Chuyển đến nội dung chính

Review The Kaiju Preservation Society của John Scalzi


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑

7.0/10

TL;DR

Jurassic Park, nếu nó được sản xuất bởi Marvel.

GIỚI THIỆU CHUNG

The Kaiju Preservation Society là một cuốn tiểu thuyết Sci Fi phiêu lưu hài của John Scalzi, lấy bối cảnh trong đại dịch Cô Vy vừa rồi.

Truyện theo chân Jamie Gray, một cư dân thành phố New York. Jamie vốn là một nhân viên thuộc diện khá cao cấp trong füdmüd (đọc giống như “food mood”), một startup chuyên về giao đồ ăn (anh em cứ tưởng tượng đây là một dạng BAEMIN ấy), và từng có triển vọng thăng tiến khá tốt. Tuy nhiên, trong một buổi đánh giá năng lực tại chỗ làm, Jamie đã bị sếp đuổi cổ không thương tiếc, với chỉ một lượng tiền đền bù đủ để trụ tiếp một thời gian ngắn nữa. Vì lúc bấy giờ đang là đỉnh dịch, thiên hạ khắp nơi đều hoặc cắt giảm nhân sự, hoặc phá sản hàng loạt, chứ chẳng ma nào chịu tuyển mới cả, và không ai biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu. Chính bởi thế, dù chưa chết đói luôn, Jamie vẫn đang trong một cảnh ngộ rất bi đát.

“May mắn” cho Jamie là trước khi đuổi anh đi, Rob Sanders, sếp của Jamie tại füdmüd, đồng thời cũng là sáng lập viên công ty luôn, đã rất “tử tế” tạo sẵn cho anh một tài khoản chạy ship cho füdmüd. Dù rằng rất khó chịu khi phải quay lại làm shipper cho cái công ty đã vô cùng bạc bẽo với mình, Jamie rốt cuộc vẫn phải cắn răng trở thành một “deliverator” cho füdmüd, cố gắng kiếm mấy đồng bạc cắc sống qua ngày.

Nhưng ở đời quả là chẳng ai học được chữ ngờ. Chính trong giai đoạn làm shipper ấy, Jamie đã được tái ngộ với Tom Stevens, một người bạn đại học cũ. Không như Jamie, Tom rất có của ăn của để, và xem chừng được sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ, ngay cả giữa cảnh dịch giã loạn lạc. Tom cũng khá thân thiện và tử tế với Jamie, thường xuyên gọi ship bên Jamie, cho Jamie đánh giá tốt, boa tiền tử tế, không thiếu gì cả. Anh chàng này cũng rất xởi lởi với Jamie, luôn tiếp chuyện và hỏi thăm Jamie mỗi lần gọi đồ. Nhưng đáng chú ý là Tom gần như không bao giờ chia sẻ gì cụ thể về bản thân hết, chỉ nói đại khái rằng mình làm cho một tổ chức bảo vệ quyền động vật nào đó.

Thế rồi một ngày nọ, Tom phát hiện ra rằng Jamie lại sắp sửa mất việc thêm lần nữa. Füdmüd đã được Uber mua lại, và hầu như mọi nhân viên của füdmüd sẽ đều bị sa thải. Biết rằng Jamie sẽ khó lòng tìm được việc trong thời buổi kinh tế nát hơn tương thế này, Tom đề nghị Jamie hãy đến làm việc ở chỗ mình. Chỗ của Tom không đòi hỏi nhiều về bằng cấp và trình độ, và lương lậu rất khá. Nhưng ngay cả lúc này, Tom vẫn úp úp mở mở về bản chất công việc của mình. Rốt cuộc, tất cả những gì Jamie được biết về chỗ làm của Tom là đây là một cơ sở không phi pháp, chuyên chăm sóc thú vật cỡ lớn, và tên viết tắt của nó là KPS.

