Chuyển đến nội dung chính

Goodnight Punpun và sự khó phân định dòng của nó

 Nhân bữa trước có nhắc đến vụ xác định xem liệu một tác phẩm có phải là Sci Fi hay SFF gì không, mình lại nhớ đến một thằng gây thách thức cho quy trình phân định vl. Thằng đấy là Goodnight Punpun.


Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Goodnight Punpun là một series manga của Inio Asano. Truyện xoay quanh cuộc đời của Punpun, một đứa trẻ ngây thơ và trong sáng, có phần còn hơi tồ nữa. Nó ban đầu là một series Slice of Life hài hước nhẹ nhàng, theo chân Punpun trong quá trình thằng cu đối mặt với cuộc sống gia đình, cuộc sống học đường, cuộc sống xã hội, và một tình yêu trẻ con mới chớm nở. Nhưng dần dần, theo đà lớn lên của Punpun, truyện càng lúc càng phát triển theo chiều hướng tăm tối, dần biến thành một câu chuyện về tuổi trưởng thành tàn khốc và u ám ngoài sức tưởng tượng.

Goodnight Punpun có một điểm rất thú vị là nó lắm lúc siêu thực như tranh Dalí luôn. Thể hiện rõ nhất là cách nhân vật chính cùng các thành viên trong gia đình thằng cu đều được vẽ dưới dạng những con chim, trông sơ sài như tranh trẻ con, trong khi mọi người khác đều được vẽ cực kỳ chân thực. Nó còn thể hiện ở cách thằng Punpun có thể triệu hồi “Chúa” bằng một câu thần chú, và vị Chúa này sẽ là một dạng ảnh đen trắng của một thằng cha với kiểu tóc xoăn phồng rậm, cách có một thằng nhân vật khác nhìn thấy đủ hình vẽ nguệch ngoạc bay túa lua khắp xung quanh mình, cách thằng Punpun có thể biến thành đủ thứ hình khối,…

Tuy nhiên, mọi sự quái đản đã kể trên kỳ thực chỉ là những gì hiển thị trong nhãn quang của các nhân vật. Thực tại của series bị bóp méo bởi vì mọi thứ đều bị nhìn qua lăng kính những nhân vật có tâm lý bất bình thường, và mọi tâm tư tình cảm cũng như những suy nghĩ điên loạn của họ đều khiến họ nhìn nhận thực tại theo một kiểu què quặt, chứ không phải thực tại có vấn đề gì cả. Thế giới của Goodnight Punpun vẫn chỉ là cái thế giới nhàm chán mà ta đang sống, và các nhân vật trong đấy không có một tí siêu năng lực hay sở hữu công nghệ gì ảnh hưởng được đến nó hết.

Thứ gần nhất với một hiện tượng phi thực xảy ra trong series nằm ở một nhân vật tên là Toshiki “Pegasus” Hoshikawa. Tay này là một dạng vô gia cư nửa điên nửa khùng, suốt ngày lải nhải về nào là "bất hòa," nào là “rung động tốt,” và gã thuyết phục được một nhóm người đi theo mình để thành lập một ban nhạc, từ đấy tạo ra những rung động tốt để cứu lấy Trái Đất. Nhưng trong suốt chiều dài của truyện, ta không một lần nào thấy có gì khác lạ xảy ra, và cái ban nhạc của tay Pegasus này trông không hơn gì một lũ cuồng tín bị điên, suốt ngày phá làng phá xóm. Anh em có thể tham khảo cái ảnh thứ 2 để áng chừng được triết lý của cái gã này nó nghe chuẩn một thằng điên như thế nào.

Nói cách khác, bất chấp những sự dị hợm của mình, Goodnight Punpun là


một bộ truyện tranh Slice of Life bình thường, với bối cảnh bình thường, kể về những con người bình thường, với những cuộc đời rất đỗi bình thường. Cá nhân mình đã mấy lần đọc đến nát bét cái truyện này ra rồi, và không tìm thấy bất kỳ một manh mối nào cho thấy Goodnight Punpun xa rời thực tại cả, ngay cả trong những lúc nó làm những trò điên loạn nhất.

Và bởi vậy, không có bất kỳ cái lý do gì để ta có thể gọi Goodnight Punpun là một series Sci Fi cả.

Nhưng tất nhiên, nếu câu chuyện chỉ đơn giản như thế, chúng ta đã chẳng có cái bài này 🐧.

Tháng 4/2014, sau khi hoàn tất Goodnight Punpun, Inio Asano có thực hiện một cuộc phỏng vấn với một tạp chí điện tử tên là Cakes. Tạp chí đấy nay đã đình bản, và website của nó đã không còn nữa, nhưng anh em vẫn có thể đọc bản cache của cuộc phỏng vấn ở đây: https://web.archive.org/web/20140714150436/https://cakes.mu/posts/5605. Cuộc phỏng vấn đó về sau đã được một bạn dịch ra tiếng Anh, và mọi người có thể tham khảo full ở đây: https://mangabrog.wordpress.com/2014/07/06/inio-asano-interview-reality-is-tough-so-read-this-manga-about-cute-girls-and-feel-better/

Trong cuộc phỏng vấn đấy, Asano đã bàn rất sâu về bộ truyện và hành trình sáng tác của mình, cũng như tiết lộ một số điều thú vị về series mà độc giả chưa chắc đã nhận ra. Và trong số những điều ông anh chia sẻ, có một đoạn rất đáng chú ý như sau:

Người phỏng vấn: Trong nửa cuối của bộ truyện, Toshiki Hoshikawa và Ban nhạc Pegasus của gã chiếm nhiều thời lượng đến khó hiểu. Vụ đó là sao vậy?

