Chuyển đến nội dung chính

Những vấn đề của các đế chế thiên hà trong Sci Fi

 Cái bài về mấy cuốn Star Wars phiên bản Shakespear hôm qua làm mình nhớ đến một cái clip khá thú vị hồi trước từng xem của channel Quinn’s Idea. Clip bàn về ba vấn đề chính các đế chế thiên hà sẽ phải đối mặt, cũng như cách chúng được thể hiện trong các tác phẩm Sci Fi.


Trong clip, Quinn chỉ ra rằng vấn đề đầu tiên có thể làm lung lay nền móng một đế chế thiên hà là liên lạc. 

Tính đến thời điểm hiện tại, mọi biện pháp liên lạc của loài người, bất kể có nhanh đến đâu, đều có ngưỡng giới hạn là tốc độ ánh sáng. Khi còn ở loanh quanh trên Trái Đất, cái độ trễ đấy sẽ không quá đáng kể. Bất kể có ở đâu trên hành tinh, chúng ta về cơ bản sẽ đều có thể tức thời trò chuyện với nhau, dẫn đến việc quản lý và duy trì sự gắn kết trở nên rất đơn giản.

Nhưng nếu loài người lan rộng ra khắp toàn vũ trụ, định cư trên đủ loại hành tinh khác nhau, câu chuyện sẽ khác đi ngay. Ngay cả nếu ta chỉ định cư loanh quanh trong Thái Dương Hệ, độ trễ trong liên lạc cũng đã trở nên rõ rệt hẳn rồi. Giả dụ, nếu một người Trái Đất muốn liên lạc với người ở Sao Hỏa, đôi bên có khi sẽ phải chờ gần cả chục phút đồng hồ mới nói được với nhau một câu. Nguyên do là tùy vị trí tương đối giữa hai hành tinh, Trái Đất có thể sẽ cách Sao Hỏa tận 22 phút ánh sáng. Thế tức là tính từ khoảnh khắc một tín hiệu từ Trái Đất được gửi đi, có khi phải đến gần 45 phút sau ta mới biết câu trả lời. 

Và nếu chui ra được khỏi hệ Mặt Trời, sự tình sẽ còn bi đát nữa. Lúc này, đế chế ngân hà của chúng ta sẽ gặp phải vấn đề tương tự Đế quốc Anh thời xưa, với các thông điệp có khi phải phóng lê phóng lết cả mấy năm trời. Nếu không có khả năng giao tiếp hiệu quả, hiểm họa sẽ không được biết đến và dập đi nhanh chóng, mệnh lệnh không được thực thi một cách kịp thời, và sẽ cực kỳ khó duy trì một chính phủ thiên hà thống nhất. Xã hội của nhân loại sẽ chỉ là một tập hợp các hành tinh, hoạt động chủ yếu độc lập với nhau.

Một số đế chế ngân hà trong Sci Fi cũng đã động đến vấn đề này. Thường thì giải pháp của chúng nó rất đơn giản: khoa học chết cụ vấn đề là xong. Nói cụ thể hơn, thường chúng nó sẽ chém ra một dạng phát minh hay hiệu ứng nào đó để cho phép thiên hạ tha hồ nói chuyện với nhau thoải mái, sau đó bỏ đi làm những trò khác. Ví dụ như trong Dune, tác giả Frank Herbert đã chém ra một hiện tượng khoa học hư cấu gọi là Hiệu ứng Holtzman. Nó được phát hiện bởi Ibrahim Vaughn Holtzman, và có liên quan đến lực đẩy của các hạt hạ nguyên tử sao đó. Tận dụng hiệu ứng này, các hành tinh thuộc đế chế loài người có thể giao tiếp tức thời với nhau, bất kể xa xôi vạn dặm cỡ nào.

Trong bộ truyện Hyperion Cantos, ta cũng bắt gặp một trường hợp tương tự. Cụ thể, tác giả Dan Simmons cũng bắt chước Herbert và bịa ra một thứ công nghệ có tên là Fatline, cho phép các thế giới khác nhau cùng truy cập tức thời mạng lưới thông tin và liên lạc mang tên All Thing (về cơ bản là một dạng Internet tiên tiến) một khi đã thiết lập được cơ sở hạ tầng công nghệ phù hợp. Vì Fatline do một lực lượng AI mang tên TechnoCore ban tặng cho nhân loại, và chỉ lũ AI đấy mới hiểu cơ chế hoạt động chính xác của nó, thế nên công nghệ này cũng có cơ chế nền tảng mơ hồ chẳng kém gì Hiệu ứng Holtzman.

