Chuyển đến nội dung chính

Minotaurus's Plate và Starving Anonymous - 2 manga có ý tưởng tương đồng với Tender Is the Flesh

 Nhân thể nhắc đến Tender Is the Flesh và manga, mình lại nhớ đến 2 bộ hồi trước từng đọc cũng sử dụng cùng một ý tưởng nền như cái quyển truyện kia. Chúng nó là Minotaurus's Plate và Starving Anonymous.



Thằng Minotaurus's Plate thì hẳn đã có rất nhiều anh em ở đây biết rồi. Không thì bét nhất, chỉ cần nhìn qua một vài khung hình của nó thôi, mọi người cũng sẽ lập tức nhận ra cái truyện này do ai chém ra, bởi vì tác giả của nó là một nhân vật với nét vẽ cực kỳ đặc trưng mà cả cái nước Việt Nam này chắc chẳng có ai ngoài Đỗ Nhật Nam là không nhẵn mặt: Fujiko F. Fujio, đồng tác giả của Đôrêmon. Minotaurus's Plate là một one shot của ông cụ, kể về một phi hành gia bị mắc kẹt trên một hành tinh lạ. Hành tinh đấy có một chuỗi thức ăn hơi ngược với Trái Đất: kẻ đứng đầu là một chủng bò, còn gia súc được đám bò ấy nuôi lấy thịt lại là con người.

Starving Anonymous thì hiện đại hơn. Series này do Yuu Kuraishi và Kazu Inabe sáng tác, được chia làm hai phần riêng, xuất bản cách nhau hai năm, và trong đó phần hai hiện vẫn đang tiếp tục được xuất bản. Hai phần của truyện có một chút khác biệt nho nhỏ về bối cảnh, nhưng nhìn chung đều là một phiên bản hơi ngược so với Minotaurus's Plate, dù vẫn dùng cùng ý tưởng. Cụ thể hơn, thay vì để một nhân vật con người đi lạc lên trên một hành tinh lạ, Starving Anonymous lại cho người ngoài hành tinh đặt chân đến Trái Đất, và sau đó dồn ép chính phủ toàn cầu phải xây lên một hệ thống chăn nuôi bí mật để cung cấp thịt người cho lũ chúng nó.

Về mặt tinh thần mà nói, Minotaurus's Plate có lẽ sẽ là thằng gần với Tender Is the Flesh nhất. Cũng như Tender Is the Flesh, Minotaurus's Plate đề ra một mục tiêu chính hết sức rõ ràng: đá xoáy ngành công nghiệp chăn nuôi cũng như giết mổ gia súc của loài người. Starving Anonymous thì không đẩy mạnh hẳn khoản kháy đểu, mà chỉ mượn cái ý tưởng chăn nuôi người để gây sốc giật chứ không hẳn có ý nghĩa gì sâu xa, đặc biệt khi càng về sau, nó càng quay sang đánh đấm cục súc kiểu shounen. Tuy nhiên, về mặt hình thức thể hiện thì Starving Anonymous lại mới là thằng giống với Tender Is the Flesh hơn, bởi vì thằng này đẩy rất mạnh tính kinh dị dựa trên sự tởm lợm của việc giết mổ người, trong khi Minotaurus's Plate chỉ khơi dậy cảm giác sởn gai ốc qua cái ý tưởng đổi vai đơn thuần chứ không có cái gì quá tởm cả, chưa kể còn mang sắc châm biếm hài hước nhiều hơn là kinh dị.

Cơ mà Minotaurus's Plate và Starving Anonymous đều có chung nhau một điểm, ấy là chúng nó đều chém bay quá, thành thử tự bắn vào chân mình với những tiền đề khá hoang đường và những yếu tố phi lý cực độ. Như ở Minotaurus's Plate, ta có bối cảnh là một tương lai quá xa, với tàu bè vũ trụ, súng laze đủ kiểu, chưa kể còn có các chủng tộc ngoài hành tinh tình cờ tiến hóa theo một kiểu quá sát với con người nữa. Starving Anonymous thì cũng dính đến vụ có người ngoài hành tinh, xong về sau còn nhồi thêm cả nhà khoa học điên, người đột biến, và mấy cái khỉ mẹ gì đấy nữa rất nhùng nhằng, chưa kể cái hệ thống thế giới của nó càng về sau càng đòi hỏi người đọc phải tắt bớt não đi thì mới tin được vào sự tồn tại của nó. Chính những điều này đã tạo ra một rào ngăn giữa tác phẩm và người đọc, cho phép ta dễ dàng tách biệt bản thân khỏi chúng nó, và nhìn nhận bọn nó dưới đúng cái bản chất của chúng nó: một câu chuyện hư cấu, không có thật. 

Trong khi đấy, Tender Is the Flesh thì ghìm bản thân lại rất nhiều. Ngoài sự tồn tại của một con virút mà chính bản thân truyện cũng bóng gió bảo là có thể là có thật, có thể chỉ là một chiêu trò mị dân do chính phủ bịa ra, thì thế giới của truyện gần như không có gì khác biệt với thế giới chúng ta. Chẳng có người ngoài hành tinh nào ở đây cả, chẳng có máy móc gì để điều chỉnh gen cho con người thành siêu nhân, chẳng có kẻ bác học điên nào hết (hoặc đúng hơn là không có ai như Frankenstein tạo ra những con quái thú chắp vá, chứ nhà khoa học với tâm tính hơi bệnh thì vẫn có). Mọi thứ vẫn y xì như cũ, không có gì lằng nhằng hay phức tạp hơn thế cả. Cái lôgic nền của truyện cũng được đầu tư cực kỳ bài bản so với hai thằng trên, khiến cho ta không thể bới ra được một lỗ hổng nào để bảo rằng đây là một viễn cảnh phi lý. Chính vì thế, khi đọc Tender Is the Flesh, anh em sẽ thấy rất khó để tách rời mình khỏi tác phẩm, và coi nó như một ảo tưởng viển vông.

Nhưng dù không đấu lại nổi với Tender Is the Flesh về độ ám ảnh và sự chân thực, Minotaurus's Plate và Starving Anonymous vẫn có những thế mạnh riêng. Minotaurus's Plate thì được cái rất ngắn gọn và súc tích, đồng thời cũng cho phép anh em có thể suy ngẫm về thông điệp của nó mà không đến mức phải bỏ ăn mấy ngày trời. Starving Anonymous thì được cái hành động kịch tính và đỡ drama ề à hơn hẳn, chưa kể còn có một cái bí mật trọng tâm xuyên suốt, giúp nó có một cái đích rất cụ thể chứ không bị lan man. Và quan trọng nhất là cả 2 thằng đấy (hoặc đúng hơn là Minotaurus's Plate và phần 1 của Starving Anonymous) đều có một kết khá tử tế, nảy sinh từ một chuỗi sự kiện và động cơ đã được khắc họa đủ kỹ lưỡng để có thể hiểu được, chứ không ngu độn, bất thình lình, và dang dở như Tender Is the Flesh.

Thế nên là nếu đã đọc Tender Is the Flesh, anh em cũng nên ngó thử 2 cái truyện trên nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.