Dù rằng rất nghi ngờ đề nghị của Tom, Jamie vẫn không còn lựa chọn nào khác cả. Anh đồng ý sẽ đến nhận việc tại KPS.

Và thế là với hành động ấy, Jamie bỏ lại đằng sau kiếp đời bục mặt đưa cơm, và bước sang một thế giới mới hoàn toàn.

Theo đúng nghĩa đen.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Trước khi bàn về cái cốt trong The Kaiju Preservation Society, mình cần bàn qua một tí về bối cảnh ra đời của truyện cái đã. Hồi năm 2019, John Scalzi có bắt tay vào viết một cuốn Sci Fi khác, không dính dáng tí gì đến cái quyển này cả. Theo lời miêu tả của ông anh, đây là một cuốn truyện cực kỳ nghiêm túc, với rất nhiều ý tưởng sâu sắc, đáng suy ngẫm được đem ra mổ xẻ.

Khốn nạn thay, chưa viết được mấy cái quyển đấy thì đùng một phát, Cô Vy ập đến, làm đảo lộn tất cả mọi thứ, khiến tác giả chẳng còn lòng dạ nào viết nữa. Được một thời gian, đến lúc đã hơi hơi quen với mọi thứ rồi, ông anh lại đụng thêm vụ bầu cử đầy biến cố giữa Đỗ Nam Trung và Châu Bái Đăng, với đỉnh điểm là vụ bạo loạn tại Điện Capitol. Vụ này khiến tác giả rúng động rất mạnh, và kết hợp với những trầm uất có sẵn trong đợt Cô Vy, càng thêm mất hứng viết. Sau một loạt biến cố cá nhân nữa, khiến tinh thần Scalzi càng suy sụp mạnh, ông anh quyết định vứt béng cái quyển truyện nghiêm túc đang viết đi, và làm một cái gì đó vui vui để lên lại dây cót tinh thần.

Và thành phẩm của việc lên dây cót tinh thần ấy chính là cái quyển The Kaiju Preservation Society này đây.

Sở dĩ mình điểm lại cái phần bối cảnh này như vậy bởi vì cái ý định của tác giả thấm cực đẫm vào trong The Kaiju Preservation Society. Đây là một câu chuyện thuần giải trí, không hề đem một cái triết lý gì cao siêu ra bàn luận, không quan tâm đến việc truyền tải thông điệp gì to tát (ngoài một số thứ hết sức phổ thông), không thèm khơi dậy bất cứ băn khoăn trăn trở gì hết. The Kaiju Preservation Society chỉ muốn làm một điều duy nhất: cho chúng ta vài tiếng đồng hồ vui vẻ. Chấm hết.

Và riêng về khoản này, The Kaiju Preservation Society quả thực đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ bản thân đặt ra.

Truyện mua vui cho chúng ta theo hai kiểu, được chập vào với nhau một cách rất nhuần nhuyễn. Đầu tiên là ở cái khoản khám phá phiêu lưu của nó. Trong cái truyện này, ta sẽ theo chân thanh niên nhân vật chính đi khám phá đủ thứ mới mẻ và thú vị về cái thế giới mới mà ông anh sẽ lạc vào cũng như những sinh vật tại đấy (đến phần thế giới sẽ nói kỹ hơn), và được chứng kiến đủ kiểu tình huống oái oăm lẫn nguy hiểm mà thanh niên cùng các đồng đội của mình lâm phải. Những tình huống này gần như là những bộ phim ngắn, hoặc các tập của một series phim dài, bao gồm đủ những sự lên xuống, hành động, nút thắt và mở nút khác nhau, khiến ta không ngừng cảm thấy phấn khích, muốn biết tiếp theo điều gì sẽ xảy đến.

