu hỏi “What if…?” đó, anh em nào vào group chưa lâu thì có thể đọc full ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sci-fi-can-ban-khai-niem-speculative.html

Không chỉ mỗi câu kết như thế, tư tưởng trí tưởng tượng là yếu tố cốt lõi giúp nền văn minh con người phát triển của Robinson về cơ bản còn đã khắc họa tầm quan trọng của Sci Fi đối với nền khoa học. Bất chấp việc cần vay mượn nền tảng từ khoa học thật, Sci Fi không hề bị bó buộc bởi bất cứ quy luật nào hết. Nó có thể bay đến bất cứ chỗ nào, suy nghĩ về mọi khả năng cũng như hướng đi trên đời, bàn về những giải pháp hết sức đột phá cho những vấn đề hoặc tham vọng hiện có của loài người, hoặc động đến những rào cản cùng chướng ngại tiềm tàng nếu một ngày kia ta đạt được một bước tiến nhất định nào đó. Theo cách này, Sci Fi đóng vai trò như một con Perseverance trong tâm tưởng của khoa học, liều mạng lao mình vào những miền xa lạ, quan sát và đánh giá nó từ những góc nhìn cũng như vị trí khó ngờ, từ đấy giúp khoa học hiểu rõ hơn về các lựa chọn mình nằm giữ.

Bên cạnh đó, Sci Fi và bản chất sáng tạo khơi gợi của nó còn giúp khoa học bằng cách đảm bảo nó luôn có một nguồn “máu mới” dồi dào để duy trì cũng như phát triển bản thân. Mình nhớ đã có lần đọc được một bài báo bàn về giá trị của Sci Fi đối với xã hội, nêu quan điểm rằng nó là một trong những công cụ khơi dậy lòng ham thích khám phá và truyền cảm hứng cho các thế hệ nghiên cứu viên tương lai hiệu quả bậc nhất. Mặc dù bản thân khoa học trần cũng có rất nhiều thứ thú vị và hấp dẫn, đủ để chèo kéo thiên hạ đến với mình, sức hút của nó sẽ còn tăng lên gấp bội nếu mọi thứ được đóng khung vào trong một câu chuyện.

Hãy thử nhớ lại bậc tiền bối của Perseverance, ấy là Opportunity xem. Nó đánh bật tất cả mọi con rover từng được gửi lên Sao Hỏa, kể cả người anh em song sinh Spirit của mình nếu xét về độ lan tỏa và khả năng khơi dậy sự quan tâm, căn bản vì lời “trăng trối” bị dịch thoáng của nó đã vô tình chuyển hóa cuộc đời nó thành một câu chuyện Sci Fi bi kịch. Ngay cả Perseverance cũng một phần nhờ câu chuyện tiền lệ của Opportunity mà mới nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên ngoài cồng đồng khoa học đến thế, và bản thân NASA cũng đang tìm cách xây dựng một câu chuyện xung quanh Perseverance theo style của Opportunity nhằm giúp duy trì sự quan tâm của công chúng.

Nếu anh em thấy hứng thú với mối quan hệ cộng sinh giữa Sci Fi và khoa học thì có thể đọc thêm một bài mình từng viết cũng về đề tài này ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-sci-fi-x-khoa-hoc-mot-quan-he.html.

Bên cạnh đó, trong group còn có một bài khác cũng khá tương đồng với chủ đề này, bàn về sự khác biệt giữa Sci Fi và Popular Science. Anh em có thể tham khảo nó ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-sci-fi-vs-popular-science.html.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.