Chuyển đến nội dung chính

Children of Time và vấn đề tương thích trong giao tiếp liên chủng loài

 Vừa nhắc đến Children of Time trong cái bài về series Kiến của Bernard Werber cách đây mấy bữa xong, ngay hôm nay lại vớ được cái clip này của Tim bên Hello Future Me. Trùng hợp phết.


Trong trường hợp anh em nào chưa biết, Children of Time là một cuốn Hard Sci Fi do Adrian Tchaikovsky sáng tác, xuất bản hồi năm 2015. Truyện lấy bối cảnh là tương lai xa, khi loài người đang trong quá trình triển khai các dự án địa khai hóa những hành tinh lạ để trở thành thuộc địa mới. Trong số đấy, có một dự án do một nhà khoa học tên Tiến sĩ Avrana Kern đứng đầu. Bà này thực ra mắc phức cảm Chúa Trời nặng, ngấm ngầm muốn tạo ra một chủng loài mới toanh trên cái hành tinh mình được giao phó và dìu dắt chúng nó, chứ chẳng thiết tha gì tạo nhà cho loài người cả.

Để thỏa mãn cái ham muốn ấy, bà này dự tính sẽ quẳng một đám khỉ xuống dưới bề mặt hành tinh, sau đó phát tán một chủng virút nano giúp đẩy nhanh quá trình tiến hóa của lũ khỉ. Rốt cuộc thì bà ta về cơ bản cũng đã triển khai được kế hoạch đấy. Lũ khỉ của bà ta đã được cho lên tàu phóng xuống hành tinh lạ kia, và đám virút của bà ta cũng được rải xuống nốt.

Nhưng khốn nạn là lũ khỉ lại chết hết trên đường bay, và chỉ có bọn virút là xuống được đến nơi.

Ở dưới hành tinh đấy, vì không có bọn khỉ để nhiễm nữa, lũ virút lây bừa cho loài tương thích đầu tiên chúng tìm được. Tình cờ thì thứ chúng lây vào lại là một thứ không hề giống với bọn khỉ tí nào: nhện.

Và thế là, với sự trợ giúp của “Đức Chúa” Kern, một nền văn minh mới đã trỗi dậy trên hành tinh này. Trong hàng nghìn năm sau đó, lũ nhện dần phát triển ý thức, sau đó tụ tập và hình thành các xã hội nông nghiệp đơn sơ, hình thành tôn giáo và phát triển các tập tục hết sức quái dị, phát động các cuộc chiến tranh tàn khốc, trải qua những cuộc cách mạng công nghiệp, đạt được những đột phá về công nghệ, và dần trở thành một giống loài có thể nói là ngang ngửa loài người.

Và chính từ cái tiền đề ấy, ta có cái clip này, mượn lũ nhện của Children of Time để bàn về một rào cản hết sức khó nhằn đối với công cuộc giao tiếp với nền văn minh ngoài hành tinh: sự phi tương thích giữa hai chủng loài lạ.

Nói đến đoạn này, hẳn phần đông anh em sẽ hình dung ra cảnh mỗi bên nói một thứ tiếng khác nhau, và có những hiểu nhầm về văn hóa này nọ. Hoặc, để ví dụ cho nôm na hơn, mọi người chắc đại loại đang hình dung ra cảnh một ông người Ý múa tay xì xồ với một bà người Nhật để hỏi đường, trong khi bà kia chỉ biết nghệt mặt ra và trệu trạo bảo “Mii no supiiku Ingurisshu!” Nhưng khốn nạn là vụ này về bản chất lại không hẳn giống y như thế. Hai con người dù có mù tịt về ngôn ngữ và văn hóa của nhau thì vẫn cứ là cùng một loài với nhau, có chung cái quá trình tiến hóa với nhau, và biết sẽ phải giao tiếp thông qua điệu bộ và lời nói. Đám người ngoài hành tinh thì dễ chừng sẽ tiến hóa theo một hướng khác hẳn với ta, và có những phương thức giao tiếp dị hợm đến mức chúng ta thậm chí còn không thể hiểu nổi họ giao tiếp bằng công cụ nào, và ngược lại thì bọn họ cũng chẳng hiểu mấy cái múa may và ngoác ngoác một lỗ thịt trên đầu của chúng ta là hành động gì.

Children of Time thể hiện cái vấn đề ấy bằng một khung cảnh rất lạnh gáy. Trong lúc bọn nhện đã phát triển được đến một mức tương đối thông minh, có một toán con người đặt chân đến hành tinh của chúng nó, và một người đã bị bọn nó bắt về để nghiên cứu. Con người tù nhân đấy liên tục tìm cách nói chuyện với lũ nhện, nhưng tất cả những gì người này nhận được là một sự câm lặng. Lũ nhện chỉ lầm lì nhìn người này, và phớt lờ mọi lời cầu xin tuyệt vọng của con người ấy. Tại sao lũ nhện lại có thể vô nhân, à đâu, vô nhện tính đến thế? Vì chúng nó ác độc ư? Vì chúng nó không quan tâm đến những kẻ không thuộc cùng chủng loài với mình ư?

Tất nhiên là không rồi.

Lũ nhện không hề ác, không hề vô tâm gì cả. Chúng nó chỉ đơn thuần không hiểu những việc con người kia đang làm là giao tiếp với chúng nó. Bọn nó thậm chí còn không hề có cái khái niệm “nghe” theo cách con người định nghĩa. Chúng nó là nhện, thế nên bọn nó không có thính giác. Bọn nó giao tiếp bằng rung động, bằng cách giậm chân xuống đất hoặc kéo kéo mạng của nhau, và cảm nhận những rung động đấy chính là sự “nghe” của chúng nó, và chúng nó chỉ chăm chăm tìm kiếm các rung động tương tự ở con người, cũng như giao tiếp với con người bằng rung động. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực của lũ nhện, kia con người cứ “câm như hến” đối với chúng nó, không chịu giao tiếp gì với bọn nó cả.

Về sau, người đó rốt cuộc cũng hiểu ra rằng lũ nhện giao tiếp bằng rung động, và đã thử học cách múa may ngón tay để giao tiếp với chúng nó. Nhưng đến tận mấy năm sau, con người này cùng lắm chỉ có thể hỏi gõ ra được một câu xin nước uống, chứ không thể giao tiếp được gì hơn, và rốt cuộc chết khô trong cái hốc tăm tối, nơi mình bị lũ nhện giam giữ.

Từ đây, Tim mở rộng ra suy ngẫm về sự hạn chế của cái thế giới quan giữa các loài. Ngay cả nếu chỉ so với rất nhiều loài động vật trên chính Trái Đất này thôi, nhân loại cũng đã có một cách nhìn đời hết sức hạn hẹp rồi. Ta chỉ có thể nhìn thấy một dải nhỏ trong quang phổ ánh sáng khả dĩ, chỉ nghe thấy được âm thanh trong dải tần số ngắn, chỉ ngửi được mùi ở một mức nói trắng ra là cực kỳ thô sơ, và đấy là còn chưa kể việc ta không thể cảm nhận được những thứ như từ trường hoặc điện trường đấy nhé. Và ở chiều ngược lại, ta cũng có hàng loạt loài không thể cảm nhận được thế giới theo cái kiểu phong phú như con người. Có những loài chỉ nhìn được một lượng màu thấp hơn hẳn con người, chỉ đủ sức nhìn ra một lượng chi tiết rất nhạt nhòa, hay thậm chí còn chẳng thể nhìn được gì cả; có những loài xúc giác rất hạn chế, không thể phân biệt được các bề mặt thô sần với trơn láng ở mức tinh tế như người; và như đã nói với lũ nhện ở trên đấy, có những loài thậm chí còn chẳng có khái niệm về âm thanh, chứ đừng nói là biết nghe là gì.

Và từ đó, Tim rút ra một kết luận đáng giật mình: rất có khả năng chúng ta đã nhận được thông điệp từ ngoài vũ trụ, nhưng ta chỉ đơn thuần không hề hay biết đến sự tồn tại của nó, bởi vì nó hoặc nằm ngoài những ngưỡng ghi nhận ta theo dõi, hoặc chỉ có thể được diễn giải nếu ta sở hữu những giác quan quái chiêu nào đó. Vũ trụ ngoài kia có thể rất sôi động, nhưng chúng ta lại như một anh chàng vừa mù vừa điếc ngồi trong rạp chiếu phim, chẳng ý thức được gì về những chuyện đang xảy ra.

Ngoài phần này ra thì clip còn động đến một khía cạnh khác trong việc tương tác với nền văn minh ngoài hành tinh được thể hiện qua lũ nhện của Children of Time, ấy là liệu ta có thể gạt bỏ định kiến khi tiếp xúc với những thực thể đã vô tình bị tạo hóa phú cho một diện mạo và những tập tục khơi dậy một sự ghê tởm mang tính bản năng hay không. Clip cũng bàn cả về cách hành trình phát triển của lũ nhện trong câu chuyện này được đặt cạnh tiến trình thoái/tiến hóa của xã hội loài người, và đề ra câu hỏi liệu cái thứ chúng ta coi là “chất người” có chỉ đơn thuần là một chướng ngại đối với việc thấu hiểu và đồng cảm với những giống loài khác hay không. Clip còn lồng ghép cả một số đoạn phỏng vấn do Tim thực hiện với chính Adrian Tchaikovsky, tác giả của Children of Time, giải thích cái mạch lôgic của ông anh lúc viết lên tác phẩm cũng như chia sẻ những dụng ý của bản thân đối với lũ nhện. Nếu quan tâm anh em hay xem clip nhé.

Và tiện thể thì cái cuộc phỏng vấn với Adrian đã được Tim upload lên một kênh phụ là TwotheFuture. Nếu muốn nghe Adrian chia sẻ đầy đủ hơn thì anh em có thể tham khảo ở đây nhé:



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.