Sau khi làm bài review cái quyển The Kaiju Preservation Society tối qua, mình lại nhớ đến một thằng khác cũng ít nhiều na ná với nó, có điều tông nghiêm túc hơn hẳn. Thằng đấy là Blue World.
Trong trường hợp anh em nào chưa biết, Blue World là một bộ manga hồi năm 90 của Yukinobu Hoshino. Thằng này trên lý thuyết là bản sequel của một bộ manga khác tên là Blue Hole, cũng của ông tác giả đó, nhưng có thể đọc độc lập được. Truyện xoay quanh việc các nhà khoa học phát hiện ra một số lỗ hổng quái dị, ẩn sâu dưới đại dương. Các cái lỗ này được gọi là “blue hole,” và chúng nó chẳng khác nào một đường hầm, nối thông thế giới hiện đại với thế giới quá khứ. Một nhóm nghiên cứu đã chui qua cái lỗ hổng đấy, và khi chui ra đến đầu bên kia, họ thấy mình đã quay ngược tận mấy trăm triệu năm về trước. Sau đó, một số sự cố đã xảy ra, khiến cả nhóm bị kẹt lại ở quá khứ, và giờ phải tìm cách sinh tồn trong cái thời khủng long hãy còn thống trị Trái Đất.
Blue World có khá nhiều điểm chung đụng với The Kaiju Preservation Society. Điểm giống đầu tiên là cái tiền đề của chúng nó. Ở cả hai tác phẩm này, ta đều bắt gặp một dàn nhân vật bước vào một thế giới rừng rú hoang vu, đầy nguy hiểm để nghiên cứu những giống loài quái vật khổng lồ. Trong trường hợp của Blue World, thế giới các nhân vật bước vào là cái Trái Đất hoang vu của hàng bao kỷ địa chất về trước, và lũ quái bọn họ chạm trán là những con khủng long. Còn với The Kaiju Preservation Society, thế giới của nó là một Trái Đất nằm ở một vũ trụ song song, vì lý do gì đó mà vẫn duy trì cái sự đơn sơ nguyên thủy như một thế giới tiền sử, và sống trong đấy là hàng loạt thứ quái vật to như núi theo đúng nghĩa đen.
Điểm giống thứ hai nằm ở cái cơ chế hoạt động của con đường di chuyển giữa hai thế giới của chúng nó. Cả hai thằng này đều tạo ra một dạng lỗ hổng trong không gian bằng một sự giải phóng năng lượng siêu mạnh. Như trong trường hợp của Blue World, các cái lỗ hổng của nó ra đời khi Trái Đất gặp một chấn động mạnh (chẳng hạn như thiên thạch đâm trúng), từ đấy gây nhiễu loạn trường điện từ của hành tinh, khiến chúng nó kết lại thành một trường mang dạng vòng lặp, nối hai điểm trong thời gian vào với nhau. Ở The Kaiju Preservation Society thì cứ khi nào có một lượng lớn năng lượng hạt nhân được giải phóng, dù là ở thế giới của ta hay ở thế giới của Trái Đất song song kia (nếu ở bên ta thì khi cho nổ bom hạt nhân hoặc thử nghiệm với lò phát điện, còn nếu ở bên Trái Đất song song thì khi có con kaiju nào đấy khè lửa và giải phóng năng lượng hạt nhân bên trong người ra), lớp màng ngăn cách giữa hai thế giới song song sẽ mỏng đi, cho phép người ở hai thế giới đấy dịch chuyển qua lại giữa nhau.
Thêm một cái giống nữa là cả hai thằng này đều sử dụng khoa học theo một kiểu khá cứng. Chúng nó cũng có đem một số kiến thức khoa học và giả thuyết tử tế ra bàn luận, và rất chú tâm làm cho phần khoa học đấy nghe có vẻ chân thực hết mức có thể thông qua những đoạn Infodump khá dài. Tuy nhiên, đôi bên vẫn khác nhau chút chút ở cái nồng độ. Blue World lắm khi hay sa đà chém khoa học theo kiểu khô và dông dài hơi quá, mặc dù chưa đến mức bốc mùi vác Wikipedia thả vào trong truyện. The Kaiju Preservation Society thì biết chỗ phải dừng lại hơn, và có một cái kiểu che đậy rất khéo những kẽ hở mình chưa giải thích.
Còn một điểm chung cũng rất thú vị giữa hai thằng này là nếu đọc qua, anh em sẽ thấy bọn nó như thể những bản đạo nhái Jurassic Park vậy. Blue World là thằng trông giống nhất, với cái tiền đề của nó giống gần như y sì đúc Jurassic Park luôn: một nhóm người mắc kẹt trong một khu vực do khủng long thống trị do táy máy nghịch ngu với khoa học. The Kaiju Preservation Society thì hơi khang khác đi một tí, không có khủng long nào cả, và phần nghịch ngu khoa học/thảm họa của nó cũng không rõ rệt cho lắm, nhưng truyện vẫn xoay quanh một nhóm người phải loay hoay tại một thế giới khép kín, nơi đầy rẫy những sinh vật to lớn nguy hiểm.
Cơ mà đáng chú ý là bất chấp Blue World giống với Jurassic Park hơn, thằng này khả năng cao lại không đạo nhái gì Jurassic Park cả. Anh em hãy nhớ rằng Blue World là bản sequel của một series khác tên là Blue Hole, và với bối cảnh và ý tưởng của Blue Hole về cơ bản cũng na ná thằng hậu bối của mình. Blue Hole được xuất bản lần đầu vào năm 1991, từ tận 2 năm trước khi cái phim chuyển thể do Steven Spielberg thực hiện biến Jurassic Park thành một hiện tượng toàn cầu. Jurassic Park bản truyện gốc thì đúng là đã xuất bản trước đó thật (truyện ra mắt tháng 11/1990), nhưng nó nổi ở phương Tây là chủ yếu, thế nên cũng hơi khó nói liệu Yukinobu có hay biết gì về quyển này để mà đạo không (mặc dù đây cũng là một khả năng, vì Yukinobu khét tiếng là rất mê Sci Fi phương Tây, đặc biệt là Sci Fi thời hoàng kim). Trong khi ấy, thằng The Kaiju Preservation Society thì điềm nhiên công nhận rằng mình đạo Jurassic Park bằng cách cho chính các nhân vật trong truyện của mình lôi tên tác phẩm ra bàn, và bảo rằng sao mà mọi thứ diễn ra giống với Jurassic Park kinh khủng như vậy.
Tuy nhiên, dù giống nhau đến thế, hai thằng này sẽ mang đến cho anh em hai trải nghiệm trái ngược hẳn với nhau. Blue World là một cuốn Techno-thriller truyền thống, tập trung rất mạnh vào việc gây kịch tính giật gân và tạo cảm giác hồi hộp ở độc giả. Nó lại còn được viết bởi một ông tác giả vốn khét tiếng là làm truyện theo một kiểu rất khô, thế nên đọc vào sẽ thấy nghiêm túc với sự vụ sự việc cực kỳ. The Kaiju Preservation Society thì bỡn cợt từ đầu đến cuối, gần như không thể nào đi quá hai câu mà không thấy một câu chớt nhả hô hố đập vào mặt. Nó đánh mạnh vào khoản tạo hài hước và thư giãn ở độc giả, bởi vì chính bản thân ông tác giả khi viết ra quyển này cũng chỉ muốn tạo ra một trò đùa nhẹ nhàng để quên đi cái thực tại tăm tối hiện thời. Chính bởi vậy, kể cả nếu đã đọc một trong hai thằng rồi, mọi người vẫn nên ngó thử thằng còn lại nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