Chuyển đến nội dung chính

Từ The Kaiju Preservation Society nghĩ về sự "tương lai" của hiện tại

 Bữa nay mình vừa mới mò được mấy cái ảnh thú vị như bên dưới, trích ra từ Scoops, thứ có thể coi là tạp chí với trọng tâm Sci Fi đầu tiên từng xuất hiện tại Anh. Trong các bức ảnh, người họa sĩ đã đề xuất một số phát minh mang tính viễn tưởng ở thời điểm bấy giờ, và tự hỏi liệu có khi nào những thứ như vậy rồi sẽ có ngày xuất hiện trên thế giới hay không. 





Và vì chúng ta hiện đang sống trong một thế giới với những thứ như Facetime, máy tính bảng, ô tô tự lái, và điện thoại di động, hẳn cũng biết thừa câu trả lời là gì rồi nhỉ 🐧?

Nhìn vào mấy cái ảnh này, mình lại nhớ đến cái thằng The Kaiju Preservation Society vừa review hôm trước. Cụ thể hơn, điều mình nhớ đến là cách nó chưa cần đi ra ngoài cái thế giới hiện tại mà mọi thứ đã sặc mùi Sci Fi lắm rồi.

Trước khi vào bàn hẳn về vụ Sci Fi mà không Sci Fi của The Kaiju Preservation Society, mình xin chia sẻ với anh em một tí về một nét chung của các cuốn SFF mình hay đọc.

Tính đến nay, mình hiếm khi đọc tác phẩm nào bám sát sịt thời hiện tại. Phần đông các cuốn mình đọc toàn lấy bối cảnh tít trong quá khứ, hoặc chạy vọt lên tương lai xa, hoặc có khi còn chém ra nguyên một vũ trụ mới toanh để đặt câu chuyện. Ngay cả những thằng lấy bối cảnh gần gần thì chúng nó cũng có một sự lệch pha nhẹ với thời nay, hoặc hơi nhích lên trước một tí, hoặc thụt dưới hiện tại một tẹo. Mấy quyển gần với hiện tại nhất mà mình đọc chắc chỉ lấy bối cảnh là thập niên 2000, hoặc đầu 2010 gì đó. Chính điều này đã khiến mình vô tình hình thành trong đầu một ý niệm nhất định về cái mốc “hiện tại” mỗi khi sờ đến một tác phẩm SFF. Và cho đến nay, chưa lần nào cái ý niệm ấy bị bác bỏ cả.

Thế rồi mấy bữa trước, mình mò đến với The Kaiju Preservation Society.

Như đã nói trong cái review về nó, The Kaiju Preservation Society không lấy bối cảnh gì xa lạ cả, mà nó dùng luôn thế giới của chúng ta trong giai đoạn đại dịch Cô Vy đang đạt đỉnh, tức loanh quanh năm 2020 - 2021. Suốt mấy chương đầu, truyện chẳng bịa thêm cái gì cả. Thế giới mà ta được trải nghiệm vẫn là Trái Đất bình thường, những công nghệ mà người dân ở đây sở hữu đều là những thứ tất cả chúng ta ai cũng có, các tập tục và chuẩn mực xã hội vẫn y xì đúc những gì ta biết, và các mốc lịch sử chấn động của câu chuyện cũng chính là những thứ ta đã biết từ lâu rồi.

Nhưng ôi chao, chỉ khi nhìn vào cách cái thực tại đấy được miêu tả, đặc biệt qua đôi mắt của một kẻ ít nhiều vẫn đang chết tắc trong giai đoạn đầu thập niên 2010, mình mới giật mình nhận ra cuộc đời của chúng ta đã trở nên Sci Fi như thế nào.

Lẽ đương nhiên, ta có cái phần bối cảnh vĩ mô rất hiển nhiên của giai đoạn 1, 2 năm trước. Lúc bấy giờ, một trận đại dịch đang hoành hành khắp nơi, khiến cả thế giới phải tự phong tỏa bản thân lại, và toàn bộ nền kinh tế đâm đầu xuống hố. Đã thế, ta (với “ta” ở đây là dân Mỹ nhé) lại có một vị tổng thống rất gây tranh cãi, với những biểu hiện tham quyền cố vị rất rõ ràng. Khi nghe cách chúng nó được trình bày lại bên trong một câu chuyện hư cấu như thế, mặc dù biết rất rõ chúng nó đã xảy ra rồi, mình vẫn không khỏi cảm thấy khó tin rằng đây lại có thể là thực tại. Chỉ cần sửa đi số năm với tên riêng một tí thì có bảo đây là truyện ngày tàn của nhân loại hay Dystopia bối cảnh tương lai gì đó thì mình hẳn cũng sẽ tin sái cổ luôn chứ chẳng đùa.

Ngay cả cái phần vi mô cũng khiến mình khá choáng. Thứ đầu tiên là cái sự hiện đại trong cuộc sống thời nay. Trông cái cách các nhân vật vác máy tính bảng vào phòng họp thay vì xách theo giấy bút, bàn chuyện các thể loại app giao đồ này kia và việc chuyển dịch sang loại bỏ cửa hàng vật lý, thiết lập server Plex để chia sẻ sách truyện với phim ảnh, cùng đủ thứ hoạt động cực kỳ bình thường của thời đại này mà mình không khỏi thấy mụ cả đầu. Bản thân mình cũng đã/đang làm gần như tất cả những gì họ làm, và thậm chí còn dùng một số dịch vụ họ nêu thẳng tên ra, nhưng chưa lần nào mình thực sự ý thức được là những thứ mình làm nó xa vời và tân tiến đến độ nào so với cái thời 10 năm trước.

Đặc biệt, trong mảng vi mô, mình muốn nhấn vào một tình tiết thế này: trong truyện, nhân vật chính ở trọ cùng một cặp đôi đồng tính, và trong số đó thì có một người còn từng chuyển giới từ nữ sang nam. Mọi thứ được đề cập một cách hết sức thản nhiên, không xoáy mạnh vào nó theo bất cứ hướng nào, và thậm chí còn cả việc những tập tục bất nhã mới như “deadnaming” (tức “nhắc tại tên đã khai tử,” chỉ việc gọi một người đã chuyển giới và sửa lại tên cho phù hợp với giới tính mới bằng cái tên cũ của họ) cũng được đề cập đến dưới dạng một từ vựng hết sức phổ thông.

Tất cả những điều đó khiến mình thực sự thấm thía cái chiều dài của những bước tiến chúng ta đã đạt được. Mới ngày nào, người ta còn dùng “Males, females, androgynes and neuters of the class” để ám chỉ tác phẩm được lấy bối cảnh ở tương lai rất xa, nơi những xu hướng giới tính phi truyền thống và việc chỉnh sửa cơ thể cho hợp với bản chất thực đã trở nên bình thường như cân đường hộp sữa. Vậy mà giờ đây, ngay trong thế giới hiện tại, ta đã có những thứ như vậy được coi như là chuyện đương nhiên ở đời rồi.

Nhớ đâu hồi trước, trong Pirates of the Caribbean, một lão cướp biển từng thở ra một câu thế này để nhấn mạnh sự dị hợm của thực tại trong phim: “You best start believing in ghost stories, Miss Turner, you’re in one.” Giờ mà thay “ghost stories” thành “science fiction stories” thì có lẽ cái câu đấy sẽ hợp với tình cảnh của chúng ta lắm đấy 🐧.



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.