Chuyển đến nội dung chính

Alice in Wonderland, Terminal Boredom, và cuộc khám phá lòng vòng

 Bài về Alice chỉ vì h̵ú̵t̵ ̵c̵ầ̵n̵ bám theo một con thỏ mà đã tình cờ có một chuyến phiêu lưu nhớ đời khiến mình nhớ lại cái hành trình nhảy cóc cũng sặc mùi random không kém đã đưa mình đến với Terminal Boredom: Stories, bộ tuyển tập Sci Fi Nhật mới review bữa trước.

Mốc khởi điểm của cái hành trình ấy là một thứ không có tí chất Sci Fi nào hết: Blue Giant. Cụ thể, đây là một bộ manga xoay quanh nỗ lực của một anh cu mới tốt nghiệp cấp 3 rất đam mê nhạc jazz, và đang cố gắng trở thành một nhạc sĩ saxophone trong mảng này. Đâu tầm gần cuối tháng trước, mình có đọc lại series ấy, và lúc cày xong thì nổi hứng muốn tìm hiểu thêm một tí về làng jazz Nhật.

Lúc tra thử các nhạc sĩ saxophone jazz nổi tiếng của Nhật, mình mò đến một trang wiki, liệt kê một số nghệ sĩ tiêu biểu. Tình cờ thì vì có tên bắt đầu bằng chữ “A,” đứng đầu cái bảng đó là Kaoru Abe, và thế là mình cứ thế bấm vào thôi. Vừa đọc được vài dòng thì tự nhiên lướt ngang dòng chữ thanh niên này từng dính đến một cái phim có tên Endless Waltz, và đã phải khẩn cấp tua ngược lại đọc cho kỹ vì cứ tưởng ông anh từng làm gì đó cho Gundam (trong trường hợp anh em không biết, Endless Waltz là tên một bộ phim trong vũ trụ Gundam hồi năm 90). Lúc lần ngược lại rồi mới thấy đây là một cái phim tiểu sử bình thường, không dính dáng gì đến thằng Gundam hết.

Từ đoạn này, mình lại tiếp tục đi tra bên ngoài xem cái phim Endless Waltz đấy cụ thể ra sao (Wiki không có bài riêng). Vì phim khá cũ mà cũng chẳng nổi lắm nên gần như chẳng có tí thông tin gì về nó cả, nhưng may mắn là trên Youtube có một cái trailer với miêu tả nội dung khá chi tiết. Đọc phần nội dung thấy giới thiệu phim kể về cuộc tình sóng gió giữa Kaoru Abe và một cô gái tên Izumi Suzuki thấy khá thú vị, và đặc biệt trí tò mò lại càng thêm phần kích thích vì cái trailer trông như porn (nhà tôi bể cá hơi to, anh em thông cảm tí 🐧 ), mình tra thử tiếp về cái cô Izumi Suzuki kia. 

Ngay khi search xong thì đập vào mặt là kết quả như hình 1 bên dưới.


Bất ngờ trước việc cô này là một tác giả Sci Fi, và thậm chí xem chừng còn có số có má đến mức để thiên hạ viết bài giới thiệu, mình đã bấm thử vào xem. Đọc vào mới thấy cái cô này cuộc đời ấn tượng kinh khủng, và tình cờ thì lại còn vừa có một tuyển tập truyện đầu tiên được dịch sang tiếng Anh nữa chứ.

Và thế là sau một hồi chạy từ manga sang nhạc jazz, giữa đường lạc vào horny jail, rốt cuộc lại mò ra một cuốn Sci Fi thú vị.

Quả đúng là mọi con đường đến dẫn đến Sci Fi mà 🐧.

Vụ này làm mình nhớ tiếp đến một cái thớt trong r/printSF, một subreddit chuyên về truyện Sci Fi. Thớt này đề xuất rằng printSF hàng tháng nên có một thớt giới thiệu các cuốn Sci Fi hiếm ai biết đến. Ý tưởng đấy được thiên hạ vào hưởng ứng khá mạnh (mặc dù cho đến nay chưa thấy ai triển khai nó thật cả 🐧 ), và trong đấy đáng chú ý nhất có hai comment như hình 2 và 3 bên dưới.

Một người bên cạnh việc ủng hộ ý tưởng thì còn chỉ ra một vấn đề mà cái subreddit này hay gặp phải: nhai lại. Cụ thể, khi có ai vào xin giới thiệu truyện, thường kiểu gì cũng sẽ có một số tựa ai cũng đã nhẵn mặt bị thả vào. Vì mấy cuốn đấy nổi quá rồi, thế nên nhiều người vào nhìn thương hiệu thân quen là auto upvote, và thế là mấy thằng ít tên tuổi phải cạnh tranh rất mệt. Và như anh em có thể thấy trong các reply bên dưới, “thủ phạm” thường gặp nhất là Hyperion của Dan Simmons, series Culture của Iain M. Banks, Blindsight của Peter Watts, Tam Thể của Lưu Từ Hân…


Nhưng đồng thời, cũng có một comment khác nêu ra một ý kiến khá chí lý. Comment ấy bảo rằng đúng là quanh đi quẩn lại có mỗi từng kia thì tù đọng thật đấy, nhưng vẫn có những cuốn dù mang tiếng là nhai lại trong cái subreddit này, chúng nó chưa chắc đã là thứ ai cũng có thể tự nhiên mò ra. Hyperion, cuốn đã bị nhai lại nhiều đến thành meme trong đấy, là ví dụ điển hình. Người ta có thể đọc hết Hunger’s Game, Ender’s Game, The Martian, và đủ kiểu truyện nổi khác, nhưng chưa chắc đã từ đấy nhảy được ra đến Hyperion. Chính thế nên cũng đừng vội nghĩ những quyển có vẻ nổi thì không cần giới thiệu, vì chưa chắc thiên hạ kiểu gì cũng sẽ auto tìm ra được nó đâu.


Ngẫm lại thấy đôi bên kể cũng có cái lý đúng riêng. Mấy thằng như kiểu Hyperion với Culture kể cũng nổi đấy nhưng hơi khó có thằng Sci Fi hiện đại nổi nào dẫn ngược lại được (mặc dù sắp tới thằng Dune ra mắt thì chắc Hyperion cũng sẽ lại được tìm kiếm mạnh lên thôi), thế nên nếu không đem ra nói thì chưa chắc người chưa đọc sẽ tự loay hoay mò thấy. Nhưng cái gì cũng phải cân bằng một tí, nếu tối ngày cứ chỉ loanh quanh luẩn quẩn mấy gương mặt thân quen, xong để những cuốn như Terminal Boredom chịu kiếp “bị” khai quật ra nhờ horny searching kể cũng hơi thốn 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.