Chuyển đến nội dung chính

Cicero - một mẫu AI lạnh gáy mới của Meta

 Hồi chiều vừa làm một bài về Mê-tà tạch Word of the Year vì thằng bợm Mắc đã khiến cái từ metaverse nhuốm màu xấu xa, nay lại thấy cái bài này. Trùng hợp phết à nha 🐧.

Meta’s new AI is skilled at a ruthless, power-seeking game

Số là vừa mấy tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Meta đã tung ra một mẫu AI mới là Cicero. Và trước khi anh em hỏi, không, con AI này không liên quan gì đến Skyrim đâu nhé. Cái tên của nó kỳ thực được lấy theo Marcus Tullius Cicero, một chính khách cực kỳ nổi tiếng ở La Mã cổ đại. Việc Cicero được lấy theo tên một nhà chính trị gia đầu đầy sỏi, hay được tung hê là một trong những nhà diễn thuyết tài ba nhất La Mã không phải là ngẫu nhiên, bởi vì con AI này cũng thể hiện một khả năng ngoại giao và đàm phán khéo léo đến dị thường.

Cụ thể hơn, con Cicero này đã được đội ngũ Meta cho chơi Diplomacy. Đây là một kiểu boardgame chiến thuật dành cho từ 2-7 người, và người chơi phải hoạch định đủ thứ chiến lược phức tạp, lập liên minh với nhau, thương thuyết đàm phán câu giờ các kiểu, trong khi điều binh khiển tướng sao cho mình có thể chinh phục được một vùng lãnh thổ rộng lớn nhất có thể. Nó có một phiên bản online ở trên web, với địa chỉ là webDiplomacy.net, và đây chính là chỗ Cicero được thả lên chơi thử.

Trong cái trò Diplomacy này, Cicero đã thể hiện là một tay chơi rất cừ khôi. Với khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên rất điêu luyện, Cicero liên tục lừa được con người nghĩ rằng nó là thật, từ đấy dụ người chơi tham gia liên minh với mình và đàm phán các thỏa thuận hòa bình khi cần thiết. Đáng chú ý nhất, nó còn biết tính toán chiến thuật dựa trên các thông tin thay đổi liên tục, suy tính đường đi nước bước trước đối thủ nhiều bước, lấp liếm thông tin nếu thấy cần thiết, và hoạch định đủ thứ chiến lược xâm chiếm địa bàn rất tinh vi. Tổng thể, Cicero đã chơi 40 ván Diplomacy với con người, và điểm trung bình nó đạt được cao gấp đôi mức điểm con người, lọt được vào top 10% của tất thảy các tay chơi Diplomacy trên web.

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu, sở dĩ họ tạo ra Cicero vì muốn kiểm tra xem các mô hình ngôn ngữ hiện tại đã phát triển đến cỡ nào. Họ cũng bảo rằng mình quyết định chọn Diplomacy vì đây là một trò dựa nhiều vào khả năng trò chuyện và thuyết phục thiên hạ, chứ không chỉ phân tích lôgic thuần túy như cờ vua và cờ vây, những trò chơi vốn từng có các mẫu AI khác tỉ thí rồi. Và để chuẩn bị cho Cicero, họ đã cho nó lên mạng soi các nội dung văn bản công khai để học cách nói chuyện, và tham khảo bản ghi của khoảng 50.000 ván Diplomacy được chơi trực tuyến tại webDiplomacy.net (trong đó bao gồm cả các đoạn chat log giữa người chơi).

Cicero không chỉ là một dự án nghiên cứu khoa học thuần túy, mà nó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm trong thế giới thực, đặc biệt là sản phẩm do Meta cung cấp. Thông qua những gì thu được từ Cicero, phía Meta sẽ có thể tạo ra những trợ lý cá nhân hiểu rõ hơn mong muốn của khách hàng, hoặc tạo ra những con NPC hấp dẫn biết cách tương tác với thiên hạ như người thật để làm thế giới Metaverse của thằng Mắc thêm phong phú. Nói như Noam Brown, một thành viên của nhóm nghiên cứu, thì tạo ra AI đánh bại được con người  cũng hay đấy, nhưng điều họ muốn là làm ra AI “có thể hợp tác với con người trong thế giới thực.”

Lẽ đương nhiên, không phải ai cũng thấy thuyết phục bởi cái ý định nghe chừng rất tốt đẹp ấy của đội ngũ Meta. Một số chuyên gia trí tuệ nhân tạo đã chỉ ra rằng vì Cicero là một con AI mã nguồn mở, cho phép ai cũng có thể bê về vọc, rất có thể sẽ có những thành phần bất hảo dựa trên đấy để tạo ra những kẻ phụ tá đắc lực, chuyên gửi email lừa lọc và/hoặc tống tiền người khác. Nó cũng có thể được huấn luyện để tích hợp với công nghệ deepfake, từ đấy tạo ra những thước phim giả danh người khác chân thực đến phi thường, khiến các trò lừa đảo đánh cắp danh tính càng thêm khó phát hiện. Nguy hiểm hơn, nếu có kẻ nào đào tạo nó dựa trên các cơ sở dữ liệu điện tín ngoại giao như trong WikiLeaks, có khi nó còn có thể mạo danh chính khách quốc gia để gây ra những thảm họa lớn khôn lường. Nói như Kentaro Toyama, giáo sư trí tuệ nhân tạo tại Đại học Michigan, thì, “AI giống như năng lượng hạt nhân của thời đại này vậy. Nó sở hữu tiềm năng khổng lồ, cả theo nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu, nhưng… tôi tin rằng nếu chúng ta không bắt đầu tập ra luật quản lý các mặt xấu của nó, thì mấy cái câu chuyện khoa học viễn tưởng về một tương lai AI u tối sẽ trở thành sự thật khoa học mất.”

Nhớ đâu cách đây mấy bữa, mình hãy còn chế nhạo rằng nếu giao Skynet vào tay thằng thằn lằn thì tha hồ kê cao gối ngủ, bởi vì thằng bợm đấy kiểu gì cũng chỉ cho ra được AI phế vật thôi. Thế mà giờ đây, đệ nhà nó đã tạo ra được một con AI về cơ bản là vượt qua bài thử Turing rồi.

Thôi thì bữa đó mình gáy nhầm, cho mình rút lời nha 🐧.

Và trong trường hợp anh em nào tò mò thì đây là cái báo cáo chi tiết của đội ngũ Meta về Cicero nhé: https://ai.facebook.com/research/cicero/. Còn đây là toàn bộ chỗ code của nó, anh em nào muốn nghịch thử thì có thể qua đây ngó: https://github.com/facebookresearch/diplomacy_cicero

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.