Mặc dù không có đế chế loài người nào, series Tam Thể của Lưu Từ Hân cũng góp ý tưởng giải quyết vấn đề liên lạc và truyền tin ở khoảng cách xa. Không như Dune với Hyperion, Lưu Từ Hân không chém tung nóc nhà, mà ông anh sử dụng một nền tảng khoa học thật, ấy là hiện tượng rối lượng tử. Nếu một nhóm hạt vật chất bị rối lượng tử với nhau, chúng sẽ hình thành một liên kết rất chặt chẽ về trạng thái lượng tử. Chỉ cần mô tả trạng thái lượng tử của một thằng trong nhóm đấy (chẳng hạn xác định vị trí, xung lượng, vòng xoay của nó) là tất cả những thằng khác trong nhóm cũng sẽ bị mô tả luôn, bất kể các hạt đó có cách xa nhau đến cỡ nào. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy nó sẽ giúp thông tin truyền đi với vận tốc nhanh hơn ánh sáng, nhưng tất nhiên, thanh niên Lưu vẫn phóng đại khả năng của nó lên một tí để những bên ở đủ mọi xó xỉnh xa xôi trong vũ trụ đều liên hệ tức thì được với nhau.

Vấn đề tiếp theo clip đề cập đến là di chuyển vật lý, bao gồm chuyên chở người lẫn hàng hóa đi nơi này nơi kia.

Tương tự như với liên lạc, di chuyển là một yếu tố tối quan trọng trong xã hội thiên hà, và nó cũng bị ảnh hưởng bởi khoảng cách bạt ngàn giữa các hành tinh trong vũ trụ. Nếu con người ta không thể du hành giữa các vùng lãnh thổ của đế chế trong một khoảng thời gian hợp lý, sẽ chẳng đời nào nhân loại hình thành được một nền văn hóa liên hành tinh nào hết.

Bên cạnh đó, vì mỗi hành tinh sẽ sở hữu một thế mạnh về tài nguyên và vật phẩm riêng, thiên hạ sẽ càng cần đi lại suôn sẻ để còn trao đổi buôn bán với nhau. Mạnh ai nấy biết thì may mắn nhất là cả đế chế sẽ giậm chân tại chỗ, không phát triển được. Nghiêm trọng nhất thì sẽ lại tan đàn xẻ nghé tiếp, vì mức phát triển sẽ lệch nhau, và những thằng giàu sẽ không thích phải gánh thằng nghèo, và sẽ tìm cách tách ra đứng một mình.

Đế chế của nhân loại trong Hyperion Cantos giải quyết vấn đề di chuyển này bằng cách thiết lập các cổng Farcaster. Đây tương tự cổng thần kỳ trong Đôrêmon, bước qua phát là auto nhảy thẳng sang các hành tinh xa xôi ngay. Vấn đề là cũng như với Fatline, các cổng này cần được xây dựng trên từng hành tinh một. Với những nơi chưa được xây cổng Farcaster, thiên hạ sẽ phải di chuyển thông qua tàu bè bình thường.

Đáng chú ý là dù tàu của đế chế loài người trong Hyperion Cantos có thể di chuyển với vận tốc cực cao, cho phép người ta ghé thăm các hành tinh xa với thời gian chủ quan không đến nỗi lâu, nhưng ảnh hưởng của thuyết tương đối (phóng càng cao thì thời gian trôi đi càng chậm) sẽ khiến những người di chuyển kiểu này mắc “nợ thời gian.” Vài ngày với những người trên tàu có thể bằng mấy năm đối với thế giới bên ngoài, thế nên khi đến đích, họ thường sẽ thấy mọi thứ đổi thay rất nhiều. Điều này tạo động lực cho các thế giới muốn gia nhập đế chế để bên đế chế còn cử người đến lắp cổng Farcaster cho.