Cái cách mua vui thứ hai của truyện là lối hành văn và thái độ nói chung của truyện. Truyện được viết theo một cái kiểu hài tưng tửng, luôn luôn cợt nhả và pha trò. Nó tung ra hết câu đùa này đến câu đùa kia, luôn nhìn thấy sự hài hước ở mọi khía cạnh của những sự kiện đang diễn ra trong truyện, và cứ thế xoáy mạnh vào đấy để chọc cười thiên hạ. Thú vị là mặc dù cứ hô hố hô hố liên tục như vậy, trong phần lớn câu chuyện, tác giả vẫn bằng cách nào đó ghìm tay lại rất đúng lúc mỗi khi cần thiết, để đảm bảo sự bỡn cợt của câu chuyện không lấn át hẳn những chỗ cần người đọc phải cảm thấy sởn tóc gáy, choáng ngợp, hay hồi hộp.

Riêng với anh em fan SFF nhà ta thì The Kaiju Preservation Society còn có một điểm hấp dẫn nữa, đấy là nó rất hay thả kèm những thứ đến từ các tác phẩm SFF khác. Kaiju, Godzilla, Jurassic Park, Snow Crash, Doom, The Incredibles, thậm chí đến cả Twilight, đều được chỉ mặt điểm danh. Hàng lô hàng lốc những thuật ngữ, nhân vật, khái niệm quen thuộc được lồng vào truyện một cách rất tự nhiên, tạo cảm giác như thể ta đang ngồi trà chanh chém gió cùng một nhóm những anh em cũng là fan của dòng vậy. Đặc biệt là không như Bobiverse, The Kaiju Preservation Society không chỉ đơn thuần quẳng mấy từ khóa ra rồi kệ mợ độc giả tự loay hoay đoán. The Kaiju Preservation Society luôn giải thích kèm mấy cái đấy từ đâu mà ra, theo một kiểu cũng khá khéo. Mặc dù có một số đoạn nghe rất rõ là tác giả đang nói thế này để ai không biết thì cũng biết, hầu hết các đoạn giải thích đều được tích hợp vào câu chuyện theo một kiểu không đến nỗi sượng, giúp câu chuyện không bị ngắt quãng gì cả.

Nhưng khốn nạn là chính cái việc quyết tâm giải trí đến bất cần đời của truyện cũng là thứ đã bắn vào chân quyển truyện này.

Trong phần TL;DR ở trên, mình có so The Kaiju Preservation Society với một bộ phim Marvel. Anh em biết cái kiểu của phim Marvel rồi đấy: cốt nhìn chung rất dễ đoán và một màu, đặc biệt lại còn có cái kiểu cười đùa vô lối đến mức kệch cỡm. The Kaiju Preservation Society thì làm khéo hơn một cái phim Marvel phổ thông tí, đặc biệt là ở khoảng 3/4 đầu thì nó làm mọi thứ khá nuột, không có gì quá dễ đoán hay hài quá lố cả.

Nhưng sang đến 1/4 cuối thì câu chuyện lại khác.

Đến đoạn này, The Kaiju Preservation Society vướng phải y chang mấy cái lỗi của Marvel trên. Vì đây là hồi kết của tác phẩm, thế nên truyện bắt đầu đẩy phần kịch tính và độ nghiêm túc lên một tí. Lúc này, đã có một cái nguy hiểm thực sự rõ rệt bày ra trước mắt rồi, chứ không còn có cái kiểu nhàn tản như hồi trước nữa. Nhưng khốn nạn là ngay khi phần kịch tính tăng lên, cái cốt của truyện lập tức trở nên rập khuôn một cách kinh dị. Anh em có thể đoán thẳng ra luôn câu chuyện sẽ diễn tiến như thế nào, và nó sẽ chạy đúng theo những gì anh em nghĩ, không lệch đi nửa ly. Ngay cả cái quả bẻ lái và lật mặt trùm cuối cùng dễ đoán vô cùng, bởi vì nói trắng ra, với cái kiểu dàn dựng ở đoạn đầu, câu chuyện chỉ có duy nhất hai hướng đi mà thôi. Cả hai hướng đều nhạt nhẽo như nhau, nhưng một hướng thì nó chỉ đơn thuần nhạt, còn hướng còn lại thì sẽ vừa nhạt mà lại vừa… ngu, thế nên đáp án đã quá rõ ràng rồi.

