Chuyển đến nội dung chính

Chủ trương chính thức đối với ảnh stock AI của Adobe, và cuộc bàn luận Kotaku khơi dậy quanh nó

 Bữa này mình mới mò được một bài viết thú vị của Kotaku, xoay quanh nỗ lực tích hợp tranh ảnh AI vào kho tàng ảnh stock của gã khổng lồ đồ họa có lẽ là nổi tiếng nhất thế giới: Adobe.

Amplifying human creativity: Adobe Stock defines new guidelines for content made with generative AI

Hẳn là trong group nhà ta, kể cả những anh em chưa làm gì dính đến đồ họa bao giờ cũng đã từng nghe đến Adobe cùng bộ công cụ đồ họa Creative Cloud của nó, với những thứ như Photoshop, Illustrator, InDesign, After Effects,… thế nên mình sẽ không giới thiệu về nó nữa. Nhưng có một thứ mình cần bàn qua, vì cái này chắc chỉ anh em nào làm đồ họa mới biết, ấy là Adobe còn có một dịch vụ gọi là Adobe Stock. Đây về cơ bản là một cái kho tài nguyên đồ họa khổng lồ, nơi người dùng có thể upload ảnh ọt và video lên để bán cho người khác. Nó có một số luật lệ nhất định đối với các tài nguyên đăng tải, cả về mặt sở hữu trí tuệ lẫn nội dung tài nguyên. Anh em nào muốn tìm hiểu kỹ hơn về quy chế của dịch vụ đấy thì có thể tham khảo ở đây nhé: https://contributor.stock.adobe.com/.

Thế rồi trong thời gian gần đây, với sự bùng nổ của hàng loạt thuật toán tạo ảnh dựa trên miêu tả, đã có nhiều người upload ảnh AI vẽ lên Adobe Stock để bán cho người khác. Lúc nhận thấy dịch vụ của mình đang bị ảnh AI “xâm lược,” đâu tầm tuần trước, Adobe đã đăng một bài viết trên trang blog của mình, khẳng định rõ chủ trương của bên họ đối với tranh ảnh AI. Anh em có thể đọc full ở đây: https://blog.adobe.com/en/publish/2022/12/05/amplifying-human-creativity-adobe-stock-defines-new-guidelines-content-generative-ai.

Đại khái thì trong bài viết ấy, Adobe đã tuyên bố rằng mình sẽ không ngăn cấm người dùng up ảnh AI, hay làm bất cứ điều gì để khiến thiên hạ cảm thấy chán không muốn up các loại ảnh đấy cả. Trên thực tế, họ còn rất khuyến khích người dùng tận dụng AI như một công cụ để đa dạng hóa kho tài liệu và tăng khả năng kiếm tiền của mình. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu người dùng tuân thủ mọi quy tắc đã có sẵn của Adobe Stock, phía Adobe còn bảo người up ảnh AI sẽ phải gắn thẻ nói rõ đây là tài nguyên do AI tạo, đồng thời họ không được phép up những thứ tạo ra dựa trên nội dung của bên thứ ba nào khác khi chưa được chủ sở hữu cho phép.

Cái phần cuối đó là sao? Tức là Adobe cấm up những bức ảnh được tạo ra thông qua những miêu tả đả động đến một con người, địa điểm, tài sản hoặc phong cách của một nghệ sĩ cụ thể. Ví dụ, có cái ảnh nào được con AI tạo ra dựa trên lời hướng dẫn, “Vẽ ảnh Joker phiên bản Jared Leto múa cột trong phòng ngủ của Zuckerberg, theo phong cách Chris Foss,” ảnh đấy sẽ không thể được up lên Adobe Stock.

Lẽ đương nhiên, vì tranh ảnh AI hiện đang là một đề tài hết sức gây tranh cãi, đặc biệt trong giới làm nghệ thuật và đồ họa, việc một công ty gần như đã trở thành gương mặt đại diện cho cộng đồng này chấp nhận ảnh AI không phải ai cũng thích, và trong số những người không ưa quyết định đó có Kotaku. Chính thế nên họ đã làm một bài viết chỉ trích rất nặng nề quyết định của Adobe, đồng thời cũng đả kích công nghệ AI nói chung.

Bản thân cái bài viết của Kotaku nhìn chung không có gì đặc sắc cho lắm, bởi vì thứ bên này tập trung vào chỉ trích lại là việc ảnh của AI có được coi là nghệ thuật hay không, và cái này thì cãi nhau cả ngày không chốt lại nổi, bởi nghệ thuật mang tính cảm tính rất cao. Tuy nhiên, lúc share cái bài này lên page (mình đã share lại bài của họ bên dưới), Kotaku đã tạo ra cả một cuộc tranh cãi cực kỳ nảy lửa trong phần bình luận của họ. Tính đến nay, đã có đến gần 800 comment đến từ cả hai phía, cả phía ủng hộ lẫn không ủng hộ tranh ảnh AI, và bọn họ cãi nhau về gần như mọi mặt của công nghệ này, bao gồm cơ cấu hoạt động của nó, tương lai phát triển của nó, chỗ đứng của nó trong nghệ thuật và kinh doanh, các vấn đề và ngộ nhận liên quan đến bản quyền và dữ liệu đầu ra-đầu vào của nó,… Thêm một điểm thú vị nữa là hai bên có vẻ phân chia khá đồng đều, với bên nào cũng có đầy đủ họa sĩ, thiết kế viên, lập trình viên, dân làm luật (hoặc ít nhất thì bọn họ tự xưng như vậy) tham gia. Điều này cho thấy rất rõ cái công nghệ AI non trẻ này hiện đang có sức chia rẽ lớn thế nào, ngay cả trong nội bộ các cộng đồng vốn được coi là có một quan điểm thống nhất về AI.

Nói chung là nếu lượn qua một vòng mấy cái comment dưới đó, anh em ít nhất cũng sẽ hiểu được hòm hòm cái hiện trạng của AI trong thời buổi hiện tại đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.