Trong Dune thì một lần nữa, mọi thứ được giải quyết bởi Hiệu ứng Holtzman thần thánh. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ cho phép tàu bè của Dune “gập” không gian thời gian lại thôi, chứ việc né tránh chướng ngại trên đường thì không. Nếu cứ nhắm mắt phóng bừa thì rất dễ xảy ra tai nạn. Đúng lý ra, nó có máy tính trợ giúp thì đế chế của Dune cũng sẽ hoạch định được tuyến đường di chuyển an toàn đấy, nhưng khốn nạn là loài người từng có thời bị các siêu máy tính đô hộ, dẫn đến việc thiên hạ đã trở nên vô cùng bất tín mọi thứ máy móc có khả năng tính toán suy nghĩ, và thậm chí còn đã cấm tiệt việc chế tạo và sử dụng chúng. Điều này khiến cho việc di chuyển giữa các hành tinh thuộc đế chế khó khăn vô cùng, và cả đế chế rơi vào tình trạng suy tàn.

May mắn là về sau người ta mò ra cái món cứt giun mang tên Spice Melange, cho phép nhìn thấu tương lai, và một bên tên là Spacing Guild đã tận dụng nó để giúp việc di chuyển liên hành tinh trở nên an toàn như trước. Sự xuất hiện của Spacing Guild gần như một tay vực dậy nền kinh tế của đế chế, tới mức lịch chung của cả vũ trụ còn đã được điều chỉnh lại. Mốc Guild thành lập làm năm khởi đầu của một kỷ nguyên mới, gọi là AG (After Guild), còn thời kỳ trước khi Guild thành lập thì được biết đến dưới cái tên BG (Before Guild), cho thấy thông thương đi lại mang ý nghĩa sống còn thế nào đến vận mệnh đế chế.

Cái vấn đề cuối cùng mà clip đề cập đến là thứ đau đầu nhất, đồng thời cũng khó giải quyết bằng công nghệ như hai thằng trên. Đấy chính là hệ thống quản lý.

Mô hình quản lý truyền thống của nhân loại thường mang dạng hình kim tự tháp, với quyền lực tập trung vào một cá nhân hoặc khối cá nhân nhỏ duy nhất trên đỉnh. Vấn đề là với cái mô hình này, để đảm bảo tầm kiểm soát của phần đỉnh vươn được đến tít mọi ngả của đế chế, càng lúc bộ máy chính quyền của nó sẽ càng phình tướng ra, dẫn đến việc đế chế phải còng hết lưng chỉ để duy trì bộ máy đấy. Của nả khắp nơi sẽ bị vơ vét ngày một nhiều, dồn đổ hết về trung tâm, và không sớm thì muộn cũng sẽ đến lúc nó vượt quá ngưỡng chịu đựng của dân, dẫn đến đủ thứ chuyện loạn lạc.

Thêm nữa, một hệ thống “nặng đỉnh” thế này sẽ khó phản ứng được trước các thay đổi đến từ cả trong lẫn ngoài, trong khi bản thân cái sự rộng lớn của đế chế đã đồng nghĩa với việc có sẽ có muôn vàn biến số đủ thể loại phải xử lý rồi. Nếu khiên cưỡng áp đặt những công thức chung nhất cho các biến này, đế chế có thể sẽ gây bất mãn và tự gieo mầm nổi loạn. Nếu ngó lơ một số biến hoặc đổi phương pháp quá khác biệt cho từng nơi, đế chế sẽ tự đập vỡ khối thống nhất của bản thân, có thể sẽ gây hiềm khích/tị nạnh giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ vì bên này nghĩ bên kia được “cưng” hơn mình. Hoặc có thể nó chỉ đơn thuần khiến cho một số nơi trở nên tách biệt hẳn với đế chế, và hình thành một bản sắc riêng, từ đó không còn lý do gì để bám vào đế chế cũ nữa.

Trong series Foundation của Isaac Asimov, cái hệ thống quản lý đấy chính là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc đế chế loài người sụp đổ và rơi vào kỷ nguyên tăm tối. Truyện chỉ ra rằng đây là một mô hình cực kỳ thiếu linh hoạt, và vì cồng kềnh quá mà sẽ phải buông lơi dần những thứ ngoài rìa, cho đến khi bản thân bị cắt xẻ đến mức chỉ còn là một cái bóng. Mô hình liên bang với quyền lực dàn trải được coi là dẻo dai hơn, giúp xã hội nhân loại bền bỉ hơn trước.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là Foundation lại ngầm công nhận tính bất khả kháng của một đế chế với quyền lực tập trung. Chính truyện đã nói một đế chế mới tất yếu sẽ trỗi dậy từ tro tàn của đế chế hồi trước, hợp nhất nhân loại lại. Quan trọng chỉ là nó xảy ra trong nhiều ngàn năm hay một ngàn năm mà thôi. Kể cả có sử dụng mô hình quản lý liên bang dẻo dai kia, đế chế mới cũng chịu sự điều khiển của một chính quyền trung ương, và bản thân cái chính quyền này lại bị chi phối bởi một hội nhóm bí mật rất nhỏ đằng sau nữa. Bề ngoài thì nó có vẻ khác, nhưng đây cũng khá tương đồng với mô hình đế chế cũ.

Dune cũng cảnh báo về việc để quyền lực tập trung về một chỗ, cho thấy nó sẽ khiến những hệ lụy tiêu cực nảy sinh từ hành động của bên nắm quyền có tiềm năng bị nhân lên trầm trọng gấp bội phần. Tuy nhiên, cũng như Foundation, series vẫn thừa nhận sự bất khả kháng của việc quyền lực dần hội tụ về một mối. Điều này gián tiếp được thể hiện qua cách mấy ngàn năm trong tương lai, con người đã quay về với mô hình phong kiến. Thậm chí, nó còn được thể hiện trực tiếp hơn qua lời răn của các Bene Gesserit, bảo rằng từ trước đến nay, mọi hình thức chính quyền đều trở thành hình thức một tầng lớp thống trị nhỏ quản lý số đông. Việc nó mang dạng hoàng tộc cha truyền con nối, các trùm sò tài chính, một bộ máy nhà nước quan liêu chỉ là cái mã ngoài, còn bản chất giống nhau cả.

Tính tất yếu trong việc quyền lực bị tập trung cũng là một điểm khá sát thực. Trong suốt chiều dài lịch sử loài người, ta liên tục thấy mỗi khi quyền lực bị bổ nhỏ ra, nó cứ dần dần hoặc nhích sát vào với nhau một cách tự nhiên, hoặc bị cưỡng ép phải nhích vào cho đến khi ta có một khối thống nhất trong tay một bộ phận nhỏ. Ví dụ như La Mã bỏ mô hình quân chủ để theo mô hình cộng hòa, nhưng dần dần bị lục đục chính trị và tham vọng cá nhân khiến cho quyền lực dần gom hết về một mối và trở thành một đế chế đúng nghĩa. Sau khi La Mã sụp đổ thì ta có cả đống tiểu quốc và vùng tự trị mọc lên, với quyền lực dàn trải khắp nơi, nhưng cũng dần bị gom thành những cụm lớn với quyền lực rơi vào tay một nhóm nhỏ. Đến cả trong thế giới hiện đại ngày nay, ta cũng có thể thấy điều ấy dưới dạng các đại gia công nghệ như Mắc Xoăn với Dép Trọc nuốt chửng mọi đối thủ và thậm chí còn ngày một nắm trong tay nhiều quyền ảnh hưởng với chính giới.

Điều tương tự có lẽ cũng sẽ xảy ra khi loài người hình thành các xã hội liên hành tinh. Không phải mọi hành tinh hay hệ thống sao đều sinh ra bình đẳng, cũng như cả bản thân những con người cai trị nơi đó nữa. Điều này dẫn đến việc theo thời gian, một số sẽ trội hơn những thằng khác. Nếu để bọn này độc lập với nhau thì không nói làm gì, nhưng nếu kết nối chúng nó lại với nhau, cho phép thông tin, hàng hóa, con người,… có thể “chảy” từ nơi này sang nơi khác một cách dễ dàng, thì lúc đấy quyền lực sẽ tự động tuột khỏi những nơi yếu kém và trôi về những nơi mạnh nhất. Dần dần, quyền lực sẽ nằm trọn trong tay một nhóm nhỏ, có quyền hành chi phối nguyên một vùng lãnh thổ bao la. Đây không phải là đế chế với mô hình quyền lực kim tự tháp thì là cái gì nữa?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.