Thêm một cái nữa là ở đoạn này, mặc dù đã tăng sự nghiêm túc lên, tác giả không chịu ghìm cái sự cợt nhả lại tí nào cả. Thành thử hai cái phần này cứ đập nhau chan chát, tạo thành một trải nghiệm cực kỳ khó ngửi. Trong đúng cái lúc đang nước sôi lửa bỏng như thế, đặc biệt là khi cả đội nhân vật chính đang phải chạy đua với thời gian, hàng loạt thứ cười đùa hô hố cứ triền miên, triền miên tuôn ra, phá hỏng hết mọi tính cấp bách của câu chuyện. Ngay cả khi các nhân vật đã bị dí hẳn súng vào đầu theo đúng nghĩa đen rồi, họ vẫn cứ cợt nhả, cười đùa, theo một cách không thể tả bằng từ gì hơn ngoài từ Marvel. Đến cái chỗ này thì phần hài hước nó chẳng còn có tính chất gây hài nữa, mà nó thành yếu tố gây ức chế mất rồi.

Kể cũng mỉa mai là sau một hồi pha trò, câu chuyện rốt cuộc lại tự biến mình thành một trò đùa, và lại còn là một trò đùa nhạt như nước ốc nữa chứ.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

The Kaiju Preservation Society về cơ bản có hai thế giới, một là cái thế giới của Trái Đất, nơi chúng ta sống, và hai là một cái Trái Đất lạ khác, nơi mấy con quái vật kaiju sinh sống, và bên KPS phải chạy sang chăm lo. Riêng về khoản thế giới của chúng ta thì không có gì đáng nói lắm. Nó vẫn cứ là Trái Đất bình thường thôi, không có gì dị thường xảy ra hết. Có chăng chỉ là việc thế giới trải qua một cơn đại dịch nghe kể cũng Sci Fi ra phết, và cách Scalzi mô tả về nó theo một kiểu gián tiếp chắc cũng sẽ khiến mọi người không khỏi thấy hài hước, bởi vì nếu đây mà là thời trước 2020 thì có khi nó đã trở thành một ví dụ rất ấn tượng của thủ pháp Incluing rồi (anh em tham khảo ở đây nếu chưa biết Incluing là gì: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/incluing-mot-dang-narrative-exposition.html).

Khác với thằng Trái Đất gốc, cái Trái Đất lạ nơi bọn kaiju sống thì được mô tả một cách hấp dẫn hơn nhiều, và đây mới là chỗ phần Sci Fi của truyện thỏa sức tung hoành. The Kaiju Preservation Society không hẳn là một cuốn Hard Sci Fi theo cái nghĩa nó chân thực đến từng giả thuyết hay ngồn ngộn thông tin khoa học gì đâu, nhưng thằng này cũng rất đầu tư cho việc làm thế giới mới của mình có cơ sở khoa học hết mức có thể. Scalzi liên tục đả động đến các thành phần cấu tạo nên môi trường của cái thế giới mới này, chạy từ không gian địa lý của nó cho đến tổ hợp khí cấu thành nó, và từ đấy chỉ ra những khác biệt mà ta sẽ gặp phải trong việc vận hành máy móc, chế tạo đồ, hay thậm chí chỉ hít thở ở đây. Lũ kaiju cũng như một số dạng sinh vật khác sống tại nơi này cũng rất được quan tâm khắc họa, với các đặc điểm sinh học, tập quán bầy đàn, quan hệ tương tác giữa chúng với nhau đều được đem ra bàn và mổ xẻ hết.

