Nhân chiều qua nhắc đến vụ AI đang tác oai tác quái trong giới xuất bản và các nhà văn tự xuất bản sắp tới sẽ phải đối mặt với cả một cuộc chiến cam go, tự nhiên lại nhớ đến một thanh niên rất nổi tiếng cũng đi lên từ tự xuất bản khác, với một quan điểm nhìn chung khá tích cực đối với AI. Thanh niên đó là Hugh Howey.
Gần đây mình cũng đã làm một bài giới thiệu sự nghiệp của Hugh Howey rồi đấy, và anh em nào tò mò thì có thể tham khảo full ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/06/anniversary-sinh-nhat-cua-hugh-howey.html. Cơ mà để nói vắn tắt thì ông anh này gốc là dân đi biển, xong về sau quay ra làm việc ở một hiệu sách, và vì mê kể chuyện quá mà đã tập tành viết lách. Do một số trải nghiệm không mấy tích cực với xuất bản truyền thống, đồng chí đã quay sang tự xuất bản sách trên kho Kindle của Amazon. Sau một thời gian thì một truyện ngắn của ông anh trở nên nổi tiếng, và Howey từ đấy đã trở thành một nhân vật có số có má trong làng xuất bản. Hiện tại thì ông anh cũng đã có chen chân vào làng xuất bản truyền thống rồi, nhưng vẫn duy trì tự xuất bản là chủ yếu.
Nếu nhìn vào cái giới thiệu này, hẳn anh em sẽ nghĩ Howey phải cực kỳ lo lắng trước sự xuất hiện của bọn AI. Như đã nói trong cái bài hôm trước đấy, làn sóng AI đang làm cho cộng đồng tự xuất bản phải điêu đứng, bởi vì họ bị cạnh tranh quá mạnh, và thương hiệu của cả làng bị mấy “tác phẩm” AI kéo tụt xuống rất nặng. Tuy nhiên, Howey lại không quá lo lắng về vấn đề ấy. Trên thực tế, ông anh còn lấy làm phấn khích trước cái công nghệ này, và đã mấy lần phát biểu ủng hộ hoặc bảo vệ nó. Như cái ảnh bên dưới là một ví dụ.
Đáng chú ý nhất, tầm tháng trước, trong một buổi phỏng vấn quảng cáo cho Silo, Howey có được hỏi về vấn nạn AI mà các nhà xuất bản đang phải đối mặt cũng như mối lo của giới tác giả với AI, và ông anh đã trả lời như sau:
Ngay bây giờ đây, các nhà xuất bản Sci Fi đã phải đối mặt với các tác phẩm do AI tạo ra luôn rồi. Vì bản thân anh là một nhà văn Sci Fi, điều đó có khiến anh thấy chợn không?
Theo tôi thì những tiến triển này âu cũng là tất yếu thôi, nhưng cách chúng ta tận dụng và tiếp cận chúng thì lại không tất yếu. Chúng ta có thể ứng dụng những công cụ này theo một kiểu lạc quan, hy vọng, và sáng tạo, hoặc chúng ta có thể vò đầu bứt tai và bực bội và lấy làm căng thẳng về chúng. Riêng trong khoản đó, chúng ta có quyền lựa chọn, và tôi sẽ chọn thái độ hào hứng trước một thứ chúng ta đã chung tay và hiệp lực tạo ra, bởi vì [các công cụ AI sáng tạo] về cơ bản dựa trên khối tổng tất cả những nội dung chúng ta từng viết, kể cả nội dung của những người không tự coi mình là nhà văn. Nó học hỏi từ chính ta.
Rất nhiều người sợ rằng AI sẽ cướp đi công việc của họ. Với tư cách một tác giả, anh có bao giờ nghĩ rằng, “Chà, nếu muốn bắt một thứ viết ra một cuốn sách theo phong cách của Hugh Howey, nó sẽ vẫn cần phải làm quen với các tác phẩm của Hugh Howey”?
Lý do tôi không thấy sợ là vì khi bắt đầu viết lách, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kiếm sống bằng nghề này. Hồi còn trên đường gầy dựng sự nghiệp văn chương, tôi làm ở một hiệu sách, và tuần nào cũng vậy, có đến hàng nghìn cuốn sách mới ra mắt. Hiệu chúng tôi thậm chí còn không thể đặt mua tất cả. Chúng tôi sẽ phải tham khảo các cuốn danh mục sách dày ngần này, và chỉ đặt 20 cuốn từ nhà xuất bản nọ, 20 cuốn từ nhà xuất bản kia.
Cái quan niệm hồi trước không có sự cạnh tranh, và hễ viết được sách là sẽ kiếm sống được, là rất ngớ ngẩn. Phần lớn chúng tôi đáng lẽ phải chẳng thể lấy viết lách làm nghiệp được cơ, và việc chúng ta có thể kiếm sống bằng nó là một cái phúc trời ban. Tôi viết văn bởi vì tôi đam mê kể chuyện, và việc có một con AI viết được giỏi hơn tôi sẽ không khiến tôi mất hứng thú với công việc ấy. Tôi thích chơi cờ vua, nhưng một chiếc máy tính chắc chắn sẽ đánh bại tôi, trăm ván như một. Điều đó không có nghĩa là tôi không muốn chơi hoặc xem người khác chơi hoặc tham gia vào cái thú này.
Vâng, nhưng người ta có chơi cờ để kiếm cơm đâu.
Chúng ta phải từ bỏ cái ý niệm ta nên nuôi sống được bản thân bằng đam mê, và phải như thế thì đam mê mới có ý nghĩa. Chúng ta nên làm này làm nọ vì mình yêu thích chúng, và trong một thế giới hoàn hảo, một số người sẽ kiếm sống được bằng cách lấy nó làm nghề. Còn những người khác như tôi thì sẽ phải làm việc trong hiệu sách hoặc tìm những cách khác để trang trải đời sống trong lúc lao động nghệ thuật.
Công bằng mà nói, sở dĩ Howey có thể bình chân như vại đến thế là vì ông anh cũng đã xây dựng thành công cái thương hiệu cá nhân rồi, thế nên bọn AI không đe dọa cướp cần câu cơm của thanh niên một cách nghiêm trọng lắm. Nhưng đây cũng là một góc nhìn thú vị của một người trong ngành về một công nghệ có khả năng khiến toàn bộ lĩnh vực của mình bị đảo lộn tùng phèo.
Và tiện thể thì trong cái bài phỏng vấn đấy, Howey còn chia sẻ thêm nhiều điều về vũ trụ Silo, hành trình chuyển thể nó, cũng như những ứng dụng khác của AI trong lĩnh vực giải trí. Nếu quan tâm, anh em có thể đọc ở đây nhé: https://www.wired.co.uk/article/silo-apple-tv-plus-hugh-howey-interview.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