Chuyển đến nội dung chính

The Rings of Power, thiên kiến về dân Ireland, và bóng dáng văn hóa Celt trong Trung Địa

 Trong cái bài tranh thêu Game of Thrones của Brian O’Sullivan mà mình share bữa trước, có một đoạn ông anh nói là thế này:

“Chứng kiến những gì sẽ xảy ra một khi Fantasy trở nên đủ mạnh để hòa vào với đời thực (hoặc như trong trường hợp của Amazon, dân Hobbit, và Ireland thì ngược lại) mới thú vị làm sao.”

Vì không hiểu lắm cái phần Amazon + Hobbit + Ireland = đời thực nhảy vào Fantasy mà O’Sullivan nói, mình đã thử kéo xuống timeline của ông anh xem có gì đả động thêm đến cái này không. Tình cờ thì gần như ngay dưới nó, thanh niên có đăng một bài như sau:

My short summary review of "Lord of the Rings- The Rings of Power."
"Téigh trasna ort féin, a Amazon!"

Mình tạm dịch phần caption của nó là:

Review ngắn gọn của tôi về "Lord of the Rings - The Rings of Power" này.

"Téigh trasna ort féin, a Amazon!" (Cút mẹ mày đi, Amazon!)

Còn phần chữ trong cái ảnh thì có nội dung chế nhạo việc các công ty không quan tâm đến văn hóa Ireland, nhưng vẫn điềm nhiên thó cái giọng thanh thanh đặc trưng của dân Ireland để bỏ vào phim ảnh.

Chính từ đây, mình bắt đầu sinh nghi là cái thằng Ring-A-Ling-A Ding-Dong-Ding của Amazon đã để dân Hobbit trở thành phiên bản người Ireland của Trung Địa, và cách khắc họa của Amazon về họ có gì đó đặc biệt ngu độn. Dù không xem series đấy, mình vẫn tò mò muốn biết vụ này là thế nào, và đã search thử về nó. Và ngay kết quả đầu tiên, mình đã vớ được cái bài bên dưới.

Rings of Power: The new hobbits are filthy, hungry simpletons with stage-Irish accents. That’s $1bn well spent

Như trong bài có nói, Ring-A-Ling-A Ding-Dong-Ding lấy bối cảnh là Kỷ nguyên Hai của Trung Địa, trước thời của các sự kiện trong Lord of the Rings cả ngàn năm, và có một chủng dân gọi là Harfoot, tổ tiên của người Hobbit. Và đám đấy đáng lẽ phải gọi là O’Harfoot mới đúng, bởi vì đội này là một tập hợp tạp nham của những định kiến không mấy tốt đẹp về dân Ireland.

(Ghi chú: “O’” là một tiền tố hay gặp trong tên của những người gốc gác Ireland; nó có nguồn từ chữ "ua" trong tiếng Gael, hay còn được viết là uí hoặc Ó, có nghĩa là “cháu trai của”).

Thứ đầu tiên là cái giọng. Đội O’Harfoot nói tiếng Anh với một giọng Ireland rất loạn, đảo nháo nhào giữa giọng miền Donegal, Kerry, và nội thành Dublin. Theo giải thích của huấn luyện viên sửa giọng hợp tác cùng đội ngũ làm series (tình cờ thì ông này là dân Úc chứ không phải người Ireland), sở dĩ họ làm vậy vì muốn khiến cái giọng đủ lạ, không phải nghe phát là nhận ra nó là giọng miền nào của Ireland. Tuy nhiên, thành phẩm cuối cùng lại là một thứ giọng lơ lớ rất kịch, nghe như phiên bản một người cố nhái giọng Ireland quá lố.

Tiếp theo đến cách khắc họa về đám O’Harfoot này. Ngoài hình với cách hành xử của bọn họ trông chẳng khác nào một bức tranh biếm họa về dân Celt ngày xưa, nhìn qua lăng kính khinh miệt của dân Anh. O’Harfoot có kiểu hành xử khù khờ, ấu trĩ, sống gắn liền với thiên nhiên theo kiểu quê mùa, hay nói một cách khắt khe hơn thì là kiểu như mấy người nông dân chân đất mắt toét, người ngợm bẩn thỉu và quần áo rách rưới. Trên thực tế, bài báo còn bảo là trong series có một cảnh đám O’Harfoot phải lồm cồm mò mẫm trên mặt đất để kiếm thức ăn, trông bần hàn đến mức chẳng khác nào đang cosplay chết đói năm 45.

(Ghi chú: cái chết đói 45 ở đây không phải là nạn đói Ất Dậu của bên mình, mà là nạn đói khoai tây trong giai đoạn 1845 đến 1849, xảy ra ở Ireland; trong thời kỳ này, châu Âu bị thất thu mùa màng nghiêm trọng vì một chứng bạc lá khoai tây, trong đó Ireland lãnh nặng nhất do họ không trồng đa dạng các chủng khoai, dẫn đến chết đói hàng loạt; đến nay, dân số Ireland vẫn chưa phục hồi nổi bằng mức tiền nạn đói, và nạn đói đấy cũng đi vào văn hóa dân Ireland như cách nạn đói Ất Dậu đi vào văn hóa nước ta vậy).