Đặc biệt đáng chú ý là Scalzi có một cái kiểu lý giải cho mọi thứ rất khéo. Ông anh đúng là cũng đưa ra một lô một lốc kiến thức và lý thuyết khoa học đấy, nhưng chỉ vừa đủ để mọi người hiểu chứ không quá sa đà vào việc bê nguyên si Wikipedia vào trong sách. Và mỗi khi cần phẩy tay cho qua phần khoa học nào, thanh niên luôn luôn đưa ra những ám chỉ rằng có một câu trả lời sâu hơn cho các nguyên lý vận hành của mọi thứ tại đây, nhưng chẳng qua mình không nói đến thôi chứ không phải là không biết phải chém thế nào.

Tỉ dụ, ở đoạn gần đầu truyện, có một chỗ các nhân viên mới của KPS được giới thiệu về đám kaiju bởi giám đốc điều hành tại đấy. Vì thanh niên giám đốc kia không phải là dân làm khoa học, thế nên anh ta chỉ trình bày một cách tóm lược những ý chung chung về đám kaiju. Mỗi khi có một nói đến một điểm dị hợm nào đó của bọn kaiju, ngay lập tức sẽ có một nhà khoa học chuyên về mảng đấy nhao nhao lên phản đối, bảo rằng điều này không thể xảy ra, bởi vì <xổ lý thuyết khoa học nghiêm chỉnh ra ở đây>. Thay vì mất công phân tích và chém sao cho sự tồn tại của bọn kaiju nghe có vẻ sẽ khả thi, Scalzi chỉ đơn thuần để anh giám đốc đẩy một chồng tài liệu cao như núi về phía nhà khoa học đó, bảo rằng đây là mọi nghiên cứu mà các nhà khoa học tiền nhiệm đã làm về kaiju, và trong đấy có phân tích, số liệu, cũng như những giả thuyết đề xuất đủ cả rồi. Bản thân anh giám đốc thì chỉ biết sơ lược các ý đại cương của nó, thế nên chỉ trình bày sơ sơ thế thôi. Cần gì thì cứ nhìn vào đấy mà đọc.

Xuyên suốt truyện, ta liên tục bắt gặp những cảnh như thế. Sẽ có một hiện tượng thiên nhiên hoặc cơ chế sinh học lạ lùng nào đó được đem ra bàn luận, và các cuộc bàn luận xoay quanh chúng cũng sẽ được nhồi kèm một lượng khoa học với nồng độ đủ cao và đủ chặt chẽ để nghe có vẻ xuôi xuôi đấy, nhưng không phải không có kẽ hở, và nếu người đọc mà có nền tảng khoa học hay chỉ đơn thuần có tư duy lôgic thì hẳn sẽ nhìn ra ngay. Nhưng thay vì lờ lớ lơ cái đây và hy vọng không ai để ý, Scalzi thẳng thắn thừa nhận là điều này quả thực phi lý. Thế rồi sau đó, ông anh sẽ “vá” cái kẽ hở đấy bằng cách hoặc bảo rằng đây là phần còn cần phải tiếp tục tìm hiểu (và trên thực tế là có một số đoạn về sau, các nhà khoa học đúng là đã tìm hiểu thêm được kiến thức mới, giúp lấp cái kẽ hở đó lại), hoặc ám chỉ rằng thực ra nếu muốn giải thích thì cũng được thôi, nhưng mà vì người giải thích/người nghe giải thích hiện không phải là dân làm khoa học chuyên sâu, thế nên chỉ cần hiểu đại khái thế này thế nọ là đủ, còn muốn biết thêm chi tiết thì thư viện ngay đằng kia kìa.

Mặc dù khi đọc mấy đoạn như vậy, ta sẽ thừa biết đây chỉ là một chiêu nại cớ để tác giả không phải quá mất công với phần khoa học, nhưng cái cớ đấy được nại theo một kiểu rất duyên, trám vừa như in vào với cái mạch của câu chuyện, thành ra ta vẫn có thể dễ dàng chấp nhận những lời “giải thích mà không giải thích” đó, và không thấy câu chuyện lung lay gì.

