Sau khi đăng cái bài về việc để các nhà văn cover sách của nhau như nhạc sĩ tối qua, mình tự nhiên lại nhớ đến một thanh niên về cơ bản cũng đã làm chính cái việc ấy rồi, chỉ có điều dưới một dạng nhỏ gọn hơn, và bản cover không đứng lẻ mà lại lồng trong một tác phẩm khác. Thanh niên đấy là Agustina Bazterrica, một nữ nhà văn người Argentina, và thứ được đồng chí ấy cover lại là một truyện ngắn có tên The Most Dangerous Game.
Trước khi nói về cách Bazterrica cover The Most Dangerous Game, mình xin được nói qua vài câu về tác phẩm gốc cái đã.
The Most Dangerous Game là một truyện ngắn phiêu lưu của Richard Connell, xuất bản lần đầu trên tạp chí Collier's hồi năm 1924. Truyện có nhân vật chính là Sanger Rainsford, một anh thợ săn người Mỹ, bấy giờ đang đi thuyền đến rừng rậm nhiệt đới Amazon để thực hiện một chuyến săn báo đốm. Một tối nọ, lúc đang trên thuyền, Rainsford có trò chuyện với Whitney, một người bạn của mình, về một hòn đảo huyền bí gần đấy, hay được giới thủy thủ đồn đại là một chốn rất nguy hiểm. Sau một hồi nhát ma Rainsford với hòn đảo, Whitney về phòng đi ngủ, còn Rainsford thì lưu lại trên boong để hút thuốc.
Được một lúc, Rainsford chợt nghe thấy một âm tiếng vang dội từ xa vọng đến. Đó là tiếng súng, và nó không chỉ nổ có một lần. Tò mò, Rainsford vội lao đến bên lan can tàu, căng mắt nhìn về hướng cái âm thanh đấy vừa vang lên, những mong sẽ trông thấy gì đó. Khốn thay, trong lúc quan sát, Rainsford đã sơ sảy trượt chân và rơi tòm xuống biển. Bị sóng do thuyền hất sang tạt liên tục vào mặt, Rainsford không cách nào kêu cứu được, và trong khi tàu thì đi nhanh quá, không thể đuổi theo được. Thế là giờ đây, Rainsford chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay đầu về nơi tiếng súng ban nãy vừa vang lên và bơi về phía nó, bởi vì đấy khả năng rất cao sẽ là đất liền.
Đến đoạn này, cần phải rào trước với anh em một chút: The Most Dangerous Game có một cái plot twist khá thú vị, và mình sẽ buộc phải nói toạc cái twist đấy ra thì mới có thể bàn được về cách cái quyển này được Bazterrica cover. Twist của nó không khó đoán lắm, vả lại cái truyện này cũng quá nổi tiếng rồi, thế nên hẳn đã có rất nhiều anh em biết thừa nó là thế nào. Nhưng trong trường hợp có anh em nào chưa từng đọc cái truyện này hay nghe thiên hạ bàn về/tự đoán ra được cái twist của nó, mình rất khuyên mọi người hãy tạm dừng đọc bài này và đi tìm đọc cái truyện gốc, sau đó hãy quay lại sau. Truyện ngắn lắm, đảm bảo không tốn quá 1 tiếng đồng hồ đâu.
Vì tác giả của truyện đã mất được 74 năm rồi, thế nên truyện đã hết hạn bản quyền ở khá nhiều nước, thế nên anh em sẽ rất dễ dàng tìm được nó ở đủ nguồn khác nhau. Và đặc biệt, vì hồi đại học mình có tham gia 1 dự án thư viện điện tử (nay đã tèo) cùng mấy đứa bạn, thế nên vẫn còn giữ bản dịch tiếng Việt đầy đủ của truyện. Bản dịch đấy đã được mình thương lượng mua lại từ tay thằng bạn dịch gốc, sau đó đã biên tập lại một chút và up lên website Bookism. Anh em nào muốn đọc có thể tham khảo ở link bên dưới nhé.
Con Mồi Nguy Hiểm Nhất (phần 1) - Richard Connell - Truyện Đọc Online |
Rồi nào, giờ quay lại với cái mạch bài gốc, và bắt đầu spoil truyện này.
Sau một hồi bơi lội cật lực, Rainsford rốt cuộc cũng đã bơi được đến nơi phát ra tiếng súng. Nó là một hòn đảo trông bề ngoài thì có vẻ hoang vắng, nhưng kỳ thực lại có người ở, dù số lượng nhân mạng chỉ có hai mà thôi: Zaroff, một lão tướng Cossack đã nghỉ hưu, và Ivan, một tay người hầu khổng lồ của lão.
