Chuyển đến nội dung chính

Từ tai nạn với Clarkesworld, nghĩ về cách AI sẽ ảnh hưởng đến ngành xuất bản trong tương lai

 Nhân bữa trước có nhắc đến việc mấy cộng đồng viết lách và tự xuất bản trên Reddit với Amazon đang bị ngập trong một bể “tác phẩm” với chất lượng cực thấp do ChatGPT phun ra, mình lại nhớ đến việc cơn lũ ấy đã từng quét đến cả các tạp chí SFF chuyên nghiệp/bán chuyên, với một bên thậm chí còn đã phải ngưng nhận bản thảo từ các tác giả lạ vô thời hạn. Bên đó là Clarkesworld.

Sci-fi publisher Clarkesworld halts pitches amid deluge of AI-generated stories

Như đã giới thiệu trong bài tổng hợp hôm qua đấy, Clarkesworld là một tạp chí SFF miễn phí. Bên này sẽ nhận bản thảo truyện ngắn của thiên hạ, đọc qua một lượt, và nếu thấy ok thì trả cho tác giả 1 khoản phí nho nhỏ để đăng truyện lên web với xuất bản tuyển tập điện tử. Suốt gần 20 năm hoạt động, Clarkesworld đã cho đăng tải truyện của các tác giả thuộc đủ mọi miền thế giới, với một số tác phẩm thậm chí còn đạt được những giải thưởng danh giá. Chính bởi vậy, Clarkesworld được dân trong dòng đánh giá rất cao, coi đây như một bệ phóng rất tốt cho các tác giả đang chập chững xây dựng sự nghiệp.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, đã Clarkesworld không còn có thể giúp đỡ những tay chơi mới của dòng nữa, bởi vì bọn họ không còn kham xuể những bản thảo AI cứ tới tấp bay vào inbox của mình.

Cụ thể là giữa tháng 2 vừa rồi, Neil Clarke, tổng biên tập Clarkesworld, đã đăng một bài trên blog cá nhân, chia sẻ về một xu hướng rất đáng quan ngại trong giai đoạn gần đây (anh em có thể đọc full ở đây: http://neil-clarke.com/a-concerning-trend/). Trong bài viết đấy, Clarke đã đưa ra một biểu đồ thể hiện số lượng những bản thảo tạp chí mình nhận được trong giai đoạn từ tháng 6/2019 cho đến giữa tháng 2/2023. Tính đến cuối năm 2022, phía Clarkesworld chỉ nhận được tầm trên dưới 10 bản thảo mỗi tháng, với kịch kim cũng chỉ khoảng 20 gì đấy thôi. Nhưng bắt đầu từ tháng 12/2022, số lượng bản thảo chợt tăng vọt, khiến đồ thị trông như một bức vách dựng đứng. Đáng sợ nhất, chỉ tính riêng trong 1 tháng rưỡi đầu năm 2023 thôi, số lượng bản thảo họ nhận được tăng lên đến gần 500 liền.

Nguyên nhân sự gia tăng đột biến này không phải là vì SFF chợt trở thành hàng hot hay Clarkesworld được Elon Musk bưng bô cho như chó coin hay gì đâu, mà nó đến từ ChatGPT. Giai đoạn bản thảo tăng vọt trùng với giai đoạn con AI đấy được tung ra thị trường, và trong số các bản thảo Clarkesworld nhận được, cực kỳ nhiều là những câu chuyện nhảm nhí với ngô nghê theo một kiểu rất đặc trưng của bọn chatbot AI, thậm chí có một số còn trùng lặp cả ý tưởng hoặc câu chữ với nhau. Từ đấy, Clarke rút ra kết luận là đang có nhiều thành phần quẳng prompt cho con AI đấy để lấy bản thảo truyện ngắn, xong nộp cho mình với hy vọng sẽ xơ múi được tí tiền nhuận bút.

