Chuyển đến nội dung chính

Fractal Noise và tương lai của AI trong xuất bản

 Cái bài về Adobe chính thức chấp nhận ảnh AI tối qua làm mình nhớ đến một vụ lùm xùm vừa xảy ra cách đây tầm một tháng gì đấy, xoay quanh Christopher Paolini và một cuốn sách sắp xuất bản của bro này.

Christopher Paolini chắc là một cái tên khá quen thuộc đối với nhiều anh em ở đây, bởi vì đây chính là tác giả của Eragon, bộ truyện Epic Fantasy có lẽ là đầu tiên mà phần lớn chúng ta được tiếp cận tại Việt Nam. Sau thành công với Eragon, Paolini chìm biến hẳn, hầu như không cho ra tác phẩm nào khác suốt một thời gian dài.

Thế rồi khoảng chừng 2 năm trước, Paolini đã tái xuất giang hồ với một cuốn Sci Fi dày cộp mang tiêu đề To Sleep in a Sea of Stars, và đã đạt được một số thành công nhất định. Đáng chú ý nhất, nó là cuốn truyện mở màn cho một vũ trụ mới toanh, có tên là Fractalverse. Paolini dự kiến sẽ xây dựng thêm vũ trụ đó lên bằng nhiều tác phẩm khác nữa, hoặc dưới dạng hậu truyện của To Sleep in a Sea of Stars, hoặc dưới dạng các tác phẩm độc lập.

Cách đây mấy tháng, Paolini đã công bố tác phẩm tiếp theo trong vũ trụ Fractalverse của mình, ấy là Fractal Noise, một quyển tiểu thuyết độc lập với To Sleep in a Sea of Stars. Và rồi đến đầu tháng 11 vừa qua, Paolini đã công bố bìa của cuốn Fractal Noise này. Anh em có thể tham khảo bên dưới.


Nếu nhìn lướt qua, mọi người hẳn sẽ thấy cái bìa này quả đúng là trông hút mắt thật, và thậm chí còn có thể nói là bìa đẹp nữa. Nhưng ngoài đó ra thì nó không có gì quá nổi trội. Đây không phải là kiểu bìa đẹp đến mê hồn như nhiều cuốn Sci Fi khác, và cái ý tưởng của nó cũng chẳng phải là mới mẻ gì cho cam. Nó chỉ đơn thuần là một cái bìa ổn hơn mặt bằng chung thôi.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào thằng người ở trong ảnh, mọi người sẽ nhận thấy nó mang một nét nham nhở và biến dạng rất dị. Sau đó nhìn rộng ra, mọi người sẽ tiếp tục để ý thấy cái ảnh này sử dụng kiểu texture (anh em nào không phải là dân đồ họa thì cứ hiểu đây đại khái là cái vân phủ lên bề mặt các họa tiết) sần sùi, nhẽo nhẽo gì đấy. Và đến đây, anh em sẽ có thể dễ dàng nhận thấy ngay đó là những nét đặc trưng không lẫn đi đâu được của ảnh AI.

Nói cách khác, cái bìa Fractal Noise là do AI vẽ, với “họa sĩ” làm bìa chỉ đơn thuần dàn chữ lên trên.

Điều này đã tức thời được một số người nhận thấy, và trong thớt công bố bìa của Paolini, đã có một người chỉ thẳng ra điều này. Paolini đã hồi đáp, bảo rằng Tor Publishing (nhà xuất bản chịu trách nhiệm phát hành Fractal Noise) đã thuê một họa sĩ tên là Ufuk Kaya để làm cái bìa, còn bên họ không biết đây có phải là ảnh AI hay không. Cộng đồng mạng đã tiến hành điều tra thử, và phát hiện ra cái đồng chí Kaya đấy có một tài khoản trên Shutterstock, một trang tài nguyên đồ họa tương tự Adobe Stock, và trong tài khoản của Kaya có một cái ảnh nhìn rõ là của AI không lẫn đi đâu được, và chính nó đã được dùng làm ảnh nền cho bìa của Fractal Noise. Anh em có thể tham khảo ảnh gốc do Kaya đăng ở đây: https://www.shutterstock.com/image-illustration/astronaut-falling-into-black-hole-seen-2194329237.

