Chuyển đến nội dung chính

Sự tuyệt vọng của một đoạn trích trong Khu Rừng Đen Tối, và hai "câu đối" thú vị dành cho nó

 Hôm trước vừa mới thấy Lưu Từ Hân tự nhiên bị réo tên xong, nay lên lướt Reddit lại vớ được một cái thớt cũng khởi sinh từ bro này. Trùng hợp phết 🐧.


Cụ thể thì đâu tầm hôm qua, một thanh niên đã lập thớt trên r/books, một dạng forum chuyên về sách truyện, để bàn về Khu Rừng Đen Tối (cuốn thứ 2 trong series Tam Thể). Trong thớt đó, bro này trích ra một đoạn trò chuyện giữa hai sĩ quan trên Chọn Lọc Tự Nhiên, một con tàu vũ trụ đã đào ngũ trước thềm Trái Đất bị xâm lăng, và nay đã trốn vào không gian sâu. Tại thời điểm được nhắc đến, cả con tàu như chìm trong một bầu không khí cực kỳ u uất, sầu thảm. Nguyên do là đây là lần đầu tiên một nhóm người thực sự bị cắt đứt hoàn toàn khỏi Trái Đất, không chỉ đơn thuần vì họ đã quyết định dứt áo bỏ đi, mà vì Trái Đất đang sắp sửa diệt vong hoàn toàn. Sẽ không còn Trái Đất nào nữa, và điều này khiến tất thảy đều trở nên suy sụp tinh thần nghiêm trọng.

Bạn chủ thớt nhìn chung rất tâm đắc với cái đoạn đấy, căn bản bởi vì bản thân ông anh hiện cũng đang trải qua một sự trầm uất tương tự. Sở dĩ thanh niên bị như vậy vì đã dành thời gian tìm hiểu quá sâu về tuyệt chủng Holocen (một cuộc tuyệt chủng có khả năng là do sự bùng nổ dân số loài người hiện đại gây ra), sự sụp đổ của sinh thái, chứng kiến cách cả xã hội nhìn chung cứ bị ngự trị bởi bạo lực, áp bức, tư tưởng duy vật,… dẫn đến việc hình thành một cái nhìn rất bi quan về thế giới. Nói như thanh niên đó thì, “Tôi đã mất hết hy vọng vào nhân loại, tôi thực sự tin rằng chúng ta đã vô vọng rồi. Liệu tôi có thể giải cứu mình khỏi quan niệm về thực tại của bản thân không đây, trong khi tôi không cách nào thoát khỏi hay thay đổi được thực tại?”

Hầu hết các phản hồi trong thớt này đều xoay quanh cái câu hỏi mà thanh niên chủ thớt đã đưa ra, với thiên hạ chủ yếu bảo thanh niên đang ủ dột hơi quá đà. Một số thì chỉ trích cái chủ nghĩa tuyệt vọng mà ông anh tin vào, một số khác thì đưa ra các hoạt động thanh niên nên thử làm để vực dậy tinh thần. Cũng có những người bày tỏ sự đồng cảm với thanh niên đó, bảo rằng bản thân cũng thấy hoặc tỏ ý muốn đọc thử Khu Rừng Tăm Tối vì nó nghe hợp gu; và có những người phê phán những người đã gạt bỏ mối quan ngại của chủ thớt, bảo rằng họ đang xem nhẹ những vấn đề mang tính hệ thống nghiêm trọng. Toàn bộ cuộc bàn luận có thể được tham khảo ở đây, anh em nào muốn theo dõi có thể vào ngó qua nhé: https://www.reddit.com/r/books/comments/zudg9b/this_is_an_excerpt_from_cixin_lius_book_the_dark/.

Đáng chú ý là trong số các lời đáp của cái thớt đấy, có hai bình luận thu hút mình hơn cả. Lời bình thứ nhất trích The Man in the Maze, một cuốn tiểu thuyết hồi năm 1968 của Robert Silverberg, xoay quanh việc nhân loại phải thuyết phục một nhà ngoại giao vốn đã trở nên bất mãn với đời ra tay cứu giúp Trái Đất. Đoạn trích đó có nội dung thế này:

“Không,” Rawlins khăng khăng. Anh khó chịu cựa quậy trên ghế. “Bây giờ tôi sẽ nói một điều thực sự khiến ông bị chạm nọc đây này, Dick. Tôi xin lỗi, nhưng tôi phải nói thôi. Ba cái mớ ông đang phun ra cho tôi nghe rặt toàn những điều tôi từng nghe suốt hồi còn mài mông trên giảng đường đại học. Cái tư tưởng chua chát của đám sinh viên năm hai. Anh bảo thế giới thật đáng khinh. Xấu xa, xấu xa, xấu xa. Anh đã nhìn thấy bản chất đích thực của loài người, và anh không muốn dính líu gì đến loài người nữa. Hồi mười tám tuổi, ai chẳng nói thế. Nhưng đó chỉ là một giai đoạn nhất thời. Ta vượt qua những bối rối của tuổi mười tám, và ta nhận thấy rằng thế giới là một nơi kể ra cũng khá tốt đẹp, rằng mọi người đều cố hết sức mình, rằng chúng ta không hoàn hảo nhưng cũng chẳng phải hạng đáng ghê tởm…”

“Một đứa mười tám tuổi ranh không có quyền sở hữu những quan điểm như thế. Tôi thì có. Lòng căm ghét của tôi là nhờ lao lực mới có được đấy.”

“Nhưng cứ khư khư giữ lấy chúng để làm gì cơ chứ? Anh như đang tự hào về sự đau khổ của chính mình vậy. Hãy thoát ra đi! Hãy rũ bỏ chúng đi! Hãy quay trở lại Trái Đất với chúng tôi và quên đi quá khứ. Hoặc ít nhất là hãy tha thứ cho nó.”

Lời bình thứ hai thì không đến từ một tác phẩm văn học, mà là từ một bài diễn văn do Ursula K. Le Guin, một đại văn hào SFF, phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2014, khi bà vinh dự được Neil Gaiman thay mặt Quỹ Sách Quốc gia trao tặng huân chương cống hiến trọn đời. Đoạn trích có nội dung như sau:

“Sách không chỉ là hàng hóa; động cơ lợi nhuận thường mâu thuẫn với mục đích của nghệ thuật. Chúng ta đang sống trong chủ nghĩa tư bản, một chế độ với sức mạnh dường như vô phương né tránh – nhưng xét cho cùng, quyền lực thiêng liêng của các bậc đế vương cũng từng trông có vẻ giống như vậy mà. Mọi quyền lực của con người đều có thể bị chống lại và thay đổi bởi chính con người. Sự kháng cự và thay đổi thường khởi nguồn từ trong nghệ thuật. Và rất thường xuyên, nó khởi nguồn từ trong cái mảng nghệ thuật của chúng ta, nghệ thuật ngôn từ.”


Mặc dù hai cái đoạn trích này không hẳn là một lời đáp hoàn hảo cho những mối lo ngại của chủ thớt (đoạn trích trong The Man in the Maze thì gạt phắt sự bi quan đi mà không nhìn vào những cái lý lẽ có cơ sở của nó, còn cái bài diễn văn của Le Guin thì tùy cách diễn giải mà có khi còn là một lời ủng hộ cho Khu Rừng Đen Tối chứ chẳng đùa), chúng nó về cơ bản vẫn là hai “câu đối” (đoạn đối?) rất thú vị cho cái mẩu trích Khu Rừng Đen Tối đã được chủ thớt dẫn ra ở trên, đồng thời cũng là những cách rất hay để giới thiệu thiên hạ đến với hai tác giả từng một thời làm mưa làm gió trong làng SFF. Nếu anh em mà đang thấy thiếu truyện đọc, hãy thử ngó qua các tác phẩm của hai con người này nhé.

Và tiện thể thì trong trường hợp có anh em nào tò mò, mọi người có thể đọc full toàn bộ bài diễn văn của Le Guin ở đây nhé: https://www.theguardian.com/books/2014/nov/20/ursula-k-le-guin-national-book-awards-speech. Nếu muốn nghe bà cụ trực tiếp phát biểu, mọi người có thể tham khảo cái clip này:


Và tình cờ thì Le Guin từng có một mẩu truyện ngắn rất nổi tiếng, đá đểu cái sự bi quan của xã hội, ấy là The Ones Who Walk Away from Omelas. Mình từng có một bài phân tích rất rõ cái khía cạnh chỉ trích của mẩu truyện đó trong group rồi, anh em nào quan tâm có thể tham khảo bài đó ở đây (mặc dù rất khuyên là mọi người hãy đọc The Ones Who Walk Away from Omelas trước khi đọc bài này nhé, không thì phí của trời kinh khủng đấy): https://scifivietnam.blogspot.com/2022/11/cai-bai-review-ve-ones-who-walk-away.html.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.