Trong cái bài review về The Ones Who Walk Away from Omelas ngày hôm trước, mình có đề cập đến việc bản thân đã bị spoil sạch nội dung của truyện trước khi động vào thằng này. Và hài hước một chỗ là thứ khiến truyện bị spoil lại đối với mình lại không phải là một bài review, phân tích, giới thiệu, hay bất cứ thứ gì tương tự vậy cả. Nó thậm chí còn chẳng dính dáng gì đến truyện ngoại trừ việc thả đúng một chữ duy nhất vào trong nội dung. Cái đấy là To The King, một bài hát fanmade cho game Hollow Knight. Anh em có thể xem nó bên dưới.
Số là mấy bữa trước, mình có muốn tìm lại một bài hát về Hollow Knight từng nghe, nhưng nay không còn nhớ tên nữa. Thế là mình chỉ đơn thuần tra “hollow knight song” trên Youtube, với hy vọng sẽ thấy nó xuất hiện đâu đó gần đầu bảng kết quả tìm kiếm. Ngay khi tra cụm kia, kết quả đầu bảng chính là cái bài To The King này. Dù đây không phải là bài muốn tìm, mình vẫn thấy nó trông hay hay, và đã bấm vào nghe thử. Và trong cái bài đấy, tầm giây thứ 40s gì đó, một đoạn như sau xuất hiện:
How much is too much,
oh just what is the cost?
To keep up this faded and cursed Omelas?
Tạm dịch:
Hỡi ôi, đắt đến bao nhiêu mới là quá đắt đỏ,
cần phải trả tận cái giá nào nữa đây?
Chỉ để duy trì chốn Omelas điêu tàn bị nguyền rủa này?
Lúc nghe đến đây, mình ban đầu tưởng nó là một tình tiết liên quan đến lore của Hollow Knight, và đã thấy hơi ngạc nhiên vì không nhớ Hollow Knight có cái Omelas nào cả. Thế là mình đã kéo xuống comment bên dưới để xem có ai đả động đến nó không, hoặc không thì chí ít cũng có ai chép lại lời bài hát không để copy cái từ kia đi tra cứu thử. Và chỉ kéo một tí thôi, mình đã vớ được một comment như sau:
This is a fact for those who want to know about the word ‘Omelas’
According to what I found, it is a city described in a book called ‘The Ones Who Walk Away from Omelas’, where a relationship is found regarding the reign of the pale king. Basically, it describes the city of Omelas as a utopia where everything is happiness, but at the cost that a child must suffer, so that the whole city can obtain that happiness.
Tạm dịch:
Thông tin cho những ai muốn biết về ‘Omelas’ này
Theo những gì tôi tìm hiểu được, nó là một thành phố được khắc họa trong một cuốn sách có tên ‘The Ones Who Walk Away from Omelas,’ và trong này có một mối quan hệ giống với triều đại của bạch vương. Truyện đại khái miêu tả thành phố Omelas dưới dạng một utopia, nơi ai nấy đều hạnh phúc, nhưng cái giá cần trả để cả thành phố có được hạnh phúc đó là phải để một đứa trẻ con bị đày đọa.
Vì nghe miêu tả đấy quá ấn tượng, mình đã thử tìm hiểu thêm về truyện, và sau đó điều gì xảy ra thì anh em biết rồi đấy 🐧.
Bây giờ ngẫm lại, mình nhận thấy Hollow Knight quả thật là một câu chuyện anh em nên trải nghiệm ngay sau khi đọc The Ones Who Walk Away from Omelas (từ giờ gọi tắt là Omelas). Thằng này ngược với Omelas trên gần như mọi phương diện. Nó là game, Omelas là truyện; nó là một câu chuyện phiêu lưu truyền thống với cốt nghiêm chỉnh, Omelas là một bài phê bình dòng văn Utopia/Dystopia đội lốt một câu chuyện và cốt chẳng có mấy; nó có chất Fantasy cực kỳ mạnh, Omelas thì có khi bảo không phải SFF cũng chẳng chết ai; nó chạy dài dằng dặc, kể cả nếu mọi người có không chết phát nào trong suốt quá trình chơi, Omelas thì chỉ ngắn có một mẩu;… Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên bài hát này lại đem Omelas ra để ví với cái thành phố ngầm của lũ bọ trong Hollow Knight. Anh em sẽ phải đào bới và tìm tòi một chút, bởi vì game giấu cái cốt và nền tảng thế giới của nó kỹ vl, nhưng nếu chịu bỏ công sức tìm hiểu, mọi người sẽ thấy cơ cấu hoạt động của thế giới hai bên đều giống hệt nhau: cùng là một thành phố nơi một đứa trẻ vô tội bị đem thí mạng, vĩnh viễn phải chịu đau khổ bên trong một ngục tù để đảm bảo hạnh phúc cho tất cả những công dân khác.
Đáng chú ý nhất, cái Omelas của Hollow Knight chính ra còn vững chãi hơn hẳn Omelas Le Guin đã vẽ lên cơ. Trong truyện của Le Guin, Omelas cứ bị tác giả tìm cách làm cho có vẻ giống thật và khả thi nhất có thể, trong khi quả twist của nó vốn rất bất khả thi. Mặc dù đây không phải là khuyết điểm của nó, bởi vì Le Guin muốn dùng chính cái sự chém lố và bất khả thi đấy để đá xoáy các tác phẩm cùng dòng, việc tác giả cứ tìm cách thuyết phục người đọc rằng Omelas có thể có thật trong khi làm nó quá phi thật không khỏi làm nhiều người cảm thấy sự tồn tại của thành phố có phần khiên cưỡng. Riêng Hollow Knight thì nó ngay từ đầu đã là một câu chuyện trông Fantasy thấy rõ rồi, không thể nào có thật được, thế nên ta không thấy cái Omelas trong đấy bị ngáo hay gì cả.
Thêm vào đó, Omelas bản gốc của Le Guin chỉ như một phần giới thiệu ý tưởng vắn tắt thôi chứ không có sự triển khai sâu. Trong truyện, tác giả miêu tả lại hiện trạng cái thành phố Omelas và… chẳng gì nữa. Ta chỉ dừng đúng phóc ở thời hiện tại, như thể được cho xem một bức ảnh tĩnh, không hơn không kém. Hollow Knight thì kéo giãn tuyến thời gian theo cả hai hướng. Game đào sâu vào trong quá khứ cái Omelas của mình, khắc họa cách nó hình thành, lý do nó phải có cái hệ thống đáng nguyền rủa kia, và sự hiệu quả của hệ thống đấy sau khi nó được áp dụng. Tại thời điểm câu chuyện của game xảy ra, Omelas của Hollow Knight đã giam cầm đứa trẻ của mình được một thời gian rồi, và ta được thấy sự hiệu quả của giải pháp đó kỳ thực ra sao. Nói chung là ở góc độ xây dựng thế giới thuần túy, Omelas của Hollow Knight công phu hơn Omelas của Le Guin nhiều lắm.
Vì Hollow Knight thuộc thể loại Soulslike, tức sử dụng những mô típ na ná Dark Souls, một game vốn khét tiếng là đòi hỏi người chơi phải tìm kiếm thông tin rất mệt mỏi thì mới thực sự hiểu được tường tận mọi thứ về câu chuyện của nó, thế nên anh em có thể sẽ cần phải tốn rất nhiều thời gian với cái game này thì mới luận ra được hoàn toàn câu chuyện của nó. Nếu ngại phải đi lục lọi, mọi người có thể tham khảo cái clip tóm tắt phần câu chuyện của cái Omelas sâu bọ này ở đây nhé:
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