Vụ việc có phần om sòm lên khi một họa sĩ minh họa là Corey Brickley đã share lại cái ảnh bìa về tường Twitter nhà mình, bày tỏ sự bất bình đối với Tor Publishing về việc sử dụng ảnh AI làm bìa. Bài đăng đã nhận được một lượng hưởng ứng khá đông đảo từ cộng đồng mạng, với khá nhiều người đồng tình với Brickley, cũng như bày tỏ sự thất vọng đối với Tor cùng Paolini (thớt gốc của Brickley ở đây: https://twitter.com/CoreyBrickley/status/1601324739452018689). Xem chừng Fractal Noise sẽ phải đối mặt với một khủng hoảng truyền thông không nhỏ, và bản thân Paolini cũng đã hứa sẽ tìm hiểu xem cụ thể vụ cái bìa này là thế nào.

Lúc cái bìa này được công bố, mình cũng đã muốn share nó về trong group luôn, để từ đấy bàn về cách AI đang len lỏi vào lĩnh vực xuất bản rồi. Tuy nhiên, cách cộng đồng phản ứng với nó đã khiến mình đổi ý.

Số là ngoài cái thớt của Brickley ra, phản ứng của cộng đồng về quyển này nhìn chung không mấy tiêu cực. Trong thớt bàn về tin quyển truyện được công bố bìa ở r/Fantasy, forum có lẽ là lớn nhất Internet về các tác phẩm SFF tính đến nay, cái ảnh bìa không bị nói gì quá tiêu cực. Một số người hoặc bày tỏ rằng nó trông đẹp và gợi lên sự háo hức đối với truyện, trong khi một số khác nhắc đến việc đây là ảnh do AI tạo theo một cách rất trung tính, nhìn chung gợi ra cảm giác việc nó là ảnh AI sẽ không ảnh hưởng đến quyết định mua truyện của họ. Bình luận tiêu cực cũng có xuất hiện, nhưng chúng nó không nhắm thẳng vào Fractal Noise và/hoặc Paolini, mà chỉ nói theo một kiểu chung chung về cái trend sử dụng AI và ác mộng mất việc làm đối với cánh họa sĩ. Ngoài đó ra thì người ta chỉ bàn về nội dung của Fractal Noise và cái vũ trụ này theo một kiểu không khác gì các tác phẩm/series khác. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo full cuộc trò chuyện xoay quanh cuốn đấy ở đây:  https://www.reddit.com/r/Fantasy/comments/ylnkqa/fractal_noise_by_christopher_paolini_cover_reveal/.

Chính  điều này đã khiến mình sinh nghi là trừ khi bản thân Paolini và Tor xé to cái vụ này ra, Fractal Noise sẽ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Đây không phải là một nhận định cao siêu gì cho cam, và nhiều khả năng chính bên xuất bản cũng sẽ rút ra một kết luận tương tự. Vả chăng, vì nếu đã có bìa cũng như ngày phát hành chốt sẵn như thế rồi, khả năng cao phía Tor đã mua sẵn hết các bài truyền thông về sách ở các báo đài quan trọng, và thậm chí bản thân sách còn đang trong giai đoạn in ấn nữa kia. Nếu như vậy, dễ chừng bọn họ sẽ đánh liều ỉm vụ này đi, và cứ thế làm tới. 

Thế là mình quyết định án binh bất động, để xem câu chuyện sẽ diễn tiến thế nào.

Và quả đúng như đã dự đoán, không có gì xảy ra cả.

