Chuyển đến nội dung chính

Một khía cạnh ít người nhắc đến trong cuộc chiến với AI của giới họa sĩ

 Bữa nay mình vừa mới bắt được một bài trên io9, bàn về đúng cái vụ bìa Fractal Noise của Christopher Paolini. Và vẫn như thường lệ với các bài về tranh AI, phần comment bên dưới là cả một bãi chiến trường, với hai phe ủng hộ/bài xích AI lời qua tiếng lại rất gay gắt. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo đầy đủ cuộc bút chiến ở đây: 

Tor Tried to Hide AI Art on a Book Cover, and It Is a Mess

Vì vụ Fractal Noise mình cũng đã bàn khá kỹ một lần, kèm chỉ ra sự khác biệt trong phản ứng giữa giới họa sĩ và độc giả phổ thông (anh em có thể đọc full ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/12/fractal-noise-va-tuong-lai-cua-ai-trong.html), thế nên mình sẽ không đả động lại về nó nữa. Sở dĩ mình share bài của io9 vì trong số các comment họ đã châm ngòi, có một comment rất thú vị do một thanh niên tên John đăng. Anh em có thể tham khảo bên dưới:


Bên cạnh việc đả phá những hiểu lầm thường thấy của thiên hạ về cơ chế vận hành của AI, John còn bảo thế này: 

Tuy nhiên, bài trừ công nghệ là một phản ứng ngu ngốc. Không ai nhìn lại phong trào Luddite và khẳng định rằng họ có lý. Nếu khước từ những cải thiện hiệu suất khổng lồ mà quá trình công nghiệp hóa mang lại, tất cả chúng ta đều sẽ có một kiếp đời rất thảm.

Bức tranh tổng thể cần cân nhắc là hầu hết các công việc đều sẽ bị AI cướp sạch. Phần lớn mọi người vẫn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn. Một năm trước, giới họa sĩ đã nghĩ vậy. Hai năm trước, giới văn sĩ đã nghĩ vậy. Ôi dào, chúng ta là dân sáng tạo, và sẽ không có chuyện cái ngành này bị bọn nó tiếp quản đâu. Mọi sự sẽ không diễn ra như thế.

Ta cần hướng các nỗ lực và phản ứng của mình vào việc ban hành những thay đổi chính trị/kinh tế cần thiết để đảm bảo ai cũng có thể sinh sống được một cách đàng hoàng, dù cho có bị AI thay thế. Về cơ bản, ta phải tách riêng khái niệm kế sinh nhai ra khỏi khái niệm việc làm thời nay, và chúng nó phải được phân tách hết sức rạch ròi.

Nói nôm na, John đã chỉ ra một điểm thường hay bị ngó lơ trong các cuộc bàn luận về AI: những gì xảy ra với họa sĩ và AI hiện tại không phải là một câu chuyện biệt lập, mà nó chỉ là một biến nhỏ trong bài toán chung mà toàn nhân loại đang phải đối mặt trong bối cảnh tự động hóa ngày một cao. Công nghệ sẽ tiếp tục tiến lên mạnh như vũ bão, và sẽ có vô số con người bị nó cán bẹp. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mang đến một cái lợi chung cho nhân loại, và chối bỏ nó thì không ổn chút nào. Cái ta cần làm là nghĩ cách đảm bảo phúc lợi cho con người, trong khi chấp nhận để công nghệ tối ưu hóa xã hội theo một cách có thể gọi là tàn nhẫn, chứ không phải ép buộc cả xã hội phải sử dụng những công cụ và phương thức kém hiệu quả hơn để bảo vệ hiện trạng việc làm của một lớp người. 

Ngẫm mà thấy viễn cảnh tương lai loài người giống thế giới mấy cái tác phẩm Utopia-nhưng-chỉ-tuyệt-vời-nếu-nhìn-từ-một-khía-cạnh-nhất-định vl. Thêm mấy năm nữa thì chắc sách non-fiction cũng nên được liệt luôn vào mục Sci Fi quá 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.