Nhân hôm qua có nhắc đến House of the Dragon và cái khả năng nó sẽ là tác phẩm “chốt” cho toàn thể series A Song of Ice and Fire thật, mình tự nhiên lại nhớ đến một cái meme từng lụm được cách đây mấy hôm, chế nhạo cái tốc độ gọi gió lề mề của George R. R. Martin. Nó là ảnh ở bên dưới.
Câu chuyện đằng sau cái ảnh này kể cũng khá thú vị. Số là kể từ năm 2003, sau khi Chiến tranh Iraq bùng nổ, tình trạng buôn lậu cổ vật ở đất nước này trở nên trầm trọng hẳn. Hàng loạt tạo vật vô giá có ý nghĩa lịch sử đối với người dân Iraq liên tục bị các thành viên những nhóm Hồi giáo cực đoan, thành viên Lực lượng Đa quốc gia, lẫn cả dân thường tuồn lậu ra nước ngoài. Trước cảnh tượng chảy máu văn hóa đầy đau lòng đấy, Bảo tàng Sulaymaniyah, một viện bảo tàng ở miền Bắc Iraq, đã triển khai một chương trình thu hồi rất thoáng. Họ tuyên bố rằng mình sẵn sàng trả tiền cho bất cứ ai đã ngăn chặn thành công một vụ buôn lậu hiện vật khảo cổ, và mang chỗ hiện vật đó đến cho mình. Cái đáng chú ý ở đây là Bảo tàng Sulaymaniyah khẳng định rằng mình sẽ không hỏi han bất cứ câu gì hết, dù là về danh tính của người đem đồ đến hay nguồn gốc của cái chỗ đồ này, hay hoàn cảnh xung quanh nỗ lực “ngăn chặn” của họ.
Nói cách khác, Bảo tàng Sulaymaniyah về cơ bản đã tuyên bố mình sẵn sàng trả tiền chuộc lại cổ vật từ tay đám buôn lậu, và sẽ không kỳ kèo đòi hỏi hay gây khó dễ gì chúng nó cả, miễn bọn nó chịu vác đồ đến là ok rồi.
Sau khi chương trình này được triển khai, đã có kha khá người đem đồ mình “giành lại” được từ tay bọn buôn lậu đến để lấy tiền. Nhờ đấy, Bảo tàng Sulaymaniyah đã thu hồi được một loạt tài sản văn hóa quý báu. Trong số đấy, nổi bật nhất hẳn sẽ là mẻ đồ họ chuộc lại được hồi năm 2011.
Vào cuối năm đó, Bảo tàng Sulaymaniyah đã chuộc lại được một lô các phiến đất sét, tức những văn tự cổ của Trung Đông trong thời đại đồ đồng. Cái lô này bao gồm 80-90 phiến, mang đủ hình dạng, kích thước, và nội dung khác nhau, với một số phiến còn khá nguyên vẹn, trong khi một số thì bị sứt mẻ hoặc vỡ vụn. Tính đến nay, nơi chôn gốc của các phiến đất này vẫn chưa được xác định, nhưng người ta nghi rằng chúng bị khai quật bất hợp pháp từ miền Nam Babel, một huyện của Iraq (nơi có Thành cổ Babylon).
Mới đầu, vì người bán đòi một khoản tiền chuộc khá trên trời, Hashim Hama Abdullah, giám đốc Bảo tàng Sulaymaniyah, đã cố gắng thương lượng để hạ giá xuống. Trong khi đôi bên kỳ kèo mặc cả, Giáo sư Farouk Al-Rawi (thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London) tiến hành kiểm tra lướt từng món. Kiểm tra sơ bộ cho thấy cái lô này đã bị “độn,” bao gồm vài phiến đất lởm, nhưng cũng có một số phiến trông có vẻ là hàng xịn. Dẫu thế, chưa có gì cho thấy chúng nó thực sự đáng mức giá người mang chúng đến đòi cả.