Khi bắt gặp Rainsford và được anh thuật lại sự tình, Zaroff rất rộng lòng đón tiếp anh. Lão đối đãi với anh như khách quý, và đã dọn cỗ thết đãi anh rất thịnh soạn. Trong bữa ăn, Zaroff chia sẻ thêm về bản thân. Lão cũng là một người rất thích săn bắn, và đã săn đủ mọi con thú lớn trên đời rồi. Nhưng chính vì đã săn hết tất thảy mọi loài, kể cả những loài to lớn và nguy hiểm, lão càng lúc càng cảm thấy mất nhiệt với cái thú đấy. Có một thời gian, lão thậm chí còn buông bỏ hẳn việc săn, và phải trăn trở suy nghĩ xem nên làm gì để khơi dậy hứng thú với môn thể thao này.
Và rồi một hôm, ý tưởng chợt đến với lão. Trên đời vẫn còn một loài vật hết sức thú vị mà lão chưa săn bao giờ. Chúng không có nanh vuốt hay khả năng tự vệ gì cao siêu cả, nhưng lại sở hữu một thứ vũ khí khiến chúng trở thành những địch thủ hết sức đáng gờm của người đi săn. Đây sẽ chính là con mồi tối thượng, con mồi nguy hiểm nhất (ghi chú: “con mồi” trong tiếng Anh là “game,” và “con mồi nguy hiểm nhất” sẽ là “the most dangerous game”): con người.
Và chính tại cái hòn đảo này, Zaroff đã hiện thực hóa cái ý tưởng bệnh hoạn đấy của mình. Lão xây dựng một ngọn hải đăng ngay gần chỗ có đá ngầm, dụ tàu bè đâm vào và đắm ở đấy, xong sẽ bắt thủy thủ trên tàu và thả vào rừng để đi săn. Zaroff thậm chí còn mời cả Rainsford tham dự các cuộc săn của mình nữa, nhưng Rainsford, quá hãi hùng trước ý tưởng này, nhất mực từ chối. Sự kiên quyết của Rainsford khiến Zaroff phật ý, và sau một chuyến săn đầy thất vọng với một tù nhân khác, Zaroff chợt nảy ra ý sẽ thả Rainsford vào rừng và đi săn anh, bởi vì anh là một người có đầu óc hết sức nhạy bén, hứa hẹn sẽ đem đến cho lão một cuộc vui vô tiền khoáng hậu.
Ok, vậy là anh em đã đủ biết về The Most Dangerous Game rồi đấy, giờ quay sang bản cover của nó này.
Hồi năm 2017, Bazterrica đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết có tên là Tender Is the Flesh. Truyện từng được mình review trong group rồi, anh em nào muốn biết cụ thể nó ra sao thì có thể tham khảo review cũ ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/05/review-tender-is-flesh-cua-agustina.html. Nhưng để nói vắn tắt, Tender Is the Flesh lấy bối cảnh một tương lai Dystopia, khi một đại dịch đã khiến con người không thể ăn thịt thú được nữa, và nguồn đạm động vật duy nhất còn sót lại chính là thịt người. Thế là chính quyền khắp nơi bắt đầu hợp pháp hóa việc giết mổ và ăn thịt người, và dần dần, điều này dẫn đến sự hình thành của một thế giới với những tiêu chuẩn đầy bệnh hoạn.
Như đã nói trong cái review về truyện, Bazterrica rất hay có cái kiểu xây dựng những “tập phim” nhỏ, biệt lập để khám phá những hệ lụy của cái luật cho phép giết người như giết ngóe kia. Trong đấy, có một tập xoay quanh một kẻ gọi là Urlet.
Cái tập với Urlet về cơ bản chính là The Most Dangerous Game, có điều được Bazterrica diễn lại bằng ngòi bút của mình, với bối cảnh là cái thế giới đen tối của Tender Is the Flesh. Về khoản nhân vật, Urlet giống với Zaroff gần như y xì đúc. Đôi bên đều là những nhân vật gốc Âu (Zaroff là dân Nga, còn Urlet là dân Romania, một nước gần như sát nách Nga luôn) đã ngoài trung niên, về sau bị hoàn cảnh chính trị ép phải dời sang Nam Mỹ sống (trong trường hợp của Zaroff thì là sự sụp đổ của triều đại Sa hoàng Nicholas II, còn trong trường hợp của Urlet thì là chính quyền Romania cấm ngành của gã tiếp tục hoạt động vì nó có liên quan đến thú vật). Và tất nhiên Urlet cũng cai quản một khu săn bắn người, hệt như Zaroff vậy, chỉ có điều thay vì làm ở quy mô nhỏ lẻ và chỉ phục vụ mục đích cá nhân như Zaroff, gã ở cấp doanh nghiệp và phục vụ đủ mọi khách hàng. Về khoản cốt, cái tập của Urlet cũng bám gần như rất sát mạch của The Most Dangerous Game, bao gồm việc nhân vật chính được mời dự tiệc với Urlet, được nghe gã chia sẻ về cái công việc mình làm tại khu săn bắn này, và cũng được gã mời đi săn cùng luôn.