Cho đến nay, Paolini chưa hề cập nhật cho cộng đồng phát nào về ảnh bìa Fractal Noise cả, và vẫn không ngừng truyền thông về cái quyển ấy. Nó liên tục xuất hiện trên đủ các mặt báo, với bìa vẫn không hề thay đổi. Vẫn có người chạy vào các thớt liên quan đến quyển đấy và nhắc đến vụ ảnh này là do AI làm, nhưng số người làm vậy ngày càng ít đi, và cũng không được hưởng ứng quá nhiều. Phản ứng Fractal Noise nhận được nhìn chung cũng giống như trong cái thớt Reddit kia: không có gì quá đặc biệt, báo hiệu Fractal Noise sẽ phải đối mặt với một chiến dịch tẩy chay vì nó đã dùng ảnh AI làm bìa cả. 

Điều này cho thấy bất chấp những tranh cãi liên quan đến tính đạo đức và pháp lý của ảnh AI, các tác phẩm sử dụng ảnh AI làm bìa sẽ không phải hứng chịu quá nhiều thiệt hại về doanh số cũng như truyền thông. Tất nhiên, không phải mọi thứ sẽ sóng êm bể lặng. Sẽ luôn có người chê trách những cái bìa kiểu đấy, hoặc thậm chí có khi còn có những lời kêu gọi tẩy chay cả tác phẩm lẫn tác giả. Nhưng các phản ứng tiêu cực kia sẽ không đạt được hiệu quả cao. Phần đông người đọc sẽ chẳng mấy quan tâm đến những thứ lùm xùm bên ngoài. Họ chỉ cần biết cái bìa trông có đẹp không, và nội dung truyện có hấp dẫn không, và từ đấy rút ra quyết định mua. 

Lưu ý rằng đây không phải là cái gì mới mẻ hay chỉ mình các tác phẩm dùng ảnh AI mới vấp phải. Đã rất nhiều lần chúng ta nhìn thấy các chiến dịch kêu gọi tẩy chay các tác phẩm, tác giả, hay thậm chí nhà xuất bản vì những lý do bên lề, nhưng thành công của các phong trào ấy rất hạn chế.

J. K. Woking là một ví dụ rất nổi tiếng, một người mà trên lý thuyết phải sạt nghiệp từ lâu lắm rồi. Bà này bị những người lề phải ghét cay ghét đắng vì cứ thích xoáy mạnh vào mấy cái giới tính với màu da để làm tiền, nhưng cũng bị cả những người lề trái ghét vì có những phát biểu được coi là kỳ thị người chuyển giới. Cứ mỗi lần bà nội làm cái gì mới, hoặc là ra phim về Fantastic Beast hoặc như gần đây nhất là làm game về Hogwarts, hay thậm chí viết cả các series mới dưới bút danh riêng, thiên hạ lại nhao nhao lên bảo mình sẽ tẩy chay này nọ.

Nhưng rốt cuộc, sự thành bại của những tác phẩm đấy hầu như chẳng bị ảnh hưởng tí nào. Phần phim phế vì cái kịch bản cùi bắp, các series mới chỉ thành công ở tầm trung vì chúng nó có nội dung làng nhàng, còn cái game hiện đang được hưởng ứng và đặt trước rất nhiệt tình vì người chơi thích ý tưởng được tự thân ngao du Hogwarts.

Ngoài Rowling ra thì lẽ đương nhiên, không thể bỏ qua H. P. Lovecraft. Ông anh này thế nào thì chắc khỏi cần phải nói rồi, phân biệt chủng tộc kinh đến mức ngay cả ở cái thời kỳ thị nhau dựa trên màu da vẫn là chuyện thường, thanh niên vẫn bị liệt vào hạng quá khích. Ngày nay, cứ mỗi khi có ai làm cái gì liên quan đến Lovecraft, cộng đồng mạng lại nhao nhao lên nhắc đến cái gốc gác phân biệt chủng tộc của ông anh, và kêu gọi tẩy chay hoặc ít nhất đòi nhà phát hành phải xin lỗi hay đưa ra tuyên bố chối bỏ gì đó, và thậm chí còn có trường hợp những người chỉ nói rằng mình thích cái huyền thoại và thế giới Lovecraft tạo ra cũng bị ăn chửi nốt.