Nếu có điểm trừ nào ở khoản thế giới của tác phẩm, có lẽ nó sẽ nằm ở bản thân cái sự hiện diện cũng như cách vận hành của cái tổ chức KPS này. Mọi thứ về nó có phần khá suồng sã, với nổi bật nhất là cái kiểu tuyển và xét duyệt thành viên đầy lỏng lẻo, không thực sự phù hợp với cái bản chất công việc mà nó đang thực hiện gì cả. Scalzi cũng đã có một số nỗ lực giải thích cho lý do KPS hoạt động kiểu đấy, và một số lời giải thích nghe cũng xuôi xuôi đấy, nhưng nhìn chung, anh em sẽ không khỏi cảm thấy cái tổ chức này dễ tính hơi quá đà, và nền tảng để nó tồn tại nghe chừng hơi bị chông chênh.

NHÂN VẬT

Mọi thứ về nhân vật của truyện có thể được tóm gọn trong một câu như sau:

Đội này Marvel vl.

Anh em biết cái kiểu xây dựng nhân vật của Marvel rồi đấy: ai cũng có cái kiểu trả treo rất sắc bén, luôn luôn pha trò và có sẵn những câu cợt nhả để phun ra mỗi khi cần. Ngay cả khi bản thân nhân vật không thực sự có ý muốn nói đùa, tình cảnh cũng sẽ ép bọn họ trở thành một trò lố, và từ đấy tự họ diễn hề cho chúng ta xem. Nhân vật của The Kaiju Preservation Society cũng chẳng khác gì như thế hết. Tất cả bọn họ đều có cùng một cái kiểu bỡn cợt, chớt nhả như nhau, có cùng một sự sắc bén trong việc đốp chát đến phi thực như nhau. Ừ, cũng có một số điểm khác biệt nhất định giữa đám bọn họ đấy, chẳng hạn có người thì tính tình hơi nóng nảy hơn, có người thì hơi bị ám ảnh bởi công việc hơn, nhưng chỉ tầm vài ba người là thực sự có nét riêng biệt trong tính cách, và ngay cả sự riêng biệt đấy cũng chẳng đến mức cao lắm. Đội nhân vật nhìn chung toàn một màu như nhau, chẳng có gì đáng nói cả. Cùng lắm họ chỉ khá hơn nhân vật Marvel ở điểm ai nấy đều có chuyên môn riêng, và hiếm khi có ai auto biết tuốt được kiểu thần đồng xuất chúng thôi.

Người có lẽ được xây dựng tử tế nhất sẽ là anh chàng nhân vật chính, bởi vì ta được ngồi trong đầu anh này từ đầu đến cuối truyện. Thanh niên cũng chẳng có nhiều giằng xé nội tâm hay cái gì sâu sắc cho cam đâu, nhưng ta ít nhất còn biết khá nhiều về chuyện đời của anh chàng này, và được chứng kiến một số thứ mang tính cá nhân xảy đến với anh ta trong suốt chiều dài của truyện. Chính thế nên thanh niên có thể gọi là hơi có chiều sâu hơn một chút so với những người khác, mặc dù độ sâu cũng chỉ đo bằng đốt ngón tay thôi.

TỔNG KẾT

The Kaiju Preservation Society sẽ chẳng phải là một tác phẩm Sci Fi đi vào lịch sử hay gì đó tương tự đâu, nhưng nói thế không có nghĩa là nó không hay. Ngược lại là đằng khác, chính vì thằng này chỉ chăm chăm mua vui một vài trống canh cho chúng ta, và không hề giấu giếm việc mình làm, nó đã đem lại một trải nghiệm khá hấp dẫn và độc đáo. Anh em nào mà đang bội thực với những cuốn Sci Fi to tát, hay chỉ đơn giản muốn được trải nghiệm một chuyến phiêu lưu thoát ly sự thực thuần túy, thì hay thử ngó qua cuốn này nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.