Dẫu thế, đúng với bản chất của các tác phẩm cover, tập của Urlet trong Tender Is the Flesh cũng có một số điểm khác biệt với câu chuyện xảy ra trong The Most Dangerous Game. Cái đầu tiên là nó tởm hơn The Most Dangerous Game cực nhiều. Trong The Most Dangerous Game, thứ đáng sợ chỉ là bản thân cái việc con người bị đem ra săn bắn thôi, và cùng lắm là cái cách thản nhiên của Zaroff khi bình phẩm về việc một số tộc dân có đầu óc trì độn thế nên không phải là con mồi lý tưởng. Trong Tender Is the Flesh, Urlet có yêu cầu cực kỳ kỹ lưỡng về những con mồi cần được cung cấp cho gã. Anh em có thể tham khảo sự ghê tởm của nó qua trích đoạn sau:
[Marcos Tejo] nhìn vào đơn đặt hàng và thấy vòng tròn đỏ đã được Urlet khoanh quanh chữ “con cái mang thai”.
“Ta không muốn có thêm con cái chưa được thụ thai nào nữa. Bọn nó vừa ngu mà lại vừa lành quá.”
“Được thôi. Con cái mang thai đắt gấp ba. Đối với thai từ bốn tháng trở lên, giá cả sẽ còn đắt nữa.”
“Không thành vấn đề. Ta muốn mấy con với bào thai đã thành hình, để săn xong còn ăn luôn.”
“Được rồi. Tôi thấy ông đã tăng lượng đặt đối với con đực.”
“Những con đực bên anh giao là loại tốt nhất trên thị trường. Chúng ngày càng nhanh nhẹn và thông minh hơn, dù nói thật thì chuyện đấy chắc bất khả thi rồi.”
Thêm một cái điểm khác nữa là trong The Most Dangerous Game, Zaroff mãi mới kiếm được một người “đồng cấp” như Rainsford để đem ra làm con mồi. Trước đó thì lão chỉ săn những kẻ mà lão coi là “phường cặn bã,” ấy là những tay thủy thủ ít học. Tận khi Rainsford đến thì lão mới bắt đầu săn người ở đẳng cấp cao hơn. Trong Tender Is the Flesh, Urlet ngay từ đầu đã có những con người “đẳng cấp” để dùng chứ không chỉ mỗi hạng gia súc người ngu si, và gã có cả một hệ thống tử tế để đảm bảo mình sẽ không ngừng có nguồn con mồi hảo hạng để săn. Hệ thống đấy là thế này:
“Cách đây ít lâu, tôi đã triển khai một chương trình cho phép những người nổi tiếng sa cơ lỡ vận vì vay nợ quá nhiều có thể thoát kiếp chúa Chổm ngay tại đây.”
“Ý ông là sao? Tôi không hiểu.”
Urlet nhấp thêm một ngụm rượu. Gã đợi vài giây rồi mới trả lời.
“Tùy thuộc vào số tiền mình nợ, họ sẽ được yêu cầu ở lại khu săn bắn trong một tuần, ba ngày, hoặc vài giờ, và nếu khách săn không hạ được họ và họ sống qua được cuộc phiêu lưu ấy, tôi sẽ đảm bảo họ được hủy hết nợ nần.”
“Vậy là họ sẵn sàng chết vì nợ tiền à?”
“Có những người sẵn sàng làm những điều tàn bạo với giá thấp hơn rất nhiều, anh cavaler ạ (ghi chú: “cavaler” là quý tộc trong tiếng Romania). Như săn lùng người nổi tiếng và ăn thịt họ chẳng hạn.”
Ngoài đó ra, còn một số khác biệt khác như The Most Dangerous Game thì tập trung vào màn đấu trí giữa nhân vật chính và Zaroff, với cả đẩy mạnh tính hành động hơn, trong khi Tender Is the Flesh thì chú trọng vào tả những đoạn thương thảo với dự tiệc để khắc họa cái sự bỉ ổi của hệ thống chứ hành động thì không có. Nhân vật chính của The Most Dangerous Game cũng bị o ép hơn, trong khi ở Tender Is the Flesh thì anh em sẽ cảm thấy nhân vật chính được hưởng một sự an toàn nhất định. Nói chung là bọn nó đúng kiểu một bài hát gốc với một bài cover ấy: nhìn phát nhận ra ngay thằng này là thằng nào luôn, vì nội dung của chúng nó tái chế gần như hoàn toàn của nhau, nhưng phong cách thể hiện thì lại khác, và từ đấy vẫn mang lại những trải nghiệm thú vị riêng.
Thế nên là nếu đã đọc 1 trong 2, anh em rất nên thử đọc cả thằng còn lại nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