Nhưng sách truyện Lovecraft vẫn không hề biến mất trên kệ, các tác phẩm lấy cảm hứng hay thậm chí chuyển thể trực tiếp truyện Lovecraft vẫn ra ầm ầm, và cũng như với các tác phẩm của Rowling, sự thành bại của chúng nó đến từ chất lượng nội dung chứ không phải mấy thứ râu ria.

Ngoài những vụ như vậy ra thì còn hằng hà sa số những vụ khác. Orson Scott Card, Philip Pullman, Roald Dahl, Lưu Từ Hân… vô vàn người đã phải hứng chịu những làn sóng kêu gọi tẩy chay vì những gì họ nói và viết, hoặc vô tình hoặc hữu ý, với một số người như Orson Card thậm chí còn nói thẳng ra luôn quan điểm của mình là thế nào và sẽ không đổi nó ra sao. Đến cả các công ty tập đoàn cũng chẳng phải ngoại lệ, tỉ như Amazon bị chửi lên bờ xuống ruộng vì các chính sách đối đãi nhân sự cũng như chèn ép đối thủ, hoặc như thân thuộc với chúng ta hơn thì việc một số nhà sách tại Việt Nam từng bị làn sóng bảo vệ môi trường quật cho tơi tả, với cộng đồng người đọc yêu cầu phải bỏ bọc bong bóng hay túi nilon khi gói truyện.

Nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra? Gần như không có gì thay đổi cả. Các tác phẩm của những tác giả trên vẫn tiếp tục được đại đa số người đọc tìm mua, Amazon tiếp tục là điểm đến đầu tiên khi người ta muốn mua sách, và các nhà sách nay đều vẫn tiếp tục bọc bong bóng với nilon để bảo vệ truyện khỏi rách nát trên đường vận chuyển.

Nguyên do là bởi đối với số đông, cái người ta quan tâm chỉ là giá trị cốt lõi mà tác phẩm/dịch vụ bọn họ sẽ nhận được. Người ta muốn được đọc một câu chuyện hay, được sưu tầm những bộ sách đẹp, được nhận những quyển truyện không rách nát hay hoen ố. Những yếu tố bên ngoài khác không phải là không có tác động đến quyết định chi tiêu của họ đâu, nhưng chúng nó luôn mang tính thứ yếu. Chỉ cần các giá trị chính mà người ta mong chờ được đẩy lên đủ cao (và cái cao độ này cũng không đến mức quá khó với đến đâu), người ta vẫn sẽ mua/dùng dịch vụ thôi.

Nói chung là cái xu hướng xâm lấn làng xuất bản của AI sẽ không dừng lại đâu, và nếu chỉ trông mong cộng đồng người đọc sẽ tẩy chay một tác phẩm họ quan tâm chỉ đơn thuần vì nó có tích hợp tranh ảnh của AI, đội họa sĩ sẽ khó dành phần thắng lắm.

Nhưng điều ấy không có nghĩa là tương lai của cộng đồng kiếm cơm bằng nghệ thuật sẽ quá bi đát. Thay vì kêu gọi tẩy chay tác phẩm dùng AI, hướng đi phù hợp nhất với họ có lẽ sẽ là con đường ngược lại: nâng tầm các tác phẩm thuê họa sĩ người lên, và đẩy mạnh kêu gọi ủng hộ các tác phẩm đấy. Nếu thấy truyện có người vẽ đạt được lợi nhuận cao hơn so với truyện với AI, tự khắc các nhà xuất bản sẽ tìm đến với những họa sĩ người thôi, ngay cả trong trường hợp AI đã tiến hóa đến mức cho ra được những tác phẩm đẹp ngang ngửa người vẽ.

Và tất nhiên, vẫn còn con đường pháp lý, đâm đơn kiện hoặc vận chính phủ ra luật quản lý cái công nghệ này. Nhưng cái này sẽ đòi hỏi một lượng tiền và công sức khá khổng lồ, thế nên với đại đa số họa sĩ, nó sẽ không phải là phương án nằm trong tầm với. Chơi kiểu nâng tầm tranh con người như trên thì không chắc ăn bằng, nhưng nó là cách khả thi nhất rồi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.