Asano: À ừ, tôi cũng đã đồ rằng sẽ không ai hiểu được ý nghĩa của nó. Pegasus xuất hiện giữa tập 7, lúc Punpun đã tốt nghiệp trung học và đang sống một mình. Đó là lúc ít có diễn tiến gì xảy ra trong truyện nhất - chỉ có mỗi Punpun ủ ê ru rú trong căn hộ nhỏ của cậu ta thôi. Thế này nhé, tôi để phần đấy xuất hiện trong truyện vì tôi muốn thế, nhưng tôi cũng biết rằng nếu chỉ có mỗi như vậy thì sẽ khá nhạt, và tôi nghĩ mình nên bổ sung thêm một câu chuyện khác, xảy ra trên một tuyến trục biệt lập hoàn toàn.

Người phỏng vấn: Ok, hiểu rồi.

Asano: Đó là lúc tôi quyết định sử dụng Pegasus — một nhân vật mình tôi đã giới thiệu từ trước — để triển khai một tuyến chuyện song song. Ban nhạc Pegasus kỳ thực là một phiên bản tái suy diễn của các bộ truyện shounen, tương tự như cách câu chuyện về Punpun và Aiko là tái suy diễn những bộ truyện hài lãng mạn vậy. Lúc đọc thì tôi tin không ai hiểu điều này đâu, nhưng mà Pegasus khi ấy đang tập hợp một biệt đội lại để chiến đấu với cái ác thật đấy.

Người phỏng vấn: Thật luôn?!

Asano: Có nguyên một lực lượng siêu nhân quyết tử chiến đấu với các thế lực xấu xa, nhưng Punpun lại hoàn toàn không hề hay biết. Nhớ con búp bê Daruma chẳng hiểu từ đâu tòi ra trong tập trước đấy không? Nó, ờm, đại loại chính là cái thế lực đó đấy. (cười)

Người phỏng vấn: Tôi chẳng biết có chuyện đó nữa cơ.

Asano: Nếu không có Pegasus và đồng đội, một thiên thạch hay gì đó sẽ đâm vào Trái đất và khiến loài người tuyệt chủng, đúng như ước nguyện của Punpun và Aiko vậy. Biệt đội Pegasus đã hy sinh cả tính mạng để cứu Trái Đất, nhưng không ai biết điều đó hết. Ý tưởng là thế đấy.

Người phỏng vấn: Đây có lẽ là tin sốc nhất trong ngày.

Như vậy, từ cái cuộc hội thoại trên, anh em có thể thấy rằng Goodnight Punpun có chứa một mạch truyện phi thường ngầm. Cái gã Pegasus đấy thực chất không điên (hoặc ít nhất là về một mặt nhất định thì không điên), và gã là nhân vật chính trong một cuộc chiến với một thế lực vũ trụ bí hiểm gì đấy. Thậm chí, Pegasus còn đã giải thích về cái thế lực bất hòa kia cũng như cái rung động tốt của gã theo một kiểu đậm chất khoa học (một lần nữa, anh em hãy nhìn vào ảnh 2), dù rằng cái khoa học đấy nghe ngu không thể tả.

Và hẳn không cần nói thì anh em cũng biết một câu chuyện chứa yếu tố “điêu,” được giải thích bằng khoa học thì sẽ được gọi là gì nhỉ 🐧?

Dẫu thế, ta vẫn gặp phải một vấn đề rất lớn là dù Asano là tác giả của câu chuyện, lời của ông anh vẫn chỉ là thông tin bên ngoài. Trên thực tế, ta còn có nguyên cả một triết lý cảm thụ văn học rất nổi, cho phép độc giả gạt bỏ hoàn toàn tác giả ra khỏi quá trình thưởng thức cá nhân, ấy là Death of the Author (anh em quan tâm có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/death-of-author-gat-bo-tac-gia-khoi-tac.html). Nếu bám theo nguyên tác đấy và chỉ xét riêng những nội dung chứa đựng bên trong Goodnight Punpun, ta sẽ không thể tìm thấy một bằng chứng nào để bổ trợ cho việc mạch truyện của Pegasus là một mạch siêu nhiên thực sự. Vì chẳng có gì để phủ nhận nó, ta có quyền được diễn giải vụ việc liên quan đến Pegasus theo một hướng mang tính Sci Fi nếu muốn, nhưng cách diễn giải của chúng ta hoàn toàn chỉ mang tính cá nhân, và nếu có ai muốn diễn giải theo kiểu khác thì cách hiểu của họ cũng giá trị tương tự cách hiểu của ta vậy.

Với cả ngoài ra, còn một sự thật rất khó phủ nhận là gọi Goodnight Punpun là Sci Fi thì cực kỳ ngượng mồm, bởi vì chẳng có cái gì trong truyện thực sự khơi dậy chất Sci Fi cả. Nếu giới thiệu cho người khác đọc Goodnight Punpun, anh em chắc sẽ chẳng hề đả động đến chuyện nó là Sci Fi luôn, bởi vì cái ấn tượng chung mà truyện này khơi dậy là nó là văn học thường thuần túy, và chẳng ai đọc nó theo bất cứ cách gì khác cả. Và khi đi giới thiệu Sci Fi cho người khác, sẽ chẳng đời nào có chuyện anh em cho Goodnight Punpun vào danh sách những cuốn nên cân nhắc, bởi vì nếu đọc chay, sẽ chẳng ai thấy có cái gì Sci Fi trong này cả.

Thế tóm lại Goodnight Punpun là thế nào đây? Nó là Sci Fi hay không phải là Sci Fi nào? Liệu ta có nên coi trọng lời của Asano vì ông anh là tác giả không, hay gạt phắt nó đi vì nó chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến câu chuyện?

À thì, chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi đó sao?

Yesn’t 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.