Một cách lý giải tiềm tàng cho phép toán 6 x 9 = 42 nổi tiếng trong The Hitchhiker's Guide to the Galaxy
Trong cái bài 6 x 9 = 42 mà bạn Huệ hỏi hôm qua, có một bạn đề cập đến một cái thuyết lý giải khá phổ biến cho đáp án đấy. Thuyết đó bảo rằng sở dĩ 6 x 9 có thể bằng được 42 bởi vì phép tính này không được thể hiện dưới dạng số trong hệ thập phân (tức hệ đếm dùng số 10 làm cơ số), mà nó là số trong hệ thập tam phân (hệ đếm dùng số 13 làm cơ số, với các chữ số dùng trong hệ này là 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, A, B, và C).
Để hiểu tại sao nó lại là như thế, anh em cứ tưởng tượng mình nắm trong tay một nắm diêm và muốn đếm nó nhé. Khi xếp các que diêm đó thành hàng (với mỗi hàng gồm 9 que), mọi người sẽ xếp được thành 6 hàng tròn. Nhân số hàng với số que trong hàng, vị chi ta sẽ có 6 x 9 = 54 que tất cả.
Số lượng các que diêm chắc chắn sẽ là 54, không thể lệch đi đâu được. Tuy nhiên, tùy vào cách mọi người đếm số que này, nó có thể được thể hiện theo nhiều dạng khác nhau. Giả dụ, nếu mọi người tụ mớ diêm thành những đống 10 que, ta sẽ có được 5 đống tròn, với một đống chỉ có 4 que lẻ. Vậy tức là với cách đếm đấy, mọi người có thể nói mình có trong tay là 5 đống và 4 que diêm (tức 5 x 10 + 1 x 4 = 54). Ở đây, các que diêm sẽ được đếm tuần tự theo cách ta vẫn quen thuộc, và que diêm cuối cùng sẽ là que thứ 54, trùng với con số thể hiện tổng lượng diêm.
Tuy nhiên, nếu tụ mớ diếm thành những đống 13 que, mọi người sẽ có 4 đống tròn, với một đống lẻ chỉ có 2 que. Thế là với cách đếm này, mọi người có thể bảo mình có 4 đống và 2 que diêm. Có điều ở đây, với đống thứ nhất, mọi người đếm nó theo kiểu thế này: 1, 2, 3… 8, 9, A, B, C, 10. Sang đống hai, mọi người đếm là: 11, 12,… 18, 19, 1A, 1B, 1C, 20. Đống ba là: 21, 22,… 29, 2A, 2B, 2C, 30. Đống bốn: 31, 32,… 39, 3A, 3B, 3C, 40. Đống cuối: 41, 42.
Vậy tức là sao? Tức là số lượng diêm vẫn là 4 x 13 (4 đống 13 que) + 1 x 2 (1 đống 2 que) = 54, có điều que diêm thứ 54 được gọi là "42." Nguyên do là mọi người đặt tên cho từng que diêm lẻ bên trong cái đống ấy theo kiểu hơi khác. Thay vì gọi thằng thứ 10 là “cu Mười,” mọi người gọi nó là “thằng A;” thay vì gọi đứa thứ 11 là “cái Mười Một,” mọi người bảo nó là “con Bê;” và vân vân. Về bản chất, chẳng có gì thay đổi cả, giống như mọi người tên khai sinh là “Thắng,” ở nhà gọi là “Tũn,” ở trường gọi là “Phăng Teo,” ở quán net gọi là “dm thằng ml lo mà heal đi, bắn bắn cái con kak” thì cũng không làm mọi người biến thành thứ gì khác. Mọi người vẫn là con người cũ, có khác chăng chỉ là được gọi theo những cách khác nhau thôi.
Và với cái kiểu đặt tên như thế, mọi người sẽ có 6 x 9 = 42, bất chấp về bản chất thì vẫn có 54 thằng cấu thành.
Nhưng bất chấp sự thú vị của cái giả thuyết này, nó chẳng qua chỉ là do người đọc suy nghĩ hơi quá đà mà thôi, chứ không phải là dụng ý của tác giả tí nào. Vào đầu tháng 11/1993, một thành viên mới gia nhập alt.fan.douglas-adams, một nhóm dành cho fan của Douglas Adams trên Usernet (anh em cứ tưởng tượng nó như phiên bản cổ lỗ sĩ của cái group chúng ta ấy), đã hỏi rằng tại sao câu trả lời tối thượng cho mọi thứ lại là 42. Khi trông thấy câu hỏi đó, Adams đã đích thân đăng đàn, bảo rằng:
“Câu trả lời đơn giản lắm. Nó chỉ là một trò đùa thôi. Đáp án phải là một con số, một số thật bình thường, thật vụn vặt, và tôi đã chọn con số đó. Ba cái thuyết biểu thị dưới dạng nhị phân, hệ đếm thập tam phân, với sư thầy Tây Tạng các kiểu đều là chém xằng chém bậy tuốt. Hồi đó, đang lúc ngồi bên bàn và nhìn ra ngoài vườn thì tôi chợt nghĩ rằng ‘42 nghe ổn đấy.’ Và rồi tôi gõ ra nó. Có vậy thôi.”
Nói cách khác, toàn bộ vụ hệ đếm 13 phân tích ở trên kỳ thực chỉ là một pha “Cái rèm cửa màu xanh” thuần túy, có điều thằng này mang quy mô vũ trụ chứ không chỉ dừng ở một bậu cửa sổ <(").
Việc độc giả tự bịa ra những tầng ý nghĩa sâu xa mà tác giả không hề nghĩ tới kể cũng chẳng phải là điều gì mới mẻ. Trên thực tế, một số người còn chủ trương rằng dụng ý gốc của tác giả chỉ nên đóng vai trò thứ yếu, giống với một dạng gợi ý tham khảo chứ không phải là quy tắc nghiêm chỉnh gì. Nếu độc giả có thể diễn giải tác phẩm theo một ý hiểu hợp lý, dù khác với ý tác giả, thì cái ý hiểu đấy cũng đáng giá chẳng kém gì ý tác giả cả, hay thậm chí còn đáng giá hơn với cá nhân độc giả. Cái triết lý cảm thụ đó được gọi là Death of the Author, và nó từng được mình làm một bài riêng trong group rồi. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/death-of-author-gat-bo-tac-gia-khoi-tac.html.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