Từ đây, bài chuyển sang so sánh cách Amazon thể hiện O’Harfoot với quan điểm của chính J. R. R. Tolkien về văn hóa Ireland nói riêng và văn hóa tộc Celt nói chung, thế hiện qua một bức thư Tolkien từng gửi cho Stanley Unwin, chủ nhà xuất bản Allen & Unwin, bên từng hợp tác với Tolkien để xuất bản The Hobbit.

Số là sau khi xuất bản The Hobbit, Tolkien có gửi thêm mấy bản thảo cho Unwin để xem có cái nào ok không. Trong số các bản thảo được gửi, có hai thằng là Quenta Silmarillion (một phần trong bộ truyền thuyết Trung Địa của Tolkien, về sau được tổng hợp trong The Silmarillion) và The Gest of Beren and Lúthien (một bài thơ đang viết dở, về sau được tổng hợp trong The Lays of Beleriand, một phần của series lịch sử Trung Địa). Hai bản thảo này đã bị Unwin từ chối, và khi trả lại, bản thảo có chú thích kèm các bình luận của Edward Crankshaw, một độc giả của Allen & Unwin đã được cho đọc thử hai món đấy. The Gest of Beren and Lúthien bị Crankshaw sổ toẹt hoàn toàn, còn Quenta Silmarillion thì được khen một số khía cạnh, nhưng rốt cuộc vẫn bị Crankshaw chê.

Đáng chú ý, trong số các chỉ trích Crankshaw đưa ra, có một cái liên quan đến việc Quenta Silmarillion sử dụng quá nhiều tên tuổi gốc Celt, trông nhức cả mắt. Tolkien không lấy làm bất bình với những chỉ trích khác, nhưng ông cụ đặc biệt không hài lòng khi thấy các cái tên mình dùng bị so sánh với tên của dân Celt. Tolkien bảo rằng mấy cái tên này được chế tạo rất quy củ, dựa trên công thức ngôn ngữ hẳn hoi, và đặc biệt là chẳng dính gì đến dân Celt cả. Tolkien thậm chí còn chê thẳng văn hóa của dân Celt, và khẳng định bộ thần thoại của mình không dính dáng tí gì đến dân tộc ấy cả. Cụ thể, ông cụ bảo:

“Tôi có biết về [sản phẩm văn hóa] của dân Celt (phần nhiều là biết về chúng trong dạng ngôn ngữ gốc, ấy là tiếng Ireland và tiếng Wales), và cảm thấy ít nhiều không ưa nổi chúng: chủ yếu vì sự vô lý nằm trong nền tảng của chúng. Chúng sặc sỡ thật, nhưng mà là sặc sỡ theo kiểu một cửa sổ kính màu bị vỡ, được lắp ráp lại không theo một thiết kế nào cả. Thật ra, chúng quả thực rất ‘điên rồ’ như những gì độc giả của bạn đã nói đấy - nhưng tôi không tin mình cũng điên như thế.”

Như anh em hẳn có thể đã thấy, Tolkien chẳng yêu mến gì văn hóa dân Celt (với văn hóa của Ireland và Wales là hai thằng bị chỉ đích danh). Tuy nhiên, như bài báo chỉ ra, bộ truyền thuyết của Tolkien vẫn mang một số nét hao hao đến đáng ngờ với thần thoại Celt. Tỉ dụ, Tolkien để tộc tiên của mình là những tạo vật bất tử thanh nhã đi từ biển đến, và trong thần thoại của Ireland, ta có một chủng loài siêu nhiên gọi chung là Tuatha Dé Danann, miễn nhiễm với bệnh tật và tuổi già, và họ cũng đi từ biển đến; Sauron thì cũng từng được so sánh với Balor of the Evil Eye, thủ lĩnh của một đám quỷ có tên là Fomóraigh trong thần thoại Ireland; và cái bi kịch lãng mạn Beren và Lúthien của Tolkien cũng phần nào mang âm hưởng của The Pursuit of Diarmuid and Gráinne, một bộ sử thi Gael cổ. Chính bởi vậy, bài báo đã bình phẩm rằng Tolkien nghe mùi “phản đối hơi hăng.”

(Ghi chú: câu gốc là “Perhaps he protested too much,” phiên bản nhại của một câu bình phẩm do Nữ hoàng Gertrude thốt ra trong vở Hamlet của William Shakespeare; trong vở này, Nữ hoàng Gertrude được xem một vở kịch, với một diễn viên đóng vai hoàng hậu hùng hồn tuyên bố là mình sẽ thủ tiết trọn đời nếu chồng chết bằng những ngôn từ đầy hoa mỹ và đao to búa lớn; sự quá lố của cái lời tuyên bố đấy đã khiến Nữ hoàng Gertrude mỉa mai nói, “The lady doth protest too much,” ý muốn bảo là cái bà hoàng kia chém kinh quá, hẳn là vì muốn che đậy cho sự không thành thật của mình đây).

Vì không xem Ring-A-Ling-A Ding-Dong-Ding, mình không thể khẳng định được liệu những bình luận của tờ Irish Times có đúng không. Tuy nhiên, phần Tolkien không ưng văn hóa Celt với việc ông cụ một mực khẳng định Trung Địa chẳng dính gì đến thần thoại Celt thì đúng là có thật (anh em có thể tham khảo bức thư thứ 19 trong cuốn The Letters of J.R.R. Tolkien để biết thêm). Kể cũng hài là ngày nay, một trong những chủng tộc hoàn mỹ nhất trong tác phẩm của thanh niên lại hay được gán ghép cùng với Ireland và văn hóa của dân ở đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.