Chuyển đến nội dung chính

Từ một chiếc áo, ngẫm về vị thế của Terry Pratchett

 Nhân bữa qua nhắc đến việc gọi hồn Terry Pratchett về ký Good Omens thay Neil Gaiman cho nó kinh tế, tự nhiên lại nhớ đến cái quả áo huyền thoại này của ông cụ.


Trong trường hợp anh em nào không biết, Terry Pratchett vốn dĩ là một người có khiếu hài hước rất cao, và điều này được thể hiện qua cả trong những trang truyện ông sáng tác lẫn ngoài đời. Về phần truyện, sự hóm hỉnh của ông được thể hiện rõ nhất qua Discworld, một bộ tác phẩm có thể được coi như Hitchhiker's Guide của ngách Fantasy. Về khoản ngoài đời, thứ thể hiện rõ nhất cái óc tiếu lâm của ông có lẽ sẽ là chiếc áo trong ảnh, trên đề dòng chữ: 

"Tolkien thì mất rồi.

J K Rowling thì không mời được.

Philip Pullman thì bị vướng lịch.

Thế nên chào cả nhà, tôi là Terry Pratchett đây."

Cái áo này rất hay được ông anh mặc đến các buổi hội thảo giao lưu, thậm chí cả những buổi ký sách của chính mình, coi như thay lời "xin lỗi" vì sự kiện không có tên tuổi nào đình đám góp mặt cả. Cái áo này gắn với hình ảnh của ông anh nhiều đến mức từng có một đợt, một viện bảo tàng ở Anh đã đem nó ra trưng bày trong một triển lãm dành riêng cho Pratchett, 2 năm sau khi ông cụ mất.

Mặc dù đây rõ ràng là một trò đùa thuần túy chứ chẳng có ý nghĩa gì sâu xa hơn, nhưng mà trông vào cái áo kể cũng hơi tiếc cho ông cụ. Mặc dù cũng rất nổi danh, đặc biệt trong mảng SFF, Pratchett chưa bao giờ trở nên rầm rộ trong văn giới nói chung như một số gương mặt tiêu biểu khác của Fantasy, với đại diện là Rowling và Pullman như trong chiếc áo có in. Cái này chủ yếu là bởi ông cụ chuyên có cái kiểu chọc cười đùa giỡn, viết truyện nghe cứ tưng tửng, dẫn đến việc khá nhiều người chỉ coi truyện của ông như kiểu sách giải trí hài, hay thậm chí còn là tiểu thuyết trẻ con. Anh em cứ đọc thử một quyển Discworld xong so nó với His Dark Material hoặc Harry Potter là sẽ thấy ngay thái độ và cách tiếp cận đề tài của các tác phẩm này tương phản cao thế nào. Bảo sao khi nhìn vào, người ta lại không nghĩ ông là nhà văn nghiêm túc bằng hai con người kia được.

Nhưng thực ra, nếu nhìn ngầm xuống dưới mấy cái mánh chơi chữ cũng như mớ chú thích sặc mùi meta của Discworld, anh em sẽ thấy chúng nó (hoặc ít nhất phần lớn chúng nó, bởi vì có mấy quyển Pratchett đẩy mạnh parody dòng Fantasy hơn là lồng ghép thông điệp) là những cuốn tiểu thuyết văn học cực kỳ nghiêm túc, phê phán rất chua cay và sắc bén nhiều khía cạnh của xã hội, đồng thời đưa ra hàng loạt thông điệp đáng suy ngẫm về đủ mọi loại đề tài trên đời, và những phần đó được Pratchett chăm chút xây dựng một cách rất tỉ mẩn, ý nghĩa chẳng kém cạnh gì ai cả. Bảo rằng giá trị văn học của Discworld không với được đến tầm Lord of the Rings thì còn có thể công nhận, nhưng bảo nó dưới cơ His Dark Materials với đặc biệt là Harry Potter thì ta sẽ có một trò đùa thậm chí còn nực cười hơn mọi thứ Pratchett từng viết ra trên đời.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.