Chuyển đến nội dung chính

Review Beyond the Rift của Peter Watts


 🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑

8.0/10

TL;DR

Thuốc trị lạc quan đặc hiệu. Cải thiện tình trạng yêu đời mãn tính bằng chiết xuất khủng hoảng hiện sinh.

GIỚI THIỆU CHUNG

Beyond the Rift là một tập truyện Sci Fi u tối pha kinh dị của Peter Watts. Tuyển tập bao gồm 13 truyện ngắn, với một số truyện là truyện độc lập, một số là những phần trích hoặc mở rộng thêm của các tác phẩm dài Watts từng xuất bản, và một số gần như là bản nháp của những tác phẩm nổi tiếng hơn sau này. Chốt lại cả tuyển tập là một bài luận giới thiệu về triết lý sáng tác và tư tưởng của bản thân Watts. Đáng chú ý là ngoại trừ một truyện ngắn duy nhất, tất cả các truyện khác trong tuyển tập đều đã được Watts xuất bản online, và mọi người có thể đọc chúng một cách hoàn toàn miễn phí. Trong phần điểm qua nội dung các truyện bên dưới, mình cũng sẽ để kèm các link đọc cho anh em tiện tham khảo.

Về nội dung chính của mỗi truyện thì như sau:

  1. The Things: fan fic bộ phim The Thing và bản truyện gốc Who Goes There? của nó (được tác giả đăng full ở đây: https://clarkesworldmagazine.com/watts_01_10/).
  2. The Island: kể về một con tàu đi xây dựng lỗ giun khắp vũ trụ, và một cuộc đụng độ bất ngờ nó gặp phải khi bước vào một vùng không gian nhất định (được tác giả đăng full ở đây: https://www.rifters.com/real/shorts/PeterWatts_TheIsland.pdf).
  3. The Second Coming of Jasmine Fitzgerald: xoay quanh cuộc thẩm vấn giữa một bác sĩ tâm lý và một kẻ sát nhân, người đã băm vằm chồng mình theo một cách dã man khôn tả (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_2ndComing.pdf).
  4. A Word for Heathens: lấy bối cảnh một thế giới thần quyền, nơi đức tin có thể bị thao túng bởi các xung động điện trong não (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Heathens.pdf).
  5. Home: kể về hành trình về nhà của một kẻ đã được chỉnh sửa sinh học, và nay không còn nhớ mình là ai (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Home.pdf).
  6. The Eyes of God: kể về một thế giới nơi con người có thể scan não, và khắc chế mọi ham muốn tội ác.
  7. Flesh Made Word: xoay quanh một nhà khoa học đang tìm cách tái tạo vợ mình bằng mô phỏng máy tính (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Flesh.pdf).
  8. Nimbus: kể về hai bố con trong một thế giới nơi hiện tượng thời tiết đã phát triển tri giác (được tác giả đăng full ở đây: https://www.rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Nimbus.pdf).
  9. Mayfly: sáng tác chung với một tác giả khác là Derryl Murphy, kể về một đứa trẻ 4 tuổi với trí óc của một con AI (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/Watts_Murphy_Mayfly.pdf).
  10. Ambassador: kể về cuộc trốn chạy của một con tàu vũ trụ bị một thực thể ngoài hành tinh hung dữ săn đuổi (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Ambassador.pdf).
  11. Hillcrest vs. Velikovsky: biên bản một vụ kiện với bên nguyên là người đã bị phá vỡ hiệu ứng giả dược (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Hillcrest_V._Velikovsky.pdf).
  12. Repeating the Past: kể về một phương án dạy dỗ con cháu rất trực tiếp (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_RepeatingThePast.pdf).
  13. A Niche: kể về một cặp nhân viên được chỉnh sửa sinh học để chịu được sức ép cao, làm việc tít dưới đáy đại dương (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Niche.pdf).
  14. Outtro: En Route to Dystopia with the Angry Optimist: bài luận về bản thân và các tác phẩm của Peter Watts (được tác giả đăng full ở đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Are-We-There-Yet.pdf).

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Điều đầu tiên cần phải nói về Beyond the Rift là tất cả các truyện của thằng này có một cái cấu trúc rất dễ gây lú đầu. Chúng nó luôn nhảy tòm vào chính giữa câu chuyện, lúc mọi thứ đã vào guồng hết rồi, không hề có mào đầu gì hết. Thậm chí, vì một số thằng còn là truyện mở rộng của tác phẩm khác và/hoặc trích đoạn trong những tác phẩm/series dài hơi hơn, anh em không chỉ đơn thuần bị quẳng vào giữa câu chuyện, mà là quẳng vào giữa một khúc nhỏ của cả một cái “tảng” lớn hơn mà mọi người không hề hay biết nữa cơ.

