Chuyển đến nội dung chính

Một số sự thật thú vị về A Christmas Carol - tác phẩm Fantasy siêu kinh điển của mọi mùa giáng sinh

 Vì chỉ còn mấy bữa nữa là đến Giáng sinh rồi, thế nên nhiều NXB với các cộng đồng đang bắt đầu share đủ thể loại bài về các cuốn có chủ đề hoặc lấy bối cảnh là dịp lễ đấy. Trong số này thì lẽ đương nhiên, không thể thiếu các bài xoay quanh cái cuốn Fantasy ngụ ngôn kinh điển là A Christmas Carol của Charles Dickens, với đại diện tiêu biểu là cái bài giới thiệu về hoàn cảnh ra đời của truyện do Penguin thực hiện ở bên dưới.

The real story behind Charles’ Dickens A Christmas Carol

Như bài viết có nói, một trong những lý do A Christmas Carol ra đời là vì Dickens bấy giờ đang… đói rã họng. Giai đoạn 1840 là lúc Anh Quốc đang lâm vào cảnh suy thoái kinh tế, chưa kể còn mùa màng thất bát liên tục nữa, thế nên giá nhu yếu phẩm tăng như phi mã. Đặc biệt, Anh khi ấy cũng đang trải qua quá trình công nghiệp hóa hàng loạt, và thiên hạ dồn tụ về các thành phố một cách quá đông đúc, gây khủng hoảng việc làm, và càng khiến tình hình thêm bi đát.

Trong cái bối cảnh ấy, Dickens cũng hết sức lao đao. Mặc dù bấy giờ đã xuất bản được những tác phẩm rất được công chúng yêu thích như Oliver Twist, Nicholas Nickleby, The Old Curiosity Shop và Barnaby Rudge, Dickens lại hơi mạnh mồm tham gia chính trị, khiến các nhà xuất bản ngày càng ngán ngại làm việc với ông. Thêm vào đó, vì The Life and Adventures of Martin Chuzzlewit, tác phẩm mới nhất của ông tính đến thời điểm hiện tại, có doanh số thảm hại kinh khủng, tình hình tài chính của Dickens bắt đầu trở nên nguy ngập. Kết hợp với việc ông có một đứa con thứ năm sắp ra đời, một khoản nợ phải trả, và một người cha cần hỗ trợ giữa một đợt suy thoái, Dickens cuống kinh khủng.

Động lực thì đã có thừa, nhưng tất nhiên viết lách không phải cứ muốn là xong, mà cần có cả cảm hứng nữa. Và “may mắn” thay nguồn cảm hứng đã đến dưới dạng một báo cáo về tình hình lao động trẻ em trong nước. Bản báo cáo ấy khắc họa một bức tranh khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng, thuật lại câu chuyện của những đứa trẻ dù mới bảy tuổi mà lăn lộn tận phân nửa cuộc đời trong các hầm, hoặc những đứa chỉ hơi lớn hơn tí thôi nhưng đã phải làm việc quần quật từ lâu đến mức ngay cả bố chúng nó cũng chẳng nhớ bọn nó đi làm từ khi nào, hoặc những đứa chỉ vừa chập chững biết đi thôi là đã bị lôi xuống hầm mỏ rồi. Báo cáo tác động rất mạnh đến Dickens, bởi bản thân ông từng phải vào nhà máy làm việc hồi mới 12 tuổi để trả nợ cho cha, và ông tính phải viết một cái gì đó giúp thiên hạ ý thức hơn được về số phận khổ sở của mấy đứa trẻ nhà nghèo

Bên cạnh đó, cũng trong giai đoạn này, Dickens ghé thăm một trường học dành cho trẻ em nghèo. Ông thực chất chẳng lạ gì mấy chốn như thế, và trên thực tế còn đã lấy cảm hứng từ chúng để viết Oliver Twist, nhưng chuyến thăm lần này vẫn để lại một ấn tượng mạnh mẽ với Dickens như thường. Trông cảnh một đám trẻ con, chạy từ mới sinh ra cho đến những đứa sắp trưởng thành đến nơi, phải chui rúc trong mấy căn phòng bẩn thỉu, mang bộ dạng bần cùng đến gần như phi tự nhiên so với tầm tuổi của mình mà Dickens chạnh lòng vô cùng, và ông càng đinh ninh cái nghèo đói, sự cứu chuộc và lòng tốt phải là trọng tâm của tác phẩm mình ấp ủ.

Nguồn cảm hứng cuối cùng cho A Christmas Carol là một chuyến đi đến Manchester của Dickens để thăm bà chị Fanny nhà mình. Tại đây, ông được gặp thằng cháu Henry, một đứa trẻ bị khuyết tật và cứ đau yêu liên miên. Trong quãng thời gian lưu lại ở nhà Fanny, ông được tận mắt chứng kiến việc có một đứa con tật nguyền sẽ khiến một gia đình phải đau đầu đến thế nào. Từ đấy, Dickens đã có nốt cảm hứng cuối cùng để xây dựng câu chuyện về sau sẽ chẳng bao giờ vắng bóng trên các kệ sách.

Bài viết còn bàn cả về hành trình cho xuất bản đầy long đong của A Christmas Carol, cũng như doanh thu Dickens thu được từ cuốn đó. Nếu quan tâm anh em vào ngó thử nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.