Vì tính đến thời điểm hiện tại, không có dịch vụ nào có thể phát hiện và lọc văn của AI một cách hiệu quả cả, đội ngũ biên tập của Clarkesworld phải thủ công duyệt bản thảo đến bở hơi tai. Dù với những truyện ChatGPT viết, chỉ cần đọc lướt dăm ba câu hoặc cùng lắm 1 đoạn là nhận ra được luôn rồi, công việc loại bỏ mấy bản thảo rác kiểu này vẫn tốn thời gian một cách khủng khiếp. Thế là không còn lựa chọn nào khác, Clarke quyết định sẽ chỉ nhận bản thảo từ các tác giả mình từng làm việc cùng hoặc những cá nhân mình có thể tin tưởng được, chứ không còn mở nhận bản thảo đại trà nữa.

Mình thì chưa tìm hiểu thêm xem liệu có tạp chí nào phải ngừng nhận bản thảo như Clarkesworld không, nhưng ắt hẳn cũng có rất nhiều bên khác đang phải đối mặt với một “đại dịch” AI như thế này, bất kể có là tạp chí SFF hay chỉ đơn thuần là tạp chí văn học. Thậm chí, có khi các nhà xuất bản và các bên quản lý văn học cũng đang phải đối mặt với cái vấn nạn này. Nếu các công nghệ tự động phát hiện và lọc bỏ nội dung do AI sản xuất không thể bắt kịp với tốc độ phát triển của những con chatbot AI này, có lẽ các nhà xuất bản sẽ càng lúc càng trở nên ngại ngần hơn khi nhìn thấy những bản thảo mới, và chuyển sang chỉ hợp tác với những người đã có tiếng sẵn rồi.

Và ảnh hưởng của AI có lẽ sẽ không chỉ dừng ở những nhà xuất bản với chủ tạp chí. Vì bọn chatbot cho phép thiên hạ “nôn” ra truyện quá dễ dàng, thị trường tự xuất bản điện tử sẽ bị chết chìm trong những tác phẩm với chất lượng thấp lè tè, khiến cái ngách vốn đã không có thương hiệu tử tế gì lắm này càng bị nhìn bằng nửa con mắt hơn. Độc giả sẽ càng lúc càng ngần ngại việc đọc truyện tự xuất bản, bởi vì chẳng ai biết có khi nào mình đang phí tiền oan cho một mớ hổ lốn vô nghĩa hay không, đặc biệt nếu mấy tay “tác giả” dùng chiêu trò mua review hay gì đó để ngụy trang thành phẩm. Thế là họ sẽ có xu hướng coi trọng các sách truyện được ra mắt qua các nhà xuất bản truyền thống hơn, bởi vì ít nhất thì những truyện đấy cũng đã qua được một lượt kiểm duyệt bởi một ban bệ biên tập để đảm bảo nó có chất lượng tối thiểu là tạm được. Thậm chí, ta có khi còn sẽ thấy sách giấy được lưu tâm hơn trước, bởi vì chi phí in ấn cũng là một rào cản khả dĩ, và chỉ những cuốn nào tác giả/nhà xuất bản thấy tự tin về chất lượng thì mới dám đầu tư đem in được.

Một hệ lụy nay sinh từ việc này là nó khiến cán cân quyền lực nghiêng trở lại về phía các nhà xuất bản truyền thống. Trước thời AI, các tác giả mới hoặc ít tiếng tăm còn có thể quay sang những nơi như Kindle Direct Publishing để xuất bản và phát hành sách, chứ không nhất thiết phải đi lạy lục mấy thành phần tay to trong ngành làm gì. Nhưng vì, như đã nói đấy, AI sẽ làm độc giả cực e dè với sách truyện tự xuất bản, các tác giả sẽ bị áp lực phải tìm đến với mấy nhà xuất bản truyền thống và xuất bản qua họ để lấy mác. Điều ấy đồng nghĩa với họ lắm khi cũng sẽ phải chấp nhận gò truyện của bản thân sao cho mang tính thị trường hơn, hoặc thậm chí còn phải cố gắng đu trend để còn được nhà xuất bản lưu tâm đến, chứ không còn có thể theo đuổi những ý tưởng thú vị nhưng chưa chắc đã phù hợp đại chúng.

Nói chung là nếu trong những năm sắp tới, thị trường xuất bản chắc sẽ trải qua một số biến động tầm cỡ đấy. Cái đám AI này đúng là con dao 2 lưỡi mà.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.