Nhưng bất chợt, Farouk lục ra một phiến đất tương đối to hơn những thằng khác. Sau khi xem lướt phần nội dung khắc bên trên, Farouk chưa thực sự hiểu cái phiến này nói về cái gì, nhưng ông có một linh cảm rằng đấy không phải là một phiến đất bình thường (ít nhất là bình thường theo tiêu chuẩn các phiến đất sét cổ). Chính vì thế, Farouk đã khều nhẹ Hashim, bảo rằng thằng kia đòi bao nhiêu thì cứ trả nó đi. Mặc dù tiếc tiền đứt ruột, Hashim vẫn tin tưởng Farouk, và đã cắn răng xì ra gần ngàn đô để mua mớ phiến đất.
Sau khi chốt kèo xong, Farouk lập tức bắt tay vào lau sạch cái phiến đất kia. Vì đây là đồ cổ, thế nên Farouk phải chùi rửa rất tỉ mẩn, từng milimét một, chứ không thể tằng tằng dội nước ào ào như ta rửa bát đĩa. Nhưng dù tốc độ tiến rất chậm, chỉ một chốc sau Farouk đã nhận ra thứ mình nắm trong tay là cái gì: một bản ghi của Sử thi Gilgamesh.
Phòng trường hợp anh em chưa biết, Sử thi Gilgamesh là một thiên anh hùng ca của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại, ra đời trong khoảng giai đoạn 2100 – 1200 trước Công nguyên, với nội dung chính xoay quanh chuyến phiêu lưu của Gilgamesh, vua xứ Uruk (một thành bang cổ đại thuộc Sumer). Tính đến nay, Sử thi Gilgamesh là tác phẩm văn học cổ nhất còn tồn tại, và nó là nền móng cho hàng loạt truyền thuyết và giai thoại của nhiều nền văn minh khác nhau sau này, những thứ về sau đó tiếp tục trở thành nền móng cho Fantasy hiện đại. Nói cách khác, Sử thi Gilgamesh là thứ gần với “tổ ngành” của Fantasy nhất mà ta có.
Sau khi nội dung khắc trên phiến đất sét mới kia đã được chép lại và dịch ra, Farouk phát hiện ra rằng bản này dài hơn tất cả các bản Sử thi Gilgamesh đã biết khác tầm 20 dòng, và đã cung cấp thêm một số miêu tả về Rừng Tuyết Tùng (nơi ở của các vị thần trong thần thoại Lưỡng Hà) cũng như Humbaba, một gã khổng lồ được Utu (thần Mặt trời, công lý, và sự thật trong thần thoại Lưỡng Hà) nuôi dưỡng, chịu trách nhiệm bảo vệ Rừng Tuyết Tùng và về sau đã bị Gilgamesh cùng chiến hữu Enkidu đánh bại. Nếu muốn đọc bản đầy đủ của phần mới này cũng như các thông tin khác liên quan đến Sử thi Gilgamesh nói chung, anh em có thể tham khảo Back to the Cedar Forest: The beginning and end of Tablet V of the Standard Babylonian Epic of Gilgameš, nghiên cứu do Farouk phối hợp xuất bản với Andrew R. George, một nhà Assyri học tại Đại học London, từng có công dịch Sử thi Gilgamesh. Link nghiên cứu nằm ở bên dưới nhé.
Back to the Cedar Forest: The beginning and end of Tablet V of the Standard Babylonian Epic of Gilgameš |
Về lại với cái meme gốc một tí. Công bằng mà nói, A Dance with Dragons được xuất bản năm 2011, cùng giai đoạn phiến đá kia được phát hiện ra, thế nên hẳn sẽ có anh em thấy đem nó ra để châm chọc cái tốc độ nôn truyện rùa bò của Martin kể cũng hơi khắt khe quá. Tuy nhiên, vì bản dịch của nó lại được xuất bản đầy đủ trong nghiên cứu Back to the Cedar Forest đã nhắc đến bên trên (xuất bản năm 2014), ta ít nhiều vẫn có thể nói là nó được “khởi đầu sáng tác” cùng lúc với The Winds of Winter (phần 6 của A Song of Ice and Fire), và rốt cuộc ba năm sau đã ra mắt, trong khi mãi đến tận 2022 rồi chưa thấy tăm hơi đâu.
Ờ thì, 20 dòng kể cũng không đến mức khoai như mười mấy nghìn trang giấy, nhưng mà bro, Martin, đọc tin này thấy nhột không <(")?
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