Một số anh em hẳn sẽ nhận ra đây là một thủ pháp khá quen thuộc trong nghệ thuật kể chuyện, ấy là In Medias Res (anh em nào chưa biết về nó thì có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/in-medias-res-nghe-thuat-bat-au-xa-vach.html), và từ đấy áng chừng được truyện sẽ kiểu thế nào. Cơ mà ngay cả nếu có quen với thủ pháp này, anh em sẽ vẫn bị một phen choáng não nặng với Beyond the Rift, bởi vì tuyển tập này vận dụng cái thủ pháp đấy một cách hết sức cực đoan. Nó rất hạn chế giải thích hay tua ngược về trước để giúp giải thích cho mọi người hiểu cái gì đang diễn ra, mà cứ điềm nhiên tiến phăm phăm tới trước. Thi thoảng tác giả lại đùn ra chút thông tin cụ thể, nhưng cái thông tin đấy chủ yếu cũng rất ngắn, mang tính gợi và ám chỉ nhiều hơn, chứ hiếm khi có gì gãy gọn và trình bày hết bản chất vấn đề.

Tuy nhiên, dù thấy ù ù cạc cạc trong phần lớn truyện, anh em sẽ vẫn không tài nào dứt được ra khỏi những gì Peter Watts đang khắc họa. Cái sự bí ẩn của câu chuyện, những tình huống mà nó đưa ra, cái bối cảnh quái lạ làm nền cho mọi thứ, tạo ra một sức hút vô hình nhưng rất mạnh mẽ. Kết hợp với cái tiền đề hấp dẫn ban đầu đấy là cái kiểu dẫn dắt rất chiến lược của Watts, liên tục rắc đủ thứ “vụn bánh mì” trong khắp truyện, cho phép anh em dần chắp vá lại và mường tượng ra ngọn nguồn câu chuyện này đại khái như thế nào.

Như đã nói ở trên, những mảnh vụn đấy rất vụn vặt, mang tính bóng gió là chính, nhưng đấy lại chính là cái điểm hấp dẫn rất độc đáo của Beyond the Rift. Bởi vì không có câu trả lời ăn sẵn, anh em sẽ không thể chơi trò tắt não hay đọc lướt truyện được, mà phải tập trung cao độ và suy ngẫm về những điều mình đọc. Nếu đã để tâm thì sẽ không quá khó để hiểu được mọi thứ, nhưng cái hành trình suy luận đấy sẽ vẫn làm anh em cảm thấy như thể vừa vượt qua một cái “ải” xương xẩu, và lấy làm khoái trí trước thành quả bản thân đã đạt được.

Về phần bản thân cốt thì mấy truyện trong này nhìn chung cũng có thể coi là đa dạng. Truyện thì tập trung vào tâm lý, truyện thì xoay quanh nỗ lực sinh tồn, truyện thì là một cuộc điều tra phá án, truyện thì châm biếm tôn giáo, truyện thì phiêu lưu vũ trụ… Tất cả đều được viết rất đều tay, gần như không có thằng nào bị thọt xuống dưới thằng nào cả. Hạn hữu lắm mới có một thằng trông có vẻ hụt hơi so với mấy đứa anh chị em cùng tuyển tập, nhưng ngay cả khi ấy, nó vẫn cứ là một câu chuyện rất chất lượng so với mặt bằng Sci Fi chung, trên hạng rất nhiều thằng khi đem ra so với các truyện ngắn khác cùng dòng.

Đáng chú ý nhất, dù truyện trong tuyển tập trông đa dạng là vậy, chúng nó vẫn không bị trở thành một dạng nồi lẩu thập cẩm. Nguyên do là hầu như mọi truyện trong này đều là truyện kinh dị hết. Có một số thằng thì kinh dị theo kiểu khá truyền thống. Nó có sự xuất hiện của những con quái vật ác ôn, những thứ máu me tởm lợm, đem thân thể con người ra cào cấu, giằng xé, và làm biến dạng theo những cách cực kỳ buồn mửa. Tỉ như trong cái thằng Home, anh em sẽ được thấy cách một con người bị chỉnh sửa sinh học để có thể sinh tồn được dưới đáy đại dương, và các chỉnh sửa đấy về sau còn bị môi trường làm cho đột biến méo mó đủ kiểu, dẫn đến việc tạo ra thành phẩm là một thứ không thể nào còn coi sinh vật được nữa, mà giống với một cái nùi thịt hơn.

Nhưng phần đông các truyện khác của Beyond the Rift thì lại kinh theo một kiểu khác. Cái kiểu đấy không vỗ bôm bốp vào mặt anh em như cái kiểu xôi thịt đã nói, nhưng nó lại thấm hơn gấp bội, và sẽ là thứ làm mọi người phải thao thức trằn trọc suốt đêm. Nó là sự kinh dị đến từ khủng hoảng hiện sinh, xuất phát từ các ý tưởng và đề tài triết lý mà câu chuyện đem ra bàn luận. Tuyển tập chú trọng xoáy rất mạnh vào vị thế của con người trong vũ trụ hay đơn thuần chỉ ở trên Trái Đất, làm mọi người thấy nhỏ bé vô cùng, chẳng khác nào một con kiến hoang mang nhìn những bóng người to lớn đi qua đi lại theo những kiểu mình không cách nào lãnh hội được, và luôn tiềm ẩn khả năng nghiến bẹp chúng ta theo một cách hoàn toàn vô tâm. Nó cũng đồng thời khiến chúng ta phải nghi ngờ tận cái bản chất của giống loài mình, vẽ ra cho chúng ta thấy hàng bao cách tâm trí mình có thể bị phản bội và thao túng, trần trụi hóa hoàn toàn những thứ ta coi là linh thiêng và ưu việt ở con người. Lắm khi, cái nỗi kinh hoàng đấy còn được tích hợp cả với cái sự kinh dị về thể xác đã nói ở trên, và khiến anh em cảm thấy hãi sợ chính mình từ trong ra ngoài sau khi đọc xong truyện nữa kia.

Về khoản điểm trừ thì bên cạnh việc phát triển truyện theo kiểu khó theo dõi như đã nói ở trên, truyện còn hai vấn đề khác Nữa. Chúng nó cũng khá vặt vãnh thôi, nhưng vẫn có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của anh em. Một là để tạo không khí u tối cho câu chuyện, Watts lắm khi viết theo một kiểu edgy vl. Sự edgy đấy của ông anh được thể hiện ra từ các đề tài thanh niên chọn cho đến cả câu từ Watts sử dụng để miêu tả mọi thứ nữa. Ngay cả mình, một người nhìn chung rất ưng cái lối viết lách của Watts, cũng không khỏi cảm thấy có nhiều đoạn như được một thằng cu emo 14 tuổi vừa đọc 177013 xong và bị lậm vậy.

Vấn đề thứ hai là Watts tái chế hơi nhiều. Nếu đây mà là tác phẩm đầu tiên của Watts mọi người đọc, khả năng cao anh em sẽ không thấy đây có gì to tát đâu. Ừ, đúng là có tầm đôi ba cặp truyện hơi giẫm lên chân nhau với các cái theme và ý tưởng chúng nó dùng đấy, nhưng bọn nó vẫn được triển khai theo những kiểu đủ khác biệt để mọi người không cảm thấy phiền khi phải đọc lại cùng chủ đề. Cơ mà nếu đã đọc các tác phẩm khác của Watts, mọi người sẽ thấy rất nhiều cái theme và ý tưởng đã khám phá ở chỗ khác bị đem vào trong này, và chúng nó không được thay đổi nhiều mấy. Cá biệt còn có cả một truyện về cơ bản là bản nháp của Blindsight, với mọi ý tưởng của nó trong đấy về sau đều được Blindsight diễn lại giống y nguyên. Thậm chí, còn có nguyên 1 đoạn dài trong cái truyện này được Watts sau này bê thẳng vào Blindsight, không sai đến nửa chữ. Lúc đọc cái truyện đấy, mình suýt thì gãy cổ, bởi vì phải gục gặc chào người quen nhiều vkl.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Beyond the Rift chỉ có tầm 2 truyện là chung chạ thế giới với nhau thôi, thế nên gần như cứ mỗi lần đổi truyện, anh em lại được đến với một thế giới mới toanh.

Về khoản khoa học kỹ thuật mà nói, các thế giới của Beyond the Rift có đủ độ mềm rắn khác nhau. Một số thằng được xây dựng theo kiểu Hard Sci Fi, với khoa học công nghệ được đầu tư cực kỳ bài bản. Một số thằng thì phần khoa học khá là mềm, không được giải thích rõ cơ chế vận hành mấy và/hoặc nghe chém hơi bị quá đà. Cái khung thời gian của chúng nó cũng khá dàn trải, với một số thằng sử dụng những công nghệ có khi phải mấy thế kỷ nữa thì may ra ta mới có được, nhưng cũng có những thằng dùng công nghệ nghe rất gần gũi, chỉ tầm 10, 20 năm nữa chắc sẽ có luôn, hoặc có khi chỉ tầm vài năm nữa thôi là đã có thể thành sự thật rồi, nếu những cái nền tảng ta hiện có được ứng dụng theo những cách nhất định.

Cơ mà dù có là rắn hay mềm, Watts cũng xây dựng chúng nó một cách chân thực đến phi thường. Dù rằng cũng mô tả thế giới theo cùng cái kiểu ma mị, mập mờ như cốt, Watts lại rất biết cần phải thêm thắt, tô vẽ ra sao cho mọi thứ có đủ những cột trụ cần thiết. Chúng nó có một sự nhập nhằng và mơ hồ nhất định, nhưng cũng lại rất lôgic và khả thi. Ngay cả khi ông anh dùng những cái thuyết ảo ma hay bố láo thấy rõ, ta vẫn không khỏi tin sái cổ, bởi vì chúng nó quá hợp lý, chẳng biết cãi vào đâu được.

Trong số tất cả các thế giới của tuyển tập này, có lẽ thứ sẽ hớp hồn anh em mạnh nhất là thế giới sâu dưới biển trong mẩu truyện A Niche. Anh em cần phải biết rằng Watts gốc là một nhà sinh vật học, với chuyên ngành liên quan đến sinh thái hải dương, thế nên khi mô tả về cái thế giới dưới lòng đại dương này, Watts như kiểu cá gặp nước theo đúng nghĩa đen. Watts khắc họa được cực giỏi cái sự rợn ngợp và mênh mông của cái miền vừa thân thuộc mà lại vừa xa lạ đấy, cho ta thấy cả sự hùng vĩ lẫn cả nét đáng sợ của nó. Đặc biệt, Watts không chú tâm vào miêu tả các dạng thức sống dưới đấy, mà ông anh tập trung đánh vào bản thân cái khối nước bí hiểm bao kín lấy mọi thứ, yểm bùa cho nó thành một chiều không gian siêu thực, một cái cõi dẫu vô tri mà như tiềm ẩn một tri giác riêng, rình rập ta như cá lồng đèn rình rập con mồi, quyến rũ và mời chào ta dấn sâu vào trong cái sự vô cùng của bản thân, nơi một cái miệng rộng hoác với những chiếc nanh nước vô hình đang chực chờ ngoạm xuống.

NHÂN VẬT

Nhìn chung, Beyond the Rift làm khá tốt cái khoản nhân vật. Hầu như mọi nhân vật trong các truyện của nó đều được xây dựng một kiểu rất có chiều sâu. Ai cũng có một quá khứ, một đau thương nào đấy, hoặc không thì cũng là những trăn trở và xung đột phức tạp, khiến họ trở nên có chiều sâu và quan trọng là rất người. Anh em sẽ có cảm giác đây đều là những con người tồn tại thật, với những lát cắt cuộc đời đơn thuần được Watts chụp lại và nay đem trưng ra cho ta xem, chứ không phải là những nhân vật đóng trong các vở kịch.

Thần kỳ một cái là không phải tất cả các nhân vật trong tuyển tập đều là người tử tế, hay thậm chí là cùng chủng loài với chúng ta. Nhưng Watts vẫn khiến cho tất cả những nhân vật đó hiện lên theo một kiểu rất “người,” với những đau thương, tâm tư rất dễ hiểu và thông cảm. Ngay cả khi không đồng tình với những gì các nhân vật trong truyện thực hiện, hay hiểu được cái thực thể mình đang nhìn vào là cái gì, anh em sẽ vẫn có thể dễ dàng hiểu tại sao họ làm những điều họ làm, đau cùng cái đau của họ, thương cảm cho những gì họ trải qua, và muốn được biết những con người này sẽ có một kết cục thế nào.

Cơ mà khoản nhân vật vẫn có một cái vấn đề tương tự cốt, đấy là lắm khi nhân vật trong này bị xây theo một kiểu edgy. 10 ông thì phải đến 6, 7 là có những vấn đề tâm lý bệnh bệnh, không ấm dâu thì cũng bị xâm hại, bạo hành các kiểu đồ. Cách hành xử của một số người cũng có phần quá lố, ngay cả trong cái hoàn cảnh phi thường mà bọn họ đang lâm phải. Nói ra thì hơi spoil, cơ mà ở 1 truyện trong này, tự nhiên lại xuất hiện một tình tiết mang tính Sweet Home Alabama. Nó thực sự là rất thừa thãi, bởi vì có những cách nhẹ hơn mà cũng hiệu quả không kém để thể hiện những ngang trái trong tâm tư của nhân vật lúc ấy. Cơ mà chẳng hiểu sao, Watts lại nghĩ đoạn đấy phải bem nhau thì nó mới ra chất.

TỔNG KẾT

Beyond the Rift không phải là một tuyển tập sẽ hợp gu với tất cả mọi người. Sẽ có những người thấy rất khó chịu với cái kiểu không đầu không đít và gợi nhiều chứ kể thì ít của nó. Một số người khác thì sẽ thấy cái sự edgy và tăm tối của tuyển tập hơi quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, với những ai không ngại để bản thân lạc lối một tí trong giai đoạn đầu, và có thể chấp nhận ngó lơ mấy phần viết hơi lố của tác giả, anh em sẽ có những trải nghiệm rất khó quên với những câu chuyện nó chứa đựng đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.