Chuyển đến nội dung chính

Sự thật về "độ bền" của sách điện tử

 Bữa nay mới được một bạn share cho một bài viết khá thú vị, xoay quanh độ bền của sách giấy so với sách điện tử. 

Digital Books wear out faster than Physical Books

Như anh em biết rồi đấy, trong thời gian vài thập kỷ trở lại đây, sách điện tử đã có một sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Ngày nay, mặc dù vẫn chưa đú được với sách giấy về mặt doanh số tiêu thụ (nghe có vẻ hơi bất ngờ, nhưng sự thật là thế đó: https://www.statista.com/chart/24709/e-book-and-printed-book-penetration/), nó vẫn chiếm một thị phần khá cao nhờ những lợi thế đặc biệt so với sách giấy.

Trong số các lợi thế của nó, một trong những thứ hay được tung hê là việc nó bền hơn hẳn sách giấy. Sách điện tử không lo rách nát, nhàu nhĩ, mối mọt, ố bẩn… Dù là giở ra vào năm hay mười năm sau, nó sẽ vẫn luôn nguyên vẹn như ngày đầu mới mua vậy. Chưa kể nó còn rất dễ chuyển giao và lưu trữ nữa. Tất cả những gì ta cần là một kết nối Internet và vài MB ổ cứng, và a lê hấp, một cuốn sách có thể được cho mượn chỉ trong vài giây hoặc cất giữ trong thư viện cá nhân để truyền lại cho con cháu.

Nhưng mà theo như bài viết này, mấy cái lợi thế đó của sách điện tử kỳ thực chỉ là lợi thế nếu ta nhìn nó từ một số góc độ nhất định. Nếu nhìn từ khía cạnh khác, nó không có cửa đấu với sách giấy.

Theo lời Internet Archive, một trang thư viện điện tử có lẽ là lớn nhất thế giới, sách điện tử dễ dàng trở nên không thể đọc được rất nhanh. Chúng nó cần được bảo trì liên tục để bắt kịp các định dạng sách mới cũng như các tiêu chuẩn công nghệ mới mà các thiết bị lưu trữ/đọc đẻ ra. Ở khoản phần mềm, ta có việc convert các định dạng số lỗi thời như djvu với daisy sang epub và pdf, và có Chúa mới biết sau này nó sẽ đến cái định dạng gì nữa; ở khoản phần cứng, ta có việc dữ liệu phải được chuyển từ băng đĩa từ/cát xét sang các ổ cứng số như SATA với SSD. Đấy là còn chưa kể việc phục hồi các file lỗi dữ liệu, cập nhật metadata cho các quyển sách này nữa đấy.

Nếu không được người cập nhật liên tục thì chỉ trong tầm một thập kỷ gì đó, tử tế nhất thì sách điện tử cũng sẽ trở nên rất khó chia sẻ và cho mượn, bởi vì nhiều người thiếu phần mềm hoặc thiết bị để đọc các định dạng cũ. Hoặc có khi chúng nó thậm chí còn trở nên không thể đọc được bởi bất kỳ ai, vì công nghệ đã bỏ xa chúng nó quá rồi.

Trong khi ấy, một quyển sách giấy được cất giữ tốt thì đến ngót nghét trăm năm sau vẫn có thể lấy xuống và đọc như thường, không cần cập nhật lằng nhằng. Có chăng chỉ là phải lật giở với cầm nắm cho nó cẩn thận, bởi vì giấy má các kiểu dễ long ra thôi.

Cái vụ này làm mình nhớ đến một cuộc bàn luận trong Tam Thể, diễn ra giữa lúc nhân loại đang phải vắt óc nghĩ cách bảo tồn nền văn minh của mình trước thảm họa diệt vong.

Số là lúc bấy giờ, nhân loại đang phải đối mặt với một thảm họa diệt vong ở một cái tầm vô tiền khoáng hậu. Dù không hề ngừng tìm cách bảo lưu giống nòi, họ vẫn phải tính đến cái trường hợp xấu nhất là loài người cùng nền văn minh của mình sẽ biến mất hoàn toàn, thế nên đã nảy ra ý định làm một bảo tàng dữ liệu (hoặc chí ít cũng là một lăng mộ dữ liệu) để sau này nếu có ai đi ngang thì còn biết tại cái xó xỉnh này của vũ trụ, từng có một nền văn minh như thế, và họ đã đạt được những thành tựu như này, như kia. Và để xây dựng được một cái bảo tàng/lăng mộ như thế, bài toán đặt ra bây giờ là làm sao để lưu trữ được thật nhiều thông tin trong một khoảng thời gian lâu nhất có thể, tính theo đơn vị kỷ địa chất chứ không chỉ năm tháng thường.

Lúc ban đầu, con người toàn nhìn vào những phương thức lưu trữ hiện đại, chẳng hạn như ổ lưu lượng tử. Mấy thiết bị kiểu này chỉ bé bằng hạt gạo, nhưng lại có thể lưu được một lượng dữ liệu khổng lồ đến phi thường. Nhưng hỡi ôi, chúng nó chỉ đủ sức trường tồn tầm dăm ngàn năm là kịch kim. Và đấy cũng chỉ là cái vỏ chứa vật lý của chúng nó thôi, còn dữ liệu bên trong thì có khi sẽ bắt đầu nát từ sớm hơn. Thế là họ phải tìm một phương pháp lưu trữ mới.

Đáng chú ý là thay vì phát minh ra các phương tiện lưu thông tin tân tiến hơn, con người lại lần ngược về với những phương tiện lưu trữ trong quá khứ. Đồ càng cổ thì sẽ càng bảo tồn được dữ liệu lâu hơn. Các thiết bị lưu điện tử như kiểu USB với ổ quang trong thời hiện tại của chúng ta (tức quá khứ đối với tuyến thời gian của truyện) có thể trụ được lâu gấp nhiều lần các thiết bị đương thời. Chạy về với những thứ “tối cổ” như kiểu giấy viết, tượng điêu khắc thì chúng nó lại càng giãn được thời gian lưu ra lâu hơn bội phần. Rốt cuộc, phương án lưu trữ thông tin tối ưu nhất họ tìm được không phải là thứ gì cao siêu hết, mà chỉ đơn thuần là… khắc chữ lên đá.

Lẽ đương nhiên, chúng ta không có cách nào để kiểm chứng cái vụ công nghệ tương lai sẽ chỉ có thể cho ra các thiết bị lưu trữ khủng về dung lượng nhưng cùi bắp về tuổi thọ. Tuy nhiên, kể cũng phải công nhận là mấy thiết bị lưu trữ điện tử phổ thông mà ta hiện có nhìn chung không quá chú trọng việc duy trì dữ liệu cho hậu thế, căn bản vì chúng ta luôn mặc định rằng cứ tầm 10-20 năm, công nghệ kiểu gì cũng sẽ phát triển vượt xa những gì tân tiến nhất ở thời điểm hiện tại, thế nên rồi người ta cũng sẽ chuyển dữ liệu sang các bộ lưu trữ mới hơn. Nếu đã thế, mấy món đồ lưu trữ hiện tại chỉ cần chế sao cho chúng nó trụ được đến cái ngưỡng đấy là đủ ngon rồi, không cần làm xa thêm nữa đâu.

Và quan trọng nhất, nếu đồ bền quá thì dân tình sẽ không chịu mua máy mới các kiểu, mà như vậy thì kiếm lời sao được <(")?

Tiện thể thì hồi trước mình có đề cập đến một mô típ kể chuyện thường gặp trong SFF, ít nhiều liên quan đến cái đề tài này, ấy là Backward Compatibility. Anh em nào quan tâm thì có thể tham khảo nó ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/backward-compatibility-khi-cumoi-tuong.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.