Chuyển đến nội dung chính

Dáng hình tiềm tàng của khủng long nếu chúng chưa bao giờ tuyệt chủng

 Chắc vì mấy bữa nay chém hơi nhiều về The Kaiju Preservation Society, một quyển đú theo Jurassic Park, thành thử mình đã được đệ nhà thằng xoăn đẩy lên feed một bài viết khá thú vị của Nicholas R. Longrich, giảng viên khoa Cổ sinh vật học và Sinh học tiến hóa tại Đại học Bath. Bài viết xoay quanh việc nếu khủng long không tuyệt chủng thì chúng nó ngày nay trông sẽ ra sao, và liệu có tiến hóa được thành một chủng loài thông minh biết sử dụng công cụ không.

What Would Dinosaurs Look Like Today If They Never Went Extinct?

Theo như bài có nói, vào thập niên 1980, nhà cổ sinh vật học Dale Russell từng đề xuất một thí nghiệm tư tưởng rằng một số dòng khủng long chân thú có thể sẽ tiến hóa thành những loài có bộ não lớn, biết đứng thẳng, và có ngón cái tẽ nếu chúng không bao giờ tuyệt chủng. Chủng người khủng long này được ông gọi là Mark Zuckerb…, à nhầm, “dinosauroid,” và hình hài của chúng trông như cái ảnh preview của bài này. Anh em nào muốn tìm hiểu thêm về nó thì có thể tham khảo một nghiên cứu bàn về chủng loài này ở đây: https://cdnsciencepub.com/doi/10.1139/cjes-2020-0172.

Tuy nhiên, theo lời Longrich, khả năng điều ấy xảy ra rất thấp, chủ yếu vì cái xuất phát điểm của bọn này. Lũ khủng long nhìn chung dồn toàn lực vào việc phát triển một cơ thể lớn ngoại cỡ. Mấy thằng ăn cỏ hiền hiền như Brontosaurus thì nặng tầm 30-50 tấn, và chiều dài cơ thể dài tới 30 mét (nặng gấp mười lần trọng lượng của một con voi và dài bằng một con cá voi xanh). Mấy thằng ăn thịt cũng tiến hóa theo cái hướng đấy nốt, với những thằng như T-Rex nặng ngót nghét cũng phải chục tấn.

Nhưng mà các cụ đã nói rồi đấy: ngu si tứ chi phát triển.

Cụ thể hơn, não bọn khủng long không có phát triển tương xứng. Bằng chứng hóa thạch quả là cũng cho thấy kích thước não chúng nó tăng theo thời gian đấy, nhưng tỉ lệ tăng rất thấp so với cách cơ thể bọn nó phình ra. Tỉ dụ, sang đến cuối kỷ Phấn trắng, đã có vài con khủng long phát triển được não to hơn tí so với kỷ Jura (80 triệu năm trước kỷ Phấn trắng), chẳng hạn T-Rex, nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Não T-Tex vẫn chỉ nặng tầm 400 gram, trong khi so với nó, não con người trung bình nặng 1,3 kg. 

Dẫu vậy, không phải là bọn nó không khôn lên theo thời gian. Bằng chứng khảo cổ cho thấy bọn này xem chừng có đời sống xã hội ngày càng phức tạp. Chúng bắt đầu sống thành đàn và mọc ra những chiếc sừng tinh xảo, vừa để chiến đấu, vừa để khoe nhau. Tuy nhiên, theo như những bằng chứng ta có về lịch sử tiến hóa của khủng long, chúng sẽ chẳng tiến hóa thành thiên tài hay bất cứ điều gì tương tự cả, ngay cả nếu không ăn nguyên con tiểu hành tinh vào mồm. Trên thực tế, ta ít nhiều có thể kiểm chứng điều này dựa trên một số hậu duệ còn tồn lại của khủng long ngày nay, bao giờ một số loài chim như quạ và vẹt. Đám này cũng có bộ não khá phức tạp, biết sử dụng công cụ, có thể giao tiếp trong loài và thậm chí ngoài loài, với một số trường hợp còn biết đếm hay hiểu được khái niệm trừu tượng nữa. Nhưng chúng nó chỉ dừng ở đấy thôi, không đi xa hơn được. 

Thêm vào đó, việc một chủng loài có thể trở nên khôn ngoan đến mức xây dựng được một nền văn minh, kể cả nếu chủng loài đó không phải là khủng long đi chăng nữa, vốn dĩ cũng cực kỳ nhỏ. Longrich chỉ vào linh trưởng, cái loài đã tiến hóa thành chúng ta ngày nay. Bọn này có kiểu tiến hóa ngược với khủng long, người không to lên (hay ít nhất là không to lên đến kiểu vật vã như khủng long) mà não thì cứ to dần đều, và hành vi cũng trở nên phức tạp hơn. Nhưng điều này không hề đảm bảo chúng nó sẽ trở nên thông minh theo cái kiểu của chúng ta. Ở Nam Mỹ từng xuất hiện khỉ từ hơn 35 triệu năm trước, nhưng chúng nó chỉ tiến hóa thành nhiều loài khỉ khác. Nếu nhìn lên Bắc Mỹ thì ta còn thấy thú vị nữa, vì bọn khỉ ít nhất đã có ba lần riêng biệt đặt chân đến đây (55 triệu năm trước, 50 triệu năm trước, và 20 triệu năm trước), nhưng cũng chỉ tiếp tục phân ra thành các loài khỉ khác thôi, chứ không hơn được.

Trong khi ấy, ở Châu Phi, vì một lý do gì đấy, tự nhiên lại tòi ra vượn người, và 7 triệu năm sau thì loài người hiện đại xuất hiện. Đến nay, ta vẫn chưa thể nói chắc nịch được thứ gì đã thúc đẩy sự tiến hóa của loài vượn thành một chủng có não lớn, biết sử dụng công cụ như thế. Nó chắc là một tổ hợp của nhiều yếu tố, bao gồm hệ động vật, thực vật, môi trường tự nhiên, không gian địa lý, ngẫu nhiên thuần túy, và ai biết đâu được đấy, có khi còn cả một tảng đá nguyên khối đen sì nào đó từ trên trời rơi xuống nữa.

Nếu đến cả một chủng loài có xu hướng tiến hóa đầy thuận lợi cho việc trở thành chủng tộc thông minh mà còn chưa chắc đã có thể xây được nền văn minh như ngày nay, thì cơ hội nào cho đám thằn lằn quá khổ kia đây? Nếu có sống tiếp được đến ngày nay, khả năng cao chúng nó cũng sẽ chẳng khác mấy cái phiên bản cũ của mình từ mấy triệu năm trước thôi.

Mặc dù tất nhiên, Mắc Xoăn là trường hợp ngoại lệ nhé 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.