Nhân thể vừa nhắc đến Wheel of Time (WoT) của Robert Jordan, chưa kể mấy bữa trước liên tục réo tên George R. R. Martin đá đểu, mình lại nhớ đến việc Martin từng rất kính trọng Jordan, đến mức còn cho luôn cả Jordan cùng thế giới của ông vào trong các tác phẩm của mình.
Trường hợp đầu tiên nằm trong A Storm of Swords, cuốn thứ ba trong bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire (ASOIAF). Trong cuốn này, ta được làm quen với Gia tộc Jordayne, một dòng dõi quyền quý ngự tại Tor, và một trong các lãnh chúa từng đứng đầu dòng tộc ấy tên là Trebor Jordayne. Gia tộc Jordayne có gia huy là một cây bút lông vàng trên nền xanh ca rô, và châm ngôn của họ là “Let it be Written” (tức “Hãy để sử sách ghi lại”).
Đây là lần Martin ám chỉ đến Jordan một cách hiển nhiên nhất, bởi vì Jordayne là phiên bản đọc trại của Jordan, còn Trebor viết ngược lại sẽ chính là Robert. Bên cạnh đó, lúc sinh thời, Robert Jordan là một nhà văn nổi tiếng, và sách của ông được xuất bản thông qua nhà xuất bản Tor Books.
Trường hợp thứ hai thì kín hơn một tí, nằm trong A Feast for Crows, cuốn ASOIAF thứ tư. Trong quyển truyện này, có một đoạn Martin để một nhân vật của mình nhắc đến một archmaester (đại khái là một học giả rất uyên bác trong một lĩnh vực nhất định) tên là Rigney. Cụ thể hơn, nhân vật đó nói thế này:
Archmaester Rigney once wrote that history is a wheel, for the nature of man is fundamentally unchanging. What has happened before will perforce happen again, he said.
Tạm dịch:
Archmaester Rigney đã viết rằng lịch sử là một bánh xe, bởi lẽ bản chất của con người về cơ bản là bất biến. Ngài ấy nói rằng những gì trước đây từng xảy ra rồi sẽ xảy ra một lần nữa.
Việc lịch sử là một bánh xe và mang tính chất vòng lặp chính là cái khái niệm chủ chốt trong WoT (không phải ngẫu nhiên cái series này tên là “bánh xe thời gian” đâu 🐧 ). Trên thực tế, cái đoạn này về cơ bản chỉ là một phiên bản thay đổi dăm ba chữ của một cái châm ngôn rất hay được lặp lại trong WoT, xoay quanh cách lịch sử rồi sẽ tái diễn. Và thêm vào đó James Oliver Rigney Jr. còn là tên thật của Robert Jordan nữa.
Một vụ khác kín đáo hơn nằm trong Tales of Dunk and Egg, một bộ tiểu thuyết ngắn cũng lấy bối cảnh là ASOIAF. Trong bộ truyện này, ta được giới thiệu đến với Rohanne Webber, Phu nhân Lâu đài Coldmoat và người đứng đầu Gia tộc Webber. Webber có một đặc điểm là tết tóc thành một cái bím rất dài, và những lúc nào căng thẳng quá thì hay có tật đưa tay giật giật cái bím tóc đấy.
Cái hành động giật bím tóc của Webber là thứ đáng chú ý nhất. Đây về cơ bản là một cái meme khổng lồ trong fandom WoT, bởi vì Robert Jordan khét tiếng là rất hay để các nhân vật của mình tự giật bím tóc. Ông anh nhét cái hành động đấy vào truyện nhiều đến mức thiên hạ còn đã làm nguyên một cái bảng tổng hợp số lần vụ giật tóc xảy ra theo từng quyển (anh em tham khảo ở đây: https://www.tor.com/2017/03/24/how-many-times-does-braid-tugging-and-skirt-smoothing-happen-in-the-wheel-of-time/).
Bản thân Webber cũng có khả năng là một ám chỉ về WoT tiềm tàng. Trong Tales of Dunk and Egg, Webber được khắc họa là hay tỏ ra là một người dữ dằn để cho các hiệp sĩ dưới trướng cũng như lãnh chúa khác phải kính nể. Trong WoT, ta có một nhân vật là Nynaeve al’Meara. Nynaeve tính tình khá nóng nảy, tóc tết thành bím dài, và bị mắc tật giật bím tóc để nhắc bản thân nhớ rằng mình là người lớn rồi từ hồi còn trẻ, và đến lúc lớn không bỏ được.
Tuy nhiên, mấy cái trên chỉ là hạng tép riu nếu ta so nó với một thứ khác: Trial of Seven.
Trước khi bàn về bản thân Trial of Seven, ta cần nhắc qua một thứ bên lề cái đã. Số là vào khoảng năm 2010, Suvudu, một trang chuyên cung cấp các nội dung về SFF do Random House điều hành, có tổ chức một “giải đấu” giữa một loạt người hùng Fantasy khác nhau. Với mỗi trận, người theo dõi sẽ bình chọn xem ai sẽ chiến thắng trong cuộc tỉ thí này, và người thắng cuộc sẽ đi tiếp vào vòng sau. Sau một hồi bình bầu ác liệt, rốt cuộc hai anh tài lọt được vào vòng chung kết là Ser Jaime Lannister, tức Kẻ Giết Vua trong ASOIAF, và Rand al'Thor, tức Mãnh Long Tái Thế trong WoT.
Và nhân dịp một nhân vật do mình chấp bút viết ra đã lọt vào vòng chung kết, đối đầu với một nhân vật do người mình rất nể phục và thậm chí còn từng nâng đỡ mình sáng tạo, Geore R. R. Martin đã đích thân đứng ra viết nguyên một mẩu truyện ngắn, miêu tả lại cuộc chiến giữa Jaime và Rand. Mẩu truyện đấy chính là Trial of Seven.
Dù được gọi là “ngắn,” Trial of Seven thực chất dài đến gần 7.000 từ (tức gần tương đương một cuốn tiểu thuyết ngắn), và nó đọc như một tập phim crossover đầy epic giữa ASOIAF và WoT. Bất chấp sự chênh lệch giữa thực lực của đôi bên (Jaime Lannister chỉ là một kiếm sĩ tầm thường, trong khi Rand al'Thor về cơ bản là một quả bom nguyên tử cấu thành từ phép thuật di động), Martin vẫn xoay xở xây dựng được một câu chuyện hết sức lôi cuốn với đủ pha cao trào và bẻ lái, và khiến cho trận đánh trở nên rất cân sức cân tài mà không cần buff Jaime hay nerf Rand. Ông anh cũng tái hiện rất tốt cái kiểu viết của Robert Jordan những lúc cần thiết, khiến cho các nhân vật của WoT trông đúng như kiểu vừa từ WoT bước sang, chứ không phải Martin nhờ một vài thằng cha vơ chú váo nào đấy trong ASOIAF ra đóng giả Rand cùng đội nhà ông anh. Cái kết quả cũng được giải thích một cách rất hợp lý, ăn khớp với cả hệ thống phép thuật trong cả WoT lẫn ASOIAF.
Nói chung anh em nào mà là fan của một trong hai series trên, mọi người rất nên ngó qua cái truyện này nhé. Truyện đã được Martin đăng miễn phí lên trang blog của mình, và link của nó ở bên dưới.
Trial of Seven |
Cơ mà anh em lưu ý một điều thế này: Trial of Seven không chỉ là một tập crossover giữa ASOIAF và WoT. Martin còn cho cả một loạt nhân vật sở hữu siêu năng lực từ trong vũ trụ Wild Cards do mình biên tập xuất hiện trong này. Nếu anh em thấy truyện tự nhiên tòi ra những nhân vật không có trong ASOIAF mà cũng chẳng có trong WoT, hãy cứ biết đấy là người từ Wild